Những cánh én mang mùa Xuân muộn

Minh họa: jason-leung-unsplash

Hằng năm cứ mỗi độ Thu về, hoa cúc được thấy khắp các siêu thị, giống các loại hoa cúc vàng ở miền Nam, thường được ương trong những chậu nhỏ, bày bán khắp các chợ cho đến cuối năm. Tôi vốn sẵn mê hoa, không dằn lòng được, cũng bưng về vài chậu; mỗi ngày đều dành đôi phút tưới vun, chăm bón, dần dà hoa cúc trở thành thân thiết gần gũi.

Mỗi sáng, nhìn những nụ hoa rực rỡ, tôi như bị thôi miên bởi những bông hoa vàng tươi thắm. Tôi biết niềm xúc động của mình không phải vì tôi chỉ thấy những bông cúc xinh đẹp mà chính là tôi vừa thấy hình ảnh Ba tôi cao gầy, với nụ cười hớn hở vui tươi khi khệ nệ khiêng về những chậu cúc với lời phân bua: “Gớm! Cái chợ hoa này bán rẻ quá, mà nụ lại nhiều như thế này, ba ngày Tết mà nở thì phải biết!.

Cứ thế, những ngày Tết hầu như Ba tôi không thiết gì đến ăn uống, chỉ ra vào ngắm nghía cây cảnh, sửa lại cành mai, cắm lại cành đào, tỉa dăm lá cúc. Đối với Ba tôi, đẹp nhất vẫn là chợ hoa ngày Tết, Ba tôi đã từng say sưa đi trong những rừng hoa thược dược, hoa cúc, mẫu đơn, hải đường, những chậu tắc nặng trĩu cả trái, che lấp hết lá, đứng xa trông như một tấm lụa vàng rực rỡ và cũng băn khoăn không ít khi mình muốn chọn cho được một cành mai vừa ý.

Niềm vui nhỏ nhoi giản dị đó, Ba tôi đã không được hưởng nữa sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Nhìn xung quanh, bao nhiêu người tan nát cửa nhà, gia đình ly tán, Ba tôi không còn tha thiết thứ gì nữa hết, đi ra rồi lại đi vào, Tết đến ông cụ lại càng thẫn thờ nhiều hơn!

Tôi muốn đem lại cho Ba tôi chút hương vị ngày Tết với chậu cúc hoặc cành đào, cành mai nhưng tôi cũng không khá gì hơn. Cuộc sống quá cơ cực, còn một ít tiền cho con đi vượt biên rồi cũng mất hết. Không còn lại những chậu hoa rực rỡ đặt hai bên bàn thờ, lối cửa ra vào, rải rác trong phòng khách như ngày xưa nữa! Với tôi, thấp thoáng đó đây nụ cười rạng rỡ của cha già cũng đủ khiến lòng tôi nở hoa nhưng rồi tôi cũng không làm được cho Ba tôi vui hơn, cơm không đủ ăn, bo-bo, sắn khoai làm bạn, còn nói gì đến những chậu hoa xa xỉ đó!

Qua rồi những ngày rộn ràng chuẩn bị Tết, nào là nhà cửa được sơn quét lại, cây cỏ hàng rào được tỉa cắt vun xới. Trong nhà đồ thờ bằng đồng được bày biện khang trang trên tủ chè chạm trổ tinh vi sau khi đã được đánh bóng sáng choang. Còn đâu những đêm ngồi canh nồi bánh tét, lòng nôn nao nghe tiếng pháo vọng xa xa trong màn đêm tĩnh mịch.

Những năm tháng cơ hàn thiếu thốn đã tôi luyện cho tôi trở thành một con người cứng cỏi hơn, trở nên liều lĩnh, bất chấp gian nguy miễn làm sao cứu được con tôi, gia đình tôi ra khỏi ngục tù cộng sản và cuối cùng tôi đã được toại nguyện, đã được đến bến bờ Tự Do, đã được sống trong một đất nước thanh bình ấm no đầy nhân bản.

Qua xứ người, vùi đầu vào công việc, tôi chỉ mong sao kiếm được nhiều tiền để lo cho con ăn học, để gởi về giúp gia đình. Cứ nghĩ đến Ba tôi sẽ bớt vất vả hơn, nụ cười sẽ trở lại trên mắt trên môi là tôi vui và quên cả thân mình. Rồi đây mỗi khi Tết đến, nhà Ba tôi sẽ rực rỡ cả một rừng hoa, ông cụ sẽ trở lại chăm chút từng cành mai, cành đào, rạng rỡ khi nhìn những nụ hoa mới nở. Ba tôi sẽ vui sướng khi túi rủng rỉnh tiền để đủ sức vào những chợ hoa, đi lui đi tới, lựa những cành mai thật vừa ý, đem về nhà còn hơ lửa gốc mai trước khi cắm vào bình, rồi những chậu cúc vàng sẽ rực thắm khắp nơi. Chỉ mới tưởng tượng như vậy mà lòng tôi đã thấy reo vui!

Không ngờ, mỗi năm một lý do, Ba tôi đã nhịn niềm vui riêng của mình để thêm thắt cho con cháu, bà con. Ông cụ không còn muốn nghĩ đến niềm vui riêng tư của mình, không muốn phí tiền vào những chậu cúc, cành mai, cành đào mà chỉ muốn chia sẻ bớt áo cơm cho những người thân chung quanh. Nghe kể lại, mỗi lần nhận tiền tôi gởi về, Ba tôi lại đi mua sắm, rồi về cặm cụi gói ghém thành từng gói, chia phần cho từng đứa cháu, có khi còn đem cho những ông bạn già đang gặp khó khăn nữa và nghĩa cử của Ba tôi đã làm tôi xúc động vô cùng.

Mọi hạnh phúc tầm thường nhỏ nhoi hầu như đều trở thành vĩ đại, vượt khỏi tầm tay dưới chế độ được gọi là “Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc”, một chế độ mà những ngày đầu tiên ai cũng lầm tưởng sẽ đem lại sự ấm no và bình đẳng giữa mọi người!

Tôi xin cám ơn Trời Phật đã cho tôi có được một việc làm vững chắc, không những để lo cho mình và gia đình một đời sống yên ổn ở đây mà còn có khả năng chia sẻ với những người thân ở quê nhà phần nào những nhu cầu cần thiết. Nhiều lúc ngồi gói ghém những lọ thuốc cảm, những thước vải, áo quần… lòng tôi bồi hồi tưởng tới phút giây những vật dụng linh tinh đó tới tay những người thân. Hạnh phúc sẽ ngọt ngào biết chừng nào khi những người mình thương yêu đang thiếu thốn, bất ngờ có được một tấm áo, một viên thuốc, một món quà!

Những việc làm tuy nhỏ nhoi nhưng hạnh phúc mang đến cho người nhận thì ấm áp vô cùng, vì có phải người nhận chỉ nhận các món quà mình gởi về đâu mà còn nhận những ân tình của người phương xa. Cuộc sống của Ba tôi dĩ nhiên là đã bớt khó khăn, ngoài ra ông cụ còn có niềm vui đã chia sẻ bớt những gì mình nhận được cho những người thân.

Niềm ưu tư sâu xa trong lòng tôi vẫn ở quê nhà, nơi có những bà con bạn bè nghèo khổ, những mái trường đã thay đổi thầy cô, những đường phố thân quen càng ngày càng hằn dấu nát tan của một quê hương đầy thống hận. Nỗi nhớ niềm đau đó chính là chất liệu giúp tôi làm phận sự của những cánh én mang mùa Xuân muộn về miền đất chỉ còn giá lạnh của trời Đông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: