Tại sao âm nhạc khiến ký ức ùa về?

Với nhiều người, âm nhạc có thể kích hoạt những hoài niệm quá khứ còn mạnh mẽ hơn các giác quan khác như vị giác, khứu giác, đồng thời khơi gợi lại những cảm xúc mạnh mẽ từ những trải nghiệm đã qua rất lâu.

Minh họa: Unsplash
Share:

Khả năng của âm nhạc gợi lên những ký ức sống động là một hiện tượng được các nhà nghiên cứu não bộ biết khá rõ. 

Minh họa: mick-haupt-unsplash

Tác động tuyệt vời của âm nhạc

Khi đứa con đầu lòng của Laura Nye Falsone chào đời năm 1996, album “Bringing Down the Horse” của nhóm nhạc Wallflowers đang gây tiếng vang lớn. “Tất cả những gì tôi cần nghe là những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc ‘One Headlight’ trong album, và tôi sẽ quay lại khiêu vũ với đứa con trai như ngày xưa – bà nói – Lần nào giai điệu cũng lấp đầy trái tim tôi với niềm vui”.

Khi bệnh Alzheimer khởi phát sớm của Carol Howard trở nặng, bà thường không thể nhận ra chồng mình, thậm chí giới thiệu ông là bố của mình. “Nhưng nếu bà nghe một ca khúc của Simon & Garfunkel thịnh hành vào thập niên 1960, dù không nhận ra tôi, bà vẫn nhớ từng chữ một của bài hát xưa này và hát theo” – chồng bà nói. Năm 2019, Howard, nhà sinh vật học biển, qua đời cùng với âm nhạc của bà. Đó chỉ là một số trường hợp được The Washington Post thuật lại…

“Âm nhạc có thể mở ra những cánh cửa bị lãng quên cho trí nhớ của chúng ta. Âm nhạc có thể đưa bạn quay ngược thời gian bằng cách kích hoạt bộ não hoạt động. Tất cả chúng ta đều có trải nghiệm giống nhau khi trở về quê hương, về thăm trường trung học cũ với những kỷ niệm lũ lượt kéo về. Âm nhạc có thể làm điều tương tự. Nó cung cấp một môi trường để các giác quan làm hồi sinh lại những kỷ niệm” – nhận xét của Andrew Budson, Trưởng khoa thần kinh nhận thức và hành vi, Phó giám đốc giáo dục tại Trung tâm Khoa học thần kinh nhận thức (Center for Translational Cognitive Neuroscience) thuộc Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh Boston (Veterans Affairs Boston Healthcare System).

Minh họa: mick-haupt-unsplash

Các nhà khoa học nghiên cứu tác dụng của âm nhạc đối với não bộ đều thấy âm nhạc có thể dùng như liệu pháp điều trị các tình trạng mất trí nhớ, rối loạn trí nhớ, lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, học tập kém và những chứng bệnh như đau mãn tính, ung thư và bệnh Parkinson.

Bằng chứng khoa học cũng cho thấy âm nhạc thúc đẩy việc tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh trong não như dopamin đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hưng phấn và khoái cảm của não bộ. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng âm nhạc làm giảm hormone cortisol gây căng thẳng và tăng tiết oxytocin trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, cũng như trong sự gắn kết, tin tưởng và tình yêu thương giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ.

Amy Belfi, Trợ lý giáo sư khoa học tâm lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, đồng thời là nhà nghiên cứu chính của Phòng thí nghiệm Thẩm mỹ và Nhận thức Âm nhạc (Music Cognition and Aesthetics Lab), nhấn mạnh:

“Âm nhạc kích hoạt các phần khác nhau của não bộ khiến nó trở thành một công cụ đặc biệt linh hoạt. Có thể sử dụng âm nhạc cải thiện tâm trạng để giúp chúng ta học hỏi, gắn kết xã hội với người khác. Âm nhạc trở thành một phần bản sắc của chúng ta, giống như ‘nhạc nền của cuộc đời’ (soundtrack of our lives), điều này giải thích tại sao âm nhạc rất hiệu quả trong việc kích thích và hồi tưởng ký ức”.

Một số chuyên gia cũng nhận thấy âm nhạc có thể làm giảm sự kích động ở những người mắc chứng mất trí nhớ như một phương pháp thay thế cho thuốc an thần hoặc như một phương tiện giúp bệnh nhân tiếp tục tự sống được ở nhà.

Frank Russo, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto Metropolitan hiện là giám đốc khoa học của một công ty phát triển loại máy nghe nhạc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đã tìm cách sắp xếp một danh sách phát (playlist) mang tính cá nhân được thiết kế để hướng một bệnh nhân cụ thể từ trạng thái lo lắng sang trạng thái bình tĩnh bằng thể loại nhạc ông (bà) ta ưa thích.

Russo, chuyên viên nghiên cứu sự sự giao thoa giữa khoa học thần kinh và âm nhạc, giải thích: “Một trong những điều thực sự thách thức đối với những người chăm sóc bệnh nhân là sự lo lắng và kích động của người bệnh. Rất nhiều người bệnh bị đưa vào những viện dưỡng lão và phải dùng thuốc an thần hoặc thuốc chống loạn thần để giảm kích động. Âm nhạc có một cơ hội thực sự ở đây”.

Melissa Owens, nhà trị liệu âm nhạc tại Virginia Commonwealth University Health nhận thấy lợi ích của âm nhạc trong công việc của mình. “Tôi vẫn cảm thấy khâm phục khả năng của âm nhạc trong việc thay đổi tích cực hành vi, cảm xúc và thậm chí cả mối quan hệ giữa người chăm sóc và người thân của họ, dù chỉ trong thời lượng của một bài hát” – bà nói.

Minh họa: mick-haupt-unsplash

Và hơn thế nữa

Để hiểu tác động của âm nhạc lên não bộ, các nhà nghiên cứu xem xét hai loại trí nhớ khác nhau có liên quan. Ví dụ, khi chúng ta biểu diễn âm nhạc, thay vì chỉ nghe nó, chúng ta sử dụng “trí nhớ thủ tục” (procedural memory), một loại trí nhớ “ngầm” (implicit) liên quan đến khả năng ghi nhớ trong vô thức một thói quen mà chúng ta thực hiện hàng ngày mà không cần suy nghĩ về nó (chẳng hạn gõ phím máy tính, đi xe đạp hoặc đánh răng).

Nó khác với “trí nhớ lớp lang” (episodic memory) hay “chi tiết”, một loại trí nhớ “rõ ràng” (explicit) có ý thức và là thứ mà bộ não của chúng sử dụng để ghi nhớ (chẳng hạn các mặt hàng trong danh sách mua sắm).

Cả trí nhờ ngầm và trí nhớ rõ ràng đều là trí nhớ dài hạn, chỉ khác nhau là cái thứ nhất là không ý thức và không nỗ lực, cái thứ hai đòi hỏi phải dùng ý thức để ghi nhớ.

“Trí nhớ lớp lang bắt nguồn từ vùng hippocampus của não, là vùng đầu tiên mất đi khi chứng mất trí nhớ xảy ra” – Andrew Budson, hiện là giáo sư thần kinh học tại Đại học Boston nói.

Bệnh Alzheimer tấn công vùng hippocampus trước hết. Đó là lý do có thể giải thích tại sao người mất trí nhớ lớp lang (không nhớ được các món hàng trong danh sách) vẫn nhớ được lời bài hát xưa và biểu diễn, vì nó thuộc về một hệ thống bộ nhớ hoàn toàn khác: ‘trí nhớ thủ tục’, tức ‘trí nhớ ngầm’.

Ở những người có bộ não khỏe mạnh, ‘trí nhớ lớp lang’ cho phép bạn quay ngược thời gian về chính xác một sự kiện hoặc khoảng thời gian cụ thể trong quá khứ mỗi khi bạn nghe một bản nhạc, trong khi khả năng hát theo một ca khúc xưa là nhờ ‘trí nhớ thủ tục’, nghĩa là bạn nhớ mà không biết thời điểm và sự kiện đi kèm với nó.

Một ví dụ nổi tiếng gần đây đến từ ca sĩ huyền thoại Tony Bennett, 96 tuổi, người bị bệnh Alzheimer hành hạ nhưng vẫn có thể biểu diễn những bản hit kinh điển của mình một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer vẫn có thể trải nghiệm hiện tượng trí nhớ lớp lang để trở về quá khứ bằng âm nhạc ngay cả sau khi căn bệnh đã tấn công vùng hippocampus, miễn là những ký ức phải quá hai năm.

Chúng đã được hợp nhất, và sau khi hợp nhất, chúng có thể được truy cập ngay cả khi vùng đồi hải mã đã bị phá hủy. Khi một ký ức hình thành, nó không được lưu trữ trực tiếp trong vùng hippocampus.

Các khía cạnh khác nhau của ký ức – hình ảnh, âm thanh, mùi, cảm xúc và suy nghĩ – được thể hiện bằng một mô hình hoạt động thần kinh ở các phần khác nhau của vỏ não, bề mặt bên ngoài của não, nơi nhìn, nghe, ngửi, cảm xúc và suy nghĩ đang diễn ra.

Để nắm bắt được khái niệm này, hãy xem ký ức như những quả bóng bay nhỏ trôi nổi trong các khu vực khác nhau của não bộ. Khi một ký ức mới được hình thành, nó cũng giống như hippocampus đang buộc các dây bóng bay lại với nhau và bạn cầm chùm bóng bay trong tay.

Nếu vùng hippocampus bị phá hủy, những quả bóng bay sẽ tách ra bay đi và ký ức sẽ biến mất. Nhưng sau khi ký ức được củng cố, các quả bóng bay được liên kết trực tiếp với nhau nên hippocampus không còn cần thiết để ký ức được nguyên vẹn.

Đây là lý do tại sao những người mắc bệnh Alzheimer có thể nhớ lại những thứ từ thời thơ ấu của họ nhưng lại không nhớ họ đã ăn gì vào bữa trưa hoặc họ đã gặp ai ngày hôm qua.

Russo nói: “Khi ai đó nghe một bản nhạc thời trẻ của họ, hiệu ứng ‘cỗ máy thời gian’ là thứ mà mọi người có thể liên tưởng đến. Tôi học trung học vào thập niên 1980 và ngày nay, khi tôi nghe lại một bài hát của Blondie hoặc Depeche Mode tôi có cảm giác như đang đi chơi với bạn bè, không phụ thuộc vào bố mẹ, rất thú vị. Chúng ta không chỉ nghe một bài hát một lần. Âm nhạc được mã hóa sâu có thể mở khóa những ký ức tưởng rằng đã quên. Chúng ta sẽ nhớ chi tiết hơn các sự kiện trong quá khứ nếu chúng gắn kèm với âm nhạc”.

Minh họa: alphacolor-unsplash

Nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu ứng âm nhạc còn mạnh hơn khi có những khuôn mặt quen thuộc hoặc các tác nhân kích thích khác. Trong một nghiên cứu nhỏ, Amy Belfi, trợ lý giáo sư khoa học tâm lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, cho 30 người tham gia nghe các đoạn trích dài 15 giây của loại âm nhạc phổ biến họ nghe lúc 15 đến 30 tuổi.

Sau khi nghe xong, họ được xem các bức ảnh có khuôn mặt của những người nổi tiếng trong cùng khoảng thời gian đó, gồm các chính trị gia quen thuộc, vận động viên và các ngôi sao điện ảnh (nhưng không có nhạc sĩ, để tránh nhầm lẫn). Sau đó, Belfi hỏi những người tham gia về những gì họ vừa nhớ lại nhờ âm nhạc và đề nghị họ ghép đôi ký ức nào được nhớ với nhân vật nào. “Âm nhạc gợi lại những ký ức chi tiết hơn nhiều khi có các khuôn mặt đi kèm. Từ nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện âm nhạc có xu hướng gắn liền với những ký ức cá nhân trong cuộc sống” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: