Ghi nhận mới đây của Pollstar cho biết ‘Eras Tour’ của Taylor Swift chắc chắn trở thành chuyến lưu diễn đầu tiên trong lịch sử công nghiệp biểu diễn thu về $1 tỷ, thậm chí con số cuối cùng có thể đạt $1.4 tỉ, khi The American Sweetheart Taylor Swift hoàn thành ‘Eras Tour’ tại châu Á và châu Âu, với chặng dừng cuối cùng tại Wembley, London ngày 17 Tháng Tám 2024.
Ước tính $1.4 tỉ thật ra là con số phỏng chừng một cách “thận trọng” khi người ta chỉ tính mệnh giá vé được bán hết lúc ban đầu. Số tiền thực tế mà khán giả chi để coi ‘Eras Tour’ cao hơn rất nhiều, vì gần như tất cả vé trên thị trường thứ cấp được bán lại với giá gấp nhiều lần. Số liệu của Pollstar chỉ bao gồm mệnh giá vé trung bình dưới $500.
Bất luận thế nào, Taylor Swift đang “làm nên lịch sử” khi trở thành nghệ sĩ thực hiện tour diễn có doanh thu cao nhất mọi thời, đánh bại đàn anh cựu trào Elton John, với tour diễn ‘Farewell Yellow Brick Road’ (khởi đầu ngày 8 Tháng Chín 2018) được Billboard ước tính đạt $887 triệu hoặc hơn một chút, khi tour diễn kết thúc ngày 8 Tháng Bảy 2023 ở Stockholm. Kỷ lục trước đó thuộc về Ed Sheeran, với chuyến lưu diễn ‘Divide Tour’ thu về $776.4 triệu, kéo dài từ ngày 16 Tháng Ba 2017 đến ngày 26 Tháng Tám 2019.
Hiện tượng ‘Eras Tour’ của Taylor Swift thật sự đang gây chấn động và thu hút sự chú ý của gần như tất cả mọi người trong giới chuyên môn lẫn truyền thông. Jarred Arfa, phó Chủ tịch điều hành kiêm trưởng bộ phận âm nhạc toàn cầu của Independent Artist Group, người đại diện cho Billy Joel, Metallica và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy trong chuyến lưu diễn đặc biệt này của Taylor giống như một hiện tượng chỉ có một lần trong đời. Thật đáng kinh ngạc.”
Cuối Tháng Sáu 2023, Swift đã công bố loạt điểm diễn tại Nam Mỹ, châu Á, Úc và châu Âu. Ngoài 52 buổi biểu diễn ở Mỹ, kết thúc vào Tháng Tám 2023, Taylor Swift sẽ diễn 54 buổi ở nước ngoài năm 2024, nâng số chương trình biểu diễn lên 106 buổi. Tokyo, Melbourne, Sydney, Singapore, Paris, Stockholm, Lisbon, Madrid, Lyon, Edinburgh, Liverpool, Cardiff, Dublin, Amsterdam, Zürich, Milan, Gelsenkirchen, Hamburg, Munich, Warsaw, Vienna, London…, chỗ nào cũng sẽ rung chuyển khi nàng xuất hiện.
Taylor Swift, 33 tuổi, có thể nói là gương mặt âm nhạc có sức ảnh hưởng số một thế giới hiện nay, không chỉ trên sàn diễn và không chỉ trong lĩnh vực ghi âm. Cô đã vượt qua các nhà điều hành âm nhạc để kiểm soát bản quyền bài hát của mình và cực kỳ thông minh khi tạo ra một lực lượng fan trung thành khổng lồ. Trong khi một số ngôi sao, chẳng hạn Rihanna, dùng hình ảnh nghệ sĩ của họ để mở các hoạt động kinh doanh khác thì Taylor Swift chưa bao giờ đi ra khỏi giới hạn của biên giới âm nhạc.
Với Taylor Swift, chỉ có âm nhạc và âm nhạc. Cô chỉ “sản xuất” nhạc và “bán” nhạc, theo cách hệt như những ngày lò dò bước vào “công nghiệp âm nhạc” ở tuổi thiếu niên. Năm 11 tuổi, để mẹ và em trai chờ trong xe, Taylor Swift đi gõ cửa từng hãng đĩa ở Nashville, kiên nhẫn thuyết phục họ nghe “tuyển tập CD karaoke” của mình. Chẳng ông chủ hãng đĩa nào quan tâm con nhóc bé xíu dù nó trông dễ thương xinh xắn. Thế là Taylor Swift cầm cây guitar 12 dây, tập miệt mài ngày đêm. Rồi cô tự viết nhạc. Hai năm sau, những sáng tác mới toanh đã giúp Taylor Swift ký được hợp đồng với hãng RCA Records.
Một trong những yếu tố giúp Taylor Swift thành công là cô biết chụp đúng khoảnh khắc. Trước khi phát hành một album, những gương mặt mới trong làng âm nhạc đồng quê thường phải chịu khó lê lết khắp nước Mỹ, biếu tặng CD cho khoảng 200 đài phát thanh mà bảng xếp hạng của họ có ảnh hưởng đến các bảng xếp hạng của ngành. Nếu may mắn được thính giả thích, bài hát leo hạng thì từ đó mới có thể khiến giới sản xuất và hãng đĩa chú ý mời ký hợp đồng. Quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn này thường làm “nản chí anh hùng” và nhiều người sớm đầu hàng. Với Taylor Swift, ngoài sự kiên nhẫn, yếu tố thông minh giúp ứng biến nhanh mới thật sự là điều quan trọng.
Rick Barker – người giúp Taylor Swift thực hiện chuyến đi “tự tiếp thị” đầu tiên với các đài phát thanh vào năm 2006 – kể rằng, lần đó, khi được đưa đến K-FROG Radio ở Riverside, California, Taylor Swift ngồi sau chiếc SUV của Rick Barker cầm đàn tập bài “Tim McGraw”. Chuyến đi rất vô vọng và “cầu may” vì Rick Barker đã được những người phụ trách chương trình phát thanh khước từ đưa Taylor Swift lên sóng.
Tuy nhiên, cuối cùng họ miễn cưỡng cho Taylor Swift vào studio. Tại đó, khi hát đến một câu trong bài “Tim McGraw”, lẽ ra là “someday you’ll turn your radio on”, thì Taylor Swift đã tinh ranh nhanh trí sửa thành “someday you’ll turn K-FROG on”. Thế là mấy ông sếp Đài K-FROG Radio khoái trá lập tức gật đầu nhận phát sóng ca khúc của Taylor Swift.
Taylor Swift rất thành công trong việc xây dựng lực lượng fan và tận dụng tốt mạng xã hội để lôi kéo người hâm mộ, thoạt tiên là Myspace, rồi Tumblr, sau đó là Instagram và TikTok. Mạng xã hội giúp Taylor Swift “phục vụ” fan nhanh hơn cả đài phát thanh. Khi nhận thấy fan bu đen bu đỏ mình trên Myspace hệt như tại rạp diễn, Taylor Swift đàn hát cho họ nghe hàng đêm! Cô cũng dùng “sàn diễn” Myspace để thông báo với người hâm mộ rằng mình sẽ hát trên Đài K-FROG. Thế là các đường dây điện thoại của K-FROG bị nghẽn liên tục vì khán giả gọi đến cám ơn…
Cách xây dựng “hình ảnh thương hiệu” cũng như “kiến tạo” nên lực lượng người hâm mộ của Taylor Swift có thể nói là đã giúp hình thành nên định nghĩa mới về công nghiệp âm nhạc hiện đại – nhận xét của Lucian Grainge, Giám đốc điều hành hãng đĩa Universal Music Group.
Và Taylor Swift cũng duy trì rất tốt mối liên hệ với tất cả. Giới giám đốc điều hành, lập trình viên đài phát thanh và đối tác kinh doanh đều ngạc nhiên khi thấy Taylor Swift có thể nhớ vanh vách nhiều chi tiết về vợ chồng và con cái họ. Họ cho biết họ vẫn còn giữ những tấm thiệp cảm ơn viết tay của cô. Yếu tố cực kỳ quan trọng nữa mang lại thành công cho Taylor Swift là cô luôn biết cách tự làm mới mình. Không có album nào giống nhau, không chương trình biểu diễn nào lặp lại.
Đó là tất cả yếu tố dẫn đến sự thành công của Taylor Swift cũng như có thể giải thích tại sao ‘Eras Tour’ thu hút khán giả toàn cầu đến như vậy. Trong buổi diễn tại Pittsburgh vào giữa Tháng Sáu, 73,117 “Swifites” (người hâm mộ Taylor Swift) đã ngập kín sân Acrisure Stadium. Tờ Pittsburgh Post-Gazette cho biết đó là số khán giả kỷ lục của Acrisure Stadium (kỷ lục trước đó thuộc về đàn anh Garth Brooks, một siêu sao cựu trào trong làng country, với 72,887 khán giả trong buổi diễn năm 2019).
Không chỉ là kỷ lục vé và những con số doanh thu vé đáng ganh tỵ, Taylor Swift còn tạo ra cái mà giới chuyên môn gọi là “Swiftonomics”. Cần nhấn mạnh, với nhiều “Swifites”, họ không chỉ sẵn sàng bỏ vài trăm đôla mua vé mà còn phải tính đến tiền vé máy bay.
Việc đi xa hàng trăm dặm để xem Taylor Swift là bình thường. Nhiều người phải dành dụm cả năm mới đủ tiền thực hiện một “chuyến đi để đời” xem Taylor Swift. Đầu những năm 2000, kinh tế gia (quá cố) Alan Krueger đã đặt ra khái niệm “Rockonomics” để nói về công nghiệp âm nhạc nói chung, trong đó ông nhắc đến Taylor Swift – ra mắt album đầu tiên năm 2006 khi mới 16 tuổi – như một hình mẫu đại diện khi đề cập đến chiến lược và chiến thuật kinh doanh âm nhạc, từ bán đĩa đến tổ chức tour diễn. Alan Krueger đã gọi Taylor Swift là “một thiên tài kinh tế”.
Tờ Fortune ghi nhận rằng tỉ lệ đặt phòng tại Chicago tăng vọt vào cuối Tháng Năm 2023 trước khi ‘Eras Tour’ đổ bộ vào đây đầu Tháng Sáu 2023. Tỉ lệ kín phòng đạt 97% trong ba ngày Taylor Swift diễn tại Soldier Field ở Chicago. Tất nhiên không chỉ Chicago, Taylor Swift đến đâu là hoạt động kinh doanh ăn theo náo nhiệt đến đó. Theo công ty QuestionPro (dẫn lại từ Fortune), người hâm mộ Mỹ chi trung bình hơn $1,300 khi xem một chương trình Taylor Swift, trong đó có tiền vé, tiền xăng nhớt hoặc vé máy bay và cả tiền quần áo, chưa kể tiền ăn uống. Như vậy, ‘Eras Tour’ có thể mang lại cơn sốt tiêu dùng $4.6 tỉ chỉ riêng tại Mỹ.