Nụ tài hoa trong vườn ngự uyển
__________
Nghệ sĩ Thanh Nga với danh hiệu nữ hoàng sân khấu là một hiện tượng đặc biệt, một ngôi sao nghệ thuật đặc biệt, một tượng đài lừng lững ngự trị ở ngôi vương mà khó có nghệ sĩ nào có thể vươn tới. Nghệ sĩ Thanh Nga là đóa hoa toàn diện sắc hương: Sắc đẹp dịu dàng, quyến rũ từ gương mặt đến thể hình, giọng ca ngọt ngào đầm ấm, phong cách biểu diễn chân thực, sắc sảo và đặc biệt là nhân cách đoan chính, bao dung mà bao nghệ sĩ, ký giả, học giả đương thời đều quý trọng.
Nghệ sĩ Thanh Nga sinh ra trong gia đình quyền quý, là con ông Hội đồng quản hạt tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi với bà Nguyễn Thị Thơ. Ông Lợi nhập quốc tịch Pháp nên các con đều mang tên Pháp và cả ba đều là nghệ sĩ. Người con cả là Albert Nguyễn Hữu Thìn, tức là diễn viên Hữu Thìn của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Thanh Nga tên đầy đủ là Juliette Nguyễn Thị Nga, sanh ngày 31 Tháng Bảy 1942. Người em út là Michel Nguyễn, tác giả tuồng cải lương duy nhứt tựa là Người đi trong ngõ tối, từ trần năm 1970.
Cầu hôn bằng một đĩa vọng cổ và một gánh hát cải lương
Ông Nguyễn Văn Lợi mất năm 1945, bà Thơ còn trẻ, có nhan sắc được nhiều người theo đuổi nhưng vẫn sống khép kín và đến năm 1948, một cơ duyên tạo ra sự thay đổi bước ngoặc của gia đình này. Soạn giả Kiên Giang, người cộng sự với đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga từ những năm 1950 đến sau 1975, là người bạn thân thiết của nghệ sĩ Năm Nghĩa đã kể lại câu chuyện mối tình và cuộc chinh phục độc đáo của nghệ sĩ Năm Nghĩa với bà Thơ, mẹ của nghệ sĩ Thanh Nga như sau:
Nguyên có lần nghệ sĩ Năm Nghĩa theo đoàn cải lương của bầu Bảy Cao lưu diễn ở Tây Ninh và tình cờ gặp bà Thơ và bị tiếng sét ái tình đốn ngã. Nhưng với thân phận một kép hát (dù đã nổi danh) ông ngần ngại không bày tỏ hay có biểu hiện gì. Mặc khác lối sống của bà Thơ vốn kín cổng cao tường nên không thể dễ dàng lui tới. Ông âm thầm sáng tác bài vọng cổ Điên đảo vì tình trút hết nỗi lòng của mình. Chính ông thể hiện bài này rất thành công được phát trên đài phát thanh và ghi thành đĩa.
Ông mua một máy hát đĩa tặng cho người gác dan ở nhà bên cạnh nhà bà Thơ nhờ người này mỗi ngày quay đĩa phát bài Điên đảo vì tình hướng loa vọng sang nhà bà Thơ. Sau đó, ông về quê ở Bạc Liêu lạy cha mẹ xin 1,000 giạ lúa (khoảng hơn 20 tấn) bán lấy tiền làm vốn lập gánh hát do ông vừa làm bầu vừa làm nghệ sĩ. Địa điểm lưu diễn đầu tiên là xứ sở của bà Thơ. Sau những đêm diễn thành công, ông mặc đồ veston đường hoàng đến nhà bà Thơ để bày tỏ tình cảm và cầu hôn.
Với cách chinh phục quá ngọt ngào điệu nghệ như thế thì trái tim chai đá đến mấy cũng phải tan chảy. Họ kết hôn năm 1949 và đoàn cải lương Thanh Minh, mảnh đất màu nghệ thuật để tài năng Thanh Nga ra đời từ đó. Hai người tâm đầu ý hợp sau đó có năm con, gồm ba trai hai gái là: Bảo Quốc, Chí Bình, Ánh Đào, Ánh Mai và Chí Tiên. Anh em Thanh Nga được Năm Nghĩa xem như con ruột và chăm chút vun bồi cho tài năng nghệ thuật của các con.
Ông Năm Nghĩa
Thế nhưng Năm Nghĩa là ai, tài đến mức nào mà có thể dìu dắt Thanh Nga vào nghệ thuật thành công đến vậy? Ông là một trong những nghệ sĩ tiền phong đa tài, đóng góp rất lớn cho nghệ thuật cải lương. Nghệ sĩ Năm Nghĩa là người đầu tiên là phát triển bài Dạ Cổ Hoài Lang thành Vọng Cổ.
Ông tên thật là Lư Hòa Nghĩa, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bạc Liêu, nơi là cái nôi của đàn ca tài tử. Ông có năng khiếu cổ nhạc, được thiên phú một giọng ca rất mùi, rất trầm ấm, lại may mắn được sư Nguyệt Chiếu – một danh sư cổ nhạc dạy đờn ca tài tử. Năm Nghĩa thân thiết nhất với nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), tuy tuổi tác chênh lệch nhưng xem nhau như bạn.
Năm Nghĩa rất tâm đắc bản Dạ cổ hoài lang nhưng mỗi câu lại ngắn quá, ông muốn chuyển sang nhịp tám (dài gấp đôi bản hiện hành lúc đó), chữ đờn nên thay đổi để cho mùi hơn. Một đêm tối trời năm Giáp Tuất (1934), Năm Nghĩa đến hòa tấu với Sáu Lầu, say sưa trời đã khuya mà vẫn không hay.
Đêm đó mưa to, gió lớn Năm Nghĩa không về được phải ngủ lại nhà một người bạn cạnh nhà ông Sáu Lầu (vì nhà ông Sáu quá chật). Năm Nghĩa cứ mãi trằn trọc không ngủ được, ngoài trời mưa cứ rơi; lúc trời gần sáng, bỗng dưng tiếng chuông chùa Vĩnh Phước An gần đó vang lên như gợi ý rồi trong những phút giây xuất thần Năm Nghĩa sáng tác 20 câu ca cho bản Dạ cổ nhịp tám.
Do nguyên cớ này nên sau đó Năm Nghĩa đã đặt tên bài ca là Văng vẳng tiếng chuông chùa. Chính nhạc sĩ Cao Văn Lầu lúc sinh tiền đã xác nhận: “Nhạc phẩm căn bản nhịp đôi của tôi đã được chư nhạc sĩ tứ phương lần lần mở lơi ra nhịp tám, bắt đầu bằng lời ca Văng vẳng tiếng chuông chùa của nghệ sĩ Năm Nghĩa”. Năm 1938, bài Văng vẳng tiếng chuông chùa được thu vào dĩa Asia. Chỉ vài tháng sau khi dĩa phát hành, thính giả khắp nơi hoan nghênh nhiệt liệt, tiếng tăm của ông vang dội khắp nơi.
Theo học giả Vương Hồng Sển, bài Văng vẳng tiếng chuông chùa và giọng hát Năm Nghĩa hấp dẫn đến mức có một ông điền chủ ở Thiềng Đức (Vĩnh Long) đã bỏ vốn lập gánh hát, mời Năm Nghĩa làm kép để hằng ngày nghe Năm Nghĩa ca hát. Nhưng ông “bầu” nghiệp dư này không quen làm bầu nên chỉ diễn được vài nơi thì rã gánh. Năm Nghĩa lại được ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ nghệ sĩ Kim Cương) mời về đoàn Phước Cương ở Mỹ Tho, vở hát đầu tiên ông cộng tác cho đoàn Phước Cương là vở Gươm Vàng Máu Đỏ năm 1938.
Cũng cần nói thêm rằng vì sao Năm Nghĩa từ Bạc Liêu lại lang bạt lên đất Sài Gòn. Trước đó, như đã nói, ông sinh hoạt và gắn bó với nhóm đờn ca tài tử của Nhạc Khị và nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Bấy giờ, Năm Nghĩa có vợ là một người Hoa giàu có, làm nghề buôn bán ở Bạc Liêu. Nhưng Năm Nghĩa mê đờn ca nên bỏ bê công việc gia đình, vợ ông bất bình và lời qua tiếng lại làm ông bị tổn thương nên bỏ nhà lên Sài Gòn, tiếp tục dạo chơi với các nhóm đờn ca tài tử.
Khi bản vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa do chính ông thể hiện được hãng Asia thu dĩa và phát hành, nổi tiếng khắp cả nước, vợ ông mua về nghe. Lời ca và giọng ca của ông làm cho bà động lòng, xúc động và hối hận, bà lên Sài Gòn tìm gặp ông và xin lỗi những chuyện đã qua, năn nỉ ông trở về, nhưng ông nói với bà rằng chúng ta không còn duyên nợ, thôi đường ai nấy đi. Vợ ông thui thủi trở về trong buồn giận, giận mình và giận đời, bà đập nát cái dĩa và máy hát.
Ông bầu điệu nghệ
Khi chung sống với bà bầu Thơ, ông Lư Hòa Nghĩa vừa là bầu gánh hát, vừa là nghệ sĩ biểu diễn, soạn giả cải lương. Nghệ sĩ Út Trà Ôn lúc nổi tiếng trở thành Vua Vọng Cổ thì cũng nổi tiếng làm eo làm sách với các ông bầu vì biết giọng ca mình khó ai thay thế. Nhưng trên sân khấu đoàn Thanh Minh lúc bấy giờ, nếu vắng Út Trà Ôn, Năm Nghĩa hát thay, khách vẫn xem chật rạp, có lúc cùng một vai hai người chia nhau hát luân phiên mỗi người hát một đêm, khán giả vẫn ủng hộ nên “ông vua” cũng co vòi.
Năm Nghĩa đưa đoàn Thanh Minh thành một đại bang hùng mạnh nhất Sài Gòn, quy tụ dàn nghệ sĩ ngôi sao, có đến sáu soạn giả cơ hữu, mỗi tháng đều có tuồng tích mới. Soạn giả Kiên Giang cho biết soạn giả của đoàn Thanh Minh được tôn trọng và đãi ngộ rất tốt. Soạn giả vừa hưởng lương tháng vừa hưởng tiền tác quyền từ 3 đến 6% doanh thu mỗi đêm diễn nên thu nhập rất khá. Có lúc Hà Triều, Hoa Phượng không ở Sài Gòn mà ra Vũng Tàu thuê khách sạn vừa viết tuồng vừa nghỉ ngơi, tắm biển. Soạn giả chỉ viết tay trên giấy, đoàn có sẵn nhân viên đánh máy phục vụ cho soạn giả. Đoàn Thanh Minh đã làm được nhiều vệc quy củ mà các đoàn khác không theo kịp.
Chính ông Năm Nghĩa đã đề nghị với Hội Nghệ sĩ thành lập Tiểu ban soạn giả, để nâng cao chất lượng về việc sáng tác kịch bản, tìm hướng đi đúng đắn cho sân khấu cải lương; bảo vệ bản quyền kịch bản là những chuyện rất mới lạ, tiến bộ trong thời ấy. Nghệ sĩ Bảo Quốc kể:
“Bầu gánh ngày xưa vì yêu nghề mà lập gánh hát, không có mộng làm giàu, nên không hưởng lợi một mình mà chia đều cho mọi người, có khi phải chịu thiệt thòi để giữ nghề, như giữ đạo vậy. Ba tôi ngày xưa là thầy giáo dạy học ở Bạc Liêu, bạn thân của ông Cao Văn Lầu, hai người hay đàn hát với nhau. Còn má tôi buôn bán ở Tây Ninh.
Đoàn Thanh Minh thành lập vào tiết Thanh Minh, khi chị Thanh Nga nổi danh, ba má tôi kết hợp đổi tên thành đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Nghề làm bầu cũng thăng trầm lắm. Ba má tôi luôn ký hợp đồng độc quyền với nghệ sĩ. Đoàn hơn 50 người, khi mở màn hát dù có vai hay không có vai cũng đều được lãnh lương, có cơm ăn hai bữa trưa và chiều. Anh em hậu đài cũng được ký hợp đồng và được phục vụ ăn như diễn viên, lương của hậu đài được tính rất cao”.
Đối với Thanh Nga, ông Năm Nghĩa vừa trực tiếp hướng dẫn nghệ thuật, vừa nhờ nhạc sĩ Út Trong, nhạc trưởng của đoàn Thanh Minh, kèm cặp bài bản cho cô ngay từ thời nhỏ để có đủ căn bản ứng dụng trên sân khấu. Về diễn xuất, ông rước những nghệ sĩ bực thầy về ca, diễn, như Năm Châu, Phùng Há, Thanh Loan, Kim Cúc, Ba Vân dạy cho Thanh Nga. Nhờ rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga mới tám tuổi đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Với cách viết tuồng, soạn bài hát kiểu “đo ni đóng giày” của cải lương Sài Gòn, Năm Nghĩa đặt hàng các soạn giả viết tuồng có những vai đào con như: Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn Di Hận, Lửa hờn… để Thanh Nga biểu diễn làm quen với sân khấu từ khi mới tám tuổi. Tuồng Phạm Công Cúc Hoa đã cố ý nhấn nhá vào hai vai Nghi Xuân, Tấn Lực là hai đứa trẻ mẹ chết sớm, cha đi đánh giặc, phải ở nhà với mẹ kế bị bạc đãi hành hạ, phải bỏ nhà đi lang thang, ghé vào nhà ông ngoại là một viên ngoại giàu có nhưng bà ngoại không nhận ra lại xua đuổi…
Trong vở tuồng đầy ngang trái bi thương này, giọng ca ngọt ngào và lối diễn tự nhiên của Thanh Nga trong vai Nghi Xuân đã lấy nước mắt của biết bao khán giả. Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Riêng Bảo Quốc, Năm Nghĩa sớm phát hiện vai phù hợp với anh là vai hài để chọc cười thiên hạ nên đã sớm định hướng Bảo Quốc theo phong cách này ngay từ nhỏ.
Bà bầu Thơ
Không chỉ được người cha dượng đào tạo, Thanh Nga còn hạnh phúc có bà mẹ cũng là một bà bầu xuất chúng. Soạn giả Nguyễn Phương đánh giá rất cao bà bầu Thơ: Từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, có năm bầu gánh hát đã làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh xứng đáng được ghi vào dòng văn học nghệ thuật nước nhà, đó là bà Bầu Thơ, đoàn Thanh Minh Thanh Nga; bà bầu Kim Chưởng, đoàn Kim Chưởng; ông Bầu Long, đoàn Kim Chung; ông bầu Xuân, đoàn Dạ Lý Hương; và bầu Thu An, đoàn Hương Mùa Thu.
Nghệ sĩ Bảo Quốc cũng tự hào kể về người mẹ của mình: “Ba tôi mất sớm, người chịu trách nhiệm về kinh doanh chủ yếu là má tôi. Bà gồng gánh cả đoàn hát với một tư chất mạnh mẽ, rất có uy, khiến các nghệ sĩ lớn rất nể trọng. Tôi nhớ sáng sáng, 9 giờ tập tuồng thì 8 giờ bà già đã ngồi trên bộ ván, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Đào kép nào đến trễ đều toát mồ hôi hột trước sắc diện của bà”.
Bà có vai trò quyết định trong việc Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm trong mùa giải đầu tiên năm mới 16 tuổi. Lúc ấy đoàn Thanh Minh dựng vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, nói về mối tình trong trắng cao thượng của cô Sơn Nữ Phà Ca với anh con trai kinh thành Mộng Long bị tan vỡ, do cha của họ chạy theo tham vọng quyền lực ép Mộng Long phải cưới con gái của một sứ quân dòng tộc quyền thế để liên minh lực lượng.
Vở được viết bằng ngôn ngữ trau chuốt, ngọt ngào đậm chất thơ như câu “Đói lòng ăn nửa trái sim; Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Soạn giả Kiên Giang cũng phối hợp với họa sĩ thiết kế tạo ra khung cảnh sân khấu thành núi rừng thơ mộng, có chiếc cầu dây đắt ngang qua sân khấu. Vai diễn, bài hát cũng rất thích hợp với Thanh Nga. Thế nhưng với cái tựa Người Vợ Không Bao Giờ Cưới và số phận buồn tủi của nhân vật Phà Ca nhiều người đã bàn ra là không nên để Thanh Nga mới 16 tuổi, lần đầu làm đào chánh, lại nhận cái vai xui xẻo như vậy.
Nhưng cân nhắc về tương lai nghệ thuật của con, chính bà bầu Thơ đã quyết định cho Thanh Nga đóng vai này; và quả thực, Thanh Nga trong vai Sơn Nữ Phà Ca đã chinh phục lòng người. Câu hát “Ngày mai đám cưới người ta; Tại sao Sơn Nữ Phà Ca lại buồn” đã đi vào lòng khán giả bao thế hệ. Chỉ một câu nói xuất thần của Thanh Nga trả lời khi Mộng Long báo tin “Ngày mai anh có vợ, Phà Ca có buồn không?” đã làm tốn bao giấy mực của các cây bút kịch trường hết lời khen tặng.
Bà bầu Thơ còn đầu tư cho Thanh Nga nhiều vai diễn khác. Soạn giả Viễn Châu kể, khi ông thành danh trong nghề viết đo ni đóng giày thì được bà Thơ mời về viết độc quyền cho đoàn, mà chủ yếu là cho vai diễn của Thanh Nga. Ông Viễn Châu kể:
“Tiếng lành đồn xa, lại có thêm sự cộng hưởng từ lời giới thiệu uy tín của anh Năm Châu và chị Kim Cúc, tôi được “bà bầu của các ông bà bầu” Nguyễn Thị Thơ mời về viết tuồng cho Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Bầu Thơ là người trọng dụng soạn giả, chủ trương trả lương tháng để anh em yên tâm. Lúc này, tôi đã viết các tuồng mà số lượng vé bán được xem là kỷ lục: Người Yêu Của Hoàng Thượng, Yêu Nữ Thần, Thiên Thần Trên Thiết Mã, Người Nữ Cứu Thương, Tình Nở Đào Hoa Thôn, Kiếp Hoa Tàn… Khi tôi về đoàn, để tạo cú đột phá cho Thanh Nga sau khi cô đã đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, bà bầu Thơ đặt hàng tôi phải viết các kịch bản lăng xê con gái bà. Vì thế, tôi đã sáng tác Hoa Mộc Lan, Chuyện Tình Hàn Mạc Tử…”
Đầu tư chăm chút nhưng bà bầu Thơ không hề dễ dãi, sinh thời bà có câu nói nổi tiếng: “Trong nghề này đứa nào giỏi thì được, không thì thôi. Lập gánh không phải là để lăngxê con cháu!”. Ngay với Thanh Nga cũng vậy, bà quản lý như một diễn viên bình thường khác, chỉ cần đi tập tuồng trễ 10 phút là bà cắt vai, khiến Thanh Nga sợ xanh mặt. Có lần “nhõng nhẽo” sao đó, bà kêu Mộng Tuyền vô thay vai liền.
Có lần Thanh Nga giận kép Thanh Sang, định nghỉ hát nên báo bệnh, bà bầu Thơ nhỏ nhẹ: “Thôi được rồi, má sẽ trả vé lại khán giả, còn vợ chồng tụi bây phát lương cho anh em đi, vì nghỉ một đêm người ta bị mất lương, tội nghiệp”. Vợ chồng Thanh Nga hết hồn, vì phát lương cho cả trăm người, đâu phải chuyện đùa.
Bảo Quốc từng “nếm mùi” vì tội đi trễ. Đêm hát vở Hoa Mộc Lan, anh mê đá banh ở Trảng Bàng, xe lại bị lún sình về không kịp. 7g30 tối mở màn thì 7g bà đã bắt ghế ngồi ngay cửa phòng hóa trang. Bảo Quốc rét run, trốn bà, đành liều đi cửa trước với nguyên bộ dạng quần tà lỏn, mặt mày lấm lem, khán giả được một phen chỉ trỏ, cười rần rần. Bà không thèm xử con, để cho khán giả xử, Bảo Quốc bị quê một trận nhớ đời. Chính sự nghiêm khắc quyết liệt đó đã góp phần rèn giũa, thúc đẩy Thanh Nga, Bảo Quốc luôn vươn tới mà không ngủ quên trong chiến thắng.
Mặt khác, số phận cũng không cho phép họ ngủ quên trên chiến thắng mà đặt ra những thử thách nghiệt ngã. Sau khi Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm, Đoàn hát càng được sự ái mộ của mọi người, càng ngày càng có uy tín, đào kép càng nhiều, doanh thu càng cao, danh tiếng càng lớn…
Nhưng tiếc thay, đêm 5-12-1959 khi đoàn Thanh Minh đang diễn vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của soạn giả Kiên Giang thì nghệ sĩ Năm Nghĩa từ trần sau một cơn bạo bệnh. Cái chết của ông không chỉ là nỗi đau tê tái của bà bầu Thơ, của Thanh Nga, Bảo Quốc và bốn người con nhỏ; mà còn là sự mất mát lớn lao của sân khấu cải lương miền Nam.
Đối với đoàn Thanh Minh, cùng lúc với sự từ giã cõi đời của nghệ sĩ Năm Nghĩa là sự ra đi của nghệ sĩ trụ cột Út Trà Ôn khi ông chuyển sang đoàn Thủ Đô mới thành lập. Đoàn Thủ Đô là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với một tiềm lực hùng hậu về tài chánh, đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu và đường lối quảng bá mới mẻ, táo bạo của ông bầu Ba Bản, chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn giàu tiền bạc, nhiều kinh nghiệm. Cô đào Thanh Nga mới 16 tuổi phải trở thành cột trụ lẻ loi của đoàn và bà bầu Thơ góa phụ lần đầu làm quản lý phải đối đầu với đối thủ mạnh quá tầm.
CÒN TIẾP
_________