Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 7

Cô đơn giữa vòng vây ái mộ

____________

Có không dưới ba tướng lĩnh Sài Gòn ái mộ say đắm Thanh Nga, có người nhiệt tình đi tận miền Tây, Cao Nguyên xem Thanh Nga hát. Có công tử con nhà quyền quý, doanh gia sẵn sàng đổ tiền bạc chu cấp cho Thanh Nga và hỗ trợ cho đoàn hát. Có người mua bao giàn (toàn bộ số vé) cho các đêm diễn những vở mới dựng để lấy le với người đẹp. Có người cho sửa nhà cửa, sắm trang bị đắt tiền… Rất nhiều cách “sáng tạo” và tốn kém để chinh phục, để làm rung động trái tim người nghệ sĩ tài hoa.

Đầu thập niên 1960, Thanh Nga như nụ hoa hàm tiếu, tài năng cũng vừa chín mọng: Năm 1958 đoạt giải thưởng triển vọng Thanh Tâm; năm 1960 đoạt bằng danh dự; năm 1964 đoạt huy chương vàng. Cô là nghệ sĩ duy nhất ba lần được vinh danh giải thưởng Thanh Tâm.

Người đương thời ghi nhận có ít nhất ba ông tướng Sài Gòn thường xuyên bám gót Thanh Nga là Trung tướng Trần Văn Đôn, thời ấy từng làm đến Tổng Tham mưu trưởng quân đội; Thiếu tướng Đỗ Mậu; Chuẩn tướng Lam Sơn (riêng ông này có người cho rằng đối tượng đeo bám là bà bầu Thơ chứ không phải Thanh Nga). Các ông đều luống tuổi và vợ con đùm đề. Tuy vậy lòng ái mộ của các ông cũng sôi nổi không kém hàng trai trẻ.

Tuy nhiên sự đam mê cũng trong chừng mực bày tỏ lòng ái mộ lịch sự chứ không đến mức dùng quyền lực áp đặt. Thế hệ sĩ quan trẻ lúc ấy cũng có nhiều người ái mộ Thanh Nga như Thiếu tá Tr. (em vợ Đại tướng Cao Văn Viên); Đại úy Quân y H.B.T.; Đại úy biệt động quân M (em út của Đại tướng Dương Văn Minh)…

(file photo)

Thanh Nga còn được nhiều nhân vật giàu sụ đến “cầu thân” như cậu Ba Thắng, con bà Bút Trà chủ tờ báo Sàigòn Mới; cậu B., em của ông chủ hãng dĩa Asia; Vương Chính Nghĩa, giám đốc hãng kem đánh răng Hynos; ông N.T.L., chủ hãng xe đò T.T. và cây xăng lớn trên đường Trần Hưng Đạo… Nhưng “nổi cộm” hơn hết trong giới tài phiệt kể trên quyết chiếm cho bằng được trái tim Thanh Nga chỉ có hai người: Con của ông bà chủ báo Sàigòn Mới, và giám đốc hãng kem đánh răng “Ông Chà Và” Hynos.

Theo hai soạn giả Nguyễn Phương và Kiên Giang, các công tử dùng tiền của, nữ trang, hột xoàn đua nhau tặng Thanh Nga. Người nầy tặng một vòng tay nạm 12 hột xoàn 5 ly thì người kia tặng đôi bông tai hột xoàn 6 ly rưỡi mỗi chiếc… Đánh trực tiếp không ăn thua, các cậu đánh đường vòng để mua chuộc cảm tình bà bầu Thơ. Chàng chủ hãng kem cho khiêng đến phòng bán vé hàng chục thùng kem đánh răng Hynos và bàn chải để bà bầu Thơ tặng cho khách mua vé thượng hạng và hạng nhứt, hễ mua hai vé hát thì được tặng một cây kem đánh răng Hynos thứ lớn và hai bàn chải. Về sau, quà tặng kem đánh răng được tặng cho tất cả ai mua vé hát.

Vương Chính Nghĩa thật ra đã chính thức cầu hôn Thanh Nga và bà bầu Thơ có ý thuận lòng. Nhưng sau đó các “thám tử” báo lại cho biết “cậu Nghĩa đã có vợ con đùm đề” khiến bà bầu Thơ rất giận và ngỡ ngàng. Nghe được tin trên, Ba Thắng – con của ông bà chủ báo Sàigòn Mới – bắt đầu tấn công dữ dội hòng chinh phục con tim của người đẹp.

(file photo)

Công tử con của bà Bút Trà dùng một chiêu thức có vẻ thích hợp cho gánh hát. Ba Thắng đem cả êkíp nhân viên của báo về làm nhiệm vụ giúp đoàn hát. Ký giả kiêm chủ bút Hồng Sơn, họa sĩ chuyên vẽ quảng cáo Lê Minh, họa sĩ chuyên vẽ cảnh trí Phan Phan, anh Sáu thợ mộc chuyên đóng panneaux quảng cáo và hai công nhân khuân vác. Khi đoàn tập vở tuồng Thầy Cai Tổng Bồi thì họa sĩ Lê Minh phác thảo panneaux quảng cáo mặt tiền của rạp hát, vẽ hình trên chương trình và hình truyện tuồng của đoàn hát để đăng báo hàng ngày.

Trong khi đó, họa sĩ Phan Phan phác thảo và thực hiện cảnh trí tuồng hát. Anh vẽ mẫu y trang và vẽ bằng màu đặc biệt trên các bộ y trang tuồng hát mà thợ may của đoàn vừa may xong. Ký giả Hồng Sơn thì viết nhiều bài báo lăng xê tuồng tích, giới thiệu diễn viên và nhiều ca ngợi sắc đẹp, tài diễn xuất của Thanh Nga. Ba Thắng còn cho in giấy bán vé của đoàn với mẫu mới rất đẹp, in chương trình và áp phích… Tất cả chi phí về việc in chương trình, vẽ phong cảnh, panneaux quảng cáo, kể cả tiền lương chuyên viên đều được Ba Thắng chi trả…

Còn có một công tử trong một gia đình ông tướng lại thể hiện sự quan tâm đến đời sống riêng của Thanh Nga. Trong một dịp đến thăm bà bầu và tặng quà cho Thanh Nga, cậu ngỏ ý rằng nhà của bà bầu có bốn tầng, lâu quá chưa sơn phết. Bà bầu tưởng cậu ta giao cho thầu khoán lo mọi việc sơn sửa nhà nên bằng lòng để cậu ta lo và hứa hoàn trả mọi chi phí. Thế là cậu công tử con nhà quan điều động một tiểu đội công binh, có kỹ sư sĩ quan dưới quyền của ông tướng, chở xi măng, sắt thép và mọi phương tiện để đến sửa chữa, xây thêm phòng ốc cho bà bầu Thơ, đặc biệt xây một căn phòng cho Thanh Nga với mọi tiện nghi sang trọng nhứt.

Xong việc sơn, sửa nhà, khi Bà bầu hỏi tính bao nhiêu chí phí để trả tiền cho người thầu khoán thì cậu ta nói là đã ứng trả trước hết rồi. Bà bầu Thơ đã tế nhị tỏ lời cám ơn và đãi cậu ta một bữa cơm Tây ở nhà hàng Majestic có mời các soạn giả và ký giả thân quen cùng dự. Cậu công tử nầy biết đó là thái độ của Bà bầu trả lời về sự quan tâm của cậu ta đối với Thanh Nga nên cậu rút lui có trật tự.

(file photo)

Còn một cậu công tử khác chờ cho việc xây cất, sơn sửa các căn phòng xong, bắt đầu cho người đến lắp máy lạnh, tủ lạnh, giường ngủ, tủ áo, salon…, toàn loại mắc tiền và hợp thời trang. Khi hoàn thành xong “công tác”, cậu cũng được mời dự một bữa ăn đặc biệt tại nhà hàng cơm Việt Nam nổi tiếng hiệu Phước Thành ở đường Ngô Tùng Châu. Các soạn giả của đoàn hát cũng được mời ăn bữa cơm đặc biệt đó với canh chua cá bông lau, cá kho tộ, thịt kho tàu, dưa cải, dưa giá và tôm kho tàu…

Song với tất cả sự săn đón của quyền uy tiền bạc đó, trái tim Thanh Nga không mảy mai xao động. Thấy Thanh Nga thích hoa hồng, có người hàng đêm thường tặng cho những lẵng hoa hồng lớn nhưng cô không đoái hoài mà lại tự mua một đóa hồng nhỏ để bên bàn trang điểm. Thanh Nga tâm sự với soạn giả Nguyễn Phương ngay trước mặt đại gia giàu có tặng nhiều hoa cho cô như một cách nhắn gởi: “Chú Ba! Sao lạ quá! Có người tặng hoa ít thôi nhưng mà biết họ chân thật. Hoa hồng thì đâu phải cần nhiều hả chú Ba?” Đó là cách trả lời tế nhị nhưng cũng rất dứt khoát của Thanh Nga, cũng như cách bà bầu Thơ mời cơm công khai để tạ ơn những người giúp đỡ mà mình khó có thể từ chối.

Thanh Nga thầm yêu soạn giả Hà Triều?

Đôi soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng là cặp sóng thần của sân khấu cải lương Sài Gòn, được phong danh hiệu là hai trong Cải Lương Ngũ Bá (năm ông vua trong giới soạn giả cải lương), với hàng chục vở tuồng thuộc đỉnh cao nghệ thuật góp phần làm nên sự thành công của sân khấu Thanh Minh Thanh Nga cũng như nhiều nghệ sĩ tài danh. Trong đó Hà Triều vừa là soạn giả vừa biết chơi đàn cả tân lẫn cổ. Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, là đội viên đội văn nghệ thiếu nhi tỉnh Kiên Giang thời kháng chiến chống Pháp do soạn giả Kiên Giang làm trưởng đoàn.

Theo một thông tin hết sức riêng tư của nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Minh thì Thanh Nga đã có tình yêu thầm kín với Hà Triều. Hà Triều có tài bấm số tử vi, và ông đã được người đẹp nhờ bấm giùm lá số tử vi. Lá số tử vi của Thanh Nga “hiện” lên rõ ràng: Chồng đầu tiên của nàng là người đã có gia đình. Đắn đo mãi rồi Hà Triều vẫn báo tin cho Thanh Nga: “Cung phu em xấu lắm”. Ông Huỳnh Công Minh tiết lộ là sau này, chính Hà Triều đã kể cho nghe câu chuyện lãng mạn giữa ông và Thanh Nga:

“Sau khi được tôi báo hung tin về “vận mệnh” và “cuộc đời tình ái” của nàng thể hiện qua lá số tử vi, Thanh Nga chưa có phản ứng gì. Cô vẫn kín đáo như từ lâu nay đối với tôi trước mặt mọi người. Mãi đến khi tôi nhận được lá thư do người giúp việc của nàng đích thân cầm đến trao tận tay tôi và bảo: “Cô Ba gửi cho anh”.

Cầm lá thư đầu tiên của Thanh Nga, tôi ngạc nhiên tự nhủ chuyện riêng tư mà nàng để cho người giúp việc biết, chắc không có gì quan trọng, nên tôi chưa vội xem, mà xếp lại cho vào túi. Về đến nhà, lúc đó tôi ở chung với vợ chồng Hoa Phượng tại một villa thuê ở đường Cô Giang, Quận 2 (Quận 1 bây giờ), sau khi vào phòng riêng tôi mới xem thư. Tôi ngạc nhiên đến bần thần cả người, vì trong thư chỉ thấy vỏn vẹn tờ giấy trắng tinh xếp làm tư, không có chữ nào, một chiếc lá khô nho nhỏ được dán vào giữa tờ giấy và bên dưới chiếc lá khô có chữ ký của nàng… Tờ giấy trắng và chiếc lá khô nằm trong bao thư ấy đã nói lên ý nghĩa gì? Thật là một lá thư độc đáo khiến cho tôi nhớ đến “Lá thư bất hủ” của văn hào Pháp Victor Hugo gửi cho nhà xuất bản: Chỉ có một dấu chấm hỏi”…

Soạn giả Nguyễn Phương đã phản ứng mạnh mẽ nguồn thông tin này, ông cho rằng đây là câu chuyện không có thật gây ảnh hưởng không tốt đến Thanh Nga và Hà Triều.  Phần mình, Kiên Giang cũng chưa hề nghe Hà Triều kể về chuyện tình yêu với Thanh Nga…

Bộ sưu tập Hoàng Long

Lời tỏ tình qua những đóa hồng câm lặng

Theo tài liệu của soạn giả Nguyễn Phương, năm 1959, sau khi nhận được Huy chương vàng giải Thanh Tâm, Thanh Nga bắt đầu sống giữa hào quang, giữa vòng vây săn đón của các đại gia, vương tôn công tử với các quà tặng đắt tiền, biết bao lời mời mọc ồn ào đến nhàm chán. Thanh Nga chừng như vô cảm, vô tâm trước sự săn đón đó, nhưng có hiện tượng lạ mà Thanh Nga không thể không chú ý: Hằng đêm có một chàng trai không xưng tên tuổi, đem đến phòng vé một đóa hồng nhung đỏ thắm gửi tặng Thanh Nga…

Bà bầu Thơ nói với soạn giả Nguyễn Phương: “Chú Ba, chú để ý giùm coi ai đã gửi tặng hoa cho Thanh Nga. Khi gặp người ấy, chú mời vô sân khấu cho Thanh Nga nói cám ơn. Làm thinh hoài, người ta nói là con Nga nó làm phách”.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc ấy như một đại gia đình nghệ sĩ. Công việc đoàn hát đa dạng, kéo theo những dịch vụ đa dạng phát sinh, tạo điều kiện công việc cho người thân nghệ sĩ trong đoàn. Đoàn hát có một đội đá banh, và vợ soạn giả Hoa Phượng nảy ra sáng kiến làm dịch vụ giặt quần áo cho đội bóng và cả đoàn hát. Vợ soạn giả Nguyễn Phương khéo tay nên còn làm nghề may y trang cho diễn viên và quần áo anh em trong đoàn.

Trong không khí gia đình, bà Nguyễn Phương thay mặt Thanh Nga đọc hàng trăm thư và trả lời thay cho Thanh Nga. Thanh Nga chỉ ký tên. Và với những người quen biết thì bà thảo thư, Thanh Nga chép lại và ký tên trả lời. Bà Nguyễn Phương trở thành thư ký riêng không lương của Thanh Nga. Với sự thân mật tin cậy đó, Thanh Nga hỏi người tặng hoa hồng nhung có ngụ ý gì? Nếu yêu thì tại sao không viết vài chữ nói rằng yêu. Nếu chỉ là lòng hâm mộ hoan nghênh nghệ sĩ thì chắc là không phải, vì đâu có ai kiên trì đến như vậy. Soạn giả Nguyễn Phương đưa tiểu thuyết Trà Hoa Nữ bảo Thanh Nga đọc thì sẽ hiểu.

Vào một tối Thứ Bảy, anh thanh niên si tình lại mang hoa đến tặng, Nguyễn Phương chờ sẵn và mời anh vào hậu trường. Đó là một thanh niên rất đẹp trai, mặc âu phục sang trọng. Khi gặp bà bầu Thơ và Thanh Nga, anh tự giới thiệu tên Nguyễn Văn Tài, bí danh là Hai Vũ, tốt nghiệp Cao học Thương mãi ở Pháp, hiện là chủ nhiệm Phòng Thương mãi Sài Gòn. Anh Tài lúng túng không biết khởi đầu câu chuyện với Thanh Nga như thế nào.

Thanh Nga tinh nghịch hỏi: Bộ anh Tài có kiosque bán hoa hả? Tài xoa hai tay, ngượng ngùng, không biết nói gì. Thanh Nga lại nói: “Nga đâu phải là Trà Hoa Nữ mà mỗi ngày anh Tài tặng Nga một đóa hồng? Đời của Trà Hoa Nữ buồn thảm lắm, Nga không muốn đời Nga giống như Trà Hoa Nữ đâu…”. Tài đỏ mặt bối rối xin lỗi và đứng ngây người trước vẻ nhí nhảnh của cô gái. Bà bầu Thơ tế nhị, nói xen vào: “Chú Ba, chú ghi hai số ghế rồi chú nói với cậu Tài xuống khán phòng xem Nga hát”. Rồi bà quay sang Tài, nhỏ nhẹ: “Cháu đừng tặng hoa mỗi ngày, mất công lắm. Cháu thích xem Thanh Nga hát thì bác mời cháu mỗi đêm đến xem, vậy được hông?”.

Sau buổi đầu gặp gỡ, Thanh Nga rất có cảm tình với Tài, thấy anh có vẻ thành thật và lãng mạn, giống như những nhân vật mà Nga đọc trong tiểu thuyết. Tài có nhiều dịp đến sân khấu, xem Thanh Nga hát, thỉnh thoảng góp ý với bà bầu Thơ về việc quảng cáo hay về tuồng tích, về diễn viên… Tình cảm của Thanh Nga vừa chớm nở thì bỗng nhiên Tài mất tích. Sau hiểu ra mới biết Tài là đảng viên đảng cộng sản Pháp, về Việt Nam hoạt động bị lộ, trốn luôn vào khu.

Cuộc hôn nhân thứ hai của Thanh Nga với ông Phạm Duy Lân, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông tin (còn gọi là Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi) tưởng chừng êm ả nhưng bên trong có nhiều trắc trở mà cả hai phải hy sinh rất lớn.

Tết Kỷ Dậu năm 1969, Chính quyền Sài Gòn quyết định đưa một đoàn cải lương qua Pháp biểu diễn phục vụ kiều bào. Có ba ứng cử viên nặng ký là đoàn Kim Chưởng giàu về tài chính nhưng tuồng tích chủ yếu là sắc màu hương xa, kiếm hiệp; đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân lực lượng trẻ trung, tuồng xã hội hiện đại nhưng thiếu chiều sâu. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được chọn nhờ những tuồng có giá trị xã hội sâu sắc, có đội ngũ diễn viên ngôi sao Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga được Việt kiều mến mộ.

Ông Phạm Duy Lân với vai trò Đổng lý Văn phòng Bộ Thông tin đã dẫn đầu đoàn và lo mọi thủ tục hành chính cho chuyến đi. Chuyến lưu diễn kéo dài hai tháng và thành công tốt đẹp về tài chính cũng như tình cảm quan hệ với Việt kiều. Với sự chăm sóc chu đáo trước và sau chuyến đi của Duy Lân, trái tim nghệ sĩ Thanh Nga lại một lần nữa xao động. Thanh Nga thật sự tìm được nửa còn lại của đời mình. Trở về từ chuyến lưu diễn đó, Thanh Nga và Phạm Duy Lân quyết định kết hôn. Nhưng mọi thứ không dễ dàng với họ, khó khăn xảy ra từ cả hai phía.

Bà bầu Thơ tỏ ra không thích ông Duy Lân vì có nhiều lý do. Ông Duy Lân lớn tuổi hơn Thanh Nga khá nhiều, đã có hai đời vợ và có con riêng. Nên tuy biết ơn ông giúp đỡ đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi Pháp nhưng bà bầu Thơ nhất định không chấp nhận cho Thanh Nga kết hôn với Duy Lân. Thanh Nga vốn trọng chữ hiếu, mọi việc nếu mẹ đã quyết, kể cả chuyện tình duyên, đều nhất mực tuân theo. Nhưng lần này, cô bất tuân lời mẹ. Có người dẫn lời một nghệ sĩ trong gia đình Thanh Nga kể lại, một lần đi hát ở Vũng Tàu, bà bầu Thơ thấy không ngăn cản được Thanh Nga và Phạm Duy Lân nên nóng giận, giang tay tát con gái.

Vợ chồng Thanh Nga ngồi giữa

Về phía ông Duy Lân, thử thách càng nghiệt ngã hơn. Khi ông quyết định cưới Thanh Nga, ông Hoàng Đức Nhã, người nhà của Tổng thống Thiệu, là Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi, kêu ông vào nói rằng vì gia đình Thanh Nga có lý lịch thân Cộng nên nếu cưới Thanh Nga là ông mất tất cả chức vụ sự nghiệp kể như chấm dứt. Ông Duy Lân đã chấp nhận trả giá đó, từ bỏ các chức vụ và hành nghề luật sư tư.

Giữa ông Duy Lân và Thanh Nga cũng đặt điều kiện: Ông phải dứt khoát với vợ cũ, còn Thanh Nga phải dứt khỏi sự ràng buộc của bà bầu Thơ. Một điều nữa được gia đình nghệ sĩ Hữu Châu làm chứng là đám cưới của ông lại được các con thật lòng ủng hộ. Cưới nhau xong, ông giữ một chân luật sư; bà vẫn đi hát. Hai bên đến với nhau như lúc còn tay trắng. Họ sống trong một ngôi nhà rất chật hẹp ở cư xá Đô Thành.

______________

Sau năm 1969, do nhiều yếu tố khách quan (chiến tranh, giới nghiêm, sự cạnh tranh của những loại hình nghệ thuật mới như điện ảnh, ca nhạc…), cải lương xuống dốc, đoàn Thanh Minh Thanh Nga rã gánh, Thanh Nga phải rời sân khấu. Thử sức trong điện ảnh, cô cũng thành công với các phim Loan Mắt Nhung, Xa Lộ Không Đèn

Thanh Nga là một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á Châu tại Đài Bắc năm 1971; được chọn là là “diễn viên xuất sắc nhất” tại Đại hội Điện ảnh Á Châu năm 1974 cũng tại Đài Bắc, với vai cô gái Huế trong phim Nắng Chiều. Sau đó, cô là gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ 1969, được (cố) Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp…

Sau 30 Tháng Tư 1975, Thanh Minh Thanh Nga là đoàn hát cải lương tư nhân đầu tiên được tái lập và Thanh Nga một lần nữa chói sáng trên sân khấu với những vai diễn trong Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh… Cần nhắc lại, thời điểm đó, chính quyền cộng sản vẫn còn làm khó dễ. Mỗi tuồng hát phải qua nhiều lần kiểm duyệt từ kịch bản, tuồng tích đến cả lý lịch diễn viên. Tuồng Tiếng Trống Mê Linh khi “diễn báo cáo” với các quan chức cao cấp đã có nhiều ý kiến phản ứng: “Thanh Nga là ‘vợ ngụy’ không được đóng vai Trưng Trắc”.

Cái chết đột ngột của Thanh Nga đã làm xôn xao giới nghệ sĩ cũng như khán giả ái mộ. Trước khi Thanh Nga bị giết, ngôi nhà riêng của cô bị rải đầy thư nặc danh với lời lẽ hăm dọa. Người thân kể lại, một tháng trước khi bị sát hại, Thanh Nga thường hay nói nửa đùa nửa thật về cái chết.

Vào đêm định mệnh 26 Tháng Mười Một 1978, trước giờ diễn vở Thái Hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng, Thanh Nga còn nói đùa với em gái Lư Ánh Mai: “Nếu chị chết, Chín phải xức dầu thơm cho chị. Chín phải làm mặt cho chị, đừng để chị xấu”. Không ngờ câu nói ấy lại chính là lời trăn trối cuối cùng. Lúc còn sống Thanh Nga rất thích một chiếc áo tuồng màu đỏ. Sau khi xảy ra án mạng, nhà nghệ sĩ bị phong tỏa, người nhà không thể lấy quần áo, nên người ta liệm Thanh Nga bằng chính chiếc áo đỏ diễn tuồng mà Thanh Nga yêu thích.

Diễn xong vở Thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Nga lên chiếc Volkswagen màu xám nhạt về nhà. Vệ sĩ Nguyễn Văn Các, làm nhiệm vụ bảo vệ Thanh Nga, ngồi cùng xe, kể:

“Tối hôm ấy, chính chồng của chị Thanh Nga (Phạm Duy Lân) cầm lái. Thanh Nga ngồi băng phía sau với cháu Phạm Duy Hà Linh, tên thường gọi ở nhà là Cúc Cu, 5 tuổi, con của hai người. Xe dừng trước nhà Thanh Nga số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tôi xuống trước, định mở cửa xe để Thanh Nga bước ra sau, nhưng khựng lại vì chợt có một chiếc Honda từ đâu phóng tới, dừng gấp trước cổng nghe một tiếng “xẹt”, một bóng người vội vã nhảy xuống chìa súng vào gáy tôi, quát: “Đứng im… Mày la tao bắn chết”.

Hắn đạp anh Các ngã chúi úp mặt vào trong xe. Các nghe tiếng ông Lân kêu lên: “Đừng có bắt con tôi. Các anh muốn gì thì vợ chồng tôi cũng chịu hết”. Dường như hai bên giằng co nhau rồi một tiếng nổ, và giọng Lân thều thào: “Các ơi, cậu Ba bị bắn chết rồi”; tiếp đó là giọng Thanh Nga, hoảng hốt: “Bắn thì bắn chết tôi đi, chớ đừng bắt con tôi”.

Mấy giây sau, Các nghe tiếng nổ thứ hai và tiếng cháu Cúc Cu gọi thất thanh ba ơi, má ơi. Một giọng nói lạ vang lên, gấp gáp: “Thôi đi!”. Khi ấy, Các có cảm giác không còn bị đè nên đứng dậy thì thấy hai bóng người. Một tên ngồi lên Honda, do ánh sáng đèn đường lờ mờ nên ông Các không thấy rõ mặt, chỉ nhận ra hắn bận chiếc áo lam nhạt màu. Tên kia cầm súng, nước da ngăm, để tóc dài, khoảng hơn 30 tuổi, cao chừng thước sáu, thước bảy, bận quần đen, áo màu gạch đậm. Lúc đó khoảng gần 23h30, hai vợ chồng nghệ sĩ được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn nhưng không kịp nữa rồi…

HẾT

_______

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: