Đòn gánh… đi học!

Share:
Minh họa: thu-n-minh-unsplash

I/ NHẬN NHIỆM SỞ MỚI

Tốt nghiệp ra trường, tôi đạt điểm cao. Hôm phân nhiệm sở, mới thiệt là sợ. Ai mà bị xướng tên, Duyên Hải là một, Củ Chi là hai, Bình Chánh là ba, thiệt, chỉ muốn quay về nhà, vùi mặt vào gối, khóc tu tu một trận cho đã đời, rồi lấy bút ra, thích vào giấy hàng chữ, hận đời đen bạc. Đốt điếu thuốc, nhả khói lên trời, nâng chai rượu đế, ngửa cổ tợp cho cạn, rồi ra sao thì ra.

Nam nữ gì cũng vậy. Như bản án. Nhất là Duyên Hải, hệt đày ra đảo. Tất nhiên, trừ những đứa là dân nơi đó. Mà những đứa đấy, được nhiêu đâu, trên đầu ngón tay. Sinh viên, đa phần, toàn dân gốc Sài Gòn, tức thuộc các quận nội thành. Nội thành, cái gì cũng phát triển, kể cả sự học. Ngoại thành, trước một chín bảy lăm, heo hút, vắng vẻ, người dân trồng lúa, trồng rau, trồng hoa, cuộc sống tranh tối tranh sáng, xôi đậu, học hành gì mà được chứ.

Con cái họ, muốn bằng người khác, phải lên Sài Gòn trọ học, một kiểu mà bây giờ, người ta gọi bằng tị nạn giáo dục. Giống con nhà khá giả, hoặc học giỏi, hiện nay, đua nhau ra nước ngoài học vậy đó.

Tôi được về Thủ Đức. Thủ Đức là cái tên đứng đầu bảng ngoại thành. Thủ Đức, qua cầu Bình Triệu, qua cầu Bình Lợi, qua cầu Sài Gòn, qua bên kia của sông Bạch Đằng…, là nó đó. Cả khóa của tôi, hai trăm sinh viên, mà chỉ chừng hai mươi đứa được về đây, chiếm tỉ lệ một phần mười của tổng số sinh viên tốt nghiệp. Hoặc, phải đậu cao điểm lắm, hoặc, phải bằng chạy chọt.

Mà Thủ Đức hồi xưa, chèn ơi, nó lớn lắm, bao gồm cả quận hai và quận chín bây giờ. Tôi nhớ, đầu nào cũng mút cà tha, Hiệp Phú thì sát Biên Hòa, Long Trường, Long Phước thì sát Gò Công, phía bên tay trái thì tuốt nhà máy nước, rồi thì Linh này Linh kia, Long này Long nọ, rồi Tăng, rồi An, rồi Bình… Vậy mà những ngày tháng là chuyên viên văn của tổ phổ thông, tôi với chiếc xe đạp, đã cùng trời cuối đất. Giờ nghĩ lại, lạnh sống lưng luôn. Chỉ có thể là tuổi trẻ, một thời tuổi trẻ của tôi.

II/ CÔ GIÁO DẠY VĂN

Trường tôi dạy nằm sát ga Bình Triệu, và nên thơ. Nên thơ là bởi vì nó cách lộ lớn khoảng trăm mét vào hẻm, cách những xô bồ xô bộn, cách những ồn ào náo nhiệt, nó tĩnh lặng. Nên thơ là vì nó tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn. Nên thơ, còn là vì, chung quanh nó, tức chung quanh trường tôi đấy mà, không có nhà dân, chỉ toàn lúa với lúa, ngút mắt, và không xây tường rào.

Vừa về một cái, tôi được phân công dạy lớp chín ngay. Thực ra, có hai lớp chín hà, tôi một lớp, anh Quý một lớp. Anh Quý là giáo viên từ trước năm 1975, và ảnh đang chờ bảo lãnh theo diện đoàn tụ, đến năm sau là đi.

Vào đời, tôi mới hiểu, sống được, để sống được ấy mà, khó lắm. Nhỏ, khó theo kiểu nhỏ. Lớn, khó theo kiểu lớn. Mà nào ai dạy ai, nào ai có kinh nghiệm đâu mà chỉ bảo cho ai. Tự mà ra hết. Tự mình phải cố tìm ra cách sống, cách ứng xử, ráng sao cho, người thương nhiều chút, người ghét ít thôi.

Và tôi đã phải tự lực như thế, tất tật, một mình. Nhưng những chuyện này, tôi xin hẹn lại một dịp khác, dài hơi hơn. Hôm nay, tôi chỉ kể về lớp văn tôi dạy và chủ nhiệm mà thôi.

Minh họa: thu-n-minh-unsplash

III/ CHỦ NHIỆM ĐẦU ĐỜI

Lớp tôi dạy và chủ nhiệm là lớp 9A2. Hồi nhận lớp, tôi nghe một, hai đồng nghiệp bỏ nhỏ, 9A1 là lớp ngoan, 9A2 toàn học sinh cá biệt không hà. Tôi khẽ cười, nghĩ thầm, không có cơm ăn, không có việc làm, mới chết, chớ cá biệt hả, chấp luôn.

Học sinh ngoại thành luôn được ưu đãi so với nội thành. Một trong những ưu đãi đầu tiên là các em được quyền học trễ hai năm, thay vì, tuổi vào lớp chín là mười lăm, thì ở đây, một phần ba lớp, các em đã mười bảy tuổi. Tôi hai mươi mốt, chúng mười bảy, cách nhau bốn tuổi. Mà tụi nó thì, Thủ Đức mà, lúa nhiều, gạo sẵn, chúng bự con, đứa nào đứa nấy to muốn gấp đôi tôi.

Ngày đầu tiên vào lớp, Bảo Châu, con bé trưởng lớp, hô, học sinh đứng. Theo thường lệ, thì tụi nhỏ phải la theo, nghiêm. Nhưng đằng này thì không, đứa nhảy lên bàn, đứa nhai kẹo nhóp nhép, đứa rút ná ra, bắn véo véo viên bì, đứa ngả nghiêng, đứa rượt đuổi.

Tôi chẳng biến sắc. Không nói gì cả, tôi đứng yên, tư thế nghiêm trang, nhìn tụi nó. Không biểu hiện gì, nghĩa là, không tức giận, không cau có, không mệt mỏi. Mặt tôi ấy mà, lạnh tanh. Năm phút sau, tụi nó khều nhau, chúng lấy tay chỉ trỏ về phía tôi. Mặt tôi vẫn lạnh tanh.

Thêm năm phút nữa, đứa nào đứa nấy về chỗ, nhưng vẫn ồn, hệt cái chợ vỡ. Mặt tôi, vẫn cứ thế, lạnh tanh. Thêm năm phút nữa, lớp hết xôn xao. Chúng nó nhìn tôi, nhưng còn cựa quậy, còn tiếng ho, còn lấy tay ngoáy mũi. Tôi vẫn lạnh tanh. Thêm năm phút nữa, thì chúng thua tôi. Thật sự thua tôi.

Chúng nhìn tôi trân trân, và tôi nói, nhẹ nhàng nhưng không thân thiết, cô vào lớp đã hai mươi phút, đứng đây, nghiêm trang chào các em, cũng đã hai mươi phút, vậy mà đến bây giờ, cô mới được các em nghiêm trang chào lại. Thật tốt, chúng ta chào nhau nhé. Giờ thì mời các em ngồi.

Tôi lại nói, chúng ta là lớp cuối cấp. Lớp cuối cấp nghĩa là có hai hướng, hoặc học tiếp, hoặc đi làm. Muốn làm nông dân, muốn ở nhà phụ ba má bán hàng, muốn thành công nhân ở xí nghiệp, nhà máy, các em cũng phải học cho xong cái lớp chín này. Không xong lớp chín, không tốt nghiệp được phổ thông cơ sở đâu, đừng mơ.

Hướng kia, đi học tiếp. Mà muốn đi học tiếp, là phải thi tuyển. Giờ cô hỏi nha, em nào sẽ đi học tiếp, đưa tay lên. Ban đầu, khoảng mươi cánh tay. Thấy tôi im lặng, chúng nhìn nhau rồi đưa lên khoảng mươi cánh tay nữa. Tôi vẫn im lặng, lục tục, lớp có năm mươi em, lần lượt đưa lên hết, chỉ hai, ba em, với khuôn mặt buồn bã, ánh mắt cúi nhìn xuống bàn, là không đưa tay.

Tôi khoát tay, ra hiệu cho chúng bỏ tay xuống, tôi nói tiếp, thi có hai môn hà, thi vào lớp mười ấy, có hai môn hà, Toán và Văn. Cả lớp im thin thít. Chúng im, có lẽ vì cái lối nói chuyện nhỏ giọt của tôi. Tôi tiếp, một tuần, cô gặp các em sáu tiết, một tiết, chỉ bốn mươi lăm phút, mà chúng ta chào nhau hết hai mươi phút, còn được hai mươi lăm phút, chưa gì đã thấy, thời gian học của các em, thua lớp bên cạnh 9A1 rồi còn gì.

Chúng vẫn đang im thin thít, hướng mắt lên tôi. Tôi thong thả, toàn huyện Thủ Đức chỉ có hai trường cấp ba là Thủ Đức và Thủ Khoa Huân, một chọi một, các em hiểu không, có hiểu một chọi một là gì không.

Lớp im phăng phắc. Một chọi một, có nghĩa là, hai lớp 9A1 và 9A2 đi thi, toàn bộ 9A1 sẽ đậu, vì các em đó học đủ sáu tiết một tuần, các em thuộc 9A2 sẽ rớt hết, vì, các em chỉ được học văn, tính ra, có ba tiết một tuần thôi. Ba tiết bị mất kia, không ai lấy đi của các em cả. Là chính các em tự nguyện tặng toàn bộ chỗ ngồi tương lai của mình cho các bạn lớp bên. Phải thế không.

Chúng bần thần, ngồi thừ mặt, và chỉ một lần duy nhất ấy, những lần sau, trước khi tôi vào lớp, thì lớp đã ngồi im rồi, phăng phắc. Lớp học im phăng phắc, khi tôi vào. Nhờ thế, tỉ lệ đậu năm ấy của lớp tôi khi thi tuyển vào lớp mười đã khiến cả huyện kinh ngạc, các em đậu chín mươi bốn phần trăm, một tỉ lệ chưa từng có nơi ngôi trường tôi dạy.

Mà những lời tôi nói với các em, lần đầu gặp, không hề mang tính đe dọa. Thời ấy, tỉ lệ chọi cao lắm. Một lớp, rớt mười mấy em, rớt một phần ba trên tổng số năm mươi em đi thi lớp mười, là bình thường.

Minh họa: thu-n-minh-unsplash

IV/ ĐÒN GÁNH ĐI HỌC

Lớp tôi dạy và chủ nhiệm có năm mươi hai em. Bên phía cửa vào lớp là bức tường xây thấp, trên là song gỗ. Bức tường phía kia là hai cửa sổ, ngăn lớp học với đồng lúa. Gió lồng lộng. Tiếng chim hót, tiếng dế kêu, thật nên thơ. Và có cả tiếng còi tàu nữa, mỗi khi chúng vào ga hay rời ga. Nghe riết, cũng thấy nên thơ. Trường tôi, sát một bên ga Bình Triệu.

Một ngày nọ, tôi vào lớp sớm hơn thường lệ, vì tiết ấy, giáo viên bệnh, nghỉ. Tôi chợt thấy các nam sinh tỏ ra bối rối, chuyền tay nhau, giấu giấu gì đó. Tôi đi xuống lớp, ôi mẹ ơi, tôi phát hiện ra, hàng chục cây gỗ vuông, mỗi cạnh của nó khoảng tám đến chục phân, chiều dài bằng cái đòn gánh.

Trong đầu tôi liền nghĩ, tụi nó làm gì vậy, tụi nó tính đi đánh nhau, oánh lộn với ai sao. Tôi hỏi giọng thảng thốt, cái gì đây? Không đứa nào trả lời. Nhìn sang đám con gái, chúng cười khúc khích. Nhìn sang đám con trai, chúng cúi mặt, di di dép xuống sàn lớp. Tôi gằn giọng, cây để làm gì?

Đứa này đẩy đưa kia, kiểu như, mày nói đi. Tôi chỉ vào một em, ra hiệu phải nói, em gãi đầu, lúng túng, cô ơi, là đòn gánh để gánh hàng ngoài ga á cô ơi. Chèn đét thiên địa quỷ thần ơi, đến lúc ấy, tôi mới biết lũ học trò của tôi đáng thương lắm, đáng thương và ngoan ngoãn nhứt quả đất này, các em chính là lứa học sinh ngoan ngoãn và dễ dạy nhứt trong đời đi dạy của tôi.

Các em nam sinh đi học, mang theo đòn gánh. Hễ tiết nào trống giáo viên, hay được nghỉ sớm vì một lý do nào đó bất ngờ, các em, ngay lập tức, cầm đòn gánh, nhảy qua cửa sổ, chạy luồn ra sau sân ga. Các em nhận gánh đồ thuê cho người ta lên xuống tàu, hoặc gánh hàng hóa, thường, lúc bấy giờ là các mặt hàng thiết yếu như gạo, than, củi. Bây giờ, người ta gọi là cửu vạn. Học trò tôi thời ấy, vừa đi học, vừa gánh thuê, các em nữ thì mau mau chóng chóng về nhà, chăm em, nấu cơm, giặt giũ, bán hàng. Không em nào, ngoài giờ học, đi chơi.

V/ GIANG HỒ GA BÌNH TRIỆU

Là em Huỳnh Ngọc Đông. Tên con trai, có chữ Ngọc, mà đời em thì lại chẳng ngọc ngà chút nào. Ngày ấy, giáo viên nào cũng phải dạy hai khối lớp, thậm chí, thiếu giáo viên, phải dạy cả ba, bốn khối lớp. Giáo án, vì thế, soạn rất cực. Đông học với tôi hồi lớp tám. Đến lớp chín, em nghỉ. Phần do nhà khó khăn. Phần do học lực em yếu quá, theo không nổi.

Một bữa, tôi đạp xe đi dạy, gần đến trường, tôi bỗng giật mình, vì nhác thấy Đông, đứng ở ga cổng Bình Triệu, áo phanh ngực, em đang lớn tiếng với một nhóm đông người, không hiểu chuyện gì.

Sau giờ dạy, tôi kêu một số em nam sinh ra hỏi, Đông bây giờ, đang làm gì vậy? Tụi nhỏ bối rối một hồi, rồi ấp úng, tụi em cũng hổng rành cô ơi, nó giờ, kiểu như là, giang hồ vậy á cô. Tôi lo lắng, giang hồ là sao? Mấy đứa lí nhí, là oánh nhau đó cô, là phân xử, dàn xếp chuyện làm ăn ngoài ga á cô.

Tôi thở hắt ra, buồn ủ rũ.

Rồi tôi bị giật giỏ xách, ngay khu vực ga, khi đi làm. Một thanh niên, chân đất, chạy vụt ngang xe, giật cái giỏ tôi treo trên ghi-đông, giật mạnh đến nỗi, xe cùng tôi đều ngã, người ngợm tôi trầy xước, rách cả cùi chỏ lẫn đầu gối, rướm máu.

Tôi thất thểu vào trường. Chưa kịp vô phòng giáo viên, các em học sinh đã hốt hoảng, cô sao vậy cô, tôi muốn khóc, cô bị giựt giỏ xách. Hai, ba em nam sinh chạy vụt đi, tôi hết sức để hỏi xem, chúng chạy đi đâu mà dữ vậy. Bọn con gái thì xả khăn mặt lau cho tôi, dìu tôi vào phòng y tế băng bó. Sự việc diễn ra vào khoảng hơn mười hai giờ trưa chút.

Xe tôi bị hư. Mấy em nam sinh vác đi sửa để lát dạy xong, tôi còn có cái để đạp về. Chiều, sáu giờ, tôi uể oải đóng cửa phòng làm việc (lúc ấy, tôi đã là hiệu phó chuyên môn) lòng buồn, nghĩ đến giấy tờ và số tiền lương còm cõi mới lãnh hôm qua, cảm thấy nản gì đâu, thì bỗng, Đông ở đâu, chạy ào vô như cơn lốc.

Em cầm cái giỏ tôi giơ lên cao, vừa chạy, vừa la to, cô ơi, phải cái giỏ này hông cô. Phải rồi, phải rồi, sao em tìm được vậy. Theo sau Đông là một lô một lốc học sinh lớp tôi, cả nam cả nữ, chúng nó cười cười nói nói, Đông đưa cái giỏ cho tôi bằng hai tay, cô xem coi có mất gì hông cô.

Tôi mừng đến quíu cả tay. Tôi run run, mở ra, ngăn này, ngăn này, ôi trời ơi, mọi thứ đều nguyên vẹn, cả tiền, cả giấy tờ, cả đến sợi dây cột tóc. Tôi xúc động, cô cảm ơn em Đông ơi, mà sao em tìm ra vậy. Đông gãi đầu. Giờ, tôi mới nhìn kỹ lại em, vẫn áo phanh ngực, vẫn đầu tóc bù xù, chỉ mỗi khuôn mặt em, rạng rỡ niềm vui.

Đông nói, giờ, tụi nó khắp nơi, cô ráng cẩn thận nghen cô. Bọn con gái thì nhao nhao nói, tưởng cô mất ở đâu, chớ ở đây, thằng Đông nó là trùm á cô ơi. Từ giờ, ai mất gì, bạn bè hay người thân cô, mà phải ở ga Bình Triệu á nghen cô, cô cứ nói thằng Đông là nó tìm trả lại ngay, còn nguyên vẹn hết.

Đông gãi đầu gãi tai. Còn tôi thì ứa nước mắt. Đến ngay cả việc vói tay lên xoa đầu nó, tôi cũng không thể, nó vừa bự vừa cao. Mà ai lại có thể vói tay lên xoa đầu một kẻ vừa mới tìm ra đồ mà mình bị mất cắp chớ. Đến nhà chức trách còn không thể nữa là. Ở khu vực ga Bình Triệu, em là giang hồ. Nhưng ở trong lòng tôi, em là một học sinh ngoan và là người tốt.

Đừng vội đánh giá điều gì khi chúng ta chưa thực hiểu cặn kẽ, đừng vội tin vào điều gì khi chúng ta mới chỉ vừa thoáng qua. Sự thực không ở vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Sự thực, có khi nằm ở chiếc đòn gánh vô tri và cả ở chiếc áo mặc phanh ngực của một học sinh lớp tám, phải bỏ học để vào đời kiếm cái ăn…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: