Mùa xuân và gói hoa treo trước cửa

Ảnh: stella-guan-unsplash
Share:

Sau khi đã thảo luận rất kỹ với mẹ tôi để gia giảm một số vị, bố tôi bốc xong ba thang thuốc dựa theo thang đại bổ của Hải Thượng Lãn Ông. Cả hai ông bà đều là đông y sĩ, theo học cùng một thầy.

Bố tôi bảo: “Ông Ký Ngữ mất sức vì đã lao lực lại còn lao tâm chứ không bệnh tật gì đáng lo ngại, cho uống mấy thang này thì bổ sức lại ngay. Tuy nhiên…” Nói đến đây, ông ngưng lại. Mẹ tôi hiểu ý, bàn: “Tôi biết ông ấy vừa qua cơn cảm hàn. Thành thử… hay là… đành rằng mạch môn có tác dụng thanh tâm hỏa, điều hoà phế khí nhưng tính hàn, mình giảm đi một chút. Nhân sâm thì dùng sâm Cao-ly, tính ôn thay vì nhân sâm Hoa-kỳ hơi nghiêng về tính hàn. Cậu nghĩ sao?” Bố tôi gật gù: “Mợ bàn phải.”

Gói ba thang thuốc thành ba gói, buộc dây cói cẩn thận, bố tôi lại nhăn trán, lẩm bẩm: “Làm sao đưa thuốc cho ông ấy bây giờ! Sáng nay Tuấn đã theo cha Nến sang Tử Thanh giúp giảng phòng. Liên thì phải đi với vợ chồng mình ra chợ Quắn bán thuốc phụ…”

Mẹ tôi chưa kịp có ý kiến gì thì chị Bích Khuê đang đứng gần đó, vội thưa: “Bẩm bác, cháu có thể đi giao thuốc giúp bác ạ. Hôm nay cháu rỗi, không có việc gì phải làm ạ.” Bố mẹ tôi mừng rỡ ra mặt. Mẹ tôi nói: “Vậy thì còn gì hơn. Thế cô xin phép ông bà nhé. Nếu ông bà cho phép thì chắc chắn chúng tôi phải làm phiền cô đấy.”

Gia đình chị Bích Khuê và gia đình tôi đều là người Hà Nội, đi tản cư và được giáo dân Thượng Vỹ cho ở tạm trong cùng một ngôi nhà.

Chị Bích Khuê vào buồng trong một chốc rồi ra ngay, vẻ mặt vui mừng, thưa với bố mẹ tôi: “Bẩm hai bác, bố mẹ cháu cho phép rồi ạ.” Tôi đã chực sẵn bên cạnh bố mẹ, xin ngay: “Cậu mợ cho con đi với chị Bích Khuê nhé. Con không làm nũng, không than mỏi chân đâu ạ.” Mẹ tôi nhìn bố tôi. Bố tôi cười cười, khẽ cốc đầu tôi rồi bảo: “Chỉ được cái nước xin đi chơi là giỏi!” Rồi quay sang chị Bích Khuê, bố tôi nói: “Cám ơn ông bà và cô… Lại còn xin cô dắt cái “của nợ” này đi theo với.” Chị Bích Khuê cười rất tươi, trả lời: “Bẩm, Chúc đi theo cháu càng vui ạ. Chị em trò chuyện, đường bớt xa ạ.”

Chị Bích Khuê một tay xách ba thang thuốc, một tay cầm tay tôi. Được đi chơi với chị, được chị cầm tay dắt đi quả là hạnh phúc lớn lao cho đứa bé hơn năm tuổi. Tôi sung sướng quá, nhảy chân sáo. Chị Bích Khuê khẽ giữ tay tôi lại, dặn: “Em cứ từ từ mà đi, đường xa mà nhảy nhót như thế này sẽ sớm mệt, không đi lâu được.” Tôi rất ngoan, vâng lời chị ngay.

Minh họa: pexels-tuấn-kiệt

Trời xanh mây trắng, cánh đồng bát ngát cỏ non thơm. Hai chị em giống như hai cái chấm nhỏ lẫn trong trời đất mùa xuân. Vừa đi tôi vừa hỏi chuyện chị huyên thuyên, chị cứ nhẩn nha trả lời. Cho đến khi tôi hỏi: “Chị Bích Khuê ơi, hình như anh gì ở nhà bên cạnh, anh ấy phải lòng chị, phải không? Em thấy cứ chiều chiều lúc chị ra ngồi chõng đầu hè hóng mát là anh ấy đem sáo ra thổi…” thì chị Bích Khuê ngăn tôi lại: “Em còn bé, không nên để ý những chuyện ấy. Chị cũng không để ý. Em học ai cái tiếng “phải lòng” đấy? Em nói chuyện này nữa thì chị không chơi với đâu.” Tôi sợ quá! Thật là xấu cái tính tò mò! Tôi hứa ngay: “Vâng. Vâng. Em không nói chuyện thổi sáo, không nói chuyện phải lòng nữa. Chị Bích Khuê chơi với em mãi nhé.” Chị mỉm cười, gật đầu.

Đi một quãng xa nữa, hai chị em thấy một chú bé cưỡi con trâu, miệng hát nghêu ngao. Tự nhiên chị Bích Khuê hỏi tôi: “Em có mỏi chân không?” Quả tình là có hơi mỏi, nhưng tôi chối béng, vì đã hứa với bố mẹ là không than mỏi chân: “Nào có mỏi gì! Chị mà cầm tay dắt em thì đi về tận… Hà Nội em cũng không mỏi chân.” Khiếp! Không hiểu ở đâu mà ngay khi còn bé tí tôi đã học được cách nói nịnh, cứ là ngọt sớt! Chị Bích Khuê cười: “Cu cậu mỏi chân thì cứ thú thật. Ai đã làm gì nào!” Rồi chị cất tiếng gọi chú bé chăn trâu: “Em gì chăn trâu ấy ơi… Cho chị hỏi tí này.” Chú bé chăn trâu “họ” cho trâu đứng lại, ngoái nhìn, thấy một cô gái đẹp như tiên như hoa, cứ ngẩn người ra, rồi lắp bắp: “Thưa cô… thưa chị… hỏi gì ạ?”

Lại gần chú bé, chị Bích Khuê nói: “Em làm ơn cho em của chị cưỡi con trâu một đoạn đường. Chị cho em mấy hào mua kẹo vừng, kẹo bột.” Chú bé mừng rỡ, tuột xuống rồi xốc tôi lên ngồi trên lưng trâu. Tôi ngồi nghễu nghện, lúc đầu hơi sợ nhưng sau thấy trâu hiền nên vững dạ, lại thấy mình oai quá! Hình như chị Bích Khuê cũng thích con trâu nên nói với chú bé: “Cho chị dắt con trâu với.” Chú bé đưa sợi dây thừng cho chị, lại đưa cả cái roi tre. Chị Bích Khuê hỏi: “Cái roi này để làm gì?” Chú bé nói: “Để đét vào mông trâu nếu nó đứng lại gặm cỏ, không chịu đi.” Chị Bích Khuê trả chú bé cái roi, nói: “Chị không cần vì chẳng có gì vội. Trâu nó thích gặm cỏ thì để cho nó gặm.” Chị nhân từ, hiền lành quá! Đúng là một cô tiên.

Minh họa: pexels-tiểu-bảo-trương

Người và trâu cứ đủng đỉnh đi. Đến một chỗ kia thì chú bé nắm sợi dây cho trâu đứng lại rồi nói: “Đến đây thì thôi… Anh đỡ cho em xuống nhé.” Rồi chú nói với chị Bích Khuê: “Đã đến ranh giới làng bên. Em không dám sang bên ấy đâu. Trẻ chăn trâu bên ấy nó đánh em nếu xâm nhập đất làng chúng nó.” Chị Bích Khuê thò tay vào túi, lấy cho chú bé ba hào chỉ. Chú bé mừng rỡ, cám ơn rối rít.

Hai chị em lại đi bộ sang làng bên. Không lâu lắm, chị Bích Khuê dắt tôi rẽ vào một con ngõ, hai bên trồng trúc thân vàng óng. Bóng tre như thêu hoa lá trên đường trải cát. Chị Bích Khuê tài quá, cứ theo lời dặn của bố mẹ tôi là đi đến nhà ông Ký Ngữ, không phải hỏi thăm đường một lần nào.

Đến nhà, thấy cửa đóng, chị Bích Khuê gọi: “Ông bà ơi, cháu đem thuốc của ông Chánh Thư sang cho ông đây.” Thấy có tiếng guốc kêu lộp cộp rồi tiếng lách cách mở cửa. Ở quê mà nhà ông Ký Ngữ là nhà xây, mái ngói, tường gạch, cửa gỗ lim. Một cô bé trạc tuổi tôi hé cánh cửa nhìn ra, mắt tròn đen lay láy. Tôi mau miệng: “Chị em tớ mang thuốc đến cho ông đây… À, đằng ấy tên là gì?” Sao lúc bé tôi dạn dĩ thế, cứ thấy con gái là hỏi tên. Lớn lên, cái dạn dĩ ấy biến đâu mất! Tôi không bao giờ dám hỏi tên một cô gái nào. Cô bé nghiêm trang trả lời: “Tôi tên là Chi… Em mời chị, mời… cậu vào nhà.” Đã dợm bước, chợt thấy có gói lá sen nhỏ treo hững hờ ở cánh cửa, Chi nói nhỏ: “Cô Lê đã giao hoa,” rồi gỡ lấy cái gói lá ấy đem vào.

Bên trong nhà mát rượi. Chi dẫn chị em tôi vào phòng khách, mời ngồi. Từ buồng trong, một bà ngoài bốn mươi đi ra. Chi thưa: “Thưa mẹ, có chị em chị này đem thuốc đến cho thầy ạ.” Rồi đưa gói lá sen nhỏ nhắn cho mẹ, Chi tiếp: “Thưa mẹ, cô Lê đã đem hoa đến ạ.” Bà ấy đỡ lấy gói hoa rồi nói với chị em tôi: “Tôi là bà Ký Ngữ đây. Cám ơn hai chị em đi đường xa mang thuốc đến cho nhà tôi. Thuốc ông Chánh Thư thần hiệu lắm. Mấy hôm trước nhà tôi chỉ mới uống có một thang mà cơn cảm hàn lui ngay. Nhà tôi thấy dễ chịu lắm rồi, chỉ còn hơi mệt tí thôi… Nhưng tôi xin phép tí nhé. Để dâng hoa cúng Phật đã rồi hỏi hai chị em tí chuyện.”

Bà Ký Ngữ nhẹ mở gói lá sen ra. Bên trong là hai nụ ngọc lan trắng muốt, hai bông sơn chi cũng trắng như sứ, hai ba bông hoa nhài trắng tinh tươm và một chùm hoa bưởi cũng trắng nốt. Ngần ấy thứ hoa trong ngọc trắng ngà được gói trong tấm lá sen xanh mướt, bên ngoài buộc lỏng một sợi dây cói. Thấy hai chị em tôi chăm chú nhìn, bà Ký Ngữ giải thích: “Làng tôi có mấy cô làm công việc giao hoa. Cứ sáng sáng, các cô gói hoa thành từng gói nhỏ bằng lá sen hay lá chuối rồi đem giao cho những nhà đã đặt trước. Gặp người nhà thì giao tận tay; mà nếu không gặp thì cứ treo ở cánh cửa. Chỉ một lát sau, mùi hoa toả ra thơm ngát, người nhà biết là hoa đã đến bèn đi ra, rước hoa vào nhà. Mùa nào hoa nấy. Hôm nay là ngọc lan, sơn chi, nhài, bưởi… Mùa khác thì ngâu, thì sói, thì nguyệt quế. Có khi các cô còn kèm thêm một cánh hồi hay một mảnh quế chi… thơm thơm là… Hoa cũ mình phơi khô rồi dồn vào gối, đêm ngủ mùi thơm lan vào tận giấc mơ.”

Minh họa: pexels-quý-nguyễn

Ngưng một tí, bà Ký Ngữ tiếp: “Riêng tử đinh hương thì không bao giờ được giao đến nhà người ta.” Tôi chả biết tử đinh hương là hoa gì, nhưng chị Bích Khuê biết. Chị hỏi: “Thưa bà, sao thế ạ? Tử đinh hương cũng đẹp và thơm lắm ạ.” Bà Ký Ngữ cắt nghĩa: “Cái thứ hoa màu tím dịu dàng ấy quả là đẹp và thơm. Nhưng đối với nhiều người, nó là bông hoa đem lại vận xấu và bệnh tật, có lẽ họ suy diễn ra vì cái màu tím u buồn của nó. Người ta còn lưu truyền câu ‘Cô gái nào cầm hoa tử đinh hương sẽ không bao giờ được đeo nhẫn cưới.’ Lại còn có tục lệ là nếu muốn tế nhị nhắn rằng mối quan hệ giữa hai người từ nay chấm dứt thì mình trao tặng một cành tử đinh hương cho người kia.”

Bà Ký Ngữ ở quê mà biết nhiều chuyện hay về hoa quá. Sau này tôi mới biết trước đây bà là cô gái đẹp ở Hà thành, học trường Tây. Bà lấy ông Ký Ngữ, khi ấy là thư ký toà án. Sau hai ông bà mới dọn về quê vì ưa cảnh yên tĩnh. Từ đó, gia đình sa sút dần, ông Ký Ngữ phải làm cả những công việc tay chân của người dân quê.

Bà Ký Ngữ ngừng nói chuyện. Khi ấy Chi đã bắc ghế lấy cái đĩa sứ men xanh trên bàn thờ Phật xuống, bỏ hoa cũ ra, rửa sạch đĩa. Bà Ký lấy con dao cau, xẻ một mảnh lá sen nhỏ lót trong lòng đĩa rồi đặt tất cả những bông hoa trắng ngần vào, cung kính để trở lại trên bàn thờ. Bà ngồi xuống vuông chiếu hoa, mắt lim dim, tôi đoán là bà đang cầu Trời khấn Phật, mà trong lời cầu ấy thế nào cũng có lời cầu cho chồng mau bình phục. Rồi bà cúi đầu xuống sát chiếu, lạy Phật mấy lạy. Xong, bà đánh một tiếng chuông. Thế là hoàn tất một buổi cầu nguyện và dâng hoa lên Phật, thật đơn sơ mà trang trọng.

Quay lại với hai chị em chúng tôi, bà Ký Ngữ mời: “Nhà mới nấu nồi chè hoa cau. Hai chị em ở lại ăn bát chè rồi hãy về.”

Chi là một cô gái ngoan, mới có tí tuổi mà đã hiểu ý mẹ. Cô vào nhà trong, lát sau bưng ra một mâm gỗ sơn son, trên có mấy bát chè nho nhỏ và mấy cái thìa sứ trắng bong. Bốn người ngồi ăn chè. Chè hoa cau có chất bột trong quanh quánh, chìm bên trong là những hạt đậu xanh vàng hanh, ăn vào mát cả miệng và thơm mùi hoa bưởi. Tôi bắt chước mọi người, ăn một cách nhỏ nhẹ. Vừa ăn chè, bà Ký Ngữ vừa hỏi chuyện chị Bích Khuê: “Ông Chánh Thư có con gái xinh quá nhỉ, người trông cứ như là cây ngọc. Năm nay cô bao nhiêu rồi? Đã có chỗ nào chưa?”

Chị Bích Khuê đỏ mặt, trả lời nho nhỏ: “Bẩm, cháu không phải con ông Chánh Thư ạ. Cậu này mới là con ông Chánh. Gia đình cháu ở Hà Nội đi tản cư, được cho ở chung nhà với gia đình ông Chánh ạ. Bẩm, cháu được mười sáu ạ, còn bé dại ạ.” Bà Ký Ngữ “à” lên một tiếng rồi nói: “À, ra thế… Người đâu mà đẹp cả người lẫn nết thế này!” Chị Bích Khuê lại đỏ mặt, cúi đầu không nói.

Ảnh: duan-xiaoyu-unsplash

Có tiếng đằng hắng ở buồng trong. Hình như ông Ký Ngữ vừa tỉnh giấc. Bà Ký đứng lên, lấy trong ruột tượng mấy đồng tiền, gói vào một mảnh giấy rồi đưa cho chị Bích Khuê, nói: “Đây, phiền cô đem tiền thuốc về cho ông Chánh giúp tôi nhé. Cho tôi gửi lời cám ơn ông đã hết lòng chạy chữa cho chồng tôi. Thôi… cám ơn hai chị em. Tôi đi sắc thuốc cho ông ấy đây.”

Hai chị em chúng tôi chào bà, chào Chi rồi ra về. Đã xế trưa. Đường về xa lắm nhưng tôi chả ngại. Chị Bích Khuê cầm tay tôi, dẫn tôi đi cơ mà.

Đêm hôm ấy tôi ngủ ngon vì đi đường xa, mệt. Nhưng trong giấc mơ tôi vẫn thấy tay mình nằm trong bàn tay chị Bích Khuê. Tôi thấy đôi mắt đen lay láy của Chi. Tôi vẫn cảm nhận vị ngọt ngào của bát chè hoa cau. Còn hương ngọc lan, sơn chi, nhài, bưởi thì thơm ngát cả giấc mơ tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: