Gấu trên xứ tuyết 

Ảnh: pexels-leonard-dahmen

Những tia nắng ấm của mùa Xuân đã đánh thức những chú gấu miền Bắc Mỹ. Sau một giấc ngủ dài mê mệt, những chú gấu thức giấc, vươn vai, khoan khoái hít thở không khí tươi mát… Nhưng rồi chợt thấy mình yếu đuối, tiều tụy, gầy ốm vì đói suốt một mùa Đông, chúng chầm chậm bước ra khỏi hang, phải đi tìm thức ăn, dù “mặn” hay “chay”. Đầu Xuân, cây cối, hoa lá vừa đâm chồi nảy lộc, lấy đâu ra hoa và trái mà ăn, còn đám thú nhỏ cũng biến đâu hết rồi! Những chú gấu bụng đói meo thường buồn bã lang thang trong rừng rồi cuối cùng “mon men” đến khu nhà dân, lục lọi thùng rác. Những chú gấu háu đói nhưng gan dạ này rất thích “xâm nhập gia cư bất hợp pháp”.

British Columbia thuộc Canada là vùng đồi núi với biển xanh được bao quanh bởi rặng Rocky hùng vĩ, được mệnh danh là “xứ sở của gấu”. Ở đây, dân số gấu nhiều nhất thế giới, với khoảng 120,000 đến 150,000 con. Gấu là loài ăn tạp, kiếm ăn từ Tháng Năm cho đến Tháng Mười, rồi nằm dài ngủ Đông. Trước khi ngủ Đông li bì, nếu khí hậu còn ấm áp, gấu vẫn lang thang trong rừng hay đến nhà dân kiếm ăn để dự trữ cho “giấc mộng dài”.

Gấu là loài thú có thể gây nguy hiểm chết người. Nếu không may “ra ngõ gặp gấu” thì không thi triển “Lăng Ba Vi Bộ” được đâu, chạy không lại gấu, mà lỡ trúng phải “hùng chưởng” thì tay chưa kịp bắt chuồn chuồn, hồn đã mỉm cười nơi chín suối! Phải biết những “chiêu thức” lỡ khi gặp gấu: Dừng lại, không nhúc nhích, rồi từ từ lùi, và đi hướng khác; nên mang theo chai “xịt gấu” (Bear Spray), đeo bên mình cái lục lạc hay “chuông báo khẩn cấp” (Panic Alarm). Nếu gấu mẹ đi với gấu con thì khá nguy. Để bảo vệ con, gấu mẹ rất hung dữ. Quanh khu dân cư nào có những cảnh báo gấu lai vãng thì nên thận trọng.

Một buổi sớm mai vừa thức dậy, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy hàng xóm đứng lố nhố trước sân nhà, ai cũng nháy lia lịa chụp hình. Ô… hô…, một chú gấu con đang tòng teng trên cây trước nhà tôi, ca bài “ò e con bear đánh đu!”… Bên dưới gốc cây là gấu mẹ đang quanh quẩn trông chừng con. Người ta sợ gấu nhưng cũng… thương chúng, nên thường cho ăn. Được cho ăn rồi, gấu cứ vậy mà quen đường đi lối về. Những chú háu ăn này có trí nhớ rất tốt, năm nào cũng ghé thăm đúng những nhà đã “mời mọc”.

Để bảo đảm an toàn cho dân, Hội Đồng Thành Phố phải ra luật: Cấm cho gấu ăn, và sẽ phạt tiền những ai bỏ thùng rác ra trước 7:00 giờ sáng vào ngày thu gom rác vì đó là giờ của “trộm”. Tưởng là “nói chơi”, nhiều nhà “thử” bỏ rác ra sớm, ai dè bị phạt thiệt. Có nơi, ngay ngoài phố buôn bán đông đúc mà gấu dám xông vào tiệm bánh ngọt “chôm” một tí bánh ăn cho đỡ ghiền mật. Thế là chú gấu trở thành tên trộm nổi tiếng và tiệm bánh cũng được báo chí và đài phát thanh quảng cáo rầm rộ không tốn tiền.

Gấu ăn trộm vì đói vẫn còn thua xa gấu “cua gái”. Tại Coquitlam, thành phố tôi đang sống, chính quyền xây một cái “crunch”, có 894 bực thang để leo lên ngọn đồi cao – đi lên, đi xuống khoảng 4.4 km đường dài và tốn một tiếng rưỡi đồng hồ. Dân chúng dùng nơi này vừa tập thể dục vừa ngắm cảnh. Đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống và những lúc trăng lên… Vào một ngày đẹp trời, bên sườn dốc, một chú gấu đen to lớn hùng dũng xuất hiện, chặn đường, “khều” tay làm quen một cô gái 19 tuổi. Bức hình được đưa lên mạng, và sau đó chú gấu trở thành “gã dê xồm” bị săn lùng khắp nơi; nếu bị tóm chắc bị tử hình không khoan hồng. Theo luật: Nếu thú rừng “động chạm” đến người thì phải bị “xử tử”.

Người đưa bức hình lên mạng hối hận vì tự nhiên làm hại đời chú gấu đa tình, nên mau chóng làm một “thỉnh nguyện thư” xin tha tội chết cho chú gấu dại khờ, lần đầu tiên phạm tội trong đời! Khu vực leo núi bị đóng cửa cho đến khi nào bắt được “tên dê xồm”. Vài ngày sau, chú gấu bị tóm. Nhờ có thỉnh nguyện thư nên “tội phạm” chỉ bị “giải giao” về quê quán cũ là khu rừng xanh yêu dấu. Gấu mà cũng đa tình, lãng mạn ghê. Lần khác, có người bắt gặp và chụp được tại trận một chú gấu đang tò tò đi theo những người leo núi. Một cô gái đi trước, một chàng gấu theo sau. “Anh” không dám đi mau, sợ nàng chê hấp tấp, lỡ vấp sẽ “tiêu đời”…! May mà không có chuyện gì xảy ra, cho đến lúc chàng gấu buồn bã và âm thầm đi vào ngõ… rừng!

Những chú gấu sinh ra và lớn lên ở Bắc Mỹ dường như cũng biết “đất lành gấu ở” nên sống an vui hơn những chú gấu ở miền nắng ấm như châu Á. Ở đó, người ta tin mật gấu (hay còn gọi là hùng đởm) là một món thuốc có công dụng tuyệt vời trị bá bịnh. Truyền thuyết kể, đời nhà Đường bên Trung Quốc, có một thầy lang khám phá vị thuốc thần tiên này, cho nên từ đó, gấu bị săn lùng. Sau này, để ngăn ngừa gấu rừng bị tuyệt chủng, người ta lập trại nuôi gấu lấy mật. Trước kia, giết gấu lấy mật, nhưng nay kỹ thuật tiên tiến là chỉ hút từ túi mật. Mỗi chú gấu có thể cho 2.2 kg mật trong vòng năm năm, và có những chú gấu sống sót suốt 20-30 năm trong “tù” để cho mật.

Những chú gấu tội nghiệp, đáng thương bị nhốt “muôn năm” trong cái chuồng có thiết kế không đứng, không ngồi, không xoay trở được; và chịu đựng sự tra tấn về thể xác cũng như tinh thần. Việc nuôi nhốt gấu và những “thủ thuật” hành hạ để lấy mật dã man đã bị thế giới và những nhà tranh đấu bảo vệ thú rừng mạnh mẽ phản đối. Có chuyện kể rằng, một chú gấu nổi điên đã đập đầu “tự tử” trong tù! Câu chuyện gấu tự tử đã làm bao nhiêu người rưng rưng thương cảm.

Tuy nhiên, cuộc tranh đấu đòi quyền sống cho những thú rừng luôn gặp nhiều khó khăn. Trước kia, gấu ở Bắc Mỹ sống vui vẻ, an lành, nhưng bây giờ thân phận chúng cũng bị đe dọa vì nạn tìm mật gấu và tay gấu. Mới đây, một khám phá ghê rợn làm chấn động vùng rừng núi của tỉnh bang British Columbia, Canada. Người ta phát hiện mấy chục cái tay gấu bị chặt và vứt tại vùng Hồ Shuswap, gần núi Anglemont. Có thể đây là một vụ săn lậu, bị ruồng bắt và “bỏ của chạy lấy người”? Chính phủ Canada hiện ban lệnh phạt nặng và thậm chí bỏ tù những người mua bán “sản phẩm” từ gấu.

Tuy gấu là một trong những loài thú mạnh mẽ và đáng sợ nhưng nó cũng là hình ảnh đáng yêu, trong quan hệ xã hội con người. Một số người có thói quen khi gặp thì trao nhau “một cái ôm của gấu” (A Bear Hug) để tỏ tình thân ái. Đó là cái ôm nhẹ nhàng, ấm áp, và thân thiện. Canada là xứ sở rất thích “ôm gấu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: