Ảnh: pexels-arthouse-studio

Xin chớ cho qua từng khoảng khắc, có ngày bạn sẽ nhận ra chúng bay qua đời ta như những cánh chim bay về phương Nam để tránh rét, từng giây, từng giây qua những khoảng khắc hợp thành năm tháng và tháng năm trôi, thế kỷ qua mau, đôi khi ta còn không  biết khoảnh khắc cuối là đâu.

Hôm nay không có nắng. Một ngày đầu đông âm u. Tiểu bang Connecticut suốt cả năm nắng vàng rực rỡ, vậy mà hôm nay mây xám từ ngoài vịnh kéo vào tầng tầng lớp lớp che khuất bầu trời xanh thẳm của mùa thu. New Haven, không như câu thơ  ngày nào “trời mùa thu vẫn xanh mãi trên đầu”…

Ngồi nhấm nháp ly cafe đăng đắng thơm lừng, nghe gió thổi vi vút ngoài cửa sổ,  chao ơi là nhớ, chợt như nghe đâu đây có tiếng thì thầm thổn thức của làn gió heo may nơi quê hương yêu dấu. Có lẽ những kẻ tha hương như tôi, nỗi nhớ là nỗi niềm thường trực. Dù cuộc sống xứ người với những lo toan thường nhật, vẫn từng giây, từng phút rượt đuổi nỗi nhớ trong tôi, dù các thiết bị công nghệ hiện đại, cũng đang lừa mỵ tôi rằng, nỗi nhớ không có chỗ trong cái thế giới phẳng thông thống thông tin này, thì tôi vẫn nấp sâu trong những khoảng khắc của lòng, vẫn bần thần nhớ. Chỉ cần nhìn một khoảng sân đầy lá rụng, hay thấy một trời mây xám đầu đông, lòng tôi lại chùng xuống, nhớ về nơi quê hương yêu dấu nghìn trùng xa cách.

Tôi nhớ những làng quê, nơi tuổi trẻ tôi đã đi qua, trên đường rực nắng với cái công vụ lệnh trong tay, hay những năm tháng hối hả hành quân, tôi nhớ những cánh đồng đêm đêm rực ánh hỏa châu, trong những xóm làng ời ợi tiếng mẹ ru. Tôi nhớ những dòng sông vẫn đổi dòng, để bên lở bên bồi. Tôi nhớ những chợ quê, nơi mà những người dân vất vả đắp đổi qua ngày, chân thật vui vẻ, vậy làm sao tôi còn nhớ được những tiếng nói cười ầm ĩ, pha tiếng lóng, những cuộc vui thâu đêm, những chốn đầy xót xa với đồng tiền.

Tôi nhớ quay quắt những bà má móm mém, tất tả bưng cho bát canh rau vào bữa trưa hè khô khát. Tôi nhớ những nụ cười chân thật, những hỏi han trìu mến trên những triền đê lộng gió rợp bóng dừa xanh, những câu hò Đồng Tháp mênh mang trên những dòng kênh. Nếu ai hỏi tôi nhớ gì, tôi bảo chỉ nhớ quê, miền quê sỏi đá, chứ không phải nửa quê nửa tỉnh. Nỗi nhớ ấy, chắc không phải là thị thành khói bụi, chẳng phải là những con đường chí chát tiếng còi xe, hầm hập hơi người, nút tắc giao thông. Quê ấy chẳng phải biển người vô cảm chen chúc nhau trong cuộc mưu sinh vội vã lọc lừa…

Ảnh: pexels-pixabay

Quê ấy chẳng phải là nơi tôi từng ngỡ là chốn thân quen đầm ấm, để rồi giật mình nhận ra những ghẻ lạnh khó ngờ. Quê ấy tôi hốt hoảng khi tôi đứng giữa đám đông mà lòng ngập hoang vu và cả những lần bước hụt chân trên đường đời hóc hiểm và những năm tháng lao tù. Tôi nhớ da diết miền quê thật của tôi… Có lẽ nói cho đúng ra tôi nhớ nhà quê, lạ lùng là cái thứ nhà quê đang dần dần hiếm hoi ở cái nhà quê mà tôi yêu dấu. Và thật bất ngờ với tôi là trên đất Mỹ, nơi mà tôi gọi vui là xứ tây ngố, trên đường phố nước Mỹ chẳng quen biết, theo thói quen, nhiều người cứ chào tôi một cách tự nhiên, làm tôi nhớ những nụ cười chân chất của những bác nông dân tôi gặp trên đường làng rợp bóng hàng tre.

Ở bên này, khi chị hàng xóm tây đặc, nâng niu mấy quả trứng của lũ gà cảnh họ nuôi sang cho. Trứng, thứ mà lương tháng của tôi thừa mua một xe, tôi lại thấy cay cay ở mũi và nghĩ đến bà cụ rụng gần hết răng  mang cho bát canh rau năm nào khi lưng áo ướt đẫm mồ hôi của những chiều hành quân… Giờ mà có ai hỏi tôi sống ở Mỹ thế nào, đôla, xe hơi, áo quần hàng hiệu ra sao… tôi biết trả lời thế nào đây. Có người Mỹ hỏi tôi chắc nhớ và thèm về quê lắm nhỉ? Tôi cũng lại ớ người ra, ậm ừ, khi quê ấy của tôi không chỉ cách xa đằng đẵng biển trời mà hình như cũng bằn bặt cả phía ngược chiều thời gian mất rồi. Ôi, quê tôi.

Lại nhớ

Khi năm tàn tháng hết, vào những ngày cuối thu ở nước Mỹ, có những buổi tối đìu hiu, lành lạnh như những ngày đầu đông nước ta, ngồi nhìn qua cửa sổ, gió buồn, đuổi lá rụng trong vườn, mây chầm chậm trôi đi như chia sẻ nỗi buồn của khách thiên lý tha hương.

Người xa xứ, đột nhiên thấy trống trải trong lòng, bước chân nằng nặng trên những nẻo đường xa lạ, tôi thấy tiếc nhớ một cái gì đó, không mất hẳn, nhưng cũng không còn thấy nữa, nhớ vơ vẩn, buồn nhè nhẹ, cái buồn không se sắt, cái nhớ không day dứt, nhưng chính cái buồn và cái nhớ đó mới thực làm cho người ta nhọc mệt, thẫn thờ, lòng người cũng như cánh hoa chóng héo đi là thế đấy. Tiếng dế mèn nỉ non crii… crii… ở chân tường, hay tiếng lá đụng trên cành khi gió đến, đều nhắc nhở tôi những kỷ niệm xa xôi. Con chim én chao liệng gợi lại những ký ức xa xưa để mà:

Vàng thu lá rụng bên sông

Sầu đông nhớ buổi hành quân thủa nào

Kẻ mang bệnh nhớ nhung, ngồi viết những dòng chữ này vào những thời khắc cuối thu buồn man mác. Một chén trà thơm vợ mới pha, nhấm nháp lát bánh tét khi xuân về, bát canh cá nấu rau cần nghi ngút khói… Tất cả những thứ đó gợi cho ta một nỗi nhớ mờ mờ, làm rung động cõi sâu thẳm của lòng. Nâng chén trà thơm lừng mà lòng  xót xa cho chuyện tình xưa của chàng lái đò Trương Chi và nàng Mỵ Nương:

Không cầm lấy chén thì thôi

Hồ cầm lấy chén lại thấy người hò khoan

Mười hai tháng gộp lại thành một năm, một trăm năm nên một đời người, vơi sáng, đầy chiều.

Muốn mang chén rượu, câu thơ

Lạnh lùng trong tuyết, hững hờ dưới trăng

Nhìn bà nó say sưa giấc ngủ, nghĩ mà bớt tủi đời khi có người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình, có tâm sự trong lòng, không nói cũng cảm biết được, thế chẳng là quá đủ rồi sao. Thôi ta cứ mặc cho ngòi bút, đưa đi đâu thì đưa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: