Hà Nội Nửa Đêm

Hà Nội, tranh sơn dầu (ảnh: pixabay)

Chưa có một bài thơ nào cho tôi thấy cả tuổi thơ Hà Nội của tôi như bài thơ Chia Tay Hà Nội của Trần Mộng Tú:

Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà
Nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ

Em gửi cho anh
tơ tầm mới dệt
giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông
khúc lụa trắng ngả sang
mầu nguyệt bạch
sợi dệt ngang như mây vắt
trăng rằm

Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm

Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này

Em gửi cho anh
đất trời Hà Nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột
được bạn chia cho trong một lúc
không ngờ

Em chỉ giữ cho em
những con ngõ hẹp
những bàn chân vội vã
dẫm lên nhau
những cánh cửa bàn tay ai quên mở
rặng sấu già nua
vẫn lặng lẽ cúi đầu.

Em gửi cho anh cả
trái tim Hà Nội
Xin anh cất vào chỗ dấu
trái tim em

Hà Nội, cuối Thu 2000

Minh họa: Pixabay

Tôi chép cả bài thơ ra đây để đọc lại cho quên nỗi nhớ của một thời xa, ở một thành phố xa xưa… Tôi sinh ra ở Hà Nội, và xa Hà Nội năm tôi 18 như một bài ca người ta thường hát. Tôi cũng có người em mười sáu trăng tròn. Khi cả hai cùng di cư vào Nam năm 54, gặp nhau lại. Mối tình học trò đó, như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay. Bốn mươi năm sau, tôi trở lại Hà Nội vào mùa Thu, năm mới mở cửa, đường phố, nhà cửa gần như không thay đổi, nhưng cũ đi nhiều…

Tôi ở một khách sạn trong phố cổ. Đêm đầu tiên, thao thức không ngủ được. Nửa đêm, trời trở gió, nghe tiếng lá rơi xào xạc bên ngoài, tôi trở dậy ra mở cửa sổ nhìn xuống đường thấy:

“Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi, đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé ở sau gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em – tôi đoán là hai chị em – chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.

Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.

Mau lên chị ơi… Nhặt cả hai tay chị ạ.

Tao bảo mày đem chổi đi mày lại bỏ quên, thằng nỡm. Tao biết trước là đêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ… thằng nỡm.

Tôi mỉm cười vì sao chị lại không mang chổi đi. Tôi mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thông thạo lắm: Lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, nó vừa nhặt vừa reo:

Gió lên… lạy giời gió nữa lên.

Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì mầu áo lẫn với mầu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đang chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: Một đám lá rơi lỏa tỏa trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.

Lạnh quá…

Chạy mau lên cho ấm… thằng nỡm.

Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé tên là Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng mặc dầu trời rét. Tôi cũng như chúng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá là một lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.

Nhưng gió chỉ được có một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng đã nhặt hết.

– Em được tám bó.

– Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.

Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.

Rồi chúng lại trở về chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng cho “khuất gió”, khuất những cơn gió làm chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.

Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy. Ở ngoài, thỉnh thoảng lại có tiếng đứa bé:

Gió lên… lạy giời gió lên.”

Tôi nhớ tới Nhất Linh, chắc nhà bác hồi trước cũng ở trong khu phố này.

Minh họa: Pixabay

Ngẫu nhiên, khách sạn tôi trọ lần đó lại cùng chung với anh Dũng, chị Loan và bà Hai, mẹ của chị, tất cả từ tỉnh lên. Tôi gặp và chào hai mẹ con chị ở hành lang, bà kêu mệt, nhức đầu cần về phòng nằm nghỉ. Ra khỏi phòng, tôi thấy chị đi thẳng ra phòng tiếp tân, ngồi ở đó xem phố xá Hà Nội.

“Nửa giờ sau Dũng cũng ra cửa, Loan hỏi:

Anh sắp đi đâu bây giờ?

Dũng đáp:

Tôi lại đằng người anh em bạn, lâu ngày không gặp.

Loan bỗng thốt nhớ ra điều gì hỏi Dũng:

Phố Hàng Bông thợ ruộm có gần đây không nhỉ?

Dũng đáp liều:

Gần đây, cô hỏi làm gì?

Em có người chị em bạn, chị Lương ở đấy, em muốn lại chơi… nhưng lại sợ lạc đường.

Dũng nói:

Tôi cũng đi qua phố ấy. Để tôi đưa cô lại. Khi về, cô về một mình.

Loan nhìn vào trong nhà, ngần ngừ, Dũng nói:

Chắc bác ngủ rồi.

Loan rón rén bước ra phố. Nàng thấy quả tim đập mạnh và sợ hãi toan trở về. Nàng tự hỏi:

Có nên không?

Dũng nói:

Cô đi mau lên chứ.

Không nghĩ ngợi, Loan bước liều tiến lên đi cạnh Dũng. Thấy hàng phố đông người qua lại, dần dần nàng trở nên mạnh bạo…

Hai người yên lặng đi. Dũng thấy chân mình lúc đó bước một cách nhẹ nhàng và gót giầy nện mạnh bạo trên hè phố. Trong lòng vui sướng nên cứ tự nhiên chàng muốn bước một lúc nhanh hơn. Loan cũng cố bước mau nhưng không theo kịp:

Em không đi quen, đã thấy mỏi cả chân… Hay thôi, nếu xa thế thì chẳng cần lại đấy nữa.

Dũng đứng lại và dưới ánh đèn chàng thấy trán Loan lấm tấm mồ hôi:

Chắc cô vừa mệt vừa bức.

Chàng cố lấy giọng tự nhiên nói:

– Hay ta vào hàng uống nước cho mát… rồi lại đi nữa.

Loan sẽ gật đầu mỉm cười. Nàng chỉ biết nghe theo Dũng không còn trí đâu để suy nghĩ về hành vi của mình. Trốn mẹ đi đôi với Dũng ở ngoài phố, rồi lại vào hàng ngồi uống nước với Dũng. Loan không biết được rằng thế là làm một việc tự nhiên hay liều lĩnh.

Hàng “cà phê” vắng khách. Chính Dũng cố ý chọn hàng đó, nơi mà trước kia khi còn học ở Hà Nội, chàng đã nhiều lần tới… Hàng cà phê sang trọng quá khiến Loan bẽn lẽn ngồi yên.
Dũng hỏi:

– Cô uống gì?

– Tùy anh.

Dũng gọi hai cốc kem và bánh ngọt.

– Tù hãm hơn một năm trời. Bây giờ lại đến ngồi đây, không biết mình tỉnh hay mê.

Hai người nhìn nhau bâng khuâng. Dũng cúi mặt xuống khẽ đáp:

– Có lẽ mê, nhưng là một giấc mơ đẹp.

Loan cố tìm một câu nói nhưng không biết nên nói câu gì. Nàng không thể cười nói tự nhiên được mà cứ ngồi yên lặng, nàng lại sợ Dũng tưởng lầm rằng nàng không vui lòng.

Dũng nói:

– Bây giờ nghĩ đến nhà quê thật là xa lắc. Giá cứ thế này đi không về nữa thì hay đến đâu.

– Sao lúc nào em cũng thấy anh nói đến đi…

Ngẫm nghĩ một lúc rồi Dũng nói:

– Có lẽ xa nhau rồi mới gần được.

Bồi đem bánh và hai cốc kem lên. Dũng mời Loan ăn, rồi yên lặng nhìn Loan cầm thìa đưa lên môi. Loan cau mày, rùng mình chép miệng nói:

– Ngon quá nhỉ… Sao anh không ăn đi?

– Ngồi nhìn cô ăn ngon hơn là ăn.

Loan lại nói:

– Lúc nãy ăn cơm cũng thế. Nhưng lúc nãy còn có lý vì em ăn cơm tây lần đầu đối với anh chắc là một thứ trò lạ mặt.

Nàng cười, hai má hơi nhuốm hồng và tinh nghịch nói tiếp:

– Cô em bé của anh quê mùa và trẻ con lắm phải không anh?

Dũng không biết hai tiếng xưngem bé” của Loan là do thân mật tự nhiên hay có ý âu yếm.

Chàng nói:

– Lúc này tôi trông cô hơi là lạ, hình như trước mặt tôi có một người con gái mới gặp đã thân ngay, không phải là cô Loan mọi ngày nữa. Tôi mới gặp mà…

Dũng không nói hết câu vì thấy Loan nhìn chàng lộ vẻ suy nghĩ về câu nói có lẽ làm nàng ngạc nhiên. Chàng biết là mình quá lời và lấy làm ngượng vì cái ngầm ý muốn cám dỗ người con gái còn ngây thơ tin ở mình như tin một người anh. Dũng cầm miếng bánh ăn và cố lấy giọng tự nhiên xoay ra câu chuyện có vẻ khác:

– Chẳng cứ gì tôi. Lúc nào tôi cũng thấy cô như nghĩ ngợi điều gì. Trong lúc miệng cô tươi cười thì hai con mắt cô suy nghĩ, có vẻ lo buồn. Có đúng thế không?

– Chịu anh là tài. Nhưng anh đoán sai tất cả.

Loan chợt nghĩ đến việc nhân duyên của nàng và của Dũng. Nàng đã nhất quyết không lấy Thân, nhưng còn Dũng? Nàng không dám chắc, nàng không dám hi vọng nữa, vì nàng thấy thân phận mình đối với Khánh thấp kém quá… Vì cái tình thế rất mập mờ của Dũng và Loan lúc đó nên những lời nói ra thành rụt rè ý nhị quá, bóng gió xa xôi.

Một người đi qua bàn thấy Dũng, mỉm cười chào. Dũng đứng dậy bắt tay. Thấy bạn đưa mắt nhìn Loan, Dũng giới thiệu:

– Cô Loan, em họ tôi.

 Biết là không thể ngồi lâu được nữa và để người bạn Dũng khỏi nghi ngờ mình có ý vội vàng lánh mặt, nên Loan đứng ngay dậy làm như mình đã định về từ trước.

Ra đến ngoài, hai người cứ yên lặng đi, không dám hỏi nhau đi đâu, vì nếu hỏi thì câu trả lời tất nhiên sẽ chỉ là đi về khách sạn, điều mà không ai muốn cả…

Ánh trăng đang mờ bỗng sáng hẳn lên. Gió đưa tà áo Loan khẽ chạm vào tay khiến Dũng sực nhớ mình đi sát gần bên Loan quá. Chàng nhớ đến hôm lễ thọ và cái mơ ước được đi chơi với Loan trong vườn cỏ thơm, gió đưa tà áo Loan phơ phất chạm vào tay êm như một cánh bướm… Dũng không dám quay mặt nhìn Loan; chàng chỉ thấy bên chàng có một bóng trắng hoạt động nhẹ và thơm, lúc sáng hẳn lên dưới ánh trăng, lúc mờ đi trong bóng cây lưa thưa. Dũng nghe rõ tiếng chân bước của Loan nhịp nhàng xen với tiếng chân chàng bước.

Quả tim chàng đập thật mạnh… Chàng như trông thấy trước mặt bàn tay hơi run run của Loan, hôm nào, cời những quả đậu trong rá, chàng nhớ đến cái cảm tưởng ngây ngất được thấy đôi môi Loan mềm và thơm như hai cánh hoa hồng; bao nhiêu thèm muốn ngấm ngầm bấy lâu trong một phút rạo rực trỗi dậy. Bốn bàn chân vẫn bước đều đều… Chàng nghĩ đến lúc đó ngừng lại thì Loan sẽ cũng theo chàng ngừng lại; chàng sẽ đưa cánh tay đỡ lấy Loan và miệng chàng sẽ nói câu mà chàng vẫn thầm nhủ với Loan đã bao lần trong giấc mơ:

– Anh sẽ yêu em trọn đời.

Sự yên lặng của Dũng khiến Loan thốt nhiên giật mình lo sợ. Nàng nói:

– Ta phải nghĩ đến về thôi. Mẹ em mà thức dậy thì chắc mẹ mong lắm đấy.

Về đến khách sạn, Loan hỏi người bồi:

– Có ai hỏi chúng tôi không?

– Bẩm, từ lúc cậu mợ đi đến giờ không có ai hỏi cả.

Dũng và Loan nghe gọi hai tiếng cậu mợ, đưa mắt nhìn nhau mỉn cười. Dũng nói:

– Đừng gọi thế, chúng tôi là hai anh em.

Dũng đứng đợi ngoài cửa phòng, nghe ngóng. Một lát có tiếng bà Hai hỏi Loan:

– Con chưa đi ngủ? Tao mệt quá, ngủ được một giấc ngon.

– Thưa mẹ còn sớm. Con đứng ở cổng xem phố vui quá mẹ ạ.

Bà Hai hỏi:

– Anh đâu?

Loan đáp:

– Thưa mẹ, anh con dễ cũng đi ngủ rồi.

Loan mở cửa, thấy Dũng còn đứng đấy, nàng ra hiệu bảo Dũng về buồng ngủ. Dũng để mấy ngón tay lên miệng làm như đã đoán được ý của Loan không được cất tiếng nói; thực ra chàng muốn dùng cách kín đáo ấy để hôn vọng Loan, mong cho Loan hiểu.

Minh họa: Pixabay

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm nhìn vào tờ chương trình, thấy cần phải đi thăm bác Khái Hưng và Huy, người bạn học cũ. Tôi lại sực nhớ ra là có hẹn với ông Hoàng Cầm đi ăn sáng bún riêu ở ngõ Tạm Thương. Ông vốn là một thi sĩ trong nhóm Nhân Văn.

Tôi gọi Hoàng Cầm là anh vì là người thân thuộc và cùng vùng quê Kinh Bắc. Đến nơi, đã thấy anh ở đó. Hàng đông khách, anh kéo chiếc ghế đẩu cho tôi ngồi. Lâu lắm không được ăn bát bún riêu ngon đến thế. Bún tươi, cua đồng mới bắt, rau thơm đúng vị. Tôi ngồi nói chuyện với anh một lúc lâu, trước khi chia tay, anh dặn tôi nhớ đến thăm Phùng Quán và Bội Trâm. Anh cho biết cụ Đang cũng sẽ đến đó.

Tôi đi bộ qua vườn hoa Hàng Đậu và đi dọc theo phố Quan Thánh, đến một ngã tư, và nhận ra ngay ngôi nhà hai tầng ở góc đường, có vườn trước, tường và hàng rào song sắt phía trên bao quanh. Ngôi nhà này tôi đã đi qua bao nhiêu lần trong lúc nhỏ. Đó là trụ sở làm việc cuối cùng của bác Khái Hưng, tôi dò tìm đường vào, nhưng lối đó đã bị xây chắn bởi một căn hộ nhỏ có bầy bán một vài tạp hóa lặt vặt. Không thể vào được, tôi nghĩ thầm có lẽ mình vào nhầm cửa.

Tôi nhìn bảng số nhà đã cũ số 80, mầu men xanh chữ trắng, xung quanh có những vết rỉ nâu trên tường trước mặt, còn lại từ mấy chục năm xưa. Tôi nghĩ mình không thể nhầm được vì tôi nhớ năm 46, tôi có ông chú làm cho nhà in ở đây, tôi thường đến lấy báo và truyện chú chuyển cho bố tôi. Phía đối diện bên kia đường là trụ sở của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần. Tôi đi ngược lại, ra bên ngoài ngước nhìn lên phía cửa sổ trên gác, thấy bóng bác và một hai người bạn hình như đang bàn những chuyện gì gay go lắm. Tôi không muốn làm rộn bác nên bỏ đi, rồi gọi xe lên trường Bưởi gặp Huy.

Đến cửa trường Bưởi, thấy ông lão bộc của nhà Huy hớt ha hớt hải chạy lại hỏi đám học trò:

Thưa các thầy, đây có phải là trường Bưởi không?

Một cậu đáp:

– Không phải đâu, ông cụ ạ. Đây là trường Bảo Hộ.

Ông lão buồn rầu:

– Thế trường Bưởi ở đâu, nhờ thầy làm ơn chỉ dùm.

Ba bốn cậu vỗ tay cười:

– Mãi tận chợ Cam kia, cụ ạ.

– Nhưng chợ Cam ở đâu kia thầy?

– Chợ Cam ở gần chợ Quít ấy.

Một cậu ra dáng hiền lành trách bạn:

– Các anh cứ đùa cụ ấy thế.

Rồi quay sang ông lão, ôn tồn bảo:

– Phải đấy, cụ ạ. Chính đây là trường Bưởi. Vậy cụ hỏi ai gì?

Ông lão mừng rỡ:

– Cám ơn thầy, thưa thầy làm ơn tìm hộ tôi cậu Huy.

Cô hàng nghe thấy tên Huy, ngửng lên nhìn rồi không kịp giữ gìn buột miệng kêu lên:

– Kìa ông Hạnh!

Ông Hạnh cũng vừa nhận ra được cô hàng:

– Giời ơi! Cô Mai!

Các cậu học sinh tò mò xúm quanh cô hàng với ông lão. Một cậu hỏi:

– Thầy cô đấy à?

Nhưng Mai chỉ ứa nước mắt đứng lặng nhìn người lão bộc.

– Sao cô lại đến nông nỗi này?

– Thôi chốc về nhà hãy nói chuyện.

Rồi cô thản nhiên bán hàng tươi cười đáp những câu hỏi ngớ ngẩn của bạn hàng.

Sau một hồi trống anh em học sinh vội vàng kéo nhau vào trường.

Tôi đến gần chào chị Mai và nói, tôi muốn đến gặp Huy.

Mai thong thả đặt gánh hàng lên vai, quay lại bảo ông Hạnh:

– Bây giờ ta về.

Ông lão ngớ ngẩn hỏi:

– Về đâu cô?

– Về nhà. Nhưng trước hết tôi muốn hỏi: Ông đến đây làm gì.

Ông Hạnh buồn rầu thuật lại cho Mai biết rằng hôm trước ông ta được thư của ông Tham Lộc gửi về nói Mai và Huy bỏ nhà đi đâu không biết, và hỏi thăm ông ta xem có về làng không. Ông nhờ người đọc thư rồi lo sợ đâm bổ đi tìm. Ông lão nói tiếp:

– Nhưng còn cô thì vì duyên cớ gì lại ra nông nỗi này?

Mai cười:

– Chả ra nông nỗi gì cả. Tôi đi bán hàng để kiếm ăn.

– Thế ông Tham Lộc.

– Thì mặc ông ấy! Ông nên nghĩ ngay đến em Huy còn hơn, vì em đang ốm nặng.

Ông Hạnh lo sợ nhớn nhác hỏi:

– Ốm ra sao? Giời ơi rõ khổ tôi quá!

Mai buồn rầu đáp:

– Em nó ho, đau ngực. Mà giờ không có chỗ ở, không có tiền ăn, chứ đừng nói đến tiền thuốc nữa. May còn có người tử tế giúp đỡ, không thì cũng chưa biết tính mệnh ra sao rồi.

Nguyên ngay chiều hôm bà Án đến nhà thì Mai và Huy quả quyết ra đi, dù Huy đã bắt đầu ốm nặng.

Nhưng đi đâu? Chị hỏi em. Em nhìn chị. Bạn của Huy cũng nhiều, khốn nỗi chả nhẽ đưa chị đến ở nhờ. Dù thế nào mặc lòng, cũng phải rời bỏ ngay cái nhà mà mẹ con người ta hình như đồng lòng đuổi mình ra khỏi cửa.

Huy chợt nghĩ đến Trọng, nay cũng không còn là lưu trú học sinh nữa và vì lý tài eo hẹp đã xin ra ở ngoài, trọ nhà bà Cán bán hàng quà cho học trò. Lúc cấp bách còn biết sao, thôi cũng đành liều.

Vừa tới nhà trọ, Huy lên cơn sốt nặng nằm liệt giường ngay. Chị em Trọng hết sức cùng Mai trông nom săn sóc nên ba hôm sau bệnh Huy hơi thuyên giảm.

Nhưng tiền không có một đồng, biết làm sao? Chẳng lẽ ăn bám chị em Trọng cũng đương gặp lúc quẫn bách. Nghĩ tìm vật quý đem cầm đi bán thì bao nhiêu đồ nữ trang Lộc sắm cho, trước khi đi Mai đã trút hết ra để trả lại rồi.

May sao, Bà Cán nghe lời Trọng thuật lại cho nghe chuyện đau đớn của chị em Mai nên đem lòng thương hại. Bà ta liền nghĩ cách gây dựng cho Mai, giao gánh hàng cho Mai đi bán. Bởi vậy, nàng tươi cười cám ơn nhận lời bà Cán ngay, rồi vận áo tứ thân, quần vải thâm, ngày ngày hai buổi gánh hàng quà đến cổng trường Bưởi ngồi bán.

Bà Cán thấy mới buổi đầu Mai đã thạo nghề, bán hàng lại chạy hơn mình thì đem lòng quý mến chia lãi cho. Mai từ chối, chỉ xin được ăn, ở nhờ ít bữa để chờ khi về làng cầm hay bán được nhà sẽ đem tiền lên hoàn lại”.

Tôi ở lại với Huy đến tối. Lúc chia tay, tự nhiên tôi rút ví, còn số tiền mặt tôi đưa cho chị giúp Huy. Chị không nhận. Tôi đành dúi vào tay ông Hạnh, ông ngần ngừ, nhưng tôi cố nắm chặt lấy bàn tay ông và cuối cùng ông đã nhận. Tôi hẹn với Huy là sẽ quay trở lại.

Tôi lấy xe trở lại phố. Gần đến khách sạn, tôi thấy một hàng quà bên đường còn mở, ánh đèn le lói. Bụng đói, tôi nói xe ngưng lại, đi bộ tới quán hàng. Đó là một hàng bún ốc, bún ốc lạnh.

Vừa ngồi xuống tôi thoáng thấy bóng bác Thạch Lam vừa đi khỏi. Người dong dỏng cao, quần áo thẳng nếp, đôi giầy đen bóng. Mấy người ngồi quanh tôi là mấy cô khách đêm, tôi cầm bát húp một chút giấm bỗng lạnh, thấy ngon đến rùng mình. Tôi nghĩ có bao giờ Thạch Lam ngồi ăn như thế này, bác rất sợ ốc, chắc chỉ dừng lại quan sát họ ăn và tưởng tượng tới cái cảm nghĩ của mình. Thạch Lam đã viết những câu nhớ đời:

“Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn, miếng ớt cay làm soa suýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình”.

Minh họa: Pixabay

Hôm sau, tôi dậy sớm theo tour Tam Cốc, Ninh Bình và nối thêm đi thăm bãi biển Sầm Sơn để gặp chị Hiền và xem mặt anh Vọi như thế nào, chuyện của một tiểu thư và anh ngư phủ mà dư luận ở Hà Nội một thời xôn xao. Tôi đi dọc bãi biển tìm villa chỗ chị và gia đình thường ra nghỉ mát. Cuối hè nơi nào cửa cũng đóng, không người vắng lặng, chỉ còn rặng phi lao phía sau rì rào gió thổi. Sau đó, xe ghé vào một công viên gần đó và tôi có dịp trèo lên hòn Trống Mái chụp tấm hình làm kỷ niệm.

Đường về Hà Nội kẹt xe, tôi xuống xe thì trời đã tối xẩm, tôi đi qua khu phố của nhà chị Thu chợt nhìn thấy một bóng người có vẻ khả nghi, tôi đứng lại nấp sau một cột đèn quan sát. Cái bóng đó rất quen, thì ra là anh Trương. Tôi nhìn anh đang lẩn lút lò mò đến cổng nhà chị Thu với cái dáng điệu không bình thường lúc đó, khiến tôi định thốt lên anh làm gì kỳ vậy.

Gần đến nhà Thu, Trương nhìn lên thấy cửa sổ buồng Thu vẫn đóng, nhưng ở trong buồng có ánh đèn. Chàng đứng nấp ở sau một thân cây lớn. Đường phố lúc ấy vắng tanh; phía trên có mấy căn nhà mở cửa sáng, nhưng nhà họ ở lùi vào trong lại khuất sau những chòm cây dày lá nên Trương không sợ ai để ý đến mình. Trong nhà Thu, trừ buồng Thu ra, còn thì tắt hết đèn. Mỹ hẳn là đi xem chiếu bóng, bà Nghị và bà Bát chắc đi đâu vắng. Phía hàng rào xa chỗ ở của đầy tớ. Chàng sẽ đứng khuất sau bức tường và khóm cây kia và giắt bức thư vào cái vòng sắt trên khóm cây.

Cánh cửa sổ trên gác từ từ mở và Thu hiện ra trong khung ánh sáng. Trương tiến lại gần giơ cao bức thư vẫy làm hiệu cho Thu biết: Chàng giắt bức thư vào cái vòng sắt rồi giơ tay chào Thu đi ra đầu phố đợi Thu xuống lấy bức thư.

Trương đứng đợi như thế lâu lắm, chàng lấy làm ngạc nhiên sao Thu không xuống nhận thư. Hay là Thu chưa nhìn thấy bức thư, tưởng là chàng vẫy tay không.

– Hay là Thu vờ như không trông thấy. Không lẽ đến cầm lấy bức thư rồi về à?

Chàng đã tuyệt vọng vì khó lòng cánh cửa sổ lại mở lần thứ hai nữa. Trương đứng yên, hai tay nắm chặt vì tức. Thế là về không và từ nay không còn cách gì để đưa thư cho Thu nữa.

Trương nghĩ ra một kế hay. Chàng cúi xuống tìm thấy viên gạch nhỏ.

– Không biết mình có đủ can đảm ném không? Thu bực mình lắm đấy, nếu thực Thu vờ không nhìn thấy bức thư. Không cho cô ả vờ nữa!

Trương giơ tay quả quyết ném, viên gạch chạm đúng cánh cửa, lần này Trương mở tờ thư ra thật to để cho Thu nhìn rõ. Trương thấy Thu gật đầu tỏ ý hiểu. Chàng quay đi ngay nhưng được một quãng, chàng trở lại đứng nấp đợi sau bức tường.

Có tiếng đế giầy rất nhẹ trên đá sỏi. Trương lấy làm lạ rằng trong khi chờ đợi chàng lại thấy được cái bàng hoàng êm thú như trước kia. Mấy cành lài chen giữa chấn song sắt và mấy bông hoa trắng bắt đầu rung động, một bàn tay thò ra định cầm lấy bức thư.

Trương tiến nhanh lên hai bước; chàng vội nắm lấy bàn tay Thu, đưa lên miệng và lật ngửa hôn vào trong lòng bàn tay. Một mùi hương xông lên ấm như mùi của hoa ngâu đã chín vàng. Trương hôn dần lên cổ tay và kéo Thu về phía mình nhưng chàng thấy Thu cưỡng lại. Tiếng lá sột soạt và cả khóm lài rung động vì bị sức co kéo của hai người. Trương ngửng nhìn mặt Thu. Sao Thu lại sợ hãi đến thế kia; trong lúc sợ hãi Trương thấy nàng đẹp lên khác thường; ánh trăng, mấy bông hoa lài trắng, hai con mắt đen; hương lài lẫn hương phấn, nước hoa. Trong rạo rực thèm muốn; ngay lúc đó – mà chỉ ngay lúc đó thôi – chàng thấy trước là sẽ sung sướng đến cực điểm nếu được hôn vào đôi môi của Thu.

– Em Thu…

Thu cố kéo tay ra. Nàng vừa thở vừa nói:

– Anh bỏ em ra. Người nhà biết thì chết! Ô hay…

Trương hiểu là không nên nài ép thêm. Chàng cầm lá thư đặt vào tay Thu cố nén lấy giọng ngọt ngào nói:

– Xin lỗi Thu.

Trương lùi lại sau bức tường. Nghĩ đến bức thư, Trương thất vọng tự bảo:

– Chắc Thu không bao giờ đến.

Chàng băn khoăn mãi vì là lần đầu chàng xin mà bị cự tuyệt. Có một điều an ủi chàng đôi chút là Thu có lẽ cũng muốn để chàng hôn, nhưng vì sợ người nhà trông thấy nên phải cự tuyệt đấy thôi:

“Anh bỏ em ra ngay. Người nhà biết thì chết! Ô hay…”

Trương thầm nhắc lại câu nói. Muốn tìm cớ gì thì cớ, nhưng cái giọng đặc biệt của Thu khi nói hai chữ “ô hay” đủ tỏ cho Trương biết rằng Thu cũng đã bắt đầu đổi khác. Thu và chàng hai người đều thấy mệt mỏi về cuộc tình yêu găng lâu quá.

Tôi nhớ lại, sao bác Nhất Linh đối với Dũng và Loan, đối với Mùi và Siêu, bác biết mối tình của họ tha thiết thầm kín đến thế nào mà bác không cho họ chỉ cầm tay nhau thôi mà không được. Đến Ngọc và Thanh, bỏ nước đi làm cách mạng, trên đường về nước bị bắn gục bên dòng sông Thanh Thủy, ở biên giới Hoa Việt, lúc sinh tử bác mới cho họ ôm nhau. Nhưng tới Trương và Thu thì bác lại cho họ gần như buông thả, đã có lần bác cho họ ôm và hôn nhau. Còn Trương bác lại cho sống bạt mạng phóng túng vì chắc bác tưởng là Trương có bệnh sắp chết chẳng còn bao ngày nữa.   

Minh họa: Pixabay

Ngày tiếp theo, tôi nghe lời bác Khái Hưng dặn đi thăm anh Linh và chị Lan, hai người cháu ruột mà lâu ngày bác không được tin. Hai người ở hai phía khác nhau, không cùng đường, chắc không thể thăm trong cùng một ngày. Tôi nhớ đến chị Lan, không hiểu vì chuyện gì mà chị bỏ nhà giả trai đi tu ở chùa Long Giáng. Anh Ngọc biết được, lúc đầu cứ đến quấy rầy hoài… Tôi nghĩ thôi cũng không nên đến thăm chị, để chị được tĩnh lặng trong cửa thiền.

Còn anh Linh, tôi phải lên thăm anh. Bố mẹ anh để lại cho anh một đồn điền rộng hai ngàn mẫu trồng cam ở vùng Bố Hạ. Anh phải bỏ Hà Nội, một mình lên đó trông nom, cai quản. Nên cứ mỗi mùa hè tan trường hay có kỳ nghỉ lễ dài anh thường gọi tôi lên đó ở cho có bạn.

Chúng tôi hay cưỡi ngựa rong đi xem các người thợ làm vườn trong trang trại hay đi sâu vào các bản thăm dân thiểu số. Tôi nhớ một lần chứng kiến cảnh anh tình cờ gặp chị Phụng và mẹ của chị ngồi trong xe ô tô hết xăng phải ngưng lại gần đồn điền của anh. Anh vào trại lấy xăng và mời mẹ con Phụng xuống thăm vườn cam đang chín đỏ. Lúc chia tay, Phụng đã hứa, sẽ quay lại mỗi mùa cam. Từ đó cứ tới mùa là ngày nào anh cũng vội vã ra nơi cũ để đợi người xưa…

Lần này tôi đến thăm anh Linh, bác Khái Hưng có ý muốn tôi xem anh đã lấy vợ, có ý trung nhân nào chưa hay vẫn chờ đợi vẩn vơ. Xe của tôi gần đến đồn điền, từ xa tôi thấy bóng anh phi ngựa thấp thoáng sau các rặng cây…

Linh cho ngựa phi nước kiệu lớn, qua rặng đồi cỏ tranh, hấp tấp, vội vàng như người đi đâu có việc gì cần kíp.

Tới chỗ sông Thương lượn khúc chảy ven đường Bố Hạ, quanh một quả đồi trồng cam, Linh kìm cương, nhẹ nhàng nhảy xuống đất, buộc ngựa vào một cây trẩu trụi gần hết lá. Đã một tuần nay từ khi cam bắt đầu rám đỏ, sáng sáng, dùng xong bữa điểm tâm sơ sài, Linh lên ngựa đi thăm lấy lệ mấy nơi vừa phá hoang trồng chè, rồi phi thẳng tới đây ngồi đợi.

Chàng ngồi đợi người năm ấy. Sự mong mỏi làm rạo rực lòng chàng và như man mác cả linh hồn vạn vật.

Vì có lúc ngắm cảnh quanh mình, chàng thấy những khóm cây lặng nghiêng mình trên bờ cao, soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lá sắc và nhọn và hàng bông trắng đứng im tăm tắp và loáng thoáng lẫn trong không. Cả làn mây nhạt đương lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây, mây nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về.

Tiếng chim sơn ca hót trong cỏ rậm. Linh giật mình quay nhìn theo con đường đỏ, và cảm thấy tất cả nỗi thất vọng của một tấm lòng vơ vẩn đợi chờ…

Nhưng qua giậu nửa đan mắt cáo, màu vỏ cam mới rám hồng vẫn nhắc nhỏm gợi nhớ nhung. 

Cái kỷ niệm giây phút ấy đối với Linh đã thành vĩnh viễn, thiêng liêng.

Năm năm cứ đến tháng chạp khi cam ngoài vườn bắt đầu rám đỏ dưới luồng gió heo may, Linh lại cảm thấy thân thể và tâm hồn rung chuyển. Rồi trong vườn hiện ra hình ảnh một thiếu nữ tươi tốt, hồng hào thướt tha bên gốc cam, gốc quýt.

Linh chờ đợi mong ngóng.

Chàng chờ đợi mong ngóng cho tới hết mùa cam. Vì Phụng có hứa với chàng rằng mỗi năm cứ đến mùa cam nàng sẽ lại cùng mẹ một lần lên thăm ấp của Linh. Lời hứa ấy có lẽ Phụng đã thốt ra theo cách xã giao trong câu chuyện thù ứng. Nhưng Linh tin là hứa thành thực. Chàng cũng không hiểu sao chàng lại tin như thế, nhưng chàng cũng không thể không tin được.

Đã hai năm chờ đợi…

Và trên bờ sông cao, khóm cây vẫn im lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lau lá sắc và nhọn vẫn đứng thẳng hàng bông trắng loáng thoáng lẫn trong không. Và trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại…

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về.

***

Ngày cuối cùng ở Hà Nội, tôi dậy từ sáng sớm đi một vòng quanh hồ Gươm. Đến chỗ Khai Trí Tiến Đức, gần với Tháp Rùa nhất, tôi dừng lại nhớ đến năm 1946, tôi gia nhập Nhi Đồng Cứu Quốc và trong đội Yết Kiêu, tôi đã cùng họ bơi ra tháp để đánh đuổi nhóm hướng đạo giả làm cướp biển chiếm đóng tại đó. Tôi đi qua nhà Thủy Tạ nhìn vào, bây giờ thành một quán ăn, hồi những năm đầu 50 là thư viện của thành phố. Tôi thường đến đó ngồi đọc truyện và mơ màng nhìn ra xa, mặt hồ xanh biếc, phía đền Ngọc Sơn với cây cầu Thê Húc sơn đỏ và những rặng liễu lơ thơ rủ bên hồ.

Tôi sang đường đi dọc phố Hàng Đào xuống tới chợ Đồng Xuân. Tôi nhớ đến ở cái góc chợ kia, ngày trước là một cửa hàng cho thuê truyện. Tôi đã đọc gần như không còn một quyển tiểu thuyết nào ở đó. Trong cái thời niên thiếu ấy, tôi cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến.

Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của tôi. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức tôi. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của tôi mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành nữa.

Tôi nghĩ phải ăn một món gì đặc biệt trước khi rời thành phố. Tôi tìm đến phở Bát Đàn, xếp hàng đứng đợi đến lượt mình. Lấy được bát phở xong, tôi bưng ra ngoài, khách quá đông ngồi tràn cả ra hè phố. Tôi đứng loay hoay tìm chỗ, bỗng có tiếng gọi tên tôi, tôi quay lại thì ra là bác Nguyễn Tuân. Bác vẫy tôi lại chỉ cho chiếc ghế đẩu còn trống cạnh bác. Lâu quá không gặp bác, tôi có dịp cùng bác nhắc lại những chuyện của một thời còn vang bóng.

Tôi cũng nói xin phép bác là đã trích một đoạn văn về phở của bác mà tôi để vào đoạn kết trong bài Những Bát Phở Việt Nam. Bài này đã được đăng trên Thế Kỷ 21, và được nhạc sĩ du ca Ngô Mạnh Thu, người bạn của thời trung học Chu Văn An ở Hà Nội đọc trên đài phát thanh tại California. Tôi thấy, dù cho bác sống trong một thời chuyên chế, bao cấp, nghèo đói, bác đã thần thánh bát phở. Thảo nào bác đã không tránh khỏi bị kiểm thảo và phải từ chối các tác phẩm có tính cách tiểu tư sản của mình. Bác viết:

Tôi thấy rằng trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt Nam, có một cái thực tế mà hằng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong cái thực tế vĩ đại của dân tộc. Trong một giọt nước rơi lóng lánh có cả câu chuyện của vầng thái dương; trong miếng ăn, cũng thấy rộng được ra những điều cao cả yên vui trên đất nước bao la tươi đẹp. Tôi thấy tổ quốc ta có núi cao vòi vọi điệp điệp, có sông dài đằng đẵng, có biển bờ thăm thẳm, có những con người Việt Nam dũng cảm xây đắp lịch sử quang vinh, những công trình lao động thần thánh; nhưng bên cạnh những cái đó, tôi biết rằng Tổ quốc tôi còn có phở nữa.

Tôi đã được ăn những bát phở suốt dọc Việt Nam, những bát phở của những nơi trên thế giới, nhưng vẫn nhớ bát phở từ thuở ấu thời của những gánh phở đầu phố ở Hà Nội. Như Thạch Lam đã viết về những bát phở thơ ngây ngày nào: “Chưa biết mùi đau khổ ấy, chưa nhiễm mùi phức tạp, không cần hành hăng, không cần chanh chua, không cần ớt cay.

Ngồi một lúc, tôi xin phép bác phải về thu dọn hành lý để vào Sài Gòn tối nay và sau đó trở về Mỹ. Thay vì đi bằng máy bay, tôi sẽ đáp chuyến tầu Bắc Nam mất khoảng 36 giờ để nối liền hai miền đất nước. Bác Tuân cũng cho tôi biết, tối nay bác cũng ra đón Bạch, người con lãng tử của bác đã đi khắp bốn biển năm châu sẽ ghé trở lại thăm quê hương. Nhưng tiếc rằng tôi lại phải ra đi.

Tối hôm đó, tôi ra ga Hàng Cỏ Hà Nội, sau khi tìm chỗ và xếp gọn hành lý xong, tôi ra khung cửa cố tìm bác Tuân. Một lúc lâu, tôi mới thấy bác, bác đứng dựa vào cột trên sân ga, miệng ngậm tẩu thuốc bình thản không để ý đến hành khách vội vã qua lại. Tôi nhớ là bác thường có thói quen ra sân ga đứng như thế, chẳng trông đợi ai cả mà chỉ muốn nhìn đoàn tầu qua, nghe tiếng còi báo hiệu khởi hành. Tôi chợt nhớ có một câu hỏi muốn hỏi bác.

Tháng trước tôi có đọc một tác phẩm của bác in lại ở hải ngoại, có tựa đề là Quê Hương. Sau đó, tôi lại thấy một vài chỗ lại có tựa đề khác là Thiếu Quê Hương hay Mất Quê Hương. Tôi len ra cửa, xuống hỏi bác vì nếu chỉ có hai tiếng “quê hương” không thì nghe trơ trọi quá. Nhưng giữa đám đông quá ồn ào, bác lại lãng tai, tôi cố nói to mà bác cũng không nghe rõ. Cùng lúc đó có tiếng còi tàu và thấy xe từ từ chuyển bánh, tôi vội giơ tay chào bác và chạy theo để bước lên tầu. Tôi còn muốn nói thêm với bác một câu mà không kịp:

Tôi đã mất quê hương đến lần thứ hai!

03/2022

_________

Những đoạn trong ngoặc kép, chữ nghiêng được trích trong các tác phẩm của:

– Trần Mộng Tú: Bài thơ “Chia Tay Hà-Nội”

– Nhất Linh: Đôi bạn Bướm Trắng

– Khái Hưng: Nửa Chừng Xuân Đợi Chờ

– Thạch Lam: Miếng Ngon Hà Nội

– Nguyễn Tuân: Bài viết về Phở

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: