Minh họa: josep-molina-secall-unsplash

Đọc, nghe câu thơ hay, thấy thích, tôi học thuộc ngay, và đưa vào “kho dữ liệu” của mình. Đôi lúc sơ suất, tôi không biết tên tác giả. Bởi thế, khi trích dẫn, tôi đành xem những câu thơ ấy là của kho tàng “văn học dân gian”. Trong cái rủi, có cái may. Do lầm lẫn, ghi sai tên tác giả bài thơ trong một truyện ngắn của tôi, tôi được quen với thi sĩ Trụ Vũ và An Hòa, con gái của ông. Chẳng những thế, sau khi nghe tôi trình bày sự việc đã xảy ra, thi sĩ Trụ Vũ viết bài thơ khoán thủ với họ tên của tôi và tựa đề của truyện ngắn Khi Mười Bảy Tuổi.

Thơ và tranh thư pháp của thi sĩ Trụ Vũ (ảnh tác giả gửi)

Từ đó, tôi liên lạc với thi sĩ Trụ Vũ qua An Hòa. Mối quan hệ của chúng tôi, dù chỉ trong điện thư, ngày càng thắm thiết, đậm đà. Dẫu chưa hề gặp nhau, chưa hề nghe giọng nói của nhau, nhưng chúng tôi cảm thấy rất gần nhau, và có sự đồng cảm rất lớn. An Hòa nhắn, “Ba em nói, truyện của chị, rất ‘ngộ’. Vui, duyên dáng và cuốn hút người đọc. Qua những câu chuyện độc giả có thể nhận ra một cây bút dí dỏm, thông minh, trong sáng pha lẫn chút nghịch ngợm.”

Thư từ của An Hòa luôn đem đến cho tôi niềm vui nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng, An Hòa chuyển cho tôi vài bài thơ của bác Trụ Vũ. Tôi rất yêu bài thơ Tri Âm, trích trong quyển thơ Biếc của thi sĩ Trụ Vũ.

Có một bạn tri âm

Như có vầng trăng sáng

Có đôi bạn tri âm

Cả ngân hà lai láng

Cố công tìm, tôi vẫn chưa được đọc các vần thơ ảo diệu khác trong quyển thơ Biếc. Tự lúc nào, trong tâm tưởng tôi, “biếc” có chỗ đứng rất đặc biệt. “Biếc” là một trong những chữ đẹp nhất của tiếng Việt. Tôi thương chữ “biếc” quá thể.

Một hôm, tôi nhận được email của An Hòa, kèm theo hình chụp bài thơ được viết thư pháp. An Hòa kể, “Sau khi đọc xong một số truyện của Hoàng Quân, Ba em cảm tác phóng bút làm bài thơ và mang giấy cọ viết thư pháp của bài thơ tặng o gái Huế đây”.

Ngọc Thúy,

niềm biếc của quê hương…

Niềm huyện Phong (*)
phong phú diệu thường…
Cô gái Huế ngàn năm
Hoàng Thị

Cõi địa đàng như thị
thiên chương…

(Trụ Vũ – 2018)

(*) Huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế

Bác Trụ Vũ đánh dấu hoa thị ở chữ “niềm huyện Phong” và cắt nghĩa “huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế”. Bài thơ đẹp quá. Bài thơ không những gói trọn tên họ của tôi, mà còn nhắc đến quê nội, quê ngoại của tôi. Lúc mới liên lạc với bác Trụ Vũ, nghe bác gốc Huế, tôi “khoe” với bác, huyện Phong Điền là nơi Ba Mạ tôi đã sống.

Thi sĩ Trụ Vũ, tháng Năm 2018 (ảnh tác giả gửi)

Tôi đọc không biết bao lần bài thơ. Ô, quả là sự tình cờ diệu kỳ. Tôi tìm “biếc” nhưng chưa gặp. Nay bác Trụ Vũ đem niềm biếc tặng tôi. Đây là “biếc” của riêng tôi. Tôi cảm động rưng rưng. Tôi ngắm không biết bao lần bức tranh thư pháp. Nét bút cọ của bác Trụ Vũ, của đôi bàn tay đang bước vào tuổi chín mươi, là rồng bay, là phượng múa. Tôi ước mong Ba Mạ tôi còn trên đời. Tôi sẽ đọc cho Ba Mạ nghe bài thơ. Tôi mời Ba Mạ cùng chiêm ngưỡng bức tranh thư pháp. Nơi chín suối, Ba Mạ vui mừng cho con may mắn, gặp mối duyên văn nghệ đáng quý, thăng hoa cuộc sống tinh thần.

Chữ Biếc

Tôi là bạn chị Hoàng Nga. Chị Hoàng Nga là bạn anh Nguyễn Nam An. Theo suy diễn tam đoạn luận nửa vời của tôi, tôi đương nhiên thành bạn anh An. Trong liên lạc email qua lại với bạn bè, anh Nguyễn Nam An đã ưu ái “gắn” tên tôi vào nhóm.

Bởi thế, tôi nhận email có văn thơ của thi sĩ Nguyễn Nam An và thân hữu của anh ấy. Để đáp lễ, vui tay, tôi chuyển vài truyện cười giải trí. Một người trong nhóm bạn của anh An, anh Lê Hân, hỏi thăm tôi và muốn đưa những truyện cười lên trang nhà của anh, trang Saigonocean. Bản tính thích cười và ưa nghe tiếng cười, tôi lí lắc gởi tiếp vài truyện tiếu lâm đến anh. Để thay đổi không khí, tôi mời anh Lê Hân đọc một truyện ngắn của tôi, truyện Nhớ Tiếng À Ơi. Tôi như nghe tiếng anh reo vui trong email… “Bài viết hay quá. Hồi ấy, tôi đọc bài này trong Thế Kỷ 21. Anh của tôi, anh Luân Hoán cộng tác với Thế Kỷ 21… Bây giờ đọc bài này do tác giả gởi, cũng như là mới, và vẫn thấy hay như lúc đọc ở Thế Kỷ 21…

Năm 2010, khi đến San Jose họp bạn, tôi liên lạc anh Hân. Hẹn tới lui, trật vuột suốt, lại thêm lạc đường. Bởi thế, chúng tôi chỉ vỏn vẹn vài câu chào hỏi cập rập. Tôi nhấp nhỏm, chạy cho kịp giờ đến chỗ họp mặt bạn cũ ở Milpitas. Dẫu gặp nhau chớp nhoáng, tôi vẫn cảm nhận tình thân ái anh Lê Hân dành cho tôi. Từ đó, tôi gởi bài đều đặn đến anh Lê Hân và trang mạng của anh. Những lần đi chơi California, nếu ghé San Jose, tôi sắp xếp gặp anh Lê Hân. Cùng chị tôi, chị Thanh Tâm, chúng tôi được trò chuyện với anh Hân trong ngôi nhà ấm cúng, thanh lịch. Anh cho chúng tôi xem một số sách báo của Nhân Ảnh xuất bản.

Nghe tôi kể lể những gian truân khi xuất bản tập truyện đầu tay Bông Hoa Trên Phím, anh Song Thao “rỉ tai”, phần lớn những đứa con tinh thần của anh Song Thao chào đời từ nhà Nhân Ảnh. Tôi dạ dạ, cám ơn. Nhưng phân vân, con cái anh Song Thao xuất thân là… danh gia vọng tộc. Còn con mình… Không khéo thành… đỉa đeo chân hạc. Tôi đắn đo, chẳng biết mở lời thế nào. Tôi tưởng như mình đi qua, đi lại nhiều lần trước nhà xuất bản Nhân Ảnh. Dùng dằng đứng lại, tôi rón rén gõ cửa. Trái với những lo ngại của tôi, anh Lê Hân niềm nở, ân cần: “Được mà. Thúy gởi bài theo word file, phần còn lại, nhà xuất bản Nhân Ảnh lo hết”. Thế là tập truyện Nhớ Tiếng À Ơi ra đời trong vòng tay bảo bọc của Nhân Ảnh.

Anh Lê Hân cho tôi cảm tưởng mau chóng thành người nhà của Nhân Ảnh. Bản thảo Đứng Ngẩn Trông Vời vừa xong, cánh cửa của Nhân Ảnh mở rộng chào đón. Anh Lê Hân cùng các thân hữu trong nhóm Nhân Ảnh làm việc thật kỹ lưỡng, mà lại nhanh chóng. Anh Lê Hân rất chu đáo. Anh cho tôi được ngắm nghía đứa con tinh thần của mình trong từng công đoạn, bắt đầu bìa sách đến ruột sách và bản trình bày hoàn chỉnh trước khi đưa qua nhà in. Anh gởi bài thơ, bảo, tặng tác giả Đứng Ngẩn Trông Vời. Món quà nhỏ của anh Lê Hân cho tôi niềm vui lớn.

Hương Sách

(Tặng tác giả Đứng Ngẩn Trông Vời)

“đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

câu thơ Huy Cận đẹp đến chừ

“mỹ nhân như thể câu thơ cổ

thơ của Nguyên Sa vẫn còn như

 

đời sống tuyệt vời nhờ mỹ nhân

xưa, sau mãi mãi dáng tuyệt trần

tâm hồn tinh khiết cùng hương sắc

chắp cánh thơm tình áng thơ văn

 

càng lộng lẫy thêm trang giấy hoa

trang đài tay lụa mở thiết tha

nuôi chữ biếc xanh nồng tâm ý

đến với nhân gian nỗi đậm đà

 

“đứng ngẩn trông vời ai trong văn

nắng trời vàng óng, ánh đêm trăng

tôi dường như thấy lòng người đọc

khựng lại bâng khuâng trước ngọn đèn

 

hoa nở đâu đây thoảng mùi hương

không gian bàng bạc chút hoang đường

áng thư sách mở từng hơi thở

đời sống giàu thêm những yêu thương.

(Lê Hân)

Thi sĩ Lê Hân, Hoàng Quân, Hoàng Thanh Tâm (ảnh tác giả gửi)

Tôi tháo sợi nơ gói món quà của anh Lê Hân… chữ biếc xanh nồng tâm ý… Ô, tôi thấy những khoảnh khắc hạnh phúc vây quanh. Tôi lại được gặp “biếc” của mình.

Sóng Nước Biếc

Là la la lá, lá la là là la la lá… Tiếng nhạc phong cầm tươi tắn len lỏi giữa dòng người lũ lượt tràn ra những cổng xe của nhà ga xe lửa Frankfurt West. Tôi không quẹo sang cổng số hai để lên xe lửa về nhà, mà đi thẳng đến góc đường hầm, nơi người nhạc công đang say sưa chơi phong cầm. Lâu lắm rồi, tôi mới nghe lại bài hát xưa như trái đất này. Tôi dừng chân bên người nhạc công, lẩm nhẩm hát theo. Kisses for me/ Save all your kisses for me/ So long honey so long/ Hang on baby hang on…

Người nhạc công chuyển sang chơi Türkischer Marsch, rộn ràng. Chuyến xe về Bad-Nauheim đã rời bến. Tôi quyết định nhanh chóng. Mình sẽ đón chuyến sau. Chẳng gì phải vội. Ở đây thưởng thức trình diễn live, lại được “ghế danh dự”, sát rạt sân khấu. Nhạc công dừng tay đàn, ngước lên, cười hiền hậu. Tôi khen ông chơi hay, sehr schön gespielt, ông nhướng nhướng mày chưa hiểu, tôi bảo beautifully, so well. Ông cười nhẹ, thank you, thank you.

Chiều đi làm ra, tôi thỉnh thoảng thả lỏng vài chuyến xe, la cà ở khu Frankfurt West, nghe người nhạc công chơi nhạc. Sau nhiều lần nói chuyện, vài chữ tiếng Anh, đôi chữ tiếng Đức, tôi được biết nhạc công tên Vladislav, người Ukraine. Ở quê nhà, có lẽ ông là thầy giáo dạy nhạc hoặc chơi trong các ban nhạc hòa tấu cổ điển. Ông kể, ông chơi dương cầm, vĩ cầm, vài nhạc cụ dân tộc ở xứ ông. Ông đến Đức như du khách, chơi phong cầm ở nhà ga, kiếm tiền độ nhật. Cứ mỗi hai tháng ông phải rời nước Đức, rồi mới trở lại cho đúng thủ tục.

Có lần, tôi muốn hỏi, ngày hôm qua ông chơi đàn ở đâu, mà tôi không gặp. Ông chỉ bắt kịp mỗi chữ yesterday. Thế là ông nâng đàn, chơi bài Yesterday, bảo: “For you”. Lúc khác, tôi kể, tôi đang on the way đi nha sĩ. Thế là ông tặng tôi bài My Way. Tuy vội, tôi “sắp xếp” thì giờ thưởng thức trọn bài My Way.

Ông đàn bài nào cũng hay, cũng du dương. Nhà ga Frankfurt West đông nườm nượp. Ai nấy tất tả, vội vàng. Có người chỉ kịp thảy vội đồng tiền vào thùng đàn, rồi co giò chạy cho kịp chuyến tàu. Tôi nghĩ, đành rằng, ông chơi nhạc để kiếm tiền. Nhưng chắc hẳn ông sẽ vui hơn, nếu người ta đôi phút lắng nghe tiếng nhạc của ông, trước khi góp chút tiền. Ban đầu, ông gật nhẹ đầu, nói “Danke”, “thank you”, khi tôi đặt tiền vào hộp đàn.

Về sau, vừa thấy tôi đưa tay mở túi xách lấy tiền, ông dừng đàn, lắc đầu nguầy nguậy, “no, no”, “nein, nein”. Có lẽ, ông muốn tôi thưởng thức tiếng đàn như những khán, thính giả của ông ở quê nhà. Chứ ông không muốn tôi như những người khác, bỏ tiền vào thùng đàn với chút lòng trắc ẩn. Quen ông hơn, tôi bắt đầu nghĩ đến chương trình “nhạc yêu cầu”. Tôi hỏi Célèbre Valse, Autumn Leaves. Ông nâng đàn, đắm hồn trong tiếng nhạc của chính mình.

Năm nọ, khi người bạn dẫn đi dạo trong công viên ở Oslo, Na Uy vào mùa Đông, nghe người nhạc công đường phố chơi bài Waves of the Danube, tôi như thấy được những đợt sóng. Dẫu lúc ấy, tuyết trắng xóa ngút ngàn. Từ đó, tôi càng thương bài Sóng Nước Biếc. Tôi hỏi, ông có thể đàn Waves of the Danube. Ông không hiểu. Tôi đổi qua tiếng Đức Donauwellen. Ông có vẻ bối rối, vẫn chưa hiểu. Tôi hát nhỏ vài câu của bài Sóng Nước Biếc. Một giòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu…

Ông mừng rỡ okay, okay. Đã nhiều lần, chiều tôi đi làm ra, nếu còn gặp ông Vladislav, tôi chẳng ngại những con mắt trần gian, nhìn nhìn thắc mắc, tôi vui ca theo tiếng đàn của ông Vladislav. Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi… Khi thấy tôi từ xa, dẫu đang chơi Hungarian Dance No 5, ông Vladislav ngưng ngang, nâng đàn tặng tôi, sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui… Tôi về nhà, trong lòng rộn ràng niềm vui ấm áp cuối ngày.

Giờ đây, chốn này, mùa Đông đã qua, những chồi biếc của cây cỏ khoác tấm áo mùa Xuân cho đất trời quanh tôi.

Niềm biếc của thi sĩ Trụ Vũ, chữ biếc của thi sĩ Lê Hân, sóng nước biếc của người nhạc công đường phố cho lòng tôi rộn ràng hương Xuân qua bốn mùa. Ôi chao! Sao tôi thương quá chữ biếc đẹp vô vàn của tiếng nước tôi.

Tháng Ba 2019

Viết thêm:

Mùa Xuân 2020, khi nước Đức bắt đầu có những biện pháp ngăn sông cấm chợ để ngăn ngừa đại dịch, tôi không đi xe lửa đến chỗ làm. Từ đấy, tôi hết gặp ông Vladislav. Tôi băn khoăn mãi, người nhạc công ấy sẽ như thế nào. Ông có kịp về quê nhà, khi những quy định đi lại giữa các nước ngày càng nghiêm ngặt, gắt gao. Giờ đây, nghe những tin tức, hình ảnh về cuộc xâm lăng tàn khốc của Nga trên đất nước Ukraine, tôi lại nghĩ nhiều đến ông Vladislav. Nguyện cầu ông và người thân của ông được an lành. Nguyện cầu hòa bình sớm về trên đất nước Ukraine.

Tháng Ba 2022

Phụ lục:

Tôi muốn chia sẻ tấm hình thi sĩ Trụ Vũ bên tranh thư pháp vào tạp bút Biếc. Tôi viết đôi dòng nhờ An Hòa, con gái bác Trụ Vũ, hỏi xin phép. Ít lâu sau, tôi nhận được thư trả lời của An Hòa, cùng bài thơ “Biếc” bác Trụ Vũ ghi, “Vui tặng cháu Ngọc Thúy”.

Một lần nữa, bác Trụ Vũ tặng cho tôi món quà tuyệt vời. Nếu Ba tôi còn trên đời, hẳn Ba tôi sẽ đọc những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và cắt nghĩa cho tôi hiểu thêm ngọc lam điền. Ba tôi sẽ nhắc đến bài thơ “Xuân Tứ” của Lý Bạch và diễn dịch Yên thảo như bích ty bằng giọng Huế Phong Điền. Tôi chưa đọc được quyển thơ Biếc của thi sĩ Trụ Vũ. Có lẽ, vì thế, tôi chưa hiểu được: “999 điệp khúc…, Hẹn chín tầng lưu ly…”.

Người bạn văn đàn anh, anh Nguyễn Hiền đã chia sẻ đôi dòng khi tôi hỏi ý nghĩa của hai câu cuối trong bài thơ.

999 điệp khúc: có lẽ bắt nguồn từ một bài hát nổi tiếng của Trung Quốc: Cửu bách cửu thập cửu đóa mai côi (Jiǔbǎi jiǔshíjiǔ duǒ méiguī),

9 tầng lưu ly: Có lẽ từ “cửu đỉnh lưu ly”. Thường được nhắc tới trong truyện tàu, truyện kiếm hiệp… Diễn tả một thế giới cao tột, vui sướng. Có thể tạm dịch là “lên đến bảy từng trời”, “cõi thiên đàng”.

Đọc bài thơ “Biếc” của bác Trụ Vũ tặng, tôi nhớ đến bài thơ “Quasimodo”, bác Trụ Vũ viết vào năm 1954. Khoảng cách thời gian giữa hai bài thơ là 65 năm. Mà lời thơ vẫn mượt mà. Phải chăng trái tim thi sĩ vẫn mãi thanh xuân? 

Biếc

Quê ngoại tôi, Phong Điền,

Một huyện tỉnh Thừa Thiên.

Có cô bé Ngọc Thúy,

Y như ngọc lam điền.

Biếc một màu biêng biếc,

Xanh chín tầng hạo nhiên.

Cô lại viết tập văn,

Và đặt nhan là Biếc.

Ôi cô có biết chăng:

Sách và người song tuyệt

Cũng thúy – biếc, như… trăng.

Lại, cô có biết chăng:

Tôi, người đang kể chuyện,

Cũng có một tập thơ

Đặt trùng nhan với truyện.

Là: Biếc, biếc như… tơ.

 

Yên thảo như bích ty…

Tập thơ nói điều chi?

999 điệp khúc…

Hẹn chín tầng lưu ly…

6.6.2019

Trụ Vũ

“Vui tặng cháu Ngọc Thúy”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: