Một cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy có đến hơn 60% người dùng Internet đồng ý “hẹn hò trên mạng là cách tốt nhất để gặp người khác”, tăng mạnh so với 44% cách nay 15 năm. Tệ hơn, trên 29% người Mỹ thú nhận họ biết vợ hoặc chồng mình có quan hệ ngắn hạn hay lâu dài với một ai đó biết qua mạng. Một cuộc khảo sát sau đó phát hiện có hơn 67% người dùng Internet thường duy trì quan hệ với gia đình và bạn bè bằng cách giữ liên lạc trên mạng. Một biểu tượng vui (emoji) đôi khi trị giá bằng cả lá thư. Thư tình viết tay chiếm lĩnh vị trí trang trọng trong tình yêu đôi lứa suốt hai thế kỷ đang đi dần vào quá khứ…
Phủi bụi đọc lại thư tình xưa
Bà Laura Boyle thuộc Trung tâm Jane Austen nhận định: “Lá thư tình được biết đến trước tiên có lẽ là Bài hát Solomon trong Thánh kinh Cựu ước (Bibble) với nội dung nói về “nụ hôn ngọt ngào, so sánh tình yêu với rượu, mồ hôi với hương thơm và cuộc tình yêu giữa Nhà vua và nô bộc yêu dấu của người”. “Nhưng theo tôi, thư tình chỉ bắt đầu chính thức xuất hiện từ thời Phục Hưng, đến thời Trung cổ bắt đầu đi dần đến đỉnh cao diễn cảm của nó và đầu thế kỷ 18 thì mang đậm màu sắc cá nhân hơn và thuần khiết tình yêu đôi lứa hơn” – Boyle nói.
Dù ở Hollywood hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, những lá thư tình viết tay đã trở thành “lịch sử” vì không còn mấy ai dùng đến nó. Một nghiên cứu mới do tờ báo Anh The Mirror thực hiện cho thấy có đến 44% người được hỏi cho biết họ không còn viết tay thư từ hay sáng tác mà hoàn toàn dựa vào máy tính (trừ những trường hợp không thể làm khác, như ký tên hay điền vào đơn từ). 50% khẳng định “thư tình viết tay đã trở thành quá khứ”, thậm chí… “không còn nhớ đến nó”.
Nhiều người không bao giờ dùng phương tiện “cổ xưa” này mà dùng tin nhắn, mạng xã hội, các biểu tượng cảm xúc và đặc biệt là “tán gẫu” trên các tiện ích giao tiếp như Viber, WhatsApp, Line, Tango, Viber, Facetime, Skype… và tất cả những thứ không tốn tiền trên mạng. 32 người được hỏi cảm thấy “những ghi chép ngắn kèm biểu tượng là cách bày tỏ tình cảm được ưa thích nhất bây giờ” và 25% viết nhật ký điện tử hàng ngày chứ không dùng giấy mực thật. Nhưng vẫn còn 48% người cho biết thỉnh thoảng họ vẫn viết thư tình bằng giấy “khi nào cảm thấy chữ nghĩa và hình ảnh ảo không thể truyền trao hết những thông điệp tình yêu”. Nhà tự dạng học Adam Brand cho biết nghệ thuật viết chữ đẹp cũng đang mai một dần khi nhiều người quên cây viết. Ông nói: “Tôi rất buồn khi biết chỉ còn 50% người dùng viết mỗi ngày để viết cái gì đó trong nhà mình và càng buồn hơn nữa khi số người gửi bưu thiếp viết tay theo đường bưu điện đã giảm mạnh mà thay vào đó là lẵng hoa điện tử và những lời chúc ảo”.
Khi loài người tiến bộ cùng với các thay đổi trong cách biểu lộ cảm xúc, thư tình cũng tiến hóa theo. Nó đậm tính nghệ thuật hơn và chuyển tải cả kiến thức lẫn niềm vui và hạnh phúc khác ngoài tình yêu. Hai bức tranh về thư tình nổi tiếng nhất là Love’s Messenger (1885) của họa sĩ Marie Spartali Stillman và The Love Letter (1669) của họa sĩ Johannes Vermeer. Nói về thư tình, người ta thường nhắc đến những lá thư nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven gửi cho “Người tình Bất tử” Ethan Embry vì chúng “thêm những bản sắc mới cho thư tình”; cũng như những lá thư tình Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte gửi cho người đẹp Joséphine. Thậm chí ngay cả lá thư ngắn Marlon Brando gửi cho một tiếp viên hàng không chung chuyến bay với mình vào năm 1966 cũng được xem là cách tỏ tình nhẹ nhàng.
Thư tình và Hollywood
Hollywood là nơi lưu giữ và phát đi những lá thư tình nổi tiếng, đặc biệt trong “thời đại vàng” của Nghệ thuật thứ Bảy với các tài năng như Audrey Hepburn, Liz Taylor, Humphrey Bogart, Sophia Loren, Katharine Hepburn. Elizabeth Taylor có một bộ sưu tập thư tình nổi tiếng trước khi bà đính hôn lần đầu. Bộ sưu tập “không tiền khoáng hậu” này gồm 60 lá thư tình viết tay của cô đào huyền thoại Hollywood về cả nghề nghiệp lẫn tình trường với không dưới 10 cuộc hôn nhân và tái hôn.
Những lá thư tình được viết vào năm 1949 lúc bà mới 17 và gửi cho người tình đầu tiên William Pawley, Jr; con trai của một doanh nhân kiêm đại sứ Mỹ giàu có. Trong thư hé lộ tình yêu với nữ trang của bà. Pawley tặng Liz một viên kim cương trắng, và đây cũng là viên kim cương đầu tiên trong bộ sưu tập nữ trang hàng triệu đôla của bà. Về thời gian, lá thư tình đầu tiên được viết từ cuối tháng Ba, 1949 sau khi Liz và cha mẹ từ ngôi nhà nghỉ dưỡng của người bác Howard ở Florida về lại California, nơi Liz là ngôi sao mới ký hợp đồng với hãng MGM.
Pawley cũng sống tại Florida lúc đó. Họ tình cờ gặp nhau và tình cảm phát sinh như tiếng sét đối với một cô gái mới lớn như Liz. Quá yêu Pawley, Liz viết lá thư tình đầu tiên cho anh khi ngồi trong phòng đợi của hãng hàng không Delta Airlines lúc chuẩn bị về California. Lá thư đề ngày 22 Tháng Ba. Bộ sưu tập thư tình của Liz bị để mốc meo trong tủ của Pawley từ đầu tháng 10 năm đó sau khi quan hệ của họ kết thúc và chúng trở thành “chứng nhân” lịch sử cho một cuộc tình “bạo phát bạo tàn” kiểu Hollywood. Lá thư cuối cùng đóng dấu bưu điện ngày 9 Tháng 10 được Liz viết khi đang ở trường quay bộ phim A Place in the Sun.
Mỗi lá thư đều được Liz nắn nót với chữ viết khá đẹp. Phần lớn dùng mực viết máy và nhiều trang rất dài. Có thư dài bốn trang nhưng cũng có thư dài đến 10 trang. Nội dung thư cho thấy tình yêu bồng bột tuổi 17 của một thiếu nữ bắt đầu hoàn thiện dần vẻ đẹp ít ai sánh bằng của mình, nhưng cũng hàm chứa sự bất an và lo lắng về tương lai như các bạn bè cùng lứa tuổi. Liz thú nhận đôi lúc nàng bị ức chế vì sự lên cân.
Điều lý thú là trong khi Liz và Pawley đã đính hôn, có người vẫn khuyên nàng hẹn hò với ngôi sao bóng bầu dục Glenn Davis. Có lá thư nói nhiều đến người mẹ Sara và sự phối hợp giữa bà và hãng phim để làm sao cho Liz “không đi ra ngoài giới hạn”. Liz cũng thường bàn về những bộ phim nàng đang đóng trong một số thư tình. Ví dụ hai phim A Place in the Sun và The Big Hangover. Liz nói cả về kịch bản, cách quản lý chuyên quyền của chủ nhân MGM và phê phán thẳng vai diễn nàng được giao trong The Big Hangover, một bộ phim thất bại về doanh thu. Với bộ phim A Place in the Sun, Liz khen đạo diễn George Stevens là “đạo diễn xuất sắc nhất mà tôi được làm việc chung”.
Bộ sưu tập thư tình của Liz đã trở thành tài sản giá trị để bán đấu giá cho chủ nhân của nó. Một bộ sưu tập những lá thư tình đáng chú ý khác là thư tình của diễn viên Errol Flynn, người đóng xuất sắc vai huyền thoại Robin Hood, gửi cho người tình Marjorie Bickham. Chúng vừa bán đấu giá được hơn một ngàn bảng Anh. Trong bước đầu khởi nghiệp, Flynn gặp “người phụ nữ bí mật” Marjorie Bickham khi đang biểu diễn tại Liên hoan Malvern ở Worcestershire năm 1934.
Những lá thư được viết chỉ một năm trước khi ông cưới diễn viên Pháp Lili Damita vào năm 1935. Flynn nổi tiếng nhờ các phim hành động nói về nhân vật anh hùng như The Charge of the Light Brigade, The Sea Hawk và Captain Blood. Nhưng The Adventures of Robin Hood vẫn là bộ phim tạo nên tên tuổi vững chắc cho ông. Người cháu của Marjorie đã cất giữ bộ sưu tập này trước khi mang bán đấu giá tại trang trại trái cây Hilltop ở Ledbury trong năm nay. Lúc quen với Flynn, bà Bickham mới 20 tuổi và là khuôn mặt quen thuộc trong giới nghệ sĩ. Năm 1944 bà mới lấy chồng, một người lính tên Humphrey Kemball. Họ không có con và sống tại nhiều nơi trên thế giới tùy vào lệnh điều động của người chồng. Bà chết năm 83 tuổi, trước người chồng 11 năm.