Huyền thoại Eva và hoa xuyên tuyết

Hoa xuyên tuyết (ảnh: Andres Siimon/Unsplash)
Share:

Từng bông vờn bay đuổi xô

Hoa trắng đẹp tựa hư vô

Đó, điều diệu kỳ có thực

Trần thế hòa lẫn trời mơ (Tuyết )

“Hoa trắng” trong câu thơ chính là những tinh thể tuyết.

Ai đã từng sống ở vùng cao nguyên như tôi thì mới hiểu được cái rét mùa Đông tê tái như thế nào. Tuyết rơi dầy từ 30 cm đến 60 cm là chuyện bình thường. Đặc biệt tôi từng chứng kiến có năm tuyết rơi nhiều ngày liên tiếp chất chồng cao cả mét, thành phố huy động tất cả các xe xúc tuyết thay phiên làm việc ngày đêm, dọn các con đường cho xe lưu thông mà vẫn không kịp chở đem đổ ra bãi trống ngoại thành cho xuể nên họ đành tạm ủi tuyết lên hai bên lề đường dành cho người đi bộ, chỉ chừa lại lối hẹp vừa đủ một người rưỡi qua lọt. Lớp tuyết ấy cao hơn nhà một tầng, đi lề bên này thì không nhìn thấy gì lề bên kia. Nó nằm ỳ ra đó hơn tháng, chờ nhiệt độ tăng lên, tan chảy từ từ. Năm ấy trường phải đóng cửa cho học sinh nghỉ để tránh tai nạn.

Ảnh: Matt Foster/Unsplash

Nói về tai nạn do tuyết gây ra thì nguy cơ nhiều lắm. Chả hiểu nhà văn nào viết truyện cổ tích nàng công chúa tên là Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn mà không tạo một cái tên tượng trưng cho mùa Xuân tươi vui hay mùa Hè ấm áp với nhiều hoa thơm cỏ lạ nhỉ? Tựa đề được dịch từ tiếng Pháp Blanche-Neige et les Sept Nains, còn tiếng Anh Snow White and the Seven Dwarfs. Tên công chúa là Bạch Tuyết, nàng tuyết trắng.

Lúc khí hậu xuống dưới âm nhiều độ thì tuyết sẽ đông cứng thành một khối nước đá nhẵn nhụi, bước chân lên trơn trợt té ngã dễ dàng. Mùa Đông nào tôi cũng thấy lác đác trên phố người cao niên lẫn các cô cậu trẻ đi bằng một chân, còn một chân băng bó phải dựa vào cây nạng, điều quen thuộc nơi vùng tôi sống.

Tuyết rơi phủ kín vạn vật: mái nhà, cây cối, nóc xe. Những bông tuyết rơi chồng lên nhau gặp không khí quá lạnh, đóng thành băng nhũ với đầu nhọn hoắt giống mũi gươm mũi giáo tua tủa treo từng hàng từ mái nhà, tàng cây thòng xuống dài cả mét trông vừa ngoạn mục vừa đáng gờm. Khi thời tiết tăng lên vài độ C, hãy coi chừng. Một tai nạn rất thương tâm xảy ra nhiều năm trước, khối băng nhũ từ trên mái nhà cao nhiều tầng gãy rời rơi theo chiều thẳng đứng vừa lúc một người đàn ông vô tình đi ngang bên dưới. “Thanh gươm Damocles” đã chọc thủng sọ của kẻ xấu số chết liền tại chỗ.

Ảnh: Claudio Carrozzo/Unsplash

Có năm nọ vợ chồng tôi cùng bạn rủ nhau đến nhà hàng đón Giao thừa Tết Dương lịch. Trời hôm ấy khô ráo, nhưng tuyết vẫn còn đọng cả nửa mét trên mái nhà hàng, chúng tôi bất cẩn đậu xe ngay bên dưới mái thay vì đậu giữa khoảng trống của parking. Vừa an vị bên trong nhà hàng, món ăn chưa kịp gọi thì mấy người khách bước vào sau lên tiếng báo có một chiếc xe màu kim loại bị khối tuyết rơi đè.

Linh tính, chúng tôi ra ngoài xem. Quả đúng là chiếc xe thân thuộc của chúng tôi. Trời ơi mới mấy phút trước còn nguyên vẹn, giờ khối tuyết nặng hàng tấn nằm chễm chệ khiến nóc xe bị võng xuống. Kính trước bị nát thành nghìn mảnh vỡ li ti văng đầy đặc vào hai ghế ngồi, dưới sàn. Kính sau nứt toác. Bèn gọi điện cho hãng bảo hiểm. Đêm cuối năm, ngày 31 mà họ cũng làm việc sốt sắng. Hơn tiếng sau đã có nhân viên mang xe khác cho mượn chạy tạm trong thời gian chờ giám định sửa chữa. Căn cứ vào tình trạng thảm hại của chiếc xe, nhân viên đoán thế nào hãng bảo hiểm cũng sẽ bồi thường tiền để mua lại xe mới. Quả đúng như lời đoán.

Nghĩ lại mà hoảng kinh. Nếu như chúng tôi đến nhà hàng trễ vài phút thì tảng băng đã rơi trúng ngay thời điểm đậu xe. Nóc xe đè xuống đầu, không mất mạng cũng gãy cổ, tàn phế. Chưa kể những mảnh thủy tinh bắn vào mặt mũi, nhất là đôi mắt, thì còn gì “Mắt em là một giòng sông.Thuyền anh bơi lội trong giòng mắt em(thơ Lưu Trọng Lư)!

Ảnh: Basil Samuel Lade/Unsplash

Ngoài ra, đường chưa kịp rắc muối cho tan tuyết, đọng thành băng thì chỉ một giây bất cẩn lạc tay lái tông vào làn xe đối diện, vào hàng ngăn cách, hay lọt xuống vực – nơi tôi sống có rất nhiều con đường một bên là vách núi, một bên là vực – thì tử thần sẵn sàng chào đón. Cô bạn tôi đã trải qua rồi. Lúc ấy cô vừa thi lấy bằng lái chưa kinh nghiệm chạy trong tuyết, nên rất tự tin bỏ ngoài tai lời cảnh báo, ung dung lái bằng một tay cũng không giảm tốc độ cho phép. Thế là sự việc xảy đến ngay tức khắc. Khi xe cán lên tảng băng, bánh bị trượt, loạng choạng vượt qua làn đường ngược chiều bên trái, có hai điều may mắn là lúc ấy không xe nào xuất hiện phía đối diện, lại trùng ngay đoạn có ụ đất cao bên lề, nên cô kịp ủi xe vào ụ cho dừng lại. Từ đó cô mới kinh sợ, không còn dám xem thường những rủi ro trong mùa tuyết.

Ảnh: Mihika/Unsplash

Những ai sợ lạnh, sợ tai nạn, vì từng kinh nghiệm đau thương, thì thấy toàn bất trắc. Nhưng nếu nhìn bằng đôi mắt tích cực lạc quan thì sẽ tìm ở tuyết nhiều niềm vui, lạc thú, vẻ đẹp mê hồn bởi từng tinh thể là mỗi hình dạng khác nhau, như hoa có nhiều loài vậy. Tinh thể tuyết hình thành do độ ẩm không khí cao. Người ta phân biệt ít nhất trên 100 loại. Tổng quát có thể phân biệt thành các dạng: lục giác, lăng trụ, hình kim, hình cánh hoa, hình ngôi sao… Cho hay mỗi một vật thể dù được tạo từ giọt nước li ti cũng có “gương mặt” riêng của nó.

Người yêu thể thao sẽ vui mừng được cắp các dụng cụ trượt ski lên núi vào những ngày nghỉ. Từ trên đồi cao trượt theo hình parabol lả lướt xuống chân đồi. Trẻ con cũng thế, ba mẹ cho ngồi vào xe trượt tuyết nho nhỏ lao dốc nhỏ phù hợp với độ tuổi, nhiều lúc xe ngã nghiêng khiến các bé văng ra đống tuyết kèm theo các trận cười thoả thích. Hoặc đứng trong căn phòng sưởi ấm lặng ngắm từng bông tuyết rơi rơi qua khung cửa sổ, thả hồn chìm đắm tưởng tượng bóng dáng chàng lãng tử nào đó loáng thoáng đi dưới màn trời trắng đục.

Ảnh: Danie Harris/Unsplash

Hay lãng mạn hơn, khoác vội manteau chạy ra ngoài cánh đồng cỏ giờ đã phủ dầy tấm thảm trắng, ngước mặt lên cho những bông hoa tinh khiết nhẹ nhàng đậu lên tóc, chạm vào má lành lạnh ve vuốt mơn man. Vốc một nắm tuyết cho vào lòng bàn tay ngắm nghía thật gần. Mới thấy mỗi tinh thể là mỗi hình dạng khác biệt, lòng cuộn lên cảm xúc tiếc thương về cái đẹp huyền diệu nhưng quá mong manh của từng tinh thể nhỏ li ti chốc giây tan rã.

Đối diện với không gian trắng xóa kiêu hùng hòa quyện nhau: bầu trời, mặt đất, nhà cửa, cây cối, đường sá… bỗng thấy ta sao nhỏ nhoi yếu đuối, tự dưng lòng cũng an nhiên thanh thản, tạm quên hết bao ưu sầu lo âu.

Trong mênh mông cõi tuyết

Con người bỗng nhỏ nhoi

Muốn hóa thân như tuyết

Để thánh hơn phận đời (Tuyết)

Mùa Đông khắc nghiệt đặc biệt đối với thực vật, cây cối đều rụng lá chỉ còn trơ cành đen thủi như cánh tay tật nguyền giơ cao van nài Thượng Đế ban ân huệ nào đó. Ngoại trừ cây thông dùng trang trí dịp Noel là quanh năm tươi tốt. Thảo nào cụ Tiên Điền Nguyễn Công Trứ chẳng mơ: Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Chừng như cũng muốn thi gan cùng cội thông hùng vĩ xem sức chịu đựng giá lạnh đến độ nào, một loại hoa dại bé tí hon nằm khiêm nhường dưới thảm tuyết dầy khoảng cuối Tháng Một len lén nhú lên khỏi lớp tuyết góp mặt cùng nhân gian cho đến cuối Tháng Ba, hoa Perce-Neige-goutte de lait (Snowdrop trong tiếng Anh). Tiếng Việt dịch bằng nhiều tên: Điểm Tuyết, Xuyên Tuyết, Chuông Mùa Đông, Giọt Sữa…

Hoa xuyên tuyết (ảnh: Aaron Burden/Unsplash)

Đó là loại cây chỉ cao khoảng 15 cm, cánh hoa 1 cm–2 cm, thường có hai màu: tim tím, hoặc trắng ở giữa điểm chút xanh lá cây. Nó mọc trên các cánh đồng, bên vệ đường, trong rừng, nhỏ bé đến nổi chỉ những người yêu thiên nhiên hoa cỏ, những lần đi dạo thích ngó nhìn quanh quất mới khám phá đến sự hiện diện của nó. Rồi không khỏi sinh lòng thán phục loài hoa mỏng manh xem chừng yếu đuối nhưng cưỡng lại được cái giá rét tàn nhẫn của mùa Đông, bèn tìm hiểu mới hay có ít nhất sáu truyền thuyết về sự ra đời của loài hoa này. Câu chuyện nào cũng đều hay cả.

Riêng tôi, dù nhiều lần gai đời đâm trái tim đau buốt nhưng bản chất mơ mộng vẫn không chừa, thích một huyền thoại liên quan giữa người đàn bà đầu tiên được Thượng Đế tạo ra và đóa hoa trinh trắng này.

Huyền thoại kể rằng khi Nàng Eva – hãy gọi là “Nàng” dù đã hàng ngàn năm tuổi để mơ tưởng về sắc đẹp lẫn nét thanh tân – bị con rắn dụ dỗ, cùng Adam ăn trái Tri Thức về Thiện và Ác, là trái mà Thượng Đế cấm không được đụng tới. Từ đó hai người hết còn hồn nhiên vô tư, bắt đầu nhận thức những cám dỗ tiêu cực, biết xấu hổ… khiến Thượng Đế tức giận đuổi khỏi vườn Eden (Địa Đàng).

Khi Adam và Eva bị Thượng Đế đuổi khỏi vườn Địa Đàng, nhằm lúc rét lạnh băng giá bao trùm Trái đất, nơi những bông tuyết không ngừng rơi, họ rất đau buồn, tiếc nuối khu vườn hoa trái và mùa xuân vĩnh cửu nơi Thiên Đường. Không chịu đựng nỗi, Eva òa khóc trong tuyệt vọng. Chứng kiến cảnh đau lòng đó, Chúa Trời rủ lòng thương hại nên biến những tinh thể tuyết đang rơi thành những bông hoa xuyên tuyết mỏng manh xinh đẹp để an ủi Nàng Eva đang gánh chịu khổ nạn.

Vì vậy loài hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, an ủi và đồng cảm cho những tâm hồn đang gặp điều kém may mắn, hy vọng tái sinh về ngày mai sáng sủa hơn.

Người về tan biến rêu rong

Hoa xuyên tuyết giữa mênh mông thế trần

Từ Eva rời Địa Đàng

Cùng Adam xua giá băng song hành

Tháng Mười Hai, Chúa Giáng sinh

Dắt tay vượt ngọn-tuyết-tình sang sông

(Hoa Xuyên Tuyết)

Switzerland, Jan | 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: