Giai nhân không ưa mặc áo gấm

(ảnh: Unsplash – History/Universal Images Group via Getty Images)

Chuyện này xảy ra lâu rồi.

Hồi ấy trong làng kia có một thiếu nữ đẹp lắm. Tóc nàng mềm óng như mây. Mắt nàng lấp lánh như sao. Môi nàng tươi thắm như đoá hồng nhung. Răng nàng trong như bạch ngọc. Da nàng trắng thơm như bông bưởi. Hỏi tên nàng là gì, không ai nhớ, vì từ lâu lắm rồi người ta chỉ gọi nàng là Giai Nhân, làm như trên đời không còn giai nhân nào khác.

Trong làng có hai nam nhân là Phú Ông và Hàn Sinh. Phú Ông rất giàu mà xấu người xấu nết. Hàn Sinh rất nghèo mà đẹp người đẹp nết.

Phú Ông say mê Giai Nhân, tìm cách lấy lòng nàng bằng quà tặng đắt giá. Một hôm Phú Ông sai gia nhân đem đến nhà Giai Nhân một tấm áo gấm điều đỏ thắm. Giai Nhân không thèm nhận quà, gấp tấm áo gấm điều để ngoài cửa. Gia nhân của Phú Ông đành đem áo về.

Giai Nhân có cảm tình với Hàn Sinh. Hàn Sinh cũng yêu Giai Nhân nhưng mặc cảm mình nhà nghèo, mồ côi cha mẹ nên không bao giờ dám mở lời. Giai Nhân đành đánh bạo lại nhà Hàn Sinh. Đến nơi, nàng thấy Hàn Sinh thân ở nhà tranh, mình mặc áo mỏng, chân đi hài cỏ, lấy làm thương lắm.

Giai Nhân hỏi: “Hàn Sinh ơi, chàng thấy môi em màu gì?” Hàn Sinh đáp: “Môi Giai Nhân đỏ thắm.” Giai Nhân nói: “Vậy chàng lấy son thắm tô lên áo em đi.” Hàn Sinh làm theo. Giai Nhân thấy áo mình đẹp hơn áo gấm điều nhiều lắm.

Phú Ông thấy Giai Nhân không thích áo gấm điều, sai gia nhân đem áo gấm hồng đến tặng nàng. Giai Nhân không thèm nhận quà, gấp tấm áo gấm hồng để ngoài cửa. Gia nhân của Phú Ông đành đem áo về.

Giai Nhân đến nhà Hàn Sinh, hỏi chàng: “Hàn Sinh ơi, chàng thấy má em màu gì?” Hàn Sinh đáp: “Má của Giai Nhân màu hồng.” Giai Nhân nói: “Vậy chàng lấy cánh hoa hồng ngâm nước rồi tô lên áo em đi.” Hàn Sinh làm theo. Giai Nhân thấy áo mình đẹp hơn áo gấm điều, áo gấm hồng nhiều lắm.

Phú Ông thấy Giai Nhân không thích áo gấm hồng, sai gia nhân đem áo gấm vàng đến tặng nàng. Giai Nhân không thèm nhận quà, gấp tấm áo gấm vàng để ngoài cửa. Gia nhân của Phú Ông đành đem áo về.

Giai Nhân đến nhà Hàn Sinh, hỏi chàng: “Hàn Sinh ơi, chàng thấy hài em đi màu gì?” Hàn Sinh đáp: “Hài của Giai Nhân màu vàng.” Giai Nhân nói: “Vậy chàng lấy phấn thông vàng tô lên áo em đi.” Hàn Sinh làm theo. Giai Nhân thấy áo mình đẹp hơn áo gấm điều, áo gấm hồng, áo gấm vàng nhiều lắm.

Phú Ông thấy Giai Nhân không thích áo gấm vàng, sai gia nhân đem áo gấm bạch đến tặng nàng. Giai Nhân không thèm nhận quà, gấp tấm áo gấm bạch để ngoài cửa. Gia nhân của Phú Ông đành đem áo về.

Giai Nhân đến nhà Hàn Sinh, hỏi chàng: “Hàn Sinh ơi, chàng thấy da em màu gì?” Hàn Sinh đáp: “Da của Giai Nhân trắng như bông bưởi.” Giai Nhân nói: “Vậy chàng lấy vôi thơm ăn trầu tô lên áo em đi.” Hàn Sinh làm theo. Giai Nhân thấy áo mình đẹp hơn áo gấm điều, áo gấm hồng, áo gấm vàng, áo gấm bạch nhiều lắm.

Phú Ông thấy Giai Nhân không thích áo gấm bạch, sai gia nhân đem áo gấm tím đến tặng nàng. Giai Nhân không thèm nhận quà, gấp tấm áo gấm tím để ngoài cửa. Gia nhân của Phú Ông đành đem áo về.

Giai Nhân đến nhà Hàn Sinh, hỏi chàng: “Hàn Sinh ơi, chàng thấy guốc tía của em màu gì?” Hàn Sinh đáp: “Guốc tía của Giai Nhân màu tím.” Giai Nhân nói: “Vậy chàng lấy quả mồng tơi tím tô lên áo em đi.” Hàn Sinh làm theo. Bây giờ áo của Giai Nhân có đủ mọi màu. Giai Nhân thấy áo mình đẹp hơn áo gấm điều, áo gấm hồng, áo gấm vàng, áo gấm bạch, áo gấm tím nhiều lắm.

Hoa cẩm chướng. (ảnh: FLY:D/Unsplash)

Phú Ông thấy tặng quà mãi mà Giai Nhân vẫn cự tuyệt, nổi giận, sai một bọn gia nhân hung hãn đến bắt Giai Nhân đem về nhà mình. Cha mẹ Giai Nhân không làm gì được. Hàn Sinh thì chỉ biết khóc.

Ở nhà Phú Ông, Giai Nhân nhớ cha mẹ, nhớ Hàn Sinh. Nàng buồn khổ lắm, chẳng bao lâu sầu héo mà chết.

Dân làng nghe biết chuyện, họ nổi giận, đem gậy gộc phá nhà Phú Ông, lấy được xác Giai Nhân đưa về. Tuy nàng chết vì sầu héo nhưng dung nhan vẫn xinh đẹp vô cùng.

Mộ của Giai Nhân ngoài cánh đồng. Ngày nào Hàn Sinh cũng đến thăm mộ nàng, khóc lóc thảm thiết. Một ngày kia Hàn Sinh thấy bên cạnh mộ Giai Nhân mọc lên một cụm hoa đủ màu sắc đỏ, hồng, vàng, trắng, tím như những màu chàng tô lên áo Giai Nhân độ trước.

Đêm hôm ấy, Giai Nhân hiện ra trong giấc mơ của Hàn Sinh. Nàng nhỏ nhẹ nói: “Hàn Sinh đừng buồn nhiều. Xác em dưới lòng đất nhưng hồn em trong bụi hoa hôm nay chàng đã thấy; hãy đem bụi hoa về trồng trong vườn. Hàn Sinh thấy hoa thì cũng như thấy em vậy.” Hàn Sinh làm theo, đem bụi hoa về ân cần chăm sóc.

Một đêm nọ Giai Nhân lại hiện ra trong giấc mơ của Hàn Sinh, hỏi: “Hàn Sinh đặt tên cho hoa chưa?” Hàn Sinh đáp: “Định đặt tên là Giai Nhân.” Giai Nhân cười, lắc đầu: “Bây giờ em là phận cỏ hoa, đâu dám tranh chỗ các giai nhân của cõi người; hãy đặt tên hoa là Cẩm Chướng, có nghĩa là ngăn chặn áo gấm. Em không ưa áo gấm. Em chỉ thích áo của em được chàng tô đủ màu thôi.”

___________________

Truyện trên mới được đặt ra thôi. Thật ra “cẩm chướng” là biến âm của “kāngnǎixīn” (康乃馨.) Đó lại là biến âm của “carnation.” 康乃馨 đọc theo âm Hán-Việt là Khang Ái (Nãi) Hinh, cắt nghĩa theo chữ thì có thể hiểu là “có khoẻ mạnh bình an thì mới làm cho hương thơm toả ra xa được.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: