Ngày xưa, trong cái tủ sách nhỏ ở phòng khách nhà tôi, lẫn vào các tác phẩm cổ điển, tạp chí văn học nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước, có một tập thơ được đóng bằng những tờ “pơ-luya” mỏng tanh. Tập thơ được trang trí và chép bằng tay rất thẩm mỹ của anh Hai Huỳnh tôi. Trong đó có những bài thơ làm nao lòng của các tác giả xưa và nay: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Anh Tuấn, Nhã Ca và Trần Dạ Từ v.v.
Đó là những ngày thơ mộng. Lần đầu tiên đọc các thi sĩ này, tâm hồn hãy còn non nớt của tôi đã rung động một cách kỳ diệu về tình yêu. Và nổi bật là những nẻo đường, những địa danh trên quê hương đất nước. Những bài thơ Quang Dũng như: Tây tiến, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây, Buồn êm ấm với:
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai.
Sông xa từng lớp lớp mưa dài.
Có nhớ dáng người trên độc mộc.
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới.
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy.
Có thấy hồn lau những bến bờ…
Không biết ngày mai trời có trong.
Đường xa xa nắng có mông mênh…
Và Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống:
Em ơi! Buồn làm chi.
Anh đưa em về sông Đuống.
Ngày xưa cát trắng phẳng lì.
Em đi trẩy hội non sông.
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân sang…
Những câu thơ trên đã cho tôi những cảm xúc mãnh liệt khó diễn tả. Nó gợi cho tôi mơ về những viễn du, những cuộc phiêu lưu tới những góc trời quê hương xa xăm tôi chưa một lần đặt chân đến. Nó vừa lãng mạn vừa hào hùng, bây giờ chỉ còn trong quá khứ… Ngày đó khi đọc: Vầng trán em vương trời quê hương. Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương. Ưu uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây, tôi cứ ngỡ Quang Dũng hoài niệm về người mình yêu có những nét đẹp phương Tây. Sau này tình cờ đọc Phan Lạc Phúc ở đâu đó mới vỡ lẽ ra “buồn Tây Phương” của bài thơ này ám chỉ một cô gái có đôi mắt đẹp với rèm mi vương nét buồn man mác như những mái đình cong vút của chùa Tây Phương. Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, huyện Thạch Thất của xứ Đoài mây trắng…
Đó là những ngày tôi mới lớn, khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Tôi đã nhủ thầm: Một ngày nào đó tôi sẽ viếng thăm Hà Nội, sẽ đến dâng lễ ở ngôi cổ tự Tây Phương và sẽ gặp đôi mắt người Sơn Tây của tôi…
Tôi khởi hành từ phi trường Newark, New Jersey trên chuyến bay số 899 của hãng hàng không Cathay Pacific trực chỉ Hong Kong lúc nửa đêm. Hành khách có khoảng hơn hai trăm người. Chỉ có mươi người ngoại quốc. Hình như chỉ có mình tôi là người Việt Nam, còn lại đa số là công dân gốc Hoa đang thoải mái hàn huyên với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Họ sinh sống quanh vùng New Jersey và Chinatown ở New York. Một số về thăm nhà, một số đi du hí thử tài vận đỏ đen nơi các sòng bài của người da đỏ ở phía Bắc tiểu bang New York trên đường về lại lục địa Trung Hoa.
Sau hơn mười sáu tiếng đồng hồ dài đằng đẵng vượt qua không phận các nước Canada, Nga và Trung Quốc, chiếc Airbus 330 khổng lồ từ từ hạ cánh xuống phi đạo lúc 4:30 sáng hôm sau ở phi trường Hong Kong. Ngồi ngái ngủ trong phòng đợi chuyến chuyển tiếp từ Hong Kong về Hà Nội, tôi nhìn ra khung cửa kính. Con kênh đào mênh mông với vài cánh buồm đỏ và rặng Liên Hoa Sơn trước mặt nhạt nhòa trong làn sương sớm. Tôi hồi tưởng về những dòng sông bát ngát, những đỉnh núi nhạn hoang sơ trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký của Kim Dung.
Còn hơn nửa tiếng nữa mới đến giờ cất cánh. Tôi chậm rãi bước vào cửa tiệm Duty Zero, ngắm nhìn mọi thứ rượu nổi tiếng trên thế giới cho hết thì giờ. Một thanh niên ăn diện sang bảnh trông có vẻ giống người Đại Hàn với mái tóc nhuộm cam đang đứng chờ ở quầy tính tiền với chai L’or de Jean Martell giá gần $4,000 đưa mắt nhìn tôi: “Chào chú ạ!” với giọng Hà Nội rất chuẩn. Tôi nhìn chai cognac đắt tiền buột miệng: “Chai cognac chắc “hết sẩy” với giá tiền cỡ đó?”.
Cậu ta gật đầu lễ độ giải thích: “Dạ, cháu mua về biếu ông nội. Ông cháu mê nhất loại này!”. Tôi nghĩ thầm: Gần $4,000 cho một chai cognac 750 ml. Cậu ta là đại gia hay sao?. Sau đó gợi chuyện, tôi được biết, cậu thanh niên là du học sinh năm thứ hai ở Đại học Minnesota về thăm nhà, rất mê nhạc vàng trước năm 75 và là con cháu của một “tai to mặt lớn” của chính quyền Việt Nam hiện tại. Tôi nghĩ tới những người khố rách áo ôm, một sương hai nắng, đang sống vất vưởng trên các vỉa hè Sài Gòn và Hà Nội trong những ngày giá lạnh, lòng thoáng phẫn nộ…
Chiếc Airbus 320 của hãng Dragonair với chuyến bay 5297 từ từ xuống thấp trên vùng trời ngoại thành Hà Nội. Bên dưới, những đồng lúa xanh thì con gái chạy dài mơn mởn loang bóng nước in hình mây trắng. Bên cạnh những ngôi mộ đồ sộ rải rác đó đây, một đàn vịt trắng sục sạo kiếm mồi. Vài con trâu đang kéo cày với những người thợ cấy đội nón lá, vai choàng vạt ni-lông cong lưng dưới ánh ban mai. Một vài khu làng nhỏ chen chúc mái ngói âm dương ẩn mình dưới những cây đa, cây cau và bụi tre đầy bóng mát. Thấp thoáng bóng người gánh gồng những đống rạ trên bờ đê… Toàn phong cảnh diễn ra trong một bầu không khí im lặng, không sinh khí. Thật tương phản với những thửa ruộng, vườn tược tưng bừng sức sống nơi miền Nam…
Con tàu đáp xuống phi trường Nội Bài lúc 6:30 sáng. Quê hương miền Bắc trong văn thơ và nhạc là đây. Tôi đã đặt chân lên dải đất ngàn năm văn vật lần đầu tiên trong đời… Từ tầng số một của trạm ga phi trường, tôi bước ra sảnh công cộng đứng chờ phương tiện giao thông. Một chiếc limousine to đùng, đen bóng trờ tới sát lề. Chiếc cửa kính phía sau được kéo xuống, hiện ra mái tóc màu vàng của chàng thanh niên với khuôn mặt giống Đại Hàn tôi gặp vài tiếng đồng hồ trước đó ở phi trường Hong Kong: “Dạ, xin mời chú lên xe cùng về Hà Nội”. Trong xe, tôi thoáng thấy vài cô gái trẻ cười nói. Một cô với khuôn mặt ngây thơ, có đôi mắt đẹp buồn u uẩn, ngồi thu hình trong góc nhìn tôi im lặng. Đôi mắt đẹp thu hồn. Phải chăng đây là đôi mắt người Sơn Tây của tôi? Tôi bỡ ngỡ từ chối, bắt tay và chúc anh chàng chuyến về thăm gia đình vui vẻ. Sau đó tôi vẫy taxi Mai Linh vào Hà Nội…
Hà Nội có nhiều lối vào với bảy cây cầu bắc ngang sông Hồng. Con đường ngắn nhất từ phi trường Nội Bài vào thành phố đi qua cầu Nhật Tân. Cây cầu hiện đại được xây dựng bởi một công ty Nhật Bản và khánh thành năm 2015. Nhưng tôi lại muốn đi lối cầu Long Biên để tận mắt nhìn thấy cây cầu và dòng Hồng Hà với bề dày lịch sử này. Anh tài xế lắc đầu, cho tôi biết từ lâu cầu đã có lệnh cấm, không cho xe hơi qua lại. Cầu chỉ dành cho xe đạp, xe gắn máy, khách bộ hành và những chuyến tàu hỏa từ ga Long Biên gần đó đi phương Bắc. Tôi đề nghị anh chở tôi đến đó dù phải đi vòng xuống xa hơn. Chiếc taxi theo đường Trường Sa nhập vào quốc lộ số 5, vượt ngang sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm, dừng lại dưới chân cầu Long Biên.
Cầu Long Biên là cây cầu nổi tiếng được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khởi công xây dựng từ năm 1898 nên ban đầu có tên là cầu Doumer. Được ví là tháp Eiffel nằm ngang, Long Biên là cây cầu huyết mạch bắc ngang sông Hồng của thủ đô Hà Nội. Tôi rảo bước trên con đường sắt tàu hỏa giữa cầu, ngửa mặt hứng những luồng gió mát từ lòng sông đưa lên. Nước sông màu vàng nhạt, đục ngầu phù sa không một sắc đỏ trong trí tưởng.
Sáng nay dòng sông êm ả trôi, thấp thoáng vài cánh buồm nâu giăng lưới trên sóng… Phải chăng, đây là nơi có những cơn lũ lụt hằng năm làm vỡ đê, với dòng cuồng lưu hung hãn chảy xiết trong Anh phải sống của Khái Hưng? Phải chăng tại quãng hạ lưu sông Hồng này đã xảy ra những chiến thắng vang danh chống ngoại xâm phương Bắc của tiền nhân trong lịch sử? Gần đây hơn vào năm 1954, một nửa đêm về sáng, biết đâu, thầy mẹ tôi cùng nhà văn Mai Thảo trên chuyến xe cuối cùng rời Hà Nội đã vượt qua cây cầu này, cùng nhìn xuống dòng Hồng Hà đen như vực thẳm với Hà Nội bên dưới, để rồi đến phi trường Gia Lâm di cư vào Nam?
1955 sau Điện Biên Phủ, đoàn quân viễn chinh Pháp khi rời Hà Nội cũng đã vượt qua cây cầu này trên đường ra Hải Phòng về nước. Và những năm 1967 và 1972 trong chiến dịch “Rolling Thunder” và “Linebacker”, Không quân Mỹ đã đánh bom làm sập bảy trong mười chín nhịp cầu…
Ven bờ, những làng thôn và cây cối xanh mờ trong khói sóng. Xa xa, một dãy nhà chọc trời vươn lên che phủ bầu trời, như những gã khổng lồ lố lăng. Một đụn cát nhô lên như một hải đảo nhỏ giữa dòng sông, trắng ngà trong nắng mai. Trên cầu, khách bộ hành, xe đạp, xe gắn máy và những người buôn thúng bán bưng hối hả, lũ lượt trẩy hướng về thành phố cho kịp buổi chợ sớm. Nhiều người nhìn tôi tò mò với những ánh mắt vô hồn… Nhạc Phạm Duy chợt vẳng lên bồi hồ trong trí tưởng: Bên cầu biên giới. Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi… Nhưng đường quá xa vời. Hương trời vẫn mê mải…
Tôi đưa mắt nhìn dẫy cờ máu đang bay phất phơ trên nhịp cầu sắt đen đủi uốn lượn trên sông, lòng thoáng một chút bùi ngùi… Nhớ về một thời, một thời để yêu và một thời để chết. Dải đất miền Nam thân yêu của tôi vì màu cờ máu này đã chìm trong đau thương, chết chóc, thù hận và mù mịt khói lửa chiến tranh. Khi tôi viết những dòng này, nước Nga cũng với một lá cờ máu khác đang tàn phá, gieo rắc kinh hoàng cho người dân Ukraine… Cứ mỗi lần nhìn thấy những lá cờ máu, màu cờ vàng ba sọc đỏ và Quốc ca Này công dân ơi lại kiêu hãnh sống lại trong tim tôi. Biết bao thế hệ thanh niên đã nằm xuống, hy sinh cho màu cờ này. Có phải vì thế, lòng tôi cho đến nay vẫn còn biên giới?…
Sáng nay từ khách sạn Movenpick Hà Nội, tôi dậy sớm. Khu phố hãy còn ngái ngủ, bầu trời xám nhạt vì sương mù bao phủ khắp nơi. Trong không khí có mùi thơm nhè nhẹ của hoa sữa, mùi đặc trưng của Hà Nội. Vỉa hè phủ đầy những bông hoa màu trắng nhỏ li ti dưới chân giầy. Hoa sữa Hà Nội đang nở trong gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, báo hiệu mùa Thu đã về trên bầu trời thủ đô.
Rẽ trái, tôi đi ngang qua khu nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng trên con đường cùng tên. Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1886 thời Pháp thuộc, là nơi giam giữ tù chính trị chống lại mẫu quốc. Sang những thập niên 60 và 70, Hỏa Lò được khôi hài hóa thành khách sạn “năm sao” Hà Nội Hilton bởi phi công Mỹ bị bắn rơi trên không phận miền Bắc bị giam cầm tại đây. Người tù binh nổi tiếng trong thời gian này là Hải quân thiếu tá John McCain. Chiếc phản lực cơ A-4 E Skyhawk của ông đã bị bắn rơi trên hồ Trúc Bạch. Sau này, ông trở thành một thượng nghị sĩ và ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008. “Ông tù” Nguyễn Chí Thiện cũng nằm “ép rệp” tại đây những năm 1980, khi ông vọt vào Tòa đại sứ Anh quốc với tập thơ Hoa địa ngục nổi tiếng và bị bắt. Bây giờ Hỏa Lò đã đóng cửa, trở thành viện bảo tàng lịch sử bán vé vào cửa cho du khách tham quan.
Tôi rảo bộ dọc phố Hai Bà Trưng, đường Quán Sứ và Lê Thái Tổ trên những vỉa hè màu đỏ sậm được lát bằng gạch Bát Tràng phủ đầy hoa sữa trắng và lá bàng đỏ. Những vỉa hè nhuốm màu thời gian thơm nồng mùi hoa sữa, hoa sấu và hoàng lan hình như có linh hồn. Bao nhiêu gót giầy của những người muôn năm cũ đã lê gót trên những vỉa hè này? Tiềm thức tôi cơ hồ còn nghe tiếng guốc reo vui của Hoàng Dương Hướng về Hà Nội. Tiếng leng keng của chiếc tàu điện trạm Bờ hồ đến chợ Đồng Xuân còn văng vẳng đâu đây. Phải chăng cũng những vỉa hè này, Nguyễn Đình Toàn và “áo mơ phai” Thu Hồng, chàng học trò Duyên Anh Vũ Mộng Long một chiều trốn học, Phượng và Thu “Đêm giã từ Hà Nội” đã có lần dạo bước? Và biết đâu chỗ này trên một góc phố, ông đồ già với mỗi năm hoa đào nở của Vũ Đình Liên đã ngồi?…
Hồ Gươm cây cối xanh tốt với nhiều cây sấu, bàng lá đỏ, rặng phượng thắm và liễu ướt đẫm sương đêm rũ bóng mặt hồ xuất hiện sau làn sương mỏng. Sương xuân và hoa đào của Vũ Thư Hiên? Mặt hồ với những đợt sóng lăn tăn vỗ nhẹ nhàng, trông giống như một tảng thạch bích xanh mướt giữa lòng thủ đô. Tôi ngồi xuống một ghế đá ven bờ, châm điếu thuốc đưa mắt nhìn Tháp Rùa rêu phủ, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc màu son đang bừng lên trong nắng mai và nhớ về…
Một Phạm Duy với Thái Hằng cười tươi bên nhau trên cầu Thê Húc; một Anh Bằng “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ”; một Vũ Thành lìa xa thành đô yêu dấu với “Giấc mơ hồi hương”; Đoàn Chuẩn “Đêm tân xuân hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi. Chạnh lòng tôi nhớ tới người em”. Trịnh Công Sơn “Mùa Thu Hà Nội. Nhớ đến một người, để nhớ mọi người”…
Và chùa Một Cột, góc sân nào ông già Tàu đã ngồi bán lạc rang húng lìu cho “chú nhóc” Lê Cự Phách Du Tử Lê?… Biết bao người sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, vì chinh chiến điêu linh đã tản mác khắp bốn phương trời, không một lần quay về dù mơ ước. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, không một kỷ niệm về nơi chốn này nhưng hôm nay tôi đang ngồi ngắm hồ Gươm giữa lòng Hà Nội với cảm xúc dâng trào. Tôi ngồi hút thuốc, nhả khói mơ màng thả hồn về những ký ức bàng bạc chỉ có trong văn, thơ, nhạc và… tưởng tượng.
Tôi bước qua cổng tam quan của Ô Quan Chưởng – một trong năm cửa ô còn sót lại của Hà Nội, một cửa ô theo năm tháng trơ gan cùng tuế nguyệt. Tôi lạc vào một thế giới khác. Chằng chịt như một bàn cờ, phố cổ Hà Nội là khu sinh sống và buôn bán sầm uất có từ thời Lý-Trần. Vị trí nằm về phía Đông Hoàng thành Thăng Long bên cạnh sông Hồng. Sự khác biệt của khu phố cổ nổi tiếng là những cửa hàng bán các sản phẩm riêng biệt. Phố cổ còn là 36 phố phường của Thạch Lam với những nhận xét dí dỏm, ý vị.
Khu phố cổ với các cửa hàng san sát, bày biện những mặt hàng lạ mắt tràn ra tới vỉa hè. Khu Tạ Hiện với các quán ăn và bia hơi đông ngẹt người trẻ tuổi. Giai nhân tài tử dập dìu… Có những ngõ nằm sâu trong hẻm nhỏ, thấp hơn lòng đường. Ngõ Phất Lộc của Nguyễn Hiến Lê là đây? Lòng con phố với đường sắt xe điện giữa lộ dày đặc khách bộ hành, người bán kẻ mua cười nói ồn ào. Những gánh hàng rong, gánh hàng hoa của Nhất Linh và dòng xe cộ tấp nập inh ỏi tiếng còi, tiếng động cơ… làm cho tôi có cảm tưởng đang đi lạc trong khu Old City của kinh thành Jerusalem ngày nào… Bài thơ Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn bỗng vang vọng trong từng ngõ ngách:
Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói.
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ.
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất.
Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia.
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê.
Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư.
Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn…
Chùa Tây Phương nằm trên địa phận huyện Thạch Thất, cách Hà Nội khoảng 25 dặm về phía Tây. Chùa là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê. Huy Cận với bài thơ Các vị La hán chùa Tây Phương đã làm ngôi cổ tự này thêm nổi tiếng… Hôm nay từ Hà Nội, tôi theo đại lộ Thăng Long đến giao tỉnh lộ 80 thăm ngôi cổ tự. Ngôi chùa đã ám ảnh tôi từ những ngày xa xưa, khi lần đầu tiên đọc bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng.
Chùa Tây Phương cách Đan Phượng, quê hương của Quang Dũng với Ba Vì xanh mờ và con sông Đáy lặng lờ, chỉ vài dặm đường… Vượt qua một vùng bán sơn địa, đồi núi chập chùng với mây trắng phủ quanh, tôi đến con đường làng bằng đá ong đỏ tươi với những bụi tre ngà lao xao trong gió, rồi đến một đầm sen đang nở rộ. Ven bờ có nhiều người đang thả cá vàng xuống đầm cùng lời nguyện phóng sinh. Sau một cây đa khổng lồ gốc uốn lượn xù xì với rễ phụ rũ xuống như những cánh tay thuồng luồng, tôi thấy cánh cổng tam quan khắc ba chữ “Chùa Tây Phương” hiện ra trước mặt.
Từ chân núi, tôi lần theo 237 bậc thang lát bằng đá ong để lên chùa Tây Phương. Những bậc thang có dấu chân của Quang Dũng và Huy Cận. Đường lên chùa có những cột đèn hình hoa sen màu hồng, vài hàng quán và cây cối xanh mát hai bên. Trên đỉnh núi tọa lạc Chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Tường chùa được xây bằng gạch Bát Tràng với những ô cửa tròn biểu tượng “sắc sắc, không không”, cuộc đời vô thường…
Những mái chùa chạm trổ hình long phượng cong vút như hàng mi của “mắt người Sơn Tây” cho cảm giác đôi long phượng đang chắp cánh để bay lên trời… Cảnh chùa đẹp như bức tranh thủy mặc… Vẳng trên không, có tiếng chuông trầm mặc, tiếng mõ tụng kinh lóc cóc vang đều… Vài bà cụ gần bên tôi tay lần chuỗi, mắt nhắm nghiền thành kính… Nam Mô A Di Đà… Nhìn bà cụ, tôi bỗng chạnh lòng nhớ về mẹ tôi. Những ngày còn thơ, hai má con đi lễ chùa. Thoang thoảng đâu đây có mùi hương trầm, hương hoa sứ. Tiếng chim kêu trên những cội tùng già…
Trời ngả bóng về chiều. Hoàng hôn tím nhạt trên những cây hoa sứ trong sân chùa. Tôi, lòng lâng lâng thoát tục, theo những bậc đá ong lần bước xuống chân núi. Vừa bước qua cổng tam quan, một cơn mưa rào dữ dội ập xuống, chớp lòe sáng, rạch ngang bầu trời ngoằn ngoèo. Cây cối ngả nghiêng vặn mình theo gió. Cả một vùng đồi núi dường như đang rùng mình chuyển động. Con người đứng trước thiên nhiên bao la thật nhỏ bé, bất lực…
Tôi vội vã chạy vào một cửa tiệm bán đồ lưu niệm bên cạnh chân núi. Một thiếu nữ đeo yếm thắm, mặc áo tứ thân cổ truyền đứng sau quầy ngẩng mặt lên chào. Khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt buồn u uẩn nhìn tôi thoáng chút bối rối. Lòng tôi choáng váng và nhận ra ngay: Đôi mắt người Sơn Tây của tôi, của người thiếu nữ ngồi thu mình im lặng trong chiếc limousine đen bóng hôm nào ở phi trường Nội Bài. Người thiếu nữ có “đôi mắt người Sơn Tây” đẹp mê hồn cũng nhận ra tôi…
Cơn mưa dai dẳng kéo dài càng lúc càng nặng hạt. Trong cửa tiệm không một du khách vãng lai, chỉ có tôi và nàng. Nàng mời tôi ngồi trên chiếc bàn tre uống chén chè xanh thơm mùi sen. Lần đầu tiên gặp gỡ nhưng chúng tôi có cảm giác gần gũi, cơ hồ như đã biết nhau từ tiền kiếp. Ngồi đối diện với thiếu nữ có ánh mắt buồn man mác, trong chiếc áo tứ thân cổ truyền đẹp như tranh tố nữ, tôi có cảm giác mình là Quang Dũng đang về thăm “đôi mắt người Sơn Tây” một chiều mưa mù mịt dưới chân chùa Tây Phương…
Nhưng chuyến về thăm của tôi buồn vô hạn… Tôi được biết ông nội nàng đi bộ đội đã chết mất xác trên đường đi B, khi vượt Trường Sơn vào Nam. Cha vì miếng cơm tấm áo phải giã biệt quê nghèo sang Đông Âu kiếm sống từ lâu đã biệt âm vô tín. Giờ chỉ còn nàng và bà mẹ thuê cửa tiệm bán đồ lưu niệm kiếm sống qua ngày. Còn vài tuần nữa nàng sẽ lên đường đi Đài Loan lấy chồng xứ lạ. Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu cũng đành… Hôm tôi và nàng gặp nhau lần đầu ở phi trường Nội Bài cũng là hôm nàng lên Hà Nội cho những người không cùng chủng tộc chọn lựa…
Mưa vẫn rơi rả rích nhưng dường như sắp tạnh. Từng cơn gió lạnh lùa vào khung cửa hẹp. Đêm mù sương trên vùng đồi núi chùa Tây Phương buông xuống thật nhanh. Tiếng côn trùng bắt đầu nỉ non. Ánh sáng từ những con đom đóm bắt đầu lập lòe ngọn lửa ma trơi trên triền núi. Tôi bước ra bậc cửa, thổi những vòng tròn khói thuốc, nhìn vào bóng đêm, lặng người trong thương cảm.
Cho đến một lúc nào đó, tôi có cảm giác người thiếu nữ với “đôi mắt người Sơn Tây” đã đứng sát sau lưng. Hương hoa sói nhè nhẹ. Không gian nhẹ tênh như có giây tơ. Nàng dịu dàng ngả đầu vào vai tôi. Đôi mắt với những hàng mi cong vút khép hờ. Vùng ngực thanh tân sau làn yếm thắm phập phồng chờ đợi. Chúng tôi không nói với nhau một lời. Có nói cũng bằng thừa. Con tim có ngôn ngữ của riêng nó. Hai con tim chúng tôi đã cùng chung nhịp điệu… Giây phút đó tôi muốn ôm chặt lấy nàng trong vòng tay để che chở, để những gì có thể xảy ra sẽ xảy ra… Nhưng bất chợt, những “Sợi tóc” của Thạch Lam và “Chiếc ngực để trần” của Phan Nhật Nam hiện lên như một ánh chớp. Ranh giới giữa thiện và ác, khoảng cách chỉ mong manh như một… sợi tóc. Mong manh nhưng có khả năng làm thay đổi cả một đời người…
Ngay đêm hôm đó, lúc chùa Tây Phương còn mờ mờ huyền ảo dưới ánh trăng xanh, tôi đón chuyến xe đến phi trường Nội Bài, lấy chuyến bay sớm nhất vào Đà Nẵng…
Bao giờ tôi gặp em lần nữa.
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca.
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ.
Còn có bao giờ em nhớ ta?
(Thơ Quang Dũng)