Nói đến Sài Gòn người ta hay nghĩ đến một thiên đường ẩm thực. Thiên đường ẩm thực ấy sẽ thiếu mất một phần quan trọng nếu không có thứ đồ uống giản dị và quen thuộc: Trà đá.
Sài Gòn có món trà đá
Sài Gòn với tôi là gì nhỉ, là nơi tôi thích nhất, là nơi tôi cảm thấy thoải mái nhất như một lần đã từng nói với bạn bè. Khi còn rất trẻ, tôi hay nghĩ rằng tình yêu là tất cả, là trên hết, là vĩnh viễn không đổi thay. Nhưng năm tháng qua đi, qua nhiều buồn vui của cuộc sống, mới hiểu ra rằng những sự thích đôi khi mới là bất biến, không thay đổi.
Không phải lòng Sài Gòn như rất nhiều người, nhưng thật tình là khó mà xa Sài Gòn được kể từ khi tôi đặt chân đến nơi này lần đầu tiên. Sài Gòn trong trí nhớ của một cô bé con từ miền Tây lên là những hiệu sách thật lớn, là những bùng binh rộng, những con đường tấp nập đèn xanh đèn đỏ, là cái sở thú thần tiên của tuổi nhỏ khác xa với cái nhìn của một người lớn như bây giờ, là những rạp chiếu phim…
Lớn lên một chút, tôi nhớ những ngày đi học. Nhớ ngày xưa ở gần trường Trưng Vương, cứ bâng khuâng hoài vì bài hát “Trưng Vương khung cửa mùa thu”, nhớ con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai hàng cây cao vút. Nhưng nhớ nhất là mái trường đại học yêu dấu của tôi, nơi là trường Văn Khoa ngày xưa. Có quán cà phê Văn Khoa ngay cạnh trường mà bạn bè hay tụ tập. Vị ngọt đắng của ly kem cà phê đến bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn như hình dung ra.
Tôi đã dự rất nhiều cuộc hội thảo bàn về văn hóa Nam Bộ, văn hóa của người Sài Gòn. Những ngôn từ bác học, những cứ liệu lịch sử đầy sức thuyết phục, nhưng xem ra không thể nào bằng những lần tự cảm nhận, tự chiêm nghiệm, những lần chạm được vào những lớp, những tầng văn hóa của nơi này.
Nhớ một lần trong một hội thảo về văn hóa Sài Gòn, một người đã đứng lên hỏi: Sài Gòn có món gì là đặc sản. Tôi đã buột miệng thốt lên: Trà đá. Mọi người đều cười ồ, nhưng rồi ai cũng thấy… đúng. Vì Sài Gòn có món gì là đặc trưng đâu nhỉ, khi mà ở nơi này, người ta có thể tìm thấy nhiều món của rất nhiều miền. Còn những món tưởng là rặt Sài Gòn, thì khi truy nguyên nguồn gốc, lại hóa ra không phải. Nhưng trà đá thì đích thị là của Sài Gòn, sinh ra ở Sài Gòn.
Ngược dòng thời gian
Sài Gòn là nơi đầu tiên mà người Pháp biến thành thuộc địa. Văn minh, văn hóa Pháp du nhập đầu tiên là vào chính mảnh đất này. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với phương Tây đã khiến cho Sài Gòn hình thành những đồ ăn, thức uống đặc biệt, giao thoa giữa Đông và Tây, chẳng hạn như bánh mì, cà phê, trà đá… mang những nét đặc trưng Sài Gòn. Việc người Pháp phát triển việc trồng trà ở những vùng như Phú Thọ, Bảo Lộc, Pleiku… không chỉ đặt nền móng để sau này Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu trà lớn nhất thế giới, mà còn là góp phần tạo nên một đặc sản cho Sài Gòn là trà đá.
Việc nhập và sử dụng những đồ gia dụng và thiết bị tiện nghi hiện đại trong gia đình đã khiến cho người Sài Gòn sáng tạo ra món trà đá. Thật khó xác định là trà đá xuất hiện chính xác trong khoảng thời gian nào, nhưng ở Sài Gòn trước năm 1975, trà đá đã rất thông dụng. Thời tiết Sài Gòn đủ nóng nhưng cũng đủ ôn hòa để người ta có thể uống trà đá quanh năm suốt tháng.
Nếu ly cà phê đen hay ly cà phê sữa là món đồ uống không thể thiếu của những buổi sáng Sài Gòn trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới thì ly trà đá trong veo, vàng nhạt, mát lạnh là cứu tinh cho những bữa ăn, giúp thực khách thêm ngon miệng. Sau năm 1975, trà đá du nhập ra miền Bắc và lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt, bất chấp việc bên cạnh mùa hè nóng nực thì miền Bắc còn có mùa đông lạnh lẽo, dường như không hợp với trà đá.
Có một thời gian, hình ảnh những người bán hàng rong tại các bến xe, ga tàu phía Nam trên tay cầm những bịch nylon đựng trà đá, cất tiếng rao lanh lảnh: Trà đá đây, trà đá đây, thật sự đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho những du khách lần đầu vào miền Nam. Theo thời gian và cùng với mức sống tăng lên, trà đá dần trở thành quen thuộc với người Hà Nội và cho đến nay thì trở nên phổ biến khắp cả nước. Trà đá cũng dần có sự thay đổi về chất lượng. Ngày trước thường trà pha là thứ trà vụn rẻ tiền, đá là đá cây chặt nhỏ ra, làm từ nước… lã. Ngày nay trà pha tuy vẫn là loại bình dân nhưng chất lượng đã tốt hơn và đá là làm từ nước tinh khiết, bảo đảm hạp vệ sinh.
Văn hóa… trà đá của Sài Gòn
Khi còn nhỏ, tôi ra Hà Nội chơi và Hà Nội không có món lẩu, cũng không có trà đá. Giờ thì Hà Nội đã có các món lẩu và trà đá khắp nơi. Nhưng trà đá Hà Nội vẫn không như trà đá Sài Gòn. Trà đá Hà Nội ít đá hơn, nhiều trà hơn. Uống vào không thấy mát lạnh, chỉ thấy vị trà. Dù vậy ra Hà Nội nhiều lần tôi vẫn không bỏ được thói quen kêu một ly trà đá trong những lúc đi ăn, dù là ăn món gì chăng nữa.
Và bên cạnh một ly cà phê, ly sinh tố, bao giờ tôi cũng phải gọi thêm một ly trà đá. Để thấy có chút vị Sài Gòn giữa lòng Hà Nội. Và để nhớ câu thơ của Phan Thị Vàng Anh khi tự nhận mình và người yêu là “hai ly trà đá Sài Gòn” ở giữa lòng Hà Nội. Và cũng để đôi lần thấy bực bội khi nghe giọng Hà Nội chối từ: Ở đây không có trà đá đâu nhé.
Trà đá Sài Gòn là một đồ uống vô cùng đặc biệt. Nó có thể dùng với bất cứ món ăn nào, từ mặn đến ngọt và dùng chung với mọi đồ uống. Một tô hủ tiếu Nam Vang nóng hổi buổi sáng, một đĩa cơm tấm sườn bì chả đúng kiểu Sài Gòn, một đĩa gỏi gà xé lưỡi hay một ổ bánh mì thịt nguội… đều có thể “đi” với ly trà đá. Các tiệm chè Sài Gòn dù là của người Việt hay người Hoa đều mặc định dọn ly trà đá ra kèm với ly chè.
Các quán nhậu Sài Gòn cạnh chai rượu đế bao giờ cũng kèm theo một ca trà đá to bự để làm dịu vị rượu cay xé họng. Và điều đặc biệt chắc chỉ Sài Gòn mới có là khi vào những quán cà phê, bên cạnh ly nước hay ly cà phê, bao giờ khách cũng được nhân viên quán liên tục châm rót thêm trà đá. Ngồi ở quán vài tiếng đồng hồ, tán gẫu cả buổi với bạn bè, số ly trà uống nhiều khi lên đến con số hàng chục. Sự xởi lởi, phóng khoáng này khó có thể tìm thấy ở nhiều địa phương khác.
Ngày nay ở nhiều hàng quán, chủ quán đã có những thử nghiệm mới, cho thực khách uống nước lọc có vị lá dứa, nước đậu rang, nước gạo lứt… thơm và thanh lọc cơ thể, hay sang hơn, cho thực khách uống nước nấu từ lá trà tươi, trà túi lọc… nhưng xem ra những thử nghiệm này vẫn thất bại trước trà đá. Món trà sữa du nhập từ Đài Loan bây giờ có mặt khắp nơi, nhưng giá cao và dĩ nhiên cũng không thể thay thế được trà đá. Ngoài ra còn có các loại nước đóng chai có tên gọi như trà xanh, trà chanh, trà đào… nhưng trà đá vẫn chiếm vị trí độc tôn. Có lẽ vì vị ngọt của trà sữa hay những hóa chất giả mùi trà trong những chai nước như của… Dr. Thanh vẫn không làm người ta mát lòng mát dạ như trà đá.
Trà đá Sài Gòn cũng giống tính cách người Sài Gòn. Ly trà đá trong veo, nhạt màu mà uống vào mát lạnh, uống vào đỡ ngay cơn khát. Dễ làm như trà đá Sài Gòn nhưng không phải ai cũng quen với vị trà đá đó. Trà đá Sài Gòn thường là loại trà giá cả bình dân, pha loãng và bỏ đá vào, có khi phải gọi chính xác là nước lọc có vị trà. Đặc biệt là phải bỏ rất nhiều đá, chứ không chỉ vài cục đá như ly trà đá Hà Nội. Dễ uống và dễ pha, già trẻ lớn bé đều uống được, dùng được với mọi đồ ăn thức uống, từ nơi bình dân đến nơi sang trọng đều có mặt, ly trà đá Sài Gòn quả là một đặc sản ẩm thực “vô địch”, không món gì theo kịp!
Bây giờ thì không còn những người bán hàng rong trà đá ở những ga tàu, bến xe nữa, thay vào đó, trà đá trở thành một món quà mà người Sài Gòn hào sảng, nhân hậu dành tặng cho nhau. Trên đường phố Sài Gòn, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, có thể bắt gặp những bình trà đá miễn phí bên lề đường, liên tục được châm rót thêm cho đầy và hình ảnh những người dân lao động dừng lại uống ly trà đá, thậm chí mở bình nước cá nhân rót trà vào, đã trở nên hết sức thân thuộc, gần gũi.
Nếu có ai hỏi thích món gì nhất ở Sài Gòn, chắc tôi sẽ thốt lên là: Trà đá. Trà đá, chẳng phải chỉ là một món đồ uống đặc trưng, mà còn chính là một phần không thể thiếu của văn hóa Sài Gòn từ ngày xưa cho đến ngày nay.