Chiều mưa nhớ về Má tôi

Ảnh: mike-kotsch-unsplash
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Chiều mưa nhớ về Má tôi
Loading
/

Chiều hôm nay bầu trời u ám, mây xám vần vũ báo hiệu một cơn dông sắp tới. Biết như vậy, tôi vẫn thả bộ ra công viên gần nhà ngắm nhìn hoa lá. Tôi muốn thả hồn vào thiên nhiên cho đầu óc thảnh thơi. Khu công viên cây cối xanh tươi, ngàn hoa khoe sắc thắm đầu cành. Mùa Xuân tràn đầy nhựa sống đã về. Nhưng lòng tôi vẫn nặng nề với cảm giác thiếu một cái gì đó. Hôm nay là ngày giỗ Má tôi…

Cơn mưa đổ xuống làm người tôi ướt đẫm. Khi muốn quên lại là những lúc ký ức hiện về rõ rệt nhất. Những nỗi niềm sâu thẫm tưởng đã ngủ quên trong tiềm thức bỗng tỉnh dậy. Tôi nhớ về những đêm mưa đi chơi về muộn một ngày rất xa xưa ở Sài Gòn. Đêm mưa có tiếng nước chảy rào rào trên mái tôn, có tiếng lộp độp trên những tàu lá chuối, có tiếng nước róc rách chảy vào những cái chum sau chái hè. Đi chơi về khuya ướt mưa, bước vào cửa, thấy Má tôi vẫn còn thao thức. Mùi cơm nóng, mùi cá kèo kho tiêu vừa được hâm lại lan tỏa trong góc bếp nhỏ. Mặt bà vừa lo lắng vừa mừng vui, kèm theo tiếng trách móc nhẹ nhàng.

Bao năm đã trôi qua trên xứ người, có nhiều đêm đi chơi về khuya, tôi – nay trên đầu tóc đã đổi màu – vẫn ước ao được nghe lại những lời vừa trách móc, vừa ân cần của Má tôi ngày đó. Má tôi quy tiên đến nay hơn hai chục năm rồi nhưng lúc nào tôi cũng tưởng chừng bóng dáng của bà vẫn còn ra vào đây đó. Và bà vẫn đang ngồi bên cạnh ngọn đèn dầu leo lét nhìn ra bóng đêm qua khung cửa sổ, tay lần chuỗi, miệng lâm râm cầu nguyện, chờ tôi đi chơi về muộn… Ôi! Má ơi, chiều nay mưa rơi dầm dề, không gian tím thẫm như cô động lại, con bùi ngùi nhớ về Má xiết bao.

Đêm khuya trăng mơ, mắt trông về trong cõi xa vời.
Nơi xa xăm kia, tôi say nhìn quê cũ dấu yêu.

Ôi! tình quê hương, nơi chốn xưa có bà mẹ hiền.
Tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…

(Quê Mẹ, nhạc Thu Hồ)

Thầy tôi mất sớm năm tôi và cô em út hãy còn nhỏ. Các anh lớn theo mệnh nước nổi trôi, xếp bút nghiên theo việc đao cung, làm bổn phận những người trai thời chiến trên bốn vùng chiến thuật. Má tôi trở thành cột trụ của gia đình. Tuy các anh ít về thăm nhà, nhưng trong tâm tưởng hãy còn non nớt của tôi ngày đó, tôi biết các anh luôn quan tâm về gia đình và hai người em của mình. Tôi lớn lên trong đầy đủ, không có cảm giác thiếu thốn tình thương của người cha mất sớm, vì còn có các anh và tình thương yêu bao la như biển Thái bình của Má.

Tôi biết mình rất may mắn khi được sống một thời gian dài có Má tôi bên cạnh cuộc đời. Tôi có vài người bạn mồ côi mẹ lúc mới sinh ra đời. Giờ tóc họ đã muối tiêu nhưng khi nghe có ai nhắc đến mẹ, mặt của các bạn tôi lại ngơ ngơ ngác ngác. Vì họ có được thấy mặt mẹ mình đâu mà nhớ. Mỗi lần anh em gặp nhau bên ly rượu, say ngà ngà, họ vẫn bắt tôi kể lại những kỷ niệm ngày xưa về Má tôi, để cùng được nhớ về… Má tôi. Để rồi cùng nhau ngậm ngùi, nước mắt chan hòa như trẻ thơ, để có một chiều nào đó cho anh về nhìn lại người mẹ yêu…

Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu…

(Bông Hồng Cài Áo, nhạc Phạm Thế Mỹ)

Ảnh: faramarz-hashemi-unsplash

Má tôi sinh năm 1919, tuổi Canh Thân, là chị thứ hai trong một gia đình có chín chị em. Bà chị cả – bác Học gái – không hiểu vì lý do gì, bị kẹt lại miền Bắc trong lúc cả nhà ông ngoại tôi di cư vào Nam. Trong chín chị em, tất cả là gái trừ hai người em trai là cậu Kim và Thập. Hai ông cậu này là thần tượng của tôi ngày tôi còn nhỏ. Cậu Kim tài hoa, có nghệ sĩ tính, viết văn làm thơ, sáng tác nhạc và chơi tây ban cầm tuyệt vời. Giữa thập niên 1970, cậu có chương trình thiếu nhi Đồng Dao trên Đài Truyền hình số 9. Dù đã có gia đình, cậu vẫn được nhiều bóng hồng ái mộ vây quanh. Cậu Thập cũng viết văn làm báo, có lý tưởng và hoài bão cách mạng xã hội với những bài nghị luận bốc lửa. Cậu ra tranh cử dân biểu Quốc hội năm 1971, đơn vị Sài Gòn nhưng bị ứng cử viên luật sư Trần Văn Tuyên nổi danh hơn đánh bại.

Trong chín chị em, Má tôi là chị lớn trong nhà và thừa hưởng cá tính cương trực của ông ngoại tôi nên có tiếng nghiêm nghị và khó khăn nhất nhà. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên trong Má tôi hay mủi lòng, thương người nghèo khó, hay giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi tối lửa tắt đèn và có một tình yêu dành cho các em, các con vô bờ bến. Sau khi thầy tôi qua đời, Má tôi vất vả chạy ngược chạy xuôi lo lắng cho gia đình. Suốt cả cuộc đời, bà luôn hy sinh cho các con, không một lần nghĩ đến bản thân. Các con vui là Má tôi vui. Các con buồn lại được nghe những tiếng thở dài. Cả đời Má tôi luôn lấy niềm vui của chồng của con làm lẽ sống.

Má tôi ít khi lớn tiếng la mắng khi chúng tôi làm điều sai trái. Bà chỉ nhíu mày khuyên nhẹ vài lời là ai nấy vào khuôn vào nếp. Bà quán xuyến việc nhà như một nữ tướng. Bà luôn ăn nói mực thước, khéo léo khi ra ngoài giao tiếp với mọi tầng lớp xã hội nên được mọi người nể vì, quí mến. Má tôi cũng là người hay làm mai làm mối xuôi chèo mát mái… Nhiều tiểu gia đình trong xóm cũng từ một tay Má tôi mà ra. Cậu mợ Thập tôi nay con cháu đầy đàn lúc nào cũng: “Nhờ chị chúng em mới nên vợ nên chồng”.

Một tấm chân dung đen trắng hiếm hoi của Má tôi, không rõ chụp ở đâu, khoảng thời gian nào, có lẽ từ ngoài Bắc, cho thấy Má cuốn tóc bằng cuộn khăn nhung, tóc chẻ ngôi giữa chừa một chút đuôi gà sau gáy. Trong hình, Má có ánh nhìn dịu dàng và nụ cười duyên dáng với hai bông tai bằng ngọc trai lóng lánh. Má tôi đằm thắm mặn mà. Một cô Bắc kỳ nho nhỏ điển hình.

Anh cả tôi ra đời năm 1941 và bà chị đầu mất lúc còn rất nhỏ, khoảng năm 1939. Tính ra, Má làm lễ thành hôn với thầy tôi vào khoảng 1938 khi vừa mười chín, đôi mươi. Không có một bức hình đám cưới nào còn sót lại. Có lẽ đã bị thất lạc hết sau cuộc di cư vào năm 1954? Tôi luôn mơ hồ tưởng tượng đám cưới ngoài Bắc ngày xa xưa đó rất đông vui. Đủ hai bên nội ngoại và bà con làng nước. Chắc Má tôi ngày đó cũng đỏ hồng đôi má, thẹn thùng bên chú rể là thầy tôi khi tay trong tay, cùng bước ra trước bàn thờ ra mắt hai họ?

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác, gà trưa gáy não nùng.
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng.
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời.
Lúc người còn sống tôi lên mười.
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội.
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi…

(Nắng Mới, thơ Lưu Trọng Lư)

Ảnh: mfromfaraway-unsplash

Những ngày thơ ấu, tôi rất thích những lần anh cả tôi được về phép thăm gia đình. Vì đó là những lần cả nhà được thưởng thức món chả giò và gà luộc của Má tôi. Chả giò với thịt ba rọi được băm nhỏ trộn với nấm mèo, cà rốt, củ đậu, hành tây, hành hoa thêm mắm muối và tiêu đen trộn lẫn trứng gà, cuốn với bánh tráng, chiên với mỡ heo thơm phức giòn rụm, ăn kèm với bún và xà lách. Con gà được cắt tiết, luộc lên. Một nửa được chặt ra từng miếng nhỏ, da vàng ươm béo ngậy; một nửa xé nhỏ trộn với bắp cải, rau răm và chanh ớt làm món gỏi. Bộ lòng được xào với súp lơ và ngò gai thơm ngào ngạt. Nước súp gà được Má tôi làm món miến điểm chút hành ngò…

Phần của tôi là băm thịt heo và vặt lông gà, được Má tôi trả công bằng quả tim và hai lá gan gà luộc chấm muối tiêu ăn thật bùi. Sau này tôi bôn ba đi đó đi đây, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ trên đời, vẫn thấy món chả giò và gà luộc ngày xưa của Má tôi tuyệt nhất trần đời. Có thể vì trong những món ăn đơn sơ đó, có cái không khí gia đình đầm ấm, mọi người hãy còn xum họp bên nhau, trước khi xảy ra cuộc đổi đời bi thảm Tháng Tư năm ấy. Để rồi sau đó mọi người thân yêu sẩy đàn, tan nghé; đứt ruột xa lìa; chia cắt bởi góc bể chân trời xa xôi…

Má tôi, như hầu hết người mẹ Việt Nam, đều giống nhau ở đức tính nhu mì, chịu thương chịu khó; biểu lộ lòng thương chồng con bằng những món ăn ngon. Nhớ về Má tôi, ngoài những lời săn sóc ngọt ngào hay nghiêm nghị dạy dỗ, tôi nhớ nhất những món ăn từ tay bà nấu, từ tô canh chua cá lóc, bát canh khổ qua tôm tươi đậm đà cho tới niêu cá kho tộ hay thịt ba rọi, trứng vịt kho tàu vàng ươm thơm lừng… Mà cũng phải. Có người con nào lớn lên bỏ quê hương, bỏ mẹ cha ra đi lại không có một chiều nào đó, khi gió heo may về, ngồi tê tái nhớ nhà, thèm về một tô canh bốc khói? Trong đó có khói lam chiều sau chái hè và bóng dáng mẹ hiền?

Đó chỉ là những món ăn dân giã đơn sơ, tầm thường, không thể được coi là cao lương mỹ vị, nhưng mùi vị của chúng – chiều nay, qua hai phần tư thế kỷ – vẫn mơ hồ vương vấn trong tôi. Có cả ngàn lý do tại sao chúng quá tuyệt vời nhưng có một lý do, tôi tin chắc, đó là ngoài gia vị thông thường như mắm và muối, chúng còn được nêm thêm tấm lòng đôn hậu và tràn đầy “gia vị” mẫu tử của Má trong đó…

Thương con, thao thức bao đêm trường.
Con đã yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền…

(Lòng Mẹ, nhạc Y Vân)

Má tôi đi chợ hằng ngày ở chợ Kiến Thiết, ngôi chợ nhỏ nằm trước lối vào nhà thờ Tân Hòa. Có một thằng nhỏ với vẻ mặt hí hửng mặc xà lỏn lon ton đi theo xách giỏ. Cảnh hai má con dắt nhau đi chợ luôn là hình ảnh cảm động. Cơ hồ như cảnh bà cháu đi chợ trong Quốc văn giáo khoa thư. Quà chợ cho thằng nhỏ mặc xà lỏn đi theo là cây mía vừa cong vừa dài, hoặc cái bánh đa rắc vừng dòn rụm. Mẹ tôi đi chợ đường xa. Mua tôi cây mía vừa dài vừa cong

Thằng nhỏ đó, theo thời gian lớn lên, không xách giỏ theo Má nó đi chợ nữa; thay vào đó, cuộc đời nó bắt đầu bận rộn với lớp học, giảng đường; với bạn bè trang lứa; với những tiệm sách Khai Trí, Xuân Thu và những lề đường bán sách báo cũ; với các rạp cine Rex, Eden, Văn Hoa; với các quán cà phê có nhạc thời thượng; với những chiều hẹn hò người yêu trước sân trường Trưng Vương. Và những cuộc xuống đường biểu tình đầy nhiệt huyết nhưng rỗng tuếch. Nó ít khi có mặt ở nhà săn sóc Má. Nó rong chơi chỗ này chỗ nọ. Nó cũng không màng tới những món ăn ngon Má nó để dành cho nó hằng ngày… Cho đến một ngày Tháng Tư năm đó, nó bỏ Má nó đi mất biệt không một lời từ giã để đến một nơi xa lắc xa lơ. Nơi xa xôi đó cách Việt Nam nửa vòng Trái đất. Lúc này, nó mới hối tiếc nhưng đã muộn. Thằng nhỏ đó là… tôi.

Ngày qua năm tháng cứ trôi xuôi.
Một phút nhớ xưa, thoắt ngậm ngùi.
Những tưởng, tro tàn trong bếp lạnh.
Hay đâu than ngún dưới tro vùi…
Má ơi, hồn đất bao năm thiếp.
Bỗng chốc trưa nay, vẳng tít mù…

(Dâng Má Thương, thơ Bình Nguyên Lộc)

Với bạn bè trai gái của tôi, Má tôi ân cần săn sóc, hỏi han cởi mở. Sau này khi tôi đã bỏ nước ra đi, các anh tôi vào tù “cải tạo”, vẫn còn nhiều bạn bè tới nhà thăm hỏi, giúp đỡ và an ủi Má tôi. Họ cũng đỡ đần, phụ giúp Má tôi trong chiến dịch đổi tiền, đi kinh tế mới và nhiều buổi bán quần áo, đồ đạc ở chợ trời Lăng Cha Cả thuở mới đổi đời đói rách. Trong đó có Uyên, cô bạn gái với mái tóc demigarçon và nụ cười răng khểnh.

Ảnh: joyce-mccown-unsplash

Sau chuyến vượt biên hãi hùng, Uyên định cư tại Úc và trở thành một khoa học gia lẫy lừng. Khoảng cuối thập niên 1980, tôi nhận được thư của Uyên, trong đó nàng nhắc lại chuyện ngày xưa. Nhắc lại những đêm cả lũ thức khuya làm bích báo được Má tôi cho ăn xôi nếp muối vừng. Nhắc lại một chủ nhật, cả lũ nổi hứng đạp xe lên núi Bửu Long du ngoạn, lúc về cơn mưa Biên Hòa ập xuống làm cả đám ướt như chuột lột nhưng vẫn ngoác miệng cười – vừa cười vừa hát: Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên mặt “Uyên”, khiến người tên “Uyên” đau khổ … “như điên”. Khi về đến nhà, cả lũ được Má tôi cho ăn chè đậu đen nước cốt dừa. Uyên cũng nhắc về Má tôi với những lần hú vía trốn bọn công an ở chợ trời. Có một câu cảm động trong bức thư tôi còn nhớ như in đến tận bây giờ: “Anh T., anh có một người mẹ thật tuyệt vời!”.

Mấy năm trước, tôi về thăm chốn xưa. Con hẻm nhỏ và ngôi nhà cũ đã thay đổi cùng năm tháng. Còn chăng là cái bảng số “529/114” của căn nhà. Tôi ước mong được bước vào bên trong tìm lại những hình bóng cũ. Tôi bấm chuông nhưng không có người ra mở cửa. Dưới ánh tà dương thoi thóp bên đầu hè, tôi đưa mắt nhìn vào trong. Trong một khoảnh khắc, thời gian cơ hồ như đi ngược lại…

Tôi bỗng biến thành một thằng con nít mặc xà lỏn đang vòi vĩnh quà Má đi chợ về. Tôi bỗng trở thành một thằng nhóc con cởi trần lăng xăng tắm mưa… Hình như trong nhà có bóng thầy tôi đang ngồi xem báo… Hình như có dáng Má tôi thức trắng đêm, bên góc giường của thằng con đang lên cơn sốt… Hình như có dáng mấy anh em tôi chụm đầu bên cây đèn dầu hôi học bài… Hình như có tiếng đùa cợt, tiếng cười, tiếng khóc… Hình như đâu đây có tiếng mưa rơi lộp độp trên tàu lá chuối… Hình như thoang thoảng trong không khí có mùi cá kèo kho tiêu… Và hình như sau khung cửa sổ, có bóng mẹ hiền đang ngồi chờ thằng con đi chơi về muộn với những trách móc nhẹ nhàng. Và hình như… hình như…

Nghe em tôi kể lại, sau khi tôi đi mất biệt và các anh vào tù “cải tạo” không tin tức, Má tôi chiều nào cũng mòn mỏi ngóng ra đầu ngõ, trông chờ các con. Chờ thì cứ chờ mà mấy thằng con thì vẫn biệt vô âm tín… Ôi! Má ơi, cả đời Má luôn đợi chờ. Đợi chồng, đợi con và sau này đợi cháu…

Quê nhà tôi ơi, con đường qua ngõ.
Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió.
Nhớ thương đàn con, biết phương trời nào.
Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ.
Những đêm mùa đông, khói hương trầm bay…

Mẹ ơi! Con đã già rồi.
Con ngồi khóc mẹ như trẻ thơ.
Mẹ ơi con đã già rồi.
Con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa.
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo.
Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ…

(Quê Nhà – Mẹ Tôi, nhạc Trần Tiến)

Ảnh: jason-leung-lo-unsplash

Đúng vậy Má ơi, chiều nay, xa xôi nơi vùng Bắc Mỹ, con đã già rồi, vẫn đang ngồi tưởng niệm về Má. Má thật là một người mẹ tuyệt vời. Một phụ nữ Việt Nam điển hình. Tình mẫu tử của Má, như ngày nắng cũng như ngày mưa, như Mặt trăng cũng như Mặt trời, như mây trắng ngàn năm vẫn bay trong bầu trời đã theo con cho đến cuối cuộc đời.

Má ơi! Hôm nay là ngày giỗ của Má. Câu “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” chiều nay sao mà thấm thía. Con bồi hồi ước gì được gục đầu vào lòng Má, dù chỉ một giây, để ngửi hương tóc có mùi bồ kết, để nghe lời ru êm ái, để bập bẹ hai tiếng đầu đời “Má ơi” như ngày xưa còn bé… Bên ngoài, cơn mưa đã tạnh nhưng trên môi con bỗng có vị mặn… Những giọt mưa đắng tràn đầy hối hận đang lăn dài trên gò má…

Những người con Việt Nam sống ở quê nhà hay lưu vong trên khắp năm châu ơi, các bạn hãy cùng tôi thắp lên một nén nhang, một bông hồng trong tim, để tưởng nhớ hoặc vinh danh người mẹ hiền, đã mất hay vẫn còn đang đi bên cạnh cuộc đời mình chiều hôm nay… Xin các bạn hãy thực hiện điều đó ngay trong giây phút này. Đừng hẹn lần hẹn lữa như tôi đã làm. Vì ngày mai có thể sẽ không đến lần thứ hai, “ngày mai” – lúc còn mẹ của tôi – đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại…

Cho con gánh mẹ một lần.
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con…
Cho con gánh cả đôi vai.
Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy.

Để con gánh mẹ đừng can.
Sợ khi mẹ mất, muộn màng gánh ai?”

(Gánh Mẹ, nhạc Quách Beem)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: