Chủ Tịch Dương

(Hình: Danlambao)

Từ hợp tác xã nông nghiệp leo qua đường tàu ngổn ngang đá ba lát là đến sân nhà thờ.

Nhà thờ được xây theo thiết kế làm biếng. Đúng hơn người ta xây nó lúc không có rủng rỉnh tiền bạc để nghĩ đến một công trình đẹp. Đó là căn nhà có bốn bức tường táp lô đặt trên cái nền hình chữ nhật. Bốn góc tường thấp nhất cao ba mét hai. Bên ngoài không hoa văn, họa tiết trang trí. Căn nhà có năm cửa đi và sáu cửa sổ. Nó đủ sức chứa cho chừng bốn trăm người. Điểm nhận biết đây là nhà thờ là cây thánh giá nhô cao hơn mái nhà chừng một thước tây ở nhổn phía trước. Nhà thờ như một kiến trúc cô đơn, không tháp chuông, chẳng nhà xứ đi cùng.

Từ ngày những đứa con đi tập kết trở về đã nhìn thấy cái nhà thờ như một cái gai trước mắt cần nhổ đi. Chủ tịch Dương muốn biến nhà thờ thành nhà kho hợp tác xã. Ông nghĩ nhà thờ giống như một cái nhà kho có cây thánh giá lạc điệu.

Hai ngày sau lễ quốc khánh Năm thứ ba, những đứa con từ Bắc trở về, chủ tịch Dương triệu tập cuộc họp với chủ nhiệm các hợp tác xã, công an, xã đội, đại diện hội phụ nữ, hội nông dân và thanh niên mới. Trước mặt chủ tịch là cái nón cối. Ông đứng lên, đảo mắt nhìn quanh, hắng giọng hai cái rồi bắt đầu lên tiếng.

Thưa các đồng chí, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không thể thiếu những nhà kho cho hợp tác xã. Chúng ta cần phải tịch thu những công trình của ngụy quyền và tàn dư của niềm tin tôn giáo. Công trình của ngụy mà chủ tịch Dương nói đến chắc là năm trường học làng trong xã. Suy nghĩ xấu nhất chẳng ai nghĩ ông nhắm đến những căn nhà của các bà góa, hoặc mẹ mất con xây từ tiền tử tuất. Tàn dư của niềm tin chưa đúng có lẽ là ba cái chùa, một nhà thờ và một thánh thất.

Chủ tịch Dương nói như một nhà chính trị chuyên nghiệp. Khi loài người đến được chủ nghĩa xã hội sẽ không cần tôn giáo. Chỉ có chế độ ngụy không chăm lo đến sự phát triển của người dân mới để cho tôn giáo phát triển. Có thể các đồng chí chưa biết, cái xã này hồi tôi ra đi chưa có người theo đạo Thiên Chúa, vậy mà khi tôi trở về đã có hơn bảy trăm giáo dân. Hai mươi năm đạo chưa bám rễ sâu, dân theo đạo chưa hẳn vì tin Chúa mà do lợi ích. Dân ở đây chẳng giấu giếm mà công khai nói với nhau “theo đạo thì được gạo”. Giờ thì gạo hết, đạo khó giữ. Trên cơ sở này, tôi tin dân đạo chắc không có mấy người sống chết giữ nhà thờ. Nhà thờ thành nhà kho nhà nước được lợi, giáo dân không còn chỗ tập trung đọc kinh sẽ bỏ đạo. Điều này đúng chủ trương, gây khó khăn, làm cho giáo dân khô đạo đi đến bỏ đạo. Mất nhà thờ là bước đầu tiên tiêu diệt một tôn giáo để tiến lên chủ nghĩa xã hội như Liên Xô. Tôi mong các đồng chí nắm rõ được vấn đề này.

Chủ tịch vừa dứt lời, hai mươi người trong phòng họp vỗ tay như chờ đợi để đánh bể cái không khí bị kéo căng của mùi thuốc lá quện với mồ hôi, trộn lẫn giữa cái hơi hăng hăng của mùi đàn ông và mùi đàn bà.

Bài phát biểu của chủ tịch Dương không một chút vấp váp, ứ à để chuẩn bị cho từ tiếp theo. Có lẽ điều ông chủ tịch nói ra được ấp ủ, nghiền ngẫm, chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ ngày ông Dương ngồi chức chủ tịch, dân kháo với nhau ông được đào tạo để làm tuyên giáo nên ăn nói lưu loát. Đó là kết quả khi còn ở ngoài Bắc ông luyện tập nói trước nhân dân bằng cách đứng đối mặt với bụi tre, bụi chuối, cả cánh rừng để nói. Ông xem những đối tượng vô tri kia là con người. Ông có nhiệm vụ làm cho dân thấu hiểu điều đảng muốn là tốt nhất.

Không ai dám nghi ngờ kiểu nói quyền uy của chủ tịch Dương. Đúng hơn họ chẳng dại gì nghi ngờ. Dân của cái xã này vẫn được biết đến, cộng sản chưa một lần chiến thắng ở đây trong suốt hai mươi năm có nghĩa quân. Đã mang tiếng ngụy quyền, nói khác chính quyền mới dễ bị gán tội phản động, chống đảng. Đã có người làm thơ bị bắt vì hai câu, “Đã đảo Mỹ Diệm ăn gạo bao. Hoan hô bác Hồ ăn lúa điểm”. Hai câu thơ như hai câu vè khiến người ta có lười cũng phải thuộc. Có lẽ còn do thời cuộc đổi thay. Chính quyền không bắt người đọc thơ mà bắt người làm thơ. Chính quyền mới gán tội cho ông tội nói xấu chế độ. Bởi kiểu nói lái xỉa xói “lúa điểm” chỉ là liếm đũa. Bắt người làm thơ, kết cho cái tội thật to chẳng còn ai còn dám công khai đọc hai câu thơ ấy. Người ta đồn với nhau chủ tịch Dương ra lệnh bắt nhà thơ còn có nguyên do ganh ghét lúc học tiểu hồi Tây.

Sau ngày giải phóng nhà thờ lặng lẽ chứng kiến nỗi buồn của người ở lại, quyền uy của người trở về. Chỉ đến chủ nhật nhà thờ mới mở cửa cho người đến đọc kinh chừng một tiếng đồng hồ. Mỗi năm chỉ được vài ba thánh lễ vào dịp Giáng sinh, ngày Tết và lễ Chúa sống lại. Mỗi thánh lễ dài ba giờ đồng hồ như để bù lại những ngày chủ nhật không có lễ. Để có được một lần lễ phải nhiều lần chạy vạy xin giấy từ xã lên huyện.

Giáo dân của cái nhà thờ giáo họ này như con không cha. Lúc họ dẫn nhau nương nhờ nhà thờ có cha xứ ở hướng Nam cách hai chục cây số. Lúc thì mong được xem như một thành phần của giáo xứ ở hương Đông cách mười một cây số. Và họ cũng không từ chối mình như một thành viên của gia đình của giáo xứ ở hướng Bắc cách đó mười ba cây số. Có khi họ tự xem mình thuộc về cả ba nơi, như kiểu người ta không đổ trứng vào cùng một rổ. Giáo dân như đàn chiên bị bỏ rơi, đang cố tìm nơi bám víu. Họ nghĩ đơn sơ, mất chỗ này may còn có chỗ kia.

Sau cuộc họp biến nhà thờ thành nhà kho, chủ tịch Dương giao cho cô Tăng, thư ký xã, kiêm chủ tịch hội phụ nữ viết lại thành công văn để gửi lên cho huyện ủy. Người ta đồn nhau, cô Tăng học chưa hết cấp hai mà làm được chức này nhờ có chồng đang đi bộ đội. Người ác ý nói, cô Tăng được chức có cái môi mọng như chực chờ được hôn và cái mông không ngừng lúc lắc theo mỗi bước đi. Hết mười tuần xem xét, chủ tịch Dương được gặp ông bí thư huyện. Trong phòng bí thư huyện ủy, chủ tịch Dương để nói cối ngay cửa vào. Thói quen cho ông biết để ở vị trí này khó bị quên. Dù hơn bốn năm trở về ông chưa một lần quên nó. Sau một hơi thuốc lào, cái ống điếu được cẩn thận đặt vào góc sau ghế như một nghi thức trước khi thông báo một điều quan trọng. Bí thư huyện lên tiếng, chủ trương của huyện chưa thể đồng ý với các đồng chí về việc lấy nhà thờ làm nhà kho cho hợp tác xã. Trước mắt chúng ta phải thu phục lòng dân, đây không phải lúc ngang nhiên cướp nhà thờ. Việc này ta phải làm từng bước. Đồng chí có ý kiến gì về việc này không?

Chủ tịch Dương lấy cuốn vở từ cái túi đeo ngang vai ra lật ba lần thì lên tiếng. Thưa đồng chí bí thư, vậy tôi có đề xuất này. Sắp tới xã có chủ trương sửa lại con đường chính của xã để đi lại dễ dàng hơn. Đất ruộng để sản xuất không thể dùng để đắp đường. Đất núi không sản được lại xa con đường chính. Tôi đề xuất cho dân đào đất trong sân nhà thờ để tu sửa đường chính. Đồng chí bí thư thấy thế nào?

Không trả lời ngay, bí thư chờm người ra sau cầm ống điếu, bứt thuốc nhét vào, bật quẹt, rít một hơn dài cái ống kêu sòng sọc như thể não vừa được thông. Việc này các đồng chí có thể làm ngay, nhưng phải hết sức chú ý, cẩn thận đừng gây bức xúc trong dân. Tôi nghĩ, cho dân dùng đất lấy ở sân nhà thờ để đắp đường sẽ không ai dám phản đối.

Mùng sáu tháng Giêng, năm thứ tư thời những đứa con từ Bắc trở về, hơn một trăm người cầm cuốc, cầm xẻng, mang gánh đến đào sân nhà thờ. Ông chủ tịch đầu đội nói cối chỉ đạo mỗi thôn đào một khu. Người đào, kẻ xúc, phụ nữ khiêng, đàn ông gánh. Đất từ sân nhà thờ được khiêng đổ lên mặt đường theo hướng Tây đến trường học, theo hướng Đông đến chỗ gò cao giữa đồng có con đường cắt ngang. Đất từ sân nhà thờ đào lên nhiều sỏi. Dân kháo nhau, đất này làm đường là số một, trâu bò giẫm lên cũng chẳng nổi bùn. Thời chế độ cũ xây nhà thờ, sang chế độ mới đào sân nhà thờ. Dân chẳng ai đoán được tương lai tới chủ nghĩa xã hội, lên Thiên Đàng, hay cùng nhau xuống địa ngục.

Đúng như tính toán của chủ tịch Dương, chẳng có giáo dân nào đứng ra phản đối chuyện đào sân nhà thờ đắp đường. Dân theo đạo sợ, hay họ đồng ý với nhau việc lấy đất đắp đường là điều nên làm. Không ai biết họ đang nghĩ gì. Giáo dân bị động. Dân theo đạo bất ngờ, không kịp phản ứng. Giáo dân làm thinh. Dân theo đạo cũng đào sân nhà thờ.

Sân nhà thờ sau hai tuần sửa đường thành một cái ao ngang bốn mét, sâu sáu tất nằm dọc theo con đường. Tháng 10, năm thứ tư những đứa con từ Bắc trở về nước ngập sân nhà thờ. Giáo dân bỏ cành cây vào để tạo nơi cho cá ở, ếch nhái tụ tập. Dân các nhà thờ trong bán kính năm trăm mét mượn ao bỏ cây xuống ngâm trong ao trước khi vớt lên làm nhà cho mối khỏi ăn. Khoảng sân bị đào thành cao cá to nhất xã. Sống trong cái đói người ta không thoát khỏi nghĩ đến cái ăn. Giáng Sinh năm thứ năm những đứa con ngoài Bắt trở về giáo dân tát ao bắt cá để ăn mừng.

Gần bốn mươi năm sau, ông cha xứ trẻ măng được chuyển về khi cái ao cá trong sân nhà thờ đã bị lấp. Đường tàu lửa cắt ngang con đường chính của xã trước nhà thờ vẫn chưa có rào chắn. Chỗ cắt ngang trục đường chính của xã và đường tàu cũng chưa có đèn báo mỗi khi có tàu sắp chạy qua. Chính quyền nghĩ bao nhiêu năm tàu chạy qua dân đã quen. Ngành đường sắt cũng nghĩ vậy, dù đã có không ít người dân bỏ mạng vì tàu húc lúc qua đường. Tàu dừng lại, dân trong xã có dịp lại gần ngắm nghía đoàn tàu đứng yên. Chẳng ai kiện tụng đoàn tàu, hay người lái tàu. Dân nghĩ do số trời. Họp dân từ đội, lên thôn, đến xã không ai có ý kiến. Không ai thấy cần ý kiến về sự an toàn. Dân đã quen với sự không an toàn. Xã chỉ quen làm việc với huyện. Xã không quen làm việc với ngành đường sắt. Người kiểm tra đường tàu vẫn đi xuyên xã hằng ngày, nhưng không liên quan đến xã. Hợp tác xã chỉ còn dãy nhà hoang như cái công trình đi lên chủ nghĩa xã hội dang dỡ. Mảnh đất bằng phẳng làm trụ sở hợp tác xã nằm ngay trên trục đường chính người ta đang nghĩ đến phân lô bán nền thu về tiền tỉ.

Chủ tịch Dương không còn đi xe đạp Thống Nhất mà thay vào đó là chiếc xe máy Tàu hiệu Lifan. Trước khi về hưu chủ tịch Dương đã lên đến chức bí thư nhưng người ta vẫn gọi ông là chủ tịch. Chủ tịch Dương về hưu đi xe máy, đội nón cối. Loại nón nặng nề nhất mà người Việt đã nghĩ ra. Loại nón như huy chương của người chiến thắng. Ở cái xã này chủ tịch Dương là bên chiến thắng ông phải đội nói chiến thắng. Dân trong xã ngầm đồng ý với nhau, chỉ có ông Dương, cựu chủ tịch Dương, cựu bí thư Dương mới có quyền đội nón chiến thắng thay mũ bảo hiểm. Chẳng ai biết khi xuống thị xã chủ tịch Dương vẫn đội nón hay thay bằng mũ bảo hiểm. Chuyện chủ tịch Dương không đội mũ bảo hiểm vẫn nóng bên bàn cà phê tám chuyện buổi sáng của nông dân lên đời một nữa sống trong kiểu nhà phố, chân vẫn còn lội ruộng. Chẳng ai rõ chủ tịch Dương có biết người ta bàn tán về cái nón cối của ông hay không. Đã nhiều lần chủ tịch Dương vào quán ăn, nhưng chưa một lần uống cà phê trong xã. Ông chỉ thèm nước chè. Đúng hơn ông sợ những quán cà phê từ chuyện trên đất Bắc không phải ai cũng biết.

Đó là mùa hè, năm thứ mười bảy thời những đứa con ra Bắc trở về. Chủ tịch Dương giờ đã thành bí thư Dương. Bí thư Dương được huyện ủy cho đi nghỉ mát ở Đồ Sơn. Được ra Bắc, ông lâng lâng như trở về nhà. Ông dạo trên con phố nghỉ mát bậc nhất đất Bắc tìm bóng dáng xưa. Chân mỏi, miệng khát, ông ghé vào một quan hiệu Cà Phê Mát Rượi. Trước quán có một tủ bày biện mấy chai nước ông chưa gặp trong những năm còn bom rơi. Tầng trên rủ có mấy gói thuốc ở tầng trên vẫn còn tên Tam Đảo, Ba Vì. Ông vừa ngồi xuống, từ trong nhà một cô gái bận đúng kiểu cho ngày nóng nực chạy ra, vừa ngồi vừa la lả, mời mọc.

Anh ơi mát xa anh ơi. Trời nóng anh mát xa đi, em làm anh mát rượi.

Xa gần chi với cô. Cô còn nhỏ tuổi hơn con tôi thì ai mà anh em với cô. Ông Dương nói dứt khoát như kết luận trong cuộc họp. Nói ông quát cũng chẳng sai. Nếu cô kia gọi ông Dương là đồng chí có lẽ đã không bị ông to tiếng như thế. Mà biết đâu còn giữ chân được bí thư để họp chi bộ. Không có đồng chí, bí thư Dương nhận ra đây là trò hủ hóa. Không phải ông nhớ đến vợ ở nhà. Ông đang sợ đảng biết phải kiểm điểm thì chức bí thư sẽ toi. Bí thư ra khỏi quán, chân bước nhanh như sợ trể giờ chỉ đạo một cuộc họp. Ông chẳng dám ngoáy cổ nhìn lại nơi vừa bước ra. Từ đó, trong đời ông không thêm một lần bước vào nơi nào bán cà phê.

Chủ tịch Dương đi xe máy Tàu, đội nón cối đến gặp cha xứ. Cha xứ mời khách vào trong nhà. Ngồi xuống ghế, sau khi nhấp một ngụm trà, chủ tịch Dương lên tiếng. Linh mục chắc cỡ tuổi con út tôi.

Dạ con năm nay 32 tuổi.

Vậy linh mục nhỏ hơn thằng út tôi hai tuổi. Ông khoe con đứa ở Đà Nẵng, đứa khác lại làm việc ở Sài Gòn. Ông có chín đứa cháu. Rồi ông kể công. Nếu không có tụi tôi lúc đó cái nhà thờ này đã trở thành nhà kho cho hợp tác xã, chứ đâu có đẹp như thế này.

Dạ cám ơn bác đã giữ cho nơi này không bị mất đi. Con cũng biết sau năm 1975, không chỉ đất nước khó khăn, mà giáo dân cũng khó đủ điều. Cám ơn bác hôm nay cho con biết điều này, để con có dịp được cám ơn. Con mới về cũng chưa được ai cho con biết về điều bác vừa nói.

Giáo dân cả cái nhà thờ này ai cũng biết chủ tịch Dương đội nón cối. Chủ tịch Dương chạy xe máy đội nói cối, không đội mũ bảo hiểm nhưng chẳng ai biết chủ tịch Dương cản để nhà thờ khỏi thành nhà kho. Cha xứ ở xa mới về lại là người biết đầu tiên.

Sau lần chủ tịch Dương đến nhà thờ cái bảng bảng tóm tắt phát triển của giáo xứ qua các thời kỳ bằng tờ giấy cứng rộng bằng bốn bàn cờ tướng vẫn treo ở phòng khách nhà xứ. Cái bảng này vẫn không có dòng nào ghi thêm người ta đào sân nhà thờ làm đường, cũng chẳng ghi thêm nhà thờ từng đứng trước nguy cơ trở thành nhà kho.

Chủ tịch Dương vẫn đội nón cối khi chạy xe máy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: