Nắng Sài Gòn 

Sài Gòn, một ngày nắng (ảnh: pexels-anna-tarazevich)

Mùa nắng, nếu phỏng vấn mười thị dân coi họ thích mưa hay thích nắng, chắc chín người đều nói thích mưa, cụ thể “mưa đi cho nó mát chứ trời nóng quá”. Cũng chín thị dân đó vào mùa mưa sẽ trả lời là thích nắng, cầu “nắng đi ông ơi để còn làm ăn, mưa quài”. Một người còn lại là tôi, người đi hỏi ngớ ngẩn.

Nói chung, dân Sài Gòn độ lượng, bao dung và… linh hoạt. Trời Sài Gòn cũng vì vậy mà xông xênh hai mùa mưa nắng, trong mùa nắng có mưa, trong mùa mưa có nắng. Những buổi chiều mưa Sài Gòn, tôi thường bỏ hết việc, bỏ hết deadline, bỏ luôn cái điện thoại (một bộ phận cơ thể tách rời, có thể thay mới dễ dàng của người hiện đại)… ngồi bó gối ở ban công sân thượng nhìn sét giăng tơ ở trên đầu các toà nhà trước mặt, vừa nhung nhớ người yêu mới, vừa trù ẻo người yêu cũ, vừa ngó xuống đất nhìn thiên hạ lặn ngụp giữa dòng đời hối hả, vừa nhấp miếng cà phê hoặc bia lạnh.

Sài Gòn nhiều quán cà phê tiện nghi, có máy lạnh, nhưng thị dân lại thích các quán nho nhỏ dễ thương có giàn cây rũ mát để vừa tránh nắng vừa ngắm người qua lại (ảnh: Du Uyên)

Mừng thầm vì bản thân thảnh thơi yên vị trong chiếc lồng xi măng, thở dài thầm thương cho những con người đang lạc giữa lòng đường Sài Gòn mùa mưa, nhất là buổi chiều người ta đồng loạt tan học tan làm – ôi cha “hén” kẹt (xe), “hén” ngập… Phải ở trong cảnh đó rồi mới thấy các áng văn, thơ, nhạc đầy thi vị về mưa Sài Gòn thật là không thực tế, chẳng có gì thi vị khi sét đang giăng tơ trên đầu, mưa đang rớt lộp độp trên vai, chân đang lún dần xuống làn nước đục ngầu không được miệng cống hoan nghênh… hay là do ngày xưa – khi các áng văn, thơ, nhạc đầy thi vị đó ra đời, Sài Gòn chưa ngập như bây chừ?

Phải ở trong cảnh đó rồi mới thấy cái cái nắng cháy da, cong tóc của mùa nắng Sài Gòn cũng dễ thương. Nói nào ngay, tìm ra điểm khác nhau giữa một Sài Gòn nắng và một Sài Gòn mưa thì hơi khó, hầu như mọi thứ đều giống nhau. Nắng thì xe vẫn kẹt, đôi khi kẹt bạo hơn trời mưa vì ít ai “ngán ra đường”, xe kẹt chứng tỏ người vẫn… đông (y như cái định nghĩa đường hư vì xe chạy của mấy ông quan chức).

Nhưng mùa nắng Sài Gòn sẽ không làm diện mạo vừa trang điểm đẹp đẽ của bạn ướt nhẹp, lộn xộn khi đi bát phố cuối tuần. Mùa nắng Sài Gòn sẽ không khiến bạn bồn chồn lo lắng khi mở tiệc ngoài trời/sân vườn, sợ cái cảnh khách đang “sung” nhảy nhót ăn mừng phải tốc váy, xăn quần chạy núp mưa. Mùa nắng Sài Gòn sẽ không khiến bạn vừa mặc áo mưa vào thì trời tạnh mưa, vừa cởi áo mưa ra thì trời mưa lại. Mùa nắng Sài Gòn sẽ giúp bạn không ghét… mưa nữa, ít nhất là trong vài tháng trước khi tới mùa mưa. Quan trọng là, nắng Sài Gòn sẽ rất đẹp, rất thơ nếu thành phố này không bị sa mạc hóa như bây giờ.

Sài Gòn xuất thân là một vùng đầm lầy, sông nước. Nhiều thế hệ đi trước đã góp công lớn cải tạo, xây dựng nên một Sài Gòn phồn hoa, vừa có cảng giao thương, vừa có đại lộ rực rỡ với “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” vừa không bỏ quên những mảng xanh cần thiết để bảo vệ lá phổi thị dân.

Rồi bằng cách nghĩ nào đó, người ta xóa sổ dần từng ký ức Đông Dương của Sài Gòn lẫn những mảng xanh có ích, lấp lên đó bê tông cốt thép (hoặc tre) với một “luận điệu” khá phổ biến: Muốn phát triển thì phải hy sinh thiên nhiên và môi trường (như hồi 2016, ai đó bắt người dân xôn xao chọn cá hay chọn thép). Mùa nắng Sài Gòn bây chừ, thị dân – ai ai cũng trở nên “hot” vì như ngồi đống lửa, ngay cả ngồi văn phòng được mở máy lạnh cả ngày cũng choáng váng bởi nhiệt độ từ bốn bức tường phủ kính cường lực.

Đường Sương Nguyệt Anh – Quận Nhứt, con đường hiếm hoi còn hàng cây đại thụ ở Sài Gòn (ảnh: Du Uyên)

Hôm rồi tôi có việc, vì đoạn đường gần nên tôi bắt xe ôm công nghệ để đi công chuyện, bác tài chở tôi còn trẻ nhưng cái da cổ đã nám đen vì lái xe ngoài nắng nhiều. Tôi nhìn xuống đôi tay cháy nắng của tài xế mà cảm động theo từng lời tâm sự của anh. Anh nói anh đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý xây dựng, từng làm thuê cho công ty lớn rồi anh thất nghiệp, phải chạy xe ôm công nghệ nuôi thân lẫn vợ con trong lúc chờ có việc mới. Ban đầu nghĩ là chạy đỡ, sau thành cái nghề luôn.

So với các đồng nghiệp xe ôm công nghệ thì anh cũng thường thường bậc trung, vì trong ngành này ngoài sinh viên mới ra trường không tìm ra việc làm rất nhiều thì người có học thức cao, từng làm ông bà chủ cũng nhiều vô kể. Tôi hỏi anh làm nghề này, thích mùa mưa hơn hay mùa nắng hơn, anh nói thích làm nghề khác hơn, mưa hay nắng Sài Gòn anh đều sợ khi lái xe ngoài đường. Không những sợ thời tiết mà còn sợ nhân loài, người kém ý thức ngày càng nhiều, đường nhỏ, người đông, mà hiếm ai nhường ai…

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát” – (ảnh: Du Uyên)

Anh cũng tốt bụng nói cho tôi nghe vài con đường hiếm hoi còn sót lại những hàng cây cổ thụ ở Sài Gòn, kêu tôi nhanh nhanh đi thăm chứ không chúng biến mất. Vừa lau mồ hôi hột trên trán, tôi vừa nghĩ: Nếu nắng Sài Gòn ngày xưa mà cũng như bây chừ, chắc các nhạc sĩ đã rời xa Việt Nam sau 1975 không có những nhung nhớ, trăn trở như vầy:

“Tôi muốn mời em về
Thăm lại Sài Gòn xưa
Duy Tân chiều say nắng
Uống môi nồng hương xưa”

(Nhạc phẩm Mời Em Về, tác giả Việt Dzũng)

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

(Nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông – nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa)

Sài Gòn của tôi: Luôn thú vị, lâu lâu thi vị, nhưng đôi khi cũng vô vị. Quê ai người đó yêu, bởi vậy mà dầu tôi đã biên cả tỷ bài viết tương tự về Sài Gòn, người chán chỉ có độc giả, còn tôi thì chưa. Tôi không chán viết về quê mình, cũng không chán Sài Gòn, nhưng hơi chán những kẻ đang thay đổi Sài Gòn theo hướng khó hiểu, mong họ thay đổi hoặc ai đó thay đổi họ đi, để mỗi câu chữ về Sài Gòn của tôi chỉ có nụ cười, còn tôi khi ra đường ngày nắng còn những hàng cây che chở, để chỉ là “hot” (madam) chứ không thành nhân bánh “hot dog”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: