Làng Liễu Cốc Hạ và làng Dương Sơn nằm gần nhau bởi cánh đồng nhưng lại cách xa nhau vời vợi bởi niềm tin tôn giáo…
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Liễu Cốc Hạ. Dân hai làng chẳng biết từ thời nào đã gọi nhau là bên “Đạo” và bên “Ngoại” hay bên “Giáo” và bên “Lương”. Cái biên giới tinh thần tuy vô hình nhưng khó vượt qua hơn cả Trường Sơn và Nam Hải bởi cái định kiến không mọc mầm và nhú lên từ đất mà nảy sinh từ góc khuất của tâm hồn. Khi tôi vừa đủ lớn để nghe mấy cô mấy chú kháo nhau – Rằng thương thì thiệt là thương. Hai ta bên Giáo bên Lương khó lòng – thì chẳng biết sao lòng tôi ngày ấy lại cứ dấy lên niềm tiêng tiếc xa xăm…
Khi tôi bắt đầu học vỡ lòng vào khoảng 1951-52, cuộc chiến Pháp Việt vẫn còn nóng bỏng và ác liệt trên quê hương. Làng tôi sống trong cảnh “đêm Việt Minh ngày Bảo Vệ”. Không còn một trường học nào còn đứng vững trong làng. Mẹ tôi là người “Lương” nhưng có quan hệ khá thân thiện với người “Giáo”. Đó “các chị” vì mẹ tôi nuôi tằm và bán kén cho những “bà xơ”, những nữ tu đạo Công Giáo khá chuyên nghiệp về nghề kéo tơ, dệt lụa.
Vào thời điểm trường học ở làng hầu như vắng bóng thì tôi và anh Thiện của tôi được mẹ xin vào học “trường Đạo” ở làng Dương Sơn. Bên cạnh nhà thờ cổ kính có dựng mấy gian nhà nhỏ đơn sơ, đó là lớp học của trường Phan Thiện. Cả đời tôi chỉ còn nhớ giáo xứ Dương Sơn có từ thời Cha Pierre Guillot (Cố Cao) (1886-1921).
Hình ảnh cây thông Noel đã đi vào tâm ảnh trong tôi từ ngày học trường Đạo. Tuổi măng non, tôi nhớ hoài những buổi “xăm lễ”, làm dấu thánh giá và quỳ đọc kinh: Kính Mừng Maria đầy ơn phước… trước mỗi buổi học chiều. Rồi những buổi chiều tan học, ôm mấy tập vở trang nào cũng có dấu bùn đất, hai anh em chúng tôi chạy băng qua đồng lúa giữa hai làng. Tiếng chuông chiều nhà thờ Dương Sơn giục giã và tiếng chuông chùa làng Liễu Hạ ngân nga đã thấm vào lòng tôi như cây gỗ gió được tưới tẩm hương trầm. Giữa thinh không của trời đất, chúng tôi thường nhìn những đám mây bay từ Trường Sơn về phía sông Bồ và mường tượng bóng dáng ông Phật thật hiền và ông Chúa quá uy nghi.
Sau này, trong tâm cảm của một huynh trưởng Gia Đình Phật tử tôi vẫn không quên một thời học trò trường Đạo. Rồi 20 năm, 30 năm trôi đi… Tiếng thời gian qua mau không nghe tiếng gọi nhưng những khúc quanh đầy dấu vết trăn trở vui buồn đã hằn lên những đường nhăn và tóc trắng. Tôi thuộc về thế hệ Chiến tranh Việt Nam. Tâm lý và hoàn cảnh đối cực như vui buồn, yêu ghét, sướng khổ đã khiến cho mình phải bước qua những khúc quanh và những chặng đi đầy gai góc.
Tuy cũng có chút hiểu biết về khoa học thời đại và tính luận lý bẩm sinh nhưng đối diện với những cận cảnh nguy khốn và gai góc nhất như chạy loạn, vượt qua Đại lộ Kinh hoàng, vượt biên vượt biển bằng ghe nan…, tôi luôn vững tay chèo đồng thời với hết lòng cầu nguyện. Tôi vẫn thường cầu nguyện Đức Mẹ Maria và Đức Quán Thế Âm bởi tôi tin rằng, năng lượng lành của tâm linh, thiên nhiên và vũ trụ không đến từ hình tướng mà đến từ nguồn năng lượng vĩnh cửu của đất trời thu hay phát thông qua những bậc chí thánh.
Vượt biên tới Hải Nam, ghé Macau, qua Hong Kong, đến Phi Luật Tân rồi tới Mỹ. Chặng đường gian nan hơn một năm khép lại ở miền Đông Hoa Kỳ. Gia đình chúng tôi được đưa đến định cư tại thành phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana gần vào mùa Thanksgiving năm 1983. Không bao lâu thì tới mùa Giáng sinh. Ở Việt Nam, biểu tượng Giáng sinh có nhiều dáng vẻ tương đối khác nhau nhưng ở Mỹ thì hình ảnh cây Giáng sinh là đỉnh điểm nổi bật nhất của lễ Giáng sinh. Cây Noel được dựng lên từ Tòa Bạch Ốc đến 80% trong các tư gia. Gần như các tôn giáo lớn đều có mặt tại Hoa Kỳ nhưng thật sự Giáng sinh mới là ngày lễ hội toàn quốc không còn biên giới tôn giáo.
Tôi đến Mỹ là đi làm ngay. Công việc đầu tiên là giặt thảm, mỗi ngày được trả $40 (so với giá xăng thời đó là 70 cents/gallon, so với bây giờ là $4.5 = gấp sáu lần!). Gần ngày Giáng sinh, hầu như nhà nào chúng tôi tới giặt thảm cũng có cây Noel và thoáng điệu nhạc Jingle Bell, Silent Night… Đêm Thánh Vô Cùng. Tôi bỗng đâm ra lưu luyến với hình tượng, màu sắc, mùi thông cùng âm hưởng cây Noel và ước chi nhà mình cũng có một cây Noel. Căn nhà do hội Cựu Chiến Sĩ Baton Rouge thuê giúp quá rộng, càng làm cho lạnh lẽo và trống trải hơn giữa mùa Đông lạnh buốt. Thích, nhưng chúng tôi vừa mới đến xứ người, còn trăm thứ nhu yếu phẩm phải lo cho nên cây Giáng sinh không có trong chương trình mua sắm cuối năm.
Buổi chiều còn một tuần nữa là tới ngày lễ Giáng Sinh; John, người tài xế, thợ chính giặt thảm nhưng cũng là người làm thuê ăn tiền công từng ngày như tôi quyết định nghỉ sớm hơn thường lệ. Anh ta coi bộ cũng nghèo và đông con nên cũng cần có cây Noel cho các cháu. John cho biết là có nhiều cơ quan từ thiện có chương trình cho không cây Noel đến các gia đình thu nhập thấp nên anh ta quyết định tới hội từ thiện Salvation Army (Cứu Thế Quân) để xin cây Noel cho không. Anh hỏi tôi có muốn đi theo không, dĩ nhiên là tôi nói “yes” như mở cờ trong bụng.
Tới nơi, ra khỏi bãi đậu xe, John vội vàng vào văn phòng Salvation Army, tôi lững thững theo sau. Trong dòng người xếp hàng di chuyển từng bước, tôi bỗng có cảm tưởng như có một bàn tay nào đó đặt lên chiếc vai mang áo mưa dày lạnh buốt của tôi. Mưa chiều, tôi chưa nhìn rõ mặt người nhưng có giọng của một phụ nữ nói hơi nhỏ đủ cho tôi vừa nghe: “Theo tôi để lấy cây Noel…”. John mất hút trong đám đông còn tôi thì đi theo hướng của người phụ nữ tới một nơi gần đó.
Thấy dáng người phụ nữ tôi hơi ngẩn người ra vì hình như bà rất giống dáng vẻ của một người nào đó mà tôi đã gặp. Bà chỉ cây Noel gói gọn trong bao lưới và một thùng đồ trang hoàng bên cạnh, nói vắn tắt: “Tôi chuyển nhà nên không cần cây Noel này nữa, anh lấy về mà dùng. Merry Christmas and Happy New Year!” tôi cúi xuống ôm cây Giáng sinh và thùng đồ, rồi vội ngẩng lên để nói lời cảm ơn nhưng thấy bóng người phụ nữ “có khuôn mặt quen quen tự bao giờ” đã mất hút trong màn mưa chiều lộng gió.
Khi tôi lễ mễ ôm cây và thùng về xe, John cầm các thứ lên xem và kêu lên ngạc nhiên: “Noble Xmas! Anh kiếm đâu mà ra loại cây Giáng sinh và đồ trang hoàng này thuộc loại hàng hiệu và đắt tiền dữ vậy? Salvation Army chỉ cho đồ rẻ tiền thôi mà”. Tôi kể lại chuyện gặp người phụ nữ… John kêu tướng lên: “Ôi! Coi bộ anh gặp Thánh linh (Holy Spirit) hiện thế cho quà rồi đó!”
Cây Giáng sinh đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ đã làm nhiều người tới thăm ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi vì cây Noble Fir (Linh Sam?) quá đẹp và sang; lại được tô điểm với cả thùng đồ trang trí hảo hạng. Đêm Giáng sinh tha hương đầu tiên trên đất Mỹ, sau buổi mở quà và cơm chiều Noel, tôi thức khuya và ngồi uống trà một mình bên cây Noble Fir quý phái, tôi hơi giật mình nhớ lời John “Thánh linh hiện thế” và cảm nhận ra dáng vẻ bà cho cây Noel phảng phất nét tượng Đức Mẹ ở trường Đạo Dương Sơn của hơn ba mươi năm trước.
Sacramento, mùa Giáng Sinh 2021
Nguồn: Rộng Mở Tâm Hồn