Cai Lậy mùa gió chướng

Hình minh hoạ: Pascal Müller/Unsplash

Từ Chợ Đệm chạy giặc, tản cư ngược vô bưng, theo kênh về tới ngã ba Tân Hội, dì Ba tay xách, nách mang, dắt hai đứa con nhỏ đi bộ cặp theo bờ lộ đá về tới “cua ông cọp” là biết sắp đến ngã tư Cai Lậy. Tiếng là cua ông cọp, nhưng không biết có ai đã thấy cọp thật hay chưa?

Còn người cố cựu ở đây thì bảo rằng hồi xưa ở chỗ nầy có dựng một tấm bảng quảng cáo rất lớn của hãng la-de, sản xuất bia chai in hình đầu cọp, cho tới năm nào tấm bảng biến mất thì không ai còn nhớ, chỉ nhìn ra xa xa, phía bên trái hiện lên hai cây quéo trơ trọi giữa đồng trống mênh mông, đó là khu mồ hoang vô chủ từ thời Pháp thuộc. Nghe đồn rằng ma trơi, xanh lè hiện về hằng đêm vút lên tận trời cao như điện xẹt. Hồi trước không có nhà cửa ở chung quanh, cho nên khu đất trống nầy đã trở thành bãi đổ rác của đội vệ sinh thị trấn.

Từ ngã tư Cai Lậy đi dọc theo hướng cầu đúc, chưa tới đình “Bang Lãnh” dưới dốc chân cầu, quẹo về phía bên trái là con hẻm nhỏ dẫn tới chùa Kim Tiên. Nhà cửa trong xóm chật chội, quanh co choán ra tận lối đi. Nơi đây gọi là “xóm Bún” vì có nhiều lò bún ngon, đến độ ngay tại ngã tư Cai Lậy, có một tiệm ăn trước đây rất nổi tiếng khắp miền Lục tỉnh với bảng hiệu đúc xi măng, đặt ngay trên bệ cửa ra vào, lấy tên là quán “Bì Bún.” Đất chùa còn nhiều chỗ trũng, đầm đìa rải rác nên người tứ xứ đổ về đây tự động xin phép nhà chùa lấp đìa, cất nhà xung quanh để trú ngụ, làm ăn sinh sống bằng đủ thứ ngành nghề khác nhau, nhưng mọi người vẫn quen gọi tên cũ là xóm Bún.

Dì Ba tìm gặp được người quen, bà con xa, xin ở đậu một thời gian rồi sau đó cất nhà, ổn định cuộc sống bình dân lao động như đa số mọi người ở đây từ lâu đời. Dì Ba theo chồng về Chợ Đệm năm 17 tuổi, học được nghề nấu “tàu hủ” từ gia đình nhà chồng, cho nên khi về tới Cai Lậy thay vì làm công cho các lò bún, dì nấu tàu hủ gánh ra chợ bán làm kế sinh nhai.

Nhờ có khiếu nấu nướng nên gánh tàu hủ của dì nổi tiếng hơn cả, bán rất đắt, hầu như không có ai cạnh tranh nổi và rồi tên dì trở thành biệt hiệu là “Dì Ba Tàu Hủ.” Lâu dần, khắp cả xóm, chợ không còn ai biết tên thật cùa dì nữa. Đời sống gia đình ổn định nhờ vào gánh tàu hủ. Tuy vậy, công việc đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm và rong ruổi cả ngày ở chợ nên cũng rất cơ cực.  

Vốn mù chữ, nên khi sanh được đứa con trai đầu lòng, dì muốn đánh dấu một sự kiện trọng đại trong đời là phải cho con cái đi học để sau nầy biết chữ nghĩa với đời cho nên dì đã đặt tên đứa con trai lớn đứng đầu vần chữ cái là Hai A. Sau đó, cứ tiếp tục theo vần quốc ngữ mà đặt tên Ba Bê, Tư Xê, tới đứa thứ tư thay vì Năm Dê, nghe khó kêu nên ông thư ký hộ tịch bảo đặt tên khác. Dì Ba vẫn muốn giữ nguyên vần Dê bèn đổi trại ra thành Năm Dồ. Tới đứa cuối cùng, vì sanh nở khó khăn phải mổ xẻ, nên đặt luôn dấu chấm hết là Sáu Mổ.

Hình minh hoạ: Pixabay

Nói là ổn định, chứ gia đình đông con mà chỉ sống bằng vào gánh tàu hủ thì làm sao đủ được. Chồng của dì trước đây theo xe chở hàng làm lơ xe đi đường trường từ Sài Gòn ra miền Trung. Hằng tháng ghé nhà một hai lần rồi đi. Khi Hai A đến tuổi đi học, gia đình bàn tính dượng Ba về kiếm việc làm gần nhà để phụ lo cho con cái. Từ đó, dượng về làm thuê đủ mọi việc ở vựa cá bên bờ sông Ba Rài, Cai Lậy để góp phần quán xuyến gia đình.

Ngày tháng qua mau, mặc dù nhà có nghèo khó đến đâu, dì Ba cũng ráng lo đầy đủ cho con đi học, nhưng ngặt một nỗi cha mẹ muốn là một chuyện, còn đứa nhỏ có học được hay không lại là chuyện khác. Hai A học rất dở mà lại ham chơi, thường hay trốn học đi rong, dượng Ba bắt được đem về xích dây bên cột nhà, bỏ đói mấy lần mà cũng chứng nào tật nấy. Lâu dần, dì cũng đầu hàng hết mong gì được nữa.

Ban đầu mới đi học còn được, nhưng sau đó bị ở lại lớp nên học chung với đứa em kế là Ba Bê. Có anh, có em lại rủ nhau trốn học nhiều hơn trước, mới mười mấy tuổi đã biết bỏ nhà đi hoang. Riết rồi quen, không còn nói đến việc đi học nữa. Đến lúc nầy, dì Ba dời cả gia đình xuống ngã ba xóm mới, gần chùa Ông chỉ có chừng 3, 4 căn nhà trơ trọi, cất một căn nhà lá sát bên hông trường Tiểu học Cai Lậy.

Dì tính rằng cho mấy đứa nhỏ xa lánh không còn đánh đôi, đánh đọ với bạn bè xóm cũ và ở gần trường, may ra mấy đứa nhỏ sẽ chí thú học hành hơn. Nhưng đến năm 15 tuổi, Hai A nghỉ học luôn và xin đi làm phu thợ, dì Ba buồn lắm. Những mong con cái có học, để sau nầy có chút chữ nghĩa đi làm nghề gì cũng được, miễn ở trong công đường khỏi đội mưa, đội gió ngoài trời, khổ cực tấm thân.

Hết hy vọng, chỉ còn dượng Ba là người luôn an ủi:

– Ở đời đâu phải ai cũng học được, nên mới có người làm thầy, kẻ làm thợ.

– Biết vậy, nhưng chỉ mong sao cho mấy đứa nhỏ học hành kha khá một chút, hay ít ra cũng biết được đôi điều lễ nghĩa. 

– Chưa chắc đúng. Người đời thường hay nói “Cha làm thầy, con bán sách.” Chỉ có phước đức cùng không. Tất cả đều do ơn Trời đặt định.

– Đi học, dù không làm thầy, làm bà gì đi nữa, nhưng cũng là người có học.

Được vài năm, khi chiến tranh bùng phát khắp mọi nơi. Trai tráng đến độ tuổi 18, 20 đều bị động viên vào lính. Ở chợ thì theo quốc gia, trong quê thì theo cộng sản. Trang lứa bạn bè, anh em với nhau, nhưng lại đối đầu nhau trên lằn ranh lửa đạn. Hai A đi lính Sư Đoàn 7 VNCH đóng quân trong vùng Định Tường, Mỹ Tho, Ba Bê đi lính Nghĩa quân đóng ở quê nhà Cai Lậy vẫn ở chung với dì Ba. Bạn học cùng lớp, Tư Yên, thợ lò bánh mì vô bưng theo Việt cộng, Sáu Hiệp cũng bỏ học sớm vô khu căn cứ ở cầu Dừa (Kênh Mười Hai) trở thành du kích Việt cộng.

Hai A tuy không có bằng cấp và ít chữ nghĩa, nhưng lanh lợi, nên khi vào quân ngũ hắn được cử làm hỏa đầu vụ, chuyên lo việc bếp núc ở hậu cứ đơn vị nên tương đối an toàn tính mạng. Sau đó hắn tự lập gia đình, không có cưới hỏi gì cả. Đến khi sanh được đứa con gái đầu lòng, hắn mới dẫn về trình diện dì Ba. Ngay cả khi dì muốn làm một lễ “Phú Phạt” đặng mời bà con, họ hàng một bữa cơm ra mắt, hắn cũng từ chối xin miễn. Hắn nói:

– Làm chi cho tốn kém. Chỉ thêm rắc rối mà cũng chẳng ích lợi gì.

Dì Ba đành chịu vậy thôi cho đến ngày dượng Ba mất, hắn có dẫn vợ con về chịu tang được mấy ngày rồi cũng dong biệt. Sau đó dì hơi lo, vì “em thường hay theo anh” nên dì nôn nóng nhờ người môi giới, làm mai cho một đứa con gái ở miệt đồng, đi cưới hỏi đàng hoàng cho Ba Bê. Từ sau đó, dì giao gánh tàu hủ cho đứa con dâu, đồng thời giao luôn cái “dịm” màu da bò vàng óng, đựng tàu hủ nóng mà dì đã đem về từ Chợ Đệm hồi năm mới tản cư về Cai Lậy. Nhờ nó mà đã nuôi sống cả gia đình hơn mấy chục năm qua. Dì ứa nước mắt.

Hình minh hoạ: Pixabay

Thế rồi cộng sản tràn về chợ quận ngày 30 tháng Tư 1975, Sáu Hiệp ra làm công an khu vực; Hai A, Ba Bê trở về đời sống dân thường, gốc lính quốc gia. Hai anh em trở thành phu khuân vác ở các vựa cá dưới bờ sông. Tuy là anh em ruột, nhưng thường hay nghịch nhau, đôi khi lớn tiếng đến độ sắp sửa đánh nhau, nếu không có người can ngăn.

Kể từ ngày dẫn vợ con trở về Cai Lậy, Hai A sang nhượng lại căn nhà lá gần nhà dì Ba, cách đó độ chừng vài căn của một người làm chung ở vựa cá, nay thôi nghề phu khuân vác trở về quê xã Bình Phú làm ruộng. Đến khi hai đứa con gái lớn của hắn được chừng khoảng 15, 16 tuổi thì mỗi sáng hai đứa gánh tàu hủ đi bán, đứa đầu chợ, đứa cuối chợ.

Vợ Ba Bê quê mùa, chậm chạp đành thất thủ. Tàu hủ đựng trong dịm đã ít mà thấy không hấp dẫn bằng đựng trong nồi nhôm bóng loáng. Hiềm khích hai gia đình phát sinh từ đó. Dì Ba thường hay ngồi bó gối nhai trầu, nghe hai gia đình xỉa xói nhau mà nghĩ thầm, phải chi hai anh em nó ở xa mà còn tốt hơn. Hồi trước, chỉ có một gánh tàu hủ thôi mà cả gia đình vợ chồng con cái sống vui vẻ, thuận hòa. Còn bây giờ, có tới ba gánh tàu hủ mà anh em lại hiềm khích, xa rời nhau. Nghĩ mà buồn lắm.

Trừ Tư Xê và Năm Dồ lập gia đình ở trong miệt kênh ngọn, còn ba anh em đều sinh sống ở chợ. Sáu Mổ ở nhà dì Ba với vợ chồng Ba Bê, nhưng sinh hoạt đầu đường xó chợ, không biết qua đêm ở đâu. Ban đầu hắn đi làm thuê, ai cần gì hắn làm hết. Có hôm trèo bẻ dừa mướn trong xóm bị té ngã nhưng không chết, chỉ bị vẹo xương sống và đi đứng có tật niểng một bên, nên lâu dần hàng xóm đổi tên thường gọi là Sáu Vẹo cho dễ phân biệt.

“Tiếp thu chính quyền” địa phương chỉ một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng Tư, Sáu Hiệp họp tổ dân phố và đề cử Hai A làm tổ phó an ninh, từ đó hắn trở thành tai mắt của công an khu vực, có nhiệm vụ báo cáo tình hình an ninh, trật tự trong khu xóm. Thỉnh thoảng còn tập họp chung với du kích đi khám xét nhà, kiểm tra nhân hộ khẩu do Sáu Hiệp dẫn đầu. Đêm nào chó sủa vang trời là mọi người thấp thỏm cả đêm, nhất là những gia đình trước đây có người tham gia chế độ cũ.

Đâu có ai xa lạ, cũng là bạn bè cùng trang lứa với nhau và hàng xóm, tất cả đều là người quen biết cũ, ít ra cũng hơn mấy chục năm. Họp tổ dân phố, Hai A luôn hùa theo công an khu vực để hài tội các sĩ quan, viên chức chế độ cũ.

– Bọn nào học càng cao thì càng mang nhiều nợ máu với nhân dân.

Có một hôm, Sáu Hiệp ra lệnh cho Hai A tập trung các thành phần mới cải tạo về còn trong thời hạn quản chế, đi lao động xã hội chủ nghĩa ngắn ngày tại địa phương. Sáng ra tập họp mang theo cuốc xẻng, tưởng đi đâu xa, ai ngờ chỉ đến gần khu đất thuộc chùa Ông để phát cỏ, chuẩn bị đắp nền nhà thật lớn cho Sáu Hiệp. Hắn vừa mới được thăng lên cấp sĩ quan công an. Dì Ba vẫn ngồi bó gối trong nhà nhìn ra mà ngán ngẩm.

Hình minh hoạ: unsplash

Trong xóm, trên đường vào chùa Ông có nhà thầy giáo Còn, con cái cũng đông, nghèo khó mà đứa nào cũng học hành tới nơi, tới chốn. Luôn dạ thưa lễ phép, tuy không là quan chức, nhưng đều là những người có học, sống thanh bần, xử sự với mọi người thật hòa nhã và vui vẻ. Dì Ba nhìn hoàn cảnh người mà chợt tủi thân và buồn cho thân phận mình, con cái lớn lên không theo như ý mình mong muốn. Nhỏ khuyên con ráng học không thành, lớn lên khuyên sống tử tế như người lương thiện cũng không xong. Nỗi buồn gặm nhấm dần, dì Ba qua đời trong khốn khó, xa rời dương thế trong tĩnh lặng, nhưng cũng không được yên.

Lúc sinh thời, dì sống với vợ chồng đứa con thứ là Ba Bê và qua đời ở đó. Lẽ ra đám tang sẽ được tổ chức ở nhà Ba Bê, nhưng Hai A viện lý do là con trai cả, nên muốn đem thi hài của dì về làm đám ở nhà mình. Ba Bê từ chối. Giành giựt, giằng co căng thẳng đến cao độ. Hai A đem vụ việc lên trụ sở khu phố xin giải quyết. Trưởng khu giao cho công an khu vực xét xử. Sáu Hiệp ra lệnh Ba Bê phải giao xác dì Ba cho Hai A đem về làm đám tang tại nhà của hắn, viện cớ hắn là con trai trưởng. Ba Bê không giao và bỏ nhà đi mất, không dự đám tang của mẹ mình.

Đám tang có rất đông người đến dự và phúng điếu. Ngoài chợ cũng như trong xóm chùa Ông, ai ai cũng đều có cảm tình với dì Ba. Bác Hai Lượm, ông Từ ở miễu “Bốn Ông” có khuyên Hai A là nên xé khăn tang đủ cho hết thảy anh em và con cháu, đồng thời phải cho người tìm kiếm Ba Bê về mới phải đạo. Hai A trả lời:

– Nó là con thì phải về. Nó đã biết mẹ mất rồi, nên không cần phải tìm kiếm.

Bác Hai Lượm thở dài, không còn có thể nói thêm điều gì nữa.

Hôm đưa đám, Sáu Mổ quần áo lếch tha lếch thếch, đầu không bịt khăn tang, uống rượu say sướt mướt. Hai A đuổi đi, hắn lững thững ra trước ngõ nói vọng vào.

– Hiếu thảo gì, chẳng qua chỉ muốn giành xác bà già để thu tiền phúng điếu.

Hai A phân bua với khách:

– Nó là đứa vô học.

Chợt vô tình, có người quen biết dì Ba từ hồi dì mới tản cư về Cai Lậy, nhớ lại hết cả một cuộc đời vất vả nuôi con chỉ với mong muốn sau nầy con cái của mình lớn lên sẽ trở thành người có học. Nghĩ mà thương đến rơi nước mắt.

Ngoài kia trên con đường hẻm đất quanh co, tiếng đàn cò vẳng lên réo rắt một điệu buồn ly biệt… 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: