Khoảng trung tuần Tháng 5, 1975, khi ấy tôi mới là cậu nhóc 12 tuổi, được người anh giữa, lúc đó 19 tuổi vừa học xong năm thứ nhất Luật khoa Sài Gòn chở đi mua sách bày bán hai bên lề các con đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và rải rác trong khu vực Quận 3 và Quận 1. Lúc đó, ở vỉa hè là cả một nền văn hóa. Nhiệm vụ của tôi đi theo là để giữ xe cho anh lựa sách.
Tôi thấy họ bày bán rất nhiều sách còn mới nguyên, có lẽ họ lấy từ kho sách của các nhà xuất bản chưa kịp phân phối, tất cả đồng giá 100 đồng/quyển. Mỗi lần như vậy, anh lại mang về chục quyển. Tôi hỏi sao anh mua nhiều vậy thì anh nói: “Có nhiều quyển hay quá mà trước đây anh không đủ tiền mua. Đây em xem quyển Về miền đất hứa – Exodus, tác giả Leon Uris…”. Đi được vài lần thì không thấy ai bán nữa. Anh tôi mua cũng nhiều, cũng đủ rồi nên chẳng quan tâm.
Trước đó, gia đình tôi đã có tủ sách lớn với sự đóng góp của cả ba thế hệ.
Bố tôi chỉ chọn những tác phẩm cổ điển như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn, các tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê, bộ sách Học làm người của Nguyễn Duy Cần và các sách bằng tiếng Pháp của riêng ông (tôi không biết tiếng Pháp).
Anh lớn của tôi thường chọn mua các sách về triết như Triết học nhập môn, Lịch sử triết học phương Tây và những tác phẩm văn học cận đại như: Kẻ ăn mày phép lạ của Gheorghiu, Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ của James Joyce, Vườn đá tảng của Nikos Kazantzakis… Anh tốt nghiệp cử nhân Luật khoa Sài Gòn nên có rất nhiều sách luật học, đặc biệt anh thường được các tác giả tặng các tập thơ, ấn phẩm nhạc đương thời.
Người anh giữa (người dẫn tôi đi mua sách) đậu tú tài năm 1974 – kỳ tú tài duy nhất thi trắc nghiệm trước năm 1975, chấm bằng máy IBM nên còn gọi là “tú tài IBM”. Bố tôi giao cho anh nhiệm vụ mua sách cho tôi và người anh kế tôi đọc. Cho nên ngay từ khi lên 10, tôi đã đọc những truyện Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Bồn lừa… của tác giả Duyên Anh, hoặc các truyện Hoa đỏ (trinh thám, phiêu lưu) thuộc Tủ sách Tuổi Hoa, Tâm hồn cao thượng của De Amicis bản dịch Hà Mai Anh, các truyện dịch Vô gia đình, Hai vạn dặm dưới đáy biển… Anh thường mua cho mình sách khoa học, truyện dịch nhưng tuyệt đối không mua truyện chưởng, kiếm hiệp vì ngay gần nhà tôi đã có nhà sách Cảnh Hưng góc Phan Đình Phùng – Cao Thắng chuyên cho thuê loại truyện này!
Tính đến thời điểm đó, tủ sách nhà tôi có hơn ba trăm quyển, đủ các thể loại, chứa đầy trong hai kệ lớn. Nhưng niềm vui của anh em tôi không được lâu. Tháng 5, 1977, Sở Văn hóa và Thông tin của chính quyền mới ra thông tri số 1230/STTVH/XB yêu cầu dân chúng hoặc phải tiêu hủy hoặc phải giao nộp toàn bộ các ấn phẩm văn hóa của chế độ Sài Gòn.
Những cuốn sách mà gia đình tôi chắt chiu, giờ bỗng nhiên bị cấm lưu hành. Giữ chúng trở thành truyền bá sách báo phản động. Muốn yên thân thì phải tiêu hủy hoặc giao nộp chính quyền.
Anh giữa lúc bấy giờ đã trở thành người đàn ông lớn nhất trong nhà vì bố và anh lớn tôi đang đi tù cải tạo. Anh có quyết định rất táo bạo: Không biết bằng cách nào anh đem về nhà hai thùng phuy cũ, loại 200 lít đặt dưới bếp. Anh bảo chúng tôi: “Các em lấy các tạp chí giấy láng bóng dán quanh mặt trong thùng phuy. Sau đó đặt khung gỗ vào để cách mặt đáy thùng. Quyển nào anh chọn để phía bên phải thì xếp vào thùng”.
Chúng tôi làm theo. Anh cứ tần ngần, lưỡng lự chọn quyển này, bỏ quyển nọ, tôi biết anh rất tiếc khi phải bỏ đi một quyển sách. Anh phân làm ba loại: Các sách giáo khoa như bộ sách toán của các thầy Nguyễn Văn Phú – Nguyễn Tá (trường Hưng Đạo) thì để lại trên kệ; những sách, truyện hay thì giữ lại cất trong thùng phuy; những quyển còn lại đem đi nộp. Anh dặn dò chúng tôi rất kỹ, muốn xem quyển nào thì lấy quyển đó thôi và luôn đặt trên mặt thùng phuy ba lớp củi khô. Mỗi lần lấy sách ra đọc rất khó khăn nhưng thật không uổng công.
Lúc ấy khan hiếm chất đốt nên những quyển sách hư nát được dùng với sứ mệnh hữu ích cuối cùng là thay củi nấu cơm, nấu nước uống; khi đốt mấy quyển này nước mắt tôi ràn rụa…
Ngay từ lúc học cấp hai, tôi và các bạn học đã chơi thành nhóm để trao đổi sách. Bọn tôi đặt ra quy ước: Mỗi bạn phải góp vào vài quyển sách hay để cả nhóm cùng đọc. Lúc này bọn tôi thường đọc truyện phiêu lưu mạo hiểm kiểu Bá tước Monte Cristo, Ba chàng ngự lâm của Alexandre Dumas; vẫn còn thích truyện tranh Sách Vàng vì hình vẽ đẹp quá! Tuy bị cấm nhưng vẫn lén đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung, thậm chí còn đặt biệt hiệu kiểu võ lâm cho nhau nữa.
Lên đến cấp ba, bọn tôi bắt đầu đọc truyện dài và những tác phẩm văn học kinh điển. Trong các quyển bọn tôi đọc khi ấy có hai quyển được thảo luận sôi nổi là The Godfather của Mario Puzzo – Bố già, bản dịch Ngọc Thứ Lang và Gone with the Wind của Margaret Mitchell – Cuốn theo chiều gió, bản dịch Vũ Kim Thư.
Nhân vật bố già Vito Corleone, ông trùm buôn lậu, gá bạc và chứa gái! Một người xấu, dĩ nhiên! Nhưng ông không mất hết nhân tính. Ông không chấp nhận buôn ma túy và chính điều ấy suýt làm ông mất mạng. Ông biết buôn ma túy rất lời nhưng đã từ chối bởi không muốn kiếm tiền mà hủy hoại nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Có lẽ nhờ đọc quyển này mà bọn tôi không hề đụng tới ma túy – điều mẹ tôi rất lo lắng về mấy đứa con trai đang lớn mà trong nhà lúc bấy giờ thiếu vắng sự chỉ bảo của người cha.
Cuốn theo chiều gió với bối cảnh thời nội chiến và hậu chiến của nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, tác giả xây dựng hai nhân vật nam điển hình, một Ashley Wilkes thông minh, lịch lãm, cương trực và một Rhett Butler bản lĩnh, cơ hội nhưng rất hiệp nghĩa. Bọn tôi đã nhiều lần tranh luận về hai nhân vật này nhưng chưa bao giờ có hồi kết, mỗi người vẫn giữ quan điểm riêng. Hai nhân vật Ashley và Rhett của tác giả Margaret Mitchcell tiếp tục là đề tài mà tôi và các bạn đồng trang lứa trong nhiều năm sau vẫn đem ra thảo luận sôi nổi, rồi tự xây dựng hình mẫu người đàn ông của riêng mình.
Đọc sách rồi, bọn tôi lại càng muốn được xem phim. Nhưng phải đợi thêm chục năm nữa tôi mới được xem The Godfather, Gone with the Wind và Doctor Zhivago.
Hồi ấy, bọn tôi như kẻ đói khát có thức ăn thì ngấu nghiến ăn. Đọc rất nhiều nhưng quả thực cũng không hiểu nhiều vì còn quá trẻ. Đọc rất nhanh như sợ ngày mai không còn sách để đọc. Mà quả thật điều này đã ứng vào tôi.
Mùa mưa năm 1980, nhà dột nhiều không có tiền tu sửa, nước mưa ngấm vào phuy sách, chỉ vài tuần không để ý thế là lũ mối xuất hiện cắn nát hết. Anh em tôi phải lôi sách ra, kiểm tra kỹ từng quyển, quyển nào hư quá để riêng, quyển nào hư ít xịt thuốc tạm giữ lại, quyển còn tốt thì để lên kệ lẫn với mấy quyển sách mới. Lúc ấy khan hiếm chất đốt nên những quyển sách hư nát được dùng với sứ mệnh hữu ích cuối cùng là thay củi nấu cơm, nấu nước uống; khi đốt mấy quyển này nước mắt tôi ràn rụa, không biết do khói um làm cay mắt hay do điều gì khác!
Hơn mười năm sau khi rời ghế trường phổ thông tôi mới có cơ hội bước vào giảng đường đại học. Tủ sách gia đình tôi lại có thêm nhiều quyển mới. Khi con lớn lên, tủ sách càng đầy thêm nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại vài quyển. Có lần bảo con sắp xếp lại kệ sách, con cầm mấy quyển sách xưa bảo: “Mấy quyển này cũ nát rồi, bỏ đi nha ba. Mua quyển mới cho đẹp”.
Quả thật những quyển sách ngày ấy mà mấy anh em tôi cố gắng cất giữ trong thùng phuy bây giờ được in lại rất đẹp. Ngay tại đường sách Nguyễn Văn Bình, có những quầy sách cũ giờ bày bán, trao đổi những ấn bản giống hệt những quyển cũ nát mà con tôi đòi vứt bỏ. Thế mà vẫn có nhiều người hỏi mua với giá cao gấp nhiều lần ấn bản mới in lại trên giấy tốt, trình bày mới lạ.
Những lúc như vậy, tôi chỉ biết cười với con: “Đó là những kỷ niệm thời còn trẻ của ba. Con có thể mua được quyển mới đẹp hơn những trang sách ố vàng nhưng bản sách mới không thể thay thế được những quyển sách đã cũ nát này, vì chính nó ghi đầy dấu thanh xuân trong ký ức của ba”.