Tháng Tư, đọc lại “The Sympathizer” (1)

Có thể nói, lịch sử văn học Việt Nam tại hải ngoại sẽ bước sang một trang mới khi một nhà văn người Mỹ gốc Việt nhận giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết giả tưởng năm 2016 và tác phẩm đó được chuyển thể thành phim ra mắt trên màn ảnh thế giới vào năm 2024.

Phim sẽ xuất hiện trên màn ảnh HBO và hiện HBO chỉ mới phát hành một “trailer” ngắn, dựa theo tiểu thuyết “The Sympathizer” của nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt). Nguyễn Thanh Việt đã trở lại Việt Nam nhiều lần với mong mỏi cuốn tiểu thuyết hư cấu của anh sẽ được dịch sang tiếng Việt. Tác giả “The Sympathizer” có lần tâm sự:

“… Tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam và bản dịch đang được tiến hành. Trong hợp đồng đó có một điều khoản là nếu chính quyền kiểm duyệt cuốn truyện, tôi sẽ lấy lại bản dịch. Tôi sẽ tìm cách khác để xuất bản. Đối với tôi, rõ ràng điều quan trọng là người Việt cần đọc tiểu thuyết này qua bản dịch không bị kiểm duyệt. Nếu cắt đi những phần chính quyền không hài lòng sẽ làm cuốn truyện trở nên vô nghĩa”

“The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối Tháng Tư 1975 nhưng nhân vật chính lại không tên, không tuổi. Ngay từ chương đầu tiên, người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội với cấp bậc Đại úy:

“Tôi là một tên gián điệp, một kẻ nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt. Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi cũng là một con người có hai đầu óc… có thể nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía…” (“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds, able to see any issue from both sides).

Phim “The Sympathizer” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã khởi quay từ Tháng Chín 2022. Đoàn làm phim đã công bố dàn diễn viên chính gốc Việt, đóng cùng Robert Downey Jr. Theo Hollywood Reporter, năm diễn viên chính của “The Sympathizer” gồm: Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le và Alan Trong. Họ là những diễn viên gốc Việt và cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm đóng phim, cũng như tham gia một số dự án truyền hình và điện ảnh tại Hollywood. Phim còn có Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Kiều Chinh và Sandra Oh.

Vai “Kẻ nằm vùng” sẽ do diễn viên người Úc gốc Việt, Hoa Xuande, thủ diễn. Chắc chắn là phim lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hoa bởi đây là một nhân vật có số phận thăng trầm: Từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội của cả hai miền Nam-Bắc, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách hoạt động nằm vùng cho cộng sản tại Mỹ. Gương mặt nữ chính duy nhất do Vy Le thủ vai, cô là người con gái khiến “Kẻ nằm vùng” phải lao đao trong cuộc sống…

Bộ phim được bấm máy tại Mỹ và Thái Lan từ Tháng Chín 2022 đến Tháng Ba 2023. Đoàn làm phim phải chọn Thái Lan, tuy ở cạnh Việt Nam, nhưng quả thật có rất nhiều “trục trặc” về ngoại cảnh. Hơn nữa, đạo diễn phim, Park Chan-wook, lại là người Hàn Quốc nên có những cái vượt ra ngoài kinh nghiệm thực tế của bản thân mà chỉ những người đã từng lăn lộn với Sài Gòn mới thấy được hết. Người ta thấy vai trò của những người cố vấn phim trường rất quan trọng. Từ tên những con đường, những cửa hàng, tiệm ăn hay những hoạt cảnh đường phố đôi khi không thật, thậm chí có lúc lại trở nên xa lạ đối với những người đã từng “sống chết” với thành phố thân thương ngày nào!

Nguyễn Thanh Việt (ảnh: Paul Marotta/Getty Images)

Với Viet Thanh Nguyen, sự khó khăn về ngôn ngữ-văn hóa trong suốt quãng đời của tác giả là một vấn nạn lớn. Riêng vấn đề ngôn ngữ cũng được chính tác giả bàn đến trên trang web của mình: “Tên Việt của tôi là gì? Viet Thanh Nguyen hay Nguyễn Thanh Việt? Tên những nhân vật “Man” và “Bon” của tôi là gì trong tiếng Việt? Mẫn và Bốn?”

Trên trang web của mình, tác giả cho biết: “Khi lớn, tôi đọc sách, xem phim về Chiến tranh Việt Nam của Mỹ, nhưng rất ít điều nói về người Việt, họ được mô tả theo lối mòn, làm nền cho người hùng Mỹ.”

Chương đầu tiên của “The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối Tháng Tư 1975. Đặc điểm của cuốn truyện là nhân vật chính không tên, không tuổi. Từ đầu đến cuối người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi”. Ngay ở phần mở đầu, người đọc rất đỗi ngạc nhiên với lời trần tình:

“Tôi” trong “The Symphathizer” vào lúc Sài Gòn đang ở trong “Tháng Tư hấp hối” là một Đại úy quân lực VNCH. Điều mà anh ta gọi là khả năng “nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội. Điểm đặc biệt trong thời thơ ấu của anh cũng bắt đầu từ hai phía: Anh có đến hai giòng máu vừa Á vừa Âu. Bố của anh là một giáo sĩ người Pháp và mẹ là một thôn nữ người Việt. Thế cho nên anh được gắn một cái tên không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm ngay từ hồi còn nhỏ: “Tây Lai” hay “Con hoang”! Trong nguyên bản tiếng Anh, tác giả dùng từ “bastard” và tiếng Pháp còn được gọi là “métis”.

Đối với một kẻ nằm vùng như anh, Tháng Tư 1975 là giờ phút vinh quang đang đến gần nhưng đối với người miền Nam lại là cái tháng đầy biến động, hỗn mang và tàn nhẫn. Trong truyện, viên trùm CIA tại Tòa Đại sứ Mỹ kể lại với viên Đại úy “nằm vùng” rằng đích thân anh lái xe đưa Tổng thống ra phi trường để đi Đài Loan và “thấy những vali nặng nề một cách bất thường của tổng thống nghe rổn rảng tiếng kim loại – được coi như là một phần khá lớn của kho vàng quốc gia”. (noticed how the president’s inordinately heavy suitcases clanked with something metallic – presumably a hefty share of our nation’s gold).

Khi viết chi tiết này, tác giả dựa vào tin đồn 16 tấn vàng của miền Nam đã được tẩu tán ra nước ngoài. Nhưng thực tế, sau này chính các viên chức của chính quyền cộng sản đã khẳng định vàng vẫn còn ở trong nước và nhà nước cộng sản Việt Nam đã chuyển sang Liên Xô… Một tiểu thuyết gián điệp dựa vào “hư-cấu-của-những-hư-cấu” sẽ khiến người đọc cảm thấy thú vị nhưng cũng khó chịu khi biết sự thật!

Cũng từ Chương 1, người đọc làm quen với hai người bạn khác của viên Đại úy “nằm vùng”. Cả ba người bạn đã gắn bó với nhau theo kiểu “cắt máu ăn thề”, một tích rất xưa “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị-Quan Văn Trường-Trương Phi trong Tam Quốc Chí. Vết tích của lời thề lúc nào cũng nhắc nhở họ qua vết sẹo trên lòng bàn tay phải của từng người. Tác giả còn ví họ như bộ ba “Les Trois Mousquetaires” trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas thời 1844 tại Pháp để nói lên mối liên lạc còn mật thiết hơn anh em ruột thịt.

Lớn tuổi nhất là Man. Trong nguyên bản tiếng Anh không dấu cho nên nếu dịch sang tiếng Việt, cái tên hay nhất chỉ cần thêm một dấu ngã để trở thành Mẫn. Mẫn có tác phong của người chỉ huy trong cái tổ theo tổ chức “tam tam chế” của Cộng sản. Chính Mẫn là người truyền đi những mệnh lệnh của cấp cao hơn cho kẻ nằm vùng. Kỳ thật trong cái tổ đó, chỉ Mẫn và kẻ nằm vùng là những người hoạt động trong cái hệ thống bí mật; còn người bạn thứ ba, Bon (có lẽ dịch sang tiếng Việt sẽ là Bốn), lại là một sĩ quan VNCH chống cộng triệt để! Bốn căm thù Cộng sản kể từ khi cha anh bị đem ra đấu tố. Lòng hận thù đó đã khiến anh trở thành một người tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quốc gia.

Người được mệnh danh “Ông Tướng” (the General) là vị chỉ huy Cảnh sát Quốc gia VNCH, một sĩ quan từng tham gia chiến trường từ thời Điện Biên Phủ. Một chi tiết nhỏ nhưng, theo tôi, lại là một điều nói lên tinh thần của một vị tướng VNCH. Trên đường ra phi trường để “di tản” sang Mỹ, ông không quên ghé qua trụ sở Quốc hội, ngày nay là Nhà hát Thành phố. Tại đây, ông đứng nghiêm chào bức tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến trong tư thế xung phong. Cử chỉ này đã khiến cho Đại úy “nằm vùng” và Bốn xúc động. Họ cũng đứng nghiêm chào bức tượng.

Khi đó, viên Đại úy quên hẳn nhiệm vụ “nằm vùng” của mình. Anh cảm động nhìn cảnh tượng qua con mắt của một sĩ quan quân lực miền Nam, dù bản thân mình đang âm thầm phục vụ cho miền Bắc. Đó chính là hai cuộc đời tương phản nhau qua hai vị trí thù nghịch trong nội tâm. Chi tiết hư cấu của câu chuyện khiến ta nhớ đến Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long đã dùng súng tự sát dưới chân bức tượng ngày 30 Tháng Tư 1975 khi Sài Gòn thất thủ.

Ông Tướng thú nhận, ông chọn viên Đại úy sĩ quan tùy viên là căn cứ vào trình độ và, hơn thế nữa, “lòng trung thành” cả trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Viên Đại úy “nằm vùng” là người sĩ quan duy nhất được tin cậy đến độ sống ngay trong biệt thự của ông. Anh tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, nói tiếng Anh lưu loát đến độ những người Mỹ cứ tưởng anh là dân Mỹ “thứ thiệt” khi nói chuyện qua điện thoại! Anh có trình độ hiểu biết về lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ và cả đến cách suy nghĩ của người Mỹ.

Vì những đặc tính đó, mối liên lạc giữa Ông Tướng và người Mỹ luôn ở trong tình trạng tốt đẹp qua cầu nối của viên sĩ quan tùy viên. Claude, trùm CIA của Mỹ trong Tòa Đại sứ, coi viên Đại úy như một người thân và chính sĩ quan tùy viên đã đứng ra dàn xếp, kể cả việc phải hối lộ, để gia đình và họ hàng của Ông Tướng được đến Hoa Kỳ bằng một chuyến phi cơ đặc biệt. Trong chuyến bay đó, dĩ nhiên có cả anh và Bốn trong khi Mẫn ở lại Sài Gòn. Khi báo cáo với “tổ chức”, Ông Tướng khẳng định với anh rằng ông “sẽ trở lại Việt Nam” một ngày không xa, Mẫn đã truyền đạt lệnh từ trên xuống: Kẻ nằm vùng phải theo dõi ông trong suốt thời gian sống tại Mỹ.

Cốt truyện của Nguyễn Thanh Việt mang màu sắc gián điệp. Dù là “hư cấu” nhưng cuốn truyện lại được dựa trên chuyện có thật trong bối cảnh Việt Nam trước năm 1975. Đó là những nhân vật “nằm vùng” tại miền Nam phục vụ cho tình báo Hà Nội. Đã có những nhân vật “nằm vùng” nổi tiếng trong chính phủ VNCH như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, từng làm tới chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay) dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tiểu thuyết “Ván Bài Lật Ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) được mở đầu bằng câu: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Nhân vật chính trong truyện, Nguyễn Thành Luân, chính là hình ảnh của Phạm Ngọc Thảo, bí danh Chín T. hay Chín Thảo.

“Trùm” nằm vùng Phạm Xuân Ẩn (file photo)

Nhân vật “nằm vùng” thứ hai là Phạm Xuân Ẩn – một Thiếu tướng tình báo của Hà Nội với bí danh Trần Văn Trung hay Hai Trung. Trong suốt thời gian chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn dưới vỏ bọc “ký giả” làm việc tại Việt Tấn Xã, cộng tác với Reuters và có nhiều bài viết trên tạp chí Time, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor…

“Tôi” trong “The Sympathizer” có những hoạt động hao hao giống Phạm Xuân Ẩn ngoài đời. Chỉ khác là nhân vật của Nguyễn Thanh Việt đã “di tản” sang Hoa Kỳ năm 1975 nhưng Phạm Xuân Ẩn, dù đã chuẩn bị đi, nhưng vào giờ chót nhận được chỉ thị đình hoãn. Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã rời Việt Nam theo chiến dịch di tản của người Mỹ và, theo một số tài liệu, Phạm Xuân Ẩn đã “đề nghị” cấp trên cho ngưng công tác với lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi, vợ con ông đã phải mất một năm để quay lại Việt Nam theo đường vòng: Paris – Moscow – Hà Nội – Sài Gòn.

CÒN TIẾP

_________

Đọc lại The Sympathizer

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: