Lăng mộ cụ Trương Vĩnh Ký lặng lẽ giữa ồn ào phố thị

Lăng và nhà tưởng niệm cụ Trương Vĩnh Ký tại số 520 đường Trần Hưng Đạo – góc Trần Bình Trọng (trước năm 1955 là Paulus Của và từ 1955 đến nay cũng mang tên này)

Tại góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng quận 5 luôn ồn ào tấp nập, khu lăng mộ và nhà tưởng niệm của cụ Trương Vĩnh Ký nằm lặng lẽ như chìm vào một cõi khác.

Lăng nhìn từ cổng tam quan

Hiếm người biết đây từng là nơi cư ngụ và chôn cất một danh nhân nổi tiếng nhất đất Việt hồi cuối thế kỷ 19, đồng thời là người sáng lập ra tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên Gia Định báo.

Đến thăm lăng mộ và nhà tưởng niệm của cụ Trương Vĩnh Ký hay còn gọi là Petrus Ký (1837-1898) hồi năm 2015 và Tháng Chín 2022, tôi thấy khung cảnh vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ có thêm bức tượng bán thân của cụ đặt trong lăng mộ. Người ra vào thường xuyên vào khu vực lăng mộ này chỉ có mục đích… uống cà phê hoặc ăn ốc, nhậu nhẹt. Hiếm người tìm đến viếng cụ như một danh nhân văn hóa nước Việt.

Nhà tưởng niệm được trùng tu vào ngày 6 Tháng Mười Hai 1937 trên nền ngôi nhà gỗ cũ của cụ Trương Vĩnh Ký
Phía sau lăng và nhà tưởng niệm là nghĩa trang với những tấm bia mang họ Trương và một vài họ khác (là dâu/rể của nhà họ Trương)
Nhà mồ của gia đình Trương Vĩnh Việt, không rõ là con hay cháu của cụ Trương Vĩnh Ký. Khung cảnh hoang tàn không được chăm sóc

Lăng mộ và nhà tưởng niệm cụ Trương Vĩnh Ký đến nay vẫn chưa được chính quyền công nhận là di tích lịch sử và văn hóa. Từ năm 1975, nhà tưởng niệm đã có hai gia đình ở, không rõ là ai, báo Việt Nam viết là hậu duệ của cụ, nhưng báo nước ngoài khẳng định không phải. Trong khuôn viên, bên trái là quán ốc phục vụ từ chiều đến 23 giờ đêm và bên phải là bãi giữ xe.

Cụ Trương Vĩnh Ký là một học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà báo và nhà văn nửa sau thế kỷ 19. Cụ say mê văn học chữ Quốc ngữ và được coi là một trong những người đặt nền móng cho nền văn học mới với chữ Quốc ngữ. Cụ là người khởi xướng dùng chữ Latin cho tiếng Việt và là người tiên phong trong việc viết chữ Quốc ngữ. Cụ đã để lại cho đời sau di sản hơn 100 tác phẩm văn học, lịch sử và địa lý, cũng như các từ điển và tác phẩm dịch khác nhau, tuy nhiên đến nay không được xuất bản và quảng bá rộng rãi.

Sau khi qua đời, cụ Trương Vĩnh Ký được chôn cất trong khu vườn có ngôi nhà của cụ sinh sống được xây dựng bằng gỗ trên cùng mảnh đất vào năm 1861 ở Chợ Quán. Hồi những năm 1935-1937, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ, Hội Trí Tri đã xây lăng mộ theo phong cách cổ điển phương Tây. Đồng thời, trùng tu ngôi nhà cũ để làm nhà tưởng niệm. Tuy nhiên, cổng vào là cổng tam quan theo kiến trúc của các ngôi chùa cổ Việt Nam.

Lăng mộ cụ Trương Vĩnh Ký, diện tích khoảng 50 m2, là một công trình kiến ​​trúc đa giác đơn giản, với ngói vảy cá được lợp trên mái. Những đường viền nối các mái đều đắp nổi hình rồng, đỉnh mái có hình Thánh giá. Các cạnh được nối với nhau bằng đường viền trang trí đắp nổi hình rồng theo kiểu long hồi, với đuôi rồng hướng lên nóc mái, thân rồng uốn theo đường viền và đầu rồng bên dưới ngước lên. Đỉnh mái được đặt cây Thánh giá. Lăng mộ có ba cửa ở ba phía Bắc, Tây và Nam. Phía trên mỗi cửa đều có Thánh giá và các dòng chữ Latin được trích từ Kinh thánh phổ thông (kinh thánh Vulgate).

Những ngôi mộ khác mang họ Trương nằm trong sự lạnh lẽo hoang vắng
Bên trong lăng mộ có bàn thờ xây sát tường. Đối diện bàn thờ là mộ cụ Trương Vĩnh Ký, có tấm bia bằng phẳng với mặt sàn ghi tên cụ, mang hình cây Thánh giá phía trên. Hình này được chụp vào năm 2015. Khi ấy chưa xuất hiện bức tượng bán thân của cụ Trương Vĩnh Ký
Hình chụp Tháng Chín 2022, giữa bàn thờ và mộ cụ Trương Vĩnh Ký có bức tượng bán thân của cụ
Tượng chân dung cụ Trương Vĩnh Ký – người luôn xuất hiện trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng của Việt Nam và từ chối nhập quốc tịch Pháp
Bên trong lăng dưới góc nhìn rộng. Nền lăng được lát gạch và có ba phần mộ – ở giữa là mộ cụ Trương Vĩnh Ký, bên trái là phần mộ của bà Maria Trương Vĩnh Ký, và bên phải là phần mộ con trai cả của cụ là Jean-Baptiste Trương Vĩnh Thế

Cửa lăng hướng ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ “Miseremini mei saltem vos, amici mei” – theo Kinh Cựu ước về ông Gióp (Job) chương 19 đoạn 21, có thể hiểu là “Xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn”. Cửa lăng hướng ra đường Trần Bình Trọng có dòng chữ “Fons vitae eruditio possidentis” – theo lời của Vua Salomon chương 16 đoạn 22, có thể hiểu là “Người có tri thức, tức có được nguồn sự sống”. Cửa lăng thứ ba có dòng chữ “Omnis qui vivit et credit in me non morietur in aeternum” – trích từ Tin mừng theo thánh Johannis (Phúc âm Gioan) chương 11 đoạn 25, có thể hiểu là “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.

Trong cả hai lần đến đây – cách nhau bảy năm, tôi không thể vào trong lăng mộ vì cả ba cửa đều có cửa sắt khóa kín. Tường bên trong lăng được sơn bằng màu xanh lam nhạt, trên trần là họa tiết rồng vàng xanh nổi bật trên nền trần màu trắng. Nền lăng được lát gạch và cũng là nơi của ba ngôi mộ – ở giữa là phần mộ cụ Trương Vĩnh Ký; bên trái là phần mộ bà Maria Trương Vĩnh Ký, nhũ danh Vương Thị Thọ (mất ngày 17 Tháng Bảy 1907); và bên phải là phần mộ con trai cả của cụ là Jean-Baptiste Trương Vĩnh Thế (mất ngày 26 Tháng Mười 1916). Một góc tường ở bức tường phía Đông phía sau lăng mộ là bàn thờ màu trắng và vàng trang nhã.

Hoa văn trên trần lăng, chính giữa vẽ hình một con lân mã chở hà đồ đang vờn trong vòng tròn mây gió. Hình ảnh tám con rồng trên nóc và con lân mã chở hà đồ trên trần trong nhà mồ như muốn nói lên chủ trương lưu giữ nền tảng phương Đông của nhà bác học họ Trương. Trần lăng hiện có dấu hiệu thấm nước
Chóp lăng dưới góc nhìn trực diện từ cổng tam quan đi vào. Dòng chữ Latin “Miseremini Mei Saltem VC S Amici Mei” (có lỗi chính tả trên bản khắc chữ, đúng ra là vos mà không phải là VC S) có thể hiểu là “Xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn”
Mặt lăng cụ Trương Vĩnh Ký đối diện với đường Trần Bình Trọng. Từ cửa này người quan sát có thể thấy trực diện bàn thờ tổ tiên và bia cụ Trương Vĩnh Ký. Dòng chữ Latin “Fons Vitae Ervditio Possidentis” (có lỗi chính tả trên bản khắc chữ, đúng ra là Eruditio) có thể hiểu là “Người có được tri thức, tức có được nguồn sự sống”
Cửa lăng mộ thứ ba của cụ Trương Vĩnh Ký đối diện với nghĩa trang của họ Trương. Dòng chữ Latin “Cmnis Qvi Vivit Et Credit In Me Non Morietvr in Aeternvm” có thể hiểu là “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”

Điều kỳ lạ là mặc dù chính quyền để lăng mộ của cụ Trương Vĩnh Ký bị hoang phế (trở thành nơi kinh doanh của một nhóm người không rõ là ai); sách viết về cụ của học giả Nguyễn Đình Đầu mang tên “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ” bị thu hồi sau khi cấp giấy phép xuất bản cho Nhã Nam hồi Tháng Một 2017, nhưng chính quyền TP.HCM lại cho phép một ngôi trường tư thục mang tên Trương Vĩnh Ký (THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, số 110 đường Bành Văn Trân, phường 7 quận Tân Bình; và số 21 đường Trịnh Đình Trọng, phường 5, quận 11), và có một con đường mang tên Trương Vĩnh Ký ở phường Tân Thành, quận Tân Phú. Lăng và nhà tưởng niệm cụ Trương Vĩnh Ký tọa lạc tại số 520 Trần Hưng Đạo (trước năm 1955 là đại lộ Galliéni và từ 1955 đến nay vẫn là đường Trần Hưng Đạo) thuộc quận 5, Sài Gòn.

___________

Bài và ảnh: Tidoo Nguyễn

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: