Giáng Sinh tại Sài Gòn trước 1975. Ảnh cvdvn.com
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Podcast: Nhớ Giáng Sinh xưa
Loading
/

Chuông nhà thờ thong thả đổ từng tiếng báo hiệu kết thúc thánh lễ đêm Giáng Sinh, ca đoàn hát vang bài Hang Bê Lem của Hải Linh:

Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời

Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…

Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng

Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng…

Tiếng ca trong trẻo, cao vút và du dương  như hướng tâm hồn  lên tận trời cao. Cả nhà thờ như lắng đọng trong giây phút mừng Chúa sinh ra. Khi câu hát cuối cùng chấm dứt, từ hai bên cửa phụ và cánh cửa chính cuối nhà thờ, mọi người lục tục kéo nhau ra về hòa lẫn trong tiếng nói chuyện, tiếng chúc mừng… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một không khí rộn ràng.

Liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay đã gần 11:00 giờ đêm, cảnh vật vắng lặng, im lìm chìm trong bóng tối, tôi bước vội ra cửa và thong thả đi dọc theo con đường phía cuối nhà thờ. Con đường tráng nhựa rộng thẳng tắp phía trước và dọc hai bên là những cây me cổ thụ cao tán lá rộng.

Tiết trời về đêm càng se lạnh, dường như chiếc áo khoác không đủ ấm, chốc chốc, tôi lại xoa hai bàn tay lại với nhau cho nóng để xua tan cái lạnh và thọc tay vào túi áo cho ấm. Dọc hai bên đường, ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn từ những ngôi nhà hắt ra ngoài qua những ô cửa sổ cùng với âm thanh văng vẳng phát ra từ cái cassette mà tôi nhận ra giọng hát ngọt ngào quen thuộc của ca sĩ Giao Linh: Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời/ Người về cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…

Phố xá tấp nập người qua kẻ lại, quán ăn đông đúc đèn điện sáng choang, tiếng nói chuyện, tiếng cười nói í ới như phá tan không gian tĩnh lặng của bóng đêm. Tôi bèn tấp vào một quán ăn ven đường gọi một tô hủ tiếu, thoáng chốc một tô hủ tiếu nóng nghi ngút khói được đem ra, cầm đôi đũa gắp vội mấy miếng, tôi mơ màng bồi hồi, thổn thức nhớ lại. Trong ký ức, một lễ Giáng Sinh xưa bỗng ùa về…

Tranh của hoạ sĩ Vivi

Cứ mỗi độ Đông về, khi tiết trời se lạnh là tôi háo hức cùng với gia đình chờ đợi đến lễ Giáng Sinh mà nhất là đêm 24 Tháng Mười Hai – đêm Chúa sinh ra. Ngay từ đầu Tháng Mười Hai là ba tôi đã phân công nhiệm vụ cho từng đứa con, đứa thì tìm giấy báo, đứa thì vót tre, đứa thì mua sơn, dọn dẹp nhà cửa… Cả một không khí Giáng Sinh tràn ngập khắp nhà. Ba tôi thì chăm chút lại bộ tượng lau chùi hoặc sơn phết lại những chỗ nào bị tróc. Riêng tôi là chị cả nên phụ với mẹ lo nấu nướng. Cái cảm giác chờ đợi đêm Chúa sinh ra như thời khắc đêm Giao thừa nhưng với một tâm thế khác hẳn với một không khí linh thiêng và nao nức đến kỳ lạ. Dù đó là một đêm lạnh buốt da thịt và rất buồn ngủ nhưng tôi vẫn ráng thức để cùng mọi người trong gia đình tham gia buổi cầu nguyện vọng Chúa Giáng Sinh, cùng hát vang những bài Thánh ca.

Thế rồi, tuổi học sinh đi qua tốt nghiệp ra trường, tôi rời quê Bình Giã ven biển Long Hải để lên Sài Gòn học may và cũng bắt đầu từ đó là những chuỗi ngày xa nhà, xa quê. Cái cảm giác lần đầu tiên xa nhà thật khó tả, nhiều đêm tôi không tài nào chợp mắt được, nằm mà cứ miên man suy nghĩ, nhiều lúc tôi tưởng mình không thể vượt qua nhưng miết rồi cũng quen, từ từ rồi tôi cũng hòa nhập với cuộc sống mới nơi đô thị phồn hoa sầm uất.

Giáng Sinh tại Sài Gòn trước 1975. Ảnh cvdvn.com

Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, Sài Gòn bỗng trở nên lộng lẫy được tô điểm và trang hoàng bằng những dây đèn rực rỡ  đủ màu sắc. Nhà thờ của các giáo xứ cũng được giăng đèn cùng với hình ảnh ông già Noel vác trên vai là những túi quà trĩu nặng, nhà nhà đều làm hang đá phía trước sân để du khách xa gần thưởng ngoạn. Có những hang đá được làm từ những bao xi măng và cũng có hang đá là những mái nhà tranh mô phỏng cảnh thôn quê Việt Nam với cây đa, bến nước, con đò… và khoác lên bộ tượng là trang phục dân tộc với thánh Giuse là bộ quần áo nâu sậm và Đức Mẹ là áo tứ thân của Bắc Bộ trên đầu chít khăn mỏ quạ. Khắp các con hẻm của Sài Gòn đều rực sáng.

Tôi cũng hòa mình vào không khí náo nhiệt của phố phường. Bất chợt tôi lại nhớ đến những mùa Giáng Sinh ở quê thật dung dị bình thường, không đèn điện giăng khắp xóm, không có những tòa nhà chọc trời và những bản nhạc xập xình nhộn nhịp, không có hoa trái, bánh kẹo và càng không có những mâm cao cỗ đầy mà ở đó chỉ thầm lặng mùa Giáng Sinh với một hang đá đơn sơ làm bằng giấy xi măng hoặc giấy báo cũ, với những nụ cười, với những lời cầu nguyện và với những cảm xúc bồi hồi trong đêm Chúa ra đời.

Năm nay mùa Đông đến sớm hơn thường lệ, Utah mới chớm thu, gió heo may thổi từng cơn tung bụi mù, lá vàng còn chưa rụng hết mà cái lạnh đã tràn về. Cái lạnh như cắt vào da thịt báo hiệu một mùa Đông khắc nghiệt. Mùa Đông gợi nhớ nhiều kỷ niệm, mùa Đông gợi bao cảnh chia ly. Ngồi bên khung cửa nhìn ra xa tuyết rơi trắng xóa, từng bông tuyết rơi và vỡ tan tạo thành những mảnh vụn li ti rồi biến mất như chưa từng tồn tại. Bên cạnh ly café chiều muộn, tôi bồi hồi, thổn thức nhớ về cố quê, nơi đó vẫn lặng lẽ một mùa Giáng Sinh…

Utah – Một chiều Đông cuối năm 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: