Hoài niệm những ngày Xuân thơ ấu

Ảnh: Pixabay
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Hoài niệm những ngày Xuân thơ ấu
Loading
/

1/

Mỗi năm sau Giáng Sinh, bước vào đầu Tháng Giêng khí trời trở lạnh. Buổi sáng thức dậy, băng tuyết phủ một màu trắng đục trên cỏ, trên mái nhà, trên cây báo hiệu năm cũ sắp hết, Tết Nguyên đán đang trở về với trần gian. Tôi thường nhớ về những kỷ niệm Tết ngày xưa thuở tôi mới lớn. Những ngày Tết có nắng vàng ấm áp, có tiếng pháo nổ đì đùng, có mùi hoa vạn thọ quyện mùi hương trầm thơm ngát. Trong đó có khung trời, không gian, gia đình, lớp học và những hương vị Tết chỉ có riêng ở miền Nam.

Lớp học ngày cuối trước khi trường đóng cửa thật nhộn nhịp làm lòng tôi xôn xao, háo hức. Hôm nay không có buổi học, mọi người đến lớp dự buổi họp mặt cuối năm, ăn vài lát mứt, cắn vài hạt dưa, hạt bí và ưu ái trao đổi cho nhau những nụ cười, những thiệp chúc Tết hình hoa mai, hoa đào, tràng pháo đỏ. Đại diện lớp chúc các thầy, các cô một năm mới an khang, thịnh vượng.

Một tuần trước đó, thầy dạy Anh ngữ-nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc; và thầy dạy âm nhạc-nhạc sĩ Thu Hồ, đã tập cho lớp bài “When we were young” (nhạc Johann Strauss Jr. Phạm Duy dịch là “Khúc hát thanh xuân”) nên trước khi chia tay, mọi người cùng cao giọng hợp ca: “Ngày ấy khi Xuân ra đời. Một trời bình minh có lũ chim vui. Có lứa đôi yêu nhau rồi. Một ngày tuổi mới đôi mươi. “When we were young one day”. Trong lớp có chị em song sinh Thanh Xuân và Kim Xuân giống nhau như hai giọt nước, khi hát tới câu: “Ngày ấy khi Xuân ra đời” cả lũ chu môi hôn gió về hướng hai nàng làm cả lớp cười ầm, còn hai chị em thẹn thùng đỏ mặt “dễ thương dễ sợ”.

Ngày đó tôi mới lớn “còn khờ”, khi chia tay với các bạn gái xinh xắn trong sân trường, lòng tôi không một chút vấn vương vì trong đầu còn đang bận tâm về mấy con dế than, dế lửa và mấy con cá lia thia đang chờ ở nhà.

Sau khi chúc các thầy, các bạn một năm mới an bình. Người ra miền Trung, kẻ về miền Tây ăn Tết với gia đình. Tôi nôn nao chân sáo bước ra cổng trường. Đám đông, xe cộ náo nhiệt trên đường phố. Ai nấy vội vã hơn vào những ngày cuối năm. Mặt tiền những cửa tiệm dọc đường sáng hẳn lên, đổi khác vì được trang hoàng với những cành hoa mai, hoa cúc, vạn thọ. Tiệm ảnh Mai Anh đổi sắc với chân dung những thiếu nữ đang xuân đứng mơ màng bên gốc mai vàng trong cửa kính. Mấy sạp báo với báo Xuân khổ lớn in hình ca sĩ, tài tử lộng lẫy dường như đang nhoẻn cười với cậu học trò qua đường là… tôi. Tiệm chạp phô đầu ngõ xếp đầy lạp xưởng, khô cá thiều, tranh Tết “Đám cưới chuột”, tranh “Lợn âm dương” đông nghẹt khách với chú Ba chủ tiệm mập thù lù, miệng “hề hề “tay gõ lóc cóc trên bàn tính gỗ. Mùi chạp phô thoảng trong không khí lúc tôi đi ngang, báo tin mùa Xuân đã về…

Tưng bừng pháo nổ (file photo)

2/

Năm nào cũng thế, khoảng hai tuần trước Tết, má tôi dẫn tôi và em gái út Chinh của tôi lên chợ Bến Thành sắm Tết. Má tôi mua một cặp gà trống, lạp xưởng để nấu xôi, bóng lợn làm món bóng lợn thập cẩm, giò heo để hầm măng, thịt ba rọi, tai heo làm thịt đông, giò thủ, giò lụa, chả giò. Củ kiệu tôm khô, nem chua, hành tím, cà rốt, củ cải đường làm dưa hành, dưa món… v.v… Mặt tiền chợ Bến Thành, ngoài các biển hiệu như nước cam Bireley’s, xá xị con nai quen thuộc.

Một dãy xe Lambro 550 đậu trước chợ, giăng đầy các thương hiệu quảng cáo: Kem đánh răng anh Bẩy chà Hynos, Biere Deluxe “33” Export, pin Con Ó, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, khô bò, khô cá thiều… bắt loa ồn ào quảng cáo. Không đâu có hương vị Tết đặc trưng như chợ Bến Thành. Từ mùi thịt nướng vỉ, mùi nước lèo hoành thánh thơm nức mũi và từ hàng trăm mặt hàng Tết “hầm bà lằng” như hoa tươi, bánh trái, mứt, dưa hấu, mùi vải mới, thịt đủ loại, tôm cá tươi, khô cá mực, cá lóc… Bao năm đã trôi qua, đến bây giờ mỗi độ Xuân về, âm thanh, màu sắc và hương vị Tết của chợ Bến Thành vẫn cơ hồ phảng phất đâu đây…

Sau đó, ba má con ghé ngang chợ hoa đường Nguyễn Huệ mua mấy chậu cúc đại đóa màu vàng tươi. Chợ hoa Nguyễn Huệ chen chúc trai thanh, gái lịch dập dìu. Và rừng hoa muôn màu khoe sắc thắm lẫn vào rừng hoa “biết nói” với những tà áo dài, áo đầm đủ màu lộng lẫy trong nắng Xuân đẹp như một bài thơ. Tôi ngày đó còn “thơ ngây”, lòng chưa biết “tơ vương” nên không để ý đến những bóng hồng, chỉ chúi mũi vào những chậu quất vàng ươm chi chít trái.

Quà Tết hằng năm cho hai anh em tôi là những xấp vải mới tinh. Mỗi năm hai anh em được may một bộ quần áo mới đón Tết. Cái quần cũ từ năm ngoái đã lủng hai lỗ phía sau vì cả năm mài đũng quần trên ghế nhà trường. Má tôi vá lại, cắt cụt hai ống làm thành cái quần xà lỏn. Năm nay tôi bắt đầu “nhổ giò”, thỉnh thoảng cái quần bị tụt lên xuống nên được má tôi mua thêm cho chiếc nịt da, có cái khóa bằng bạc hình đầu “lính La Mã”.  Phần em tôi là đôi guốc mộc xinh xinh có quai màu hồng và cái bong bóng màu đỏ, to tròn thật đẹp.

Em tôi còn ngây thơ nhưng năm nay bắt đầu trổ mã. Môi đỏ như son, làn da trắng như trứng gà bóc và khuôn mặt xinh xắn hao hao giống ca sĩ Ngọc Lan nên: “Em tuy mới mười lăm. Mà đã lắm người thăm” (Đi chùa Hương, thơ Nguyễn Nhược Pháp). Em cười tươi luôn miệng, cho tới khi lên xích lô máy ra về, em lóng cóng làm cái bong bóng vuột khỏi tay, bay thẳng lên trời làm em tiếc ngẩn tiếc ngơ… chảy nước mắt. Tôi phải dỗ dành một hồi lâu, em mới nguôi ngoai.

Chợ hoa ngày Tết (file photo)

3/

Tết đến, phận sự của anh Ba Tâm tôi là chùi rửa bàn thờ, bàn ghế, sập gụ và quét vôi tường nhà. Thùng vôi, khi đổ nước vào và dùng thanh gỗ để quậy lên sôi sùng sục, tỏa làn hơi nhẹ. Đến bây giờ khứu giác của tôi vẫn còn thoảng mùi nồng nồng của vôi. Anh Ba pha vào thùng vôi chút bột màu xanh da trời, rồi dùng cái chổi nhỏ bằng rơm đều tay quét lên tường nhà. Phần tôi sơn phết lại hai cánh cửa chính và hai cánh cửa sổ với hộp sơn màu xanh đậm và cọ rửa sàn nhà lợp đá hoa. Buổi chiều, khi hai anh em ngừng tay, căn nhà như lột xác với lớp sơn, lớp vôi còn mới tinh, thơm nồng trong không khí, sàn nhà sạch bóng như gương.

Nhìn má tôi thoải mái ngồi tỉa thuốc ăn trầu bên cành hoa đào đầy nụ. Nhìn thầy tôi ngồi xem báo với vẻ mặt mãn nguyện. Hai anh em tôi tuy mệt, vẫn cảm thấy vui vui trong lòng. Ngoài trời, nắng quái chiều Xuân như sáng hẳn lên trên những mái nhà lợp tôn. Một bầy sẻ nhỏ đang ríu rít, nhẩy nhót kiếm mồi trên máng xối…

Anh Ba là người có hoa tay trong nhà. Mỗi độ Xuân về, tôi và mấy đứa em họ cùng xóm vây quanh anh Ba để được anh chỉ cách làm mứt dừa. Dừa non sau khi cạo sạch lớp vỏ nâu được cắt mỏng, sên với đường cát trắng và bột vanilla. Anh ngâm dừa với lá dứa làm mứt dừa màu xanh, củ nghệ làm màu vàng, cà rốt làm màu cam… Anh căn dặn phải để bếp lửa riu riu khi sên và phải trở đều tay. Cả lũ trố mắt nghe lời anh răm rắp. Nhưng lần đó tôi ham chơi “tạt hình” với Trung để chảo mứt bị cháy. Hai đứa bị anh củng đầu đau điếng. Bù lại đám con nít lại… khoái vì số mứt dừa bị cháy có mùi vị… khen khét, thơm ngon khác lạ. Láng giềng sát vách hôm đó được thưởng thức mùi mứt dừa thơm ngậy bay qua, thay cho mùi nước mắm và cá kho thường ngày…

Hôm đó, ba con heo đất với tiền để dành cả năm của tôi, anh Ba và Hăng-rô được đập vỡ. Tiền giấy, tiền cắc bắn ra tung tóe trên sàn gạch. Cả ba ôm số tiền, mặt mày hí ha, hí hửng chạy thẳng ra tiệm tạp hóa Kim Sơn, xóm Lò Heo, mua mỗi đứa một khẩu súng lục bắn pháo màu đen. Đây là món quà Tết, cả ba đứa đã mơ ước được có từ năm ngoái, mỗi lần đi học về ngang tiệm. Tôi thường đứng xớ rớ ngắm nhìn khẩu súng lục bắn pháo màu đen nằm chễm chệ trong tủ kính trước khi về nhà. Bây giờ niềm ao ước đã trở thành sự thật. Thế là với ba khẩu súng lục bắn pháo màu đen trên tay, cả ba bắt đầu chơi trò cảnh sát đi bắt quân gian. Ba đứa chĩa súng vào nhau, bấm cò liên hồi. Súng nổ đì đạch, khói pháo bay mù mịt trong căn bếp nhỏ. Cả lũ thích thú cười sằng sặc. Đơn sơ nhưng “đã gì đâu”, “thiệt là vui như Tết”…

Tối đó đang ngủ ngon giấc, bất thình lình tôi bị thầy (ba) nắm đầu gọi dậy. Ông sai tôi chạy ra tiệm chạp phô chú Ba đầu ngõ mua gói trà tàu “Thiết quan âm” và mấy gói kẹo đậu phộng. Thì ra anh cả Huy từ Vĩnh Long và anh hai Huỳnh từ Nha Trang được 24 giờ đi phép Tết về. Tôi mừng quýnh, mắt nhắm, mắt mở chạy như bay ra tiệm chạp phô đầu ngõ. Lòng rộn rã niềm vui phơi phới cơ hồ có thể chấp cánh để bay lên được… Món quà Tết anh Hai đem về cho cô em út Chinh là con búp bê biết bò, thay cho con búp bê bằng nhựa cụt mất một tay đã cũ. Anh cả cho tôi cặp chim sáo màu nâu, mỏ vàng trong cái lồng đan bằng tre.

Đêm đó, cả nhà quây quần bên nhau. Nồi cháo gà được hâm nóng lại, chuyện nổ như bắp rang. Đêm Xuân bên tiếng ríu rít của cặp chim sáo, bên tiếng cười nói êm ấm của những người thân yêu và tiếng đàn, hát tươi vui của anh cả tôi: “Ngày đầu Xuân chúc non nước thanh bình. Ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình. Và mồng ba anh chúc đôi mắt em xinh… Từ ngoài biên anh vừa về đến”… (Đầu xuân lính chúc, nhạc Hoài Linh) và “Đón Giao thừa một phiên gác đêm. Chào Xuân đến súng xa vang rền…” (Phiên gác đêm Xuân, nhạc Nguyễn Văn Đông)…, tôi mơ màng thiếp đi lúc nào không hay…

4/

Chú Hương lấy dì Ninh, em gái ruột má tôi, là hàng xóm cách nhà tôi một căn. Chú rất mê truyện Tam Quốc Chí và tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Chú có biệt tài vừa lái xe Suzuki M15, vừa dán mắt đọc truyện mà chưa lần nào đâm vào ai. Là tay chơi tổ tôm có hạng, chú cũng có tài hãm, gọt để hoa thủy tiên nở đúng vào đêm Giao thừa; và gói bánh chưng đẹp, ngon có tiếng khắp vùng. Những ngày cận Tết, chú trổ tài gói bánh chưng, dạy anh Ba và tôi cách sắp xếp gạo nếp, đậu xanh, thịt ba rọi và cách gói lá dong sao cho cái bánh được đẹp mắt. Chú gói bánh chưng không cần khuôn. Chú chỉ gói bằng tay mà cái nào cái nấy đều đặn, xinh xắn đẹp mắt.

Những đêm cận Tết đen như mực, tôi và Hăng-rô ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, xuýt xoa vì rét. Ngồi chờ bánh chưng được nấu chín. Hai đứa thường thảy vào bếp lửa vài củ khoai lang, khoai mì ăn cho đỡ đói bụng lúc nửa đêm về sáng… Đêm cuối năm rét ngọt, gió vi vu, ngồi ngủ gà, ngủ gật canh nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa bập bùng, chia nhau củ khoai nướng nóng hổi còn bốc khói. Mùi khói củi tỏa lan làm cay mắt, cay sống mũi nhưng vẫn háo hức chờ Tết, nghe Hăng-rô nói chuyện vẩn vơ về cô gái nhỏ tên Hà hàng xóm. Bây giờ đã thuộc về dĩ vãng…

Đêm Ba mươi Tết. Vào lúc cái đồng hồ quả lắc trên tường nhà tôi gõ bong bong đúng mười hai tiếng, đêm trừ tịch im lặng như tờ bỗng choàng tỉnh. Tiếng chuông nhà thờ inh ỏi, tiếng chuông chùa trầm mặc lan xa trên thinh không như giục ai đó trở về. Phút Giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bắt đầu. Tiếng pháo lúc đầu còn lẹt đẹt, bây giờ đua nhau nổ giòn giã, đì đùng liên hồi, liên tục xa gần mọi ngõ khắp xóm. Đó cũng là lúc tôi và lũ nhóc hàng xóm chạy ùa theo tiếng pháo, chờ pháo ngừng tiếng nổ, tranh nhau vào nhặt những trái pháo bị đẹt, mặt mày hoan hỉ… Xen lẫn trong tiếng pháo, có tiếng chó sủa, có tiếng nói, cười khúc khích trong vắt của những thiếu nữ đi hái lộc đầu năm… Thoang thoảng trong gió đêm có mùi thuốc pháo, có mùi hương trầm, hương bồ kết…

Rộn rịp mừng Xuân (file photo)

5/

Trong giây phút giao mùa đó, thầy tôi dùng một cây nhang còn cháy dở, châm lửa đốt một bánh pháo đón Xuân. Bánh pháo nổ vang trời, những tia lửa lóe sáng, xác pháo tan tác, khói bay mù mịt trong sân. Sau đó thầy tôi dội một chậu nước ra sân thềm trước nhà. Ông tin tưởng làm như thế, bước sang thềm năm mới, cả năm sẽ làm ăn suôn sẻ, tiền vào như nước. Có lẽ ông đã học được phong tục này từ ông nội của tôi ngoài miền Bắc. Tục lệ này, hơn bốn mươi năm sau đã sang tới nước Mỹ. Năm nào cũng vậy, đúng vào đêm Giao thừa, anh Ba tôi cũng dội một chậu nước ra sân thềm trước nhà như thầy tôi vẫn thường làm từ bao năm. Chỉ thiếu tiếng pháo. Có thể anh thể hiện phong tục đó để tưởng nhớ về thầy chúng tôi trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng hằng năm…

Sáng Mồng Một cả nhà thức dậy sớm. Mọi người tề chỉnh trong bộ đồ “vía” của mình. Thầy tôi tươi cười trong bộ complet xám nhạt, cà-vạt màu rượu chát. Má tôi mặc áo gấm, tóc vấn trong cuộn khăn nhung, chừa một chút “đuôi gà” sau gáy. Với cái nhìn dịu dàng và nụ cười cùng hai bông tai bằng ngọc trai sáng lóng lánh, má tôi trông như trẻ lại hằng chục tuổi. Cả nhà với tôi làm đại diện kéo sang nhà chú, dì Hương chúc Tết. Nhà chú đầy rượu vang, Martell, táo tàu và những giò thủy tiên hoa nở trắng xóa trong những cái ly thủy tinh trong suốt. Chú bảnh bao với mái tóc chải bóng loáng cho tôi nhấp một ly rượu khai vị Dubonnet “Con mèo đen”. Dì Hương mượt mà trong tấm áo nhung, cười hiền hòa lì xì hai anh em tôi. Sau đó cả hai nhà giẫm lên xác pháo trên lối đi, xuất hành du Xuân lên nhà ông bà ngoại ăn Tết…

Sáng nay nắng vàng tươi và bầu trời xanh ngắt không một cụm mây. Trong và ngoài ngõ pháo thỉnh thoảng vẫn nổ vang trời. Năm nay bà con lối xóm đốt nhiều pháo “toàn hồng”. Xác pháo màu hồng trải dài trên lòng con ngõ nhỏ, theo làn gió Xuân bay lửng lơ như đàn bướm muôn màu trong nắng. Không gian thơm nồng mùi diêm sinh làm hồn tôi như ngất như ngây… Có tiếng cười của ai đó giòn tan sau khung cửa sổ… Bản nhạc “Ly rượu mừng” văng vẳng đâu đây. “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”… Không khí nhà nhà đầm ấm. Hàng xóm láng giềng mỉm cười chúc Xuân nhau… Ngày Xuân con én đưa thoi. Vài con én liệng lên liệng xuống từ đầu đến cuối xóm, lâu lâu nghịch ngợm vọt lên không hoặc bay sà sát mặt đất. Xuân về trong xóm nhỏ lan tỏa tình người sao mà đẹp thế. Những cảm xúc huyền diệu chỉ thoáng qua phút giây nhưng nhớ mãi suốt đời…

Nhà ông bà ngoại nằm trong con hẻm nhỏ bên cạnh rạp chiếu bóng Văn Lang đường Trương Minh Giảng, cổng có giàn hoa giấy đỏ và trắng lộng lẫy vây quanh. Khoảnh sân trước nhà ông tôi có cây trứng gà đầy trái màu vàng, gốc uốn lượn xù xì che nắng ban trưa. Có bụi ngâu xanh mướt, điểm những chùm hoa màu ngà nhỏ li ti tỏa mùi thơm hăng hắc. Có giàn mơ tam thể lá màu xanh pha sắc tím phơn phớt lông tơ. Vài cây kiểng đầy lộc non. Khóm trúc soi bóng trên hòn non bộ và bể cá vàng nước trong leo lẻo. Cây nhị độ mai, ông tôi lặt lá từ giữa Tháng Chạp đầy nụ xanh bóng, hoa vàng nở rộ sáng rực một góc vườn.

Trên bàn thờ, mùi trầm hương thơm nồng thoang thoảng xen lẫn mùi hoa huệ. Mùi bánh chưng, xôi gấc, mùi thịt thà béo ngậy trên những mâm cỗ Tết thịnh soạn. Trong nhà toàn người là người, rộn rã tiếng cười. Bà con xa gần, chú bác, con cháu đến chúc Tết. Ông ngoại tôi râu tóc bạc phơ, khăn đóng áo dài, ngồi khoan thai nâng chén rượu ngày Xuân đáp lễ. Lũ nhóc còn bé được tự do nô đùa, phá phách, rượt đuổi la hét chí chóe. Đám con gái ngồi cắn hạt dưa, hiền lành rút bài tam cúc ăn búng tai.

Cầu nguyện đầu năm (file photo)

Tôi cùng mấy đứa em họ bày trò “bài cào”, “lắc bầu cua” ăn tiền. Vừa chơi vừa nghêu ngao: “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái…” rồi cười nắc nẻ. Những đứa thua cháy túi ngồi tiu nghỉu chờ chú Lâm đến lì xì, vì chú rất hào phóng, chú lì xì cho đám nhóc chúng tôi những tờ năm trăm đồng “Đức thánh Trần” mới tinh còn thơm mùi mực. Bà ngoại phúc hậu, ngồi mỉm cười độ lượng, trìu mến ngắm đám con cháu nô đùa “vui như Tết” chung quanh. Trong lòng bà, chắc mùa Xuân đang nở hoa…

Tiễn chúng tôi ra cửa có tiếng súng chát chúa chào Xuân, bắn chỉ thiên của Liễn, người phi công em họ trong bộ đồ bay oai phong, cao lớn “như Tây” mới học bay từ Mỹ về. Cả lũ le lưỡi, bịt tai nhưng trong lòng “khoái như điên”… Từ nhà ông bà ngoại ra, lũ nhóc chúng tôi với tiền lì xì đầy ắp túi, ghé vào những xe bánh cuốn, bò viên và nước mía trước cửa rạp hát Văn Lang. Cả lũ làm một chầu bánh cuốn chả lụa xịt tương ớt cay xé miệng, vài chén bò viên dai sần sật và ly nước mía mát lịm pha mùi trái quất ngon “hết sẩy con bà bẩy” trước khi chen lấn mua vé vào cửa xem phim 20,000 leagues under the seas với Kirk Douglas và James Mason trong vai thuyền trưởng Nemo, đang trình chiếu vào dịp Tết ở rạp này…

*****

… Chiều hôm nay vùng tôi ở nhiệt độ xuống thấp. Mưa tuyết se sắt lạnh lất phất rơi, bao phủ cây đào khẳng khiu, trơ trụi đầu thềm. Tôi ngồi bên chiếc lò sưởi ấm áp nhìn những khúc củi cháy đỏ rực kêu lách tách, tỏa làn khói mờ nhạt, hoài niệm về mùa Xuân năm xưa. Những hoài niệm dễ thương, trong veo ùa về làm tôi chợt nở một nụ cười tỏa nắng. Trong đó có mùi khói bếp lửa nấu bánh chưng, có tiếng pháo đì đùng, có nắng vàng reo vui, có mai vàng trước ngõ. Có khuôn mặt bạn bè ngày xưa còn bé, có tiếng cười nói của những người muôn năm cũ…

Trong mùa đại dịch Covid-19 mấy năm nay, bao nhiêu bạn bè và người thân yêu ngày xưa, kẻ mất người còn. Người còn ở Việt Nam thảm thương, gạt nước mắt bỏ Sài Gòn vượt qua các chốt chặn trên đường về quê xa thăm thẳm… Nhưng như anh đào mỗi năm sau mùa Đông sẽ đâm chồi nẩy lộc, như con suối mùa Xuân vẫn róc rách miên man chảy, như Tháng Giêng cỏ non sẽ xanh trở lại…, tôi cầu nguyện mùa Xuân như màu xanh hy vọng rực rỡ cuối đường hầm sẽ trở về xóa tan mọi đau thương…

Bỏ thêm vài khúc củi vào lò sưởi. Tôi nhớ lại một buổi sáng xa xưa ở Sài Gòn. Ngồi uống cà phê với thầy tôi, tôi nghe ông nói: “Con hãy trân quý những gì mình đang có. Hãy thương yêu những người chung quanh mình”. Thưa thầy, bao năm trôi qua con vẫn ghi nhớ lời thầy dạy từ ngày đó. Con luôn trân quý những gì con đang có và mãi mãi thương yêu những người còn lại chung quanh con…

Những ngày giáp Tết Mậu Dần 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: