Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 6

Thành Được sống chung như vợ chồng với Thanh Nga?

______________

Trên sân khấu, Thành Được và Thanh Nga là cặp diễn viên đẹp đôi, ca hay diễn giỏi, ăn ý trong nhiều vở tuồng. Có khi họ là vợ chồng trong Sân Khấu Về Khuya; có khi là người yêu trong Con Gái Chị Hằng, Nửa Đời Hương Phấn… Ngoài đời, có dư luận cho rằng Thanh Nga và Thành Được từng sống chung như vợ chồng, rồi Thanh Nga ghen và giận Thành Được mới đồng ý lấy Đại úy Mẫn, sau đó Thành Được buồn tình nên cạo đầu và rời đoàn Thanh Nga…

Dù khởi đầu nổi tiếng với vai Tô Điền Sơn trong tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở và đoạt giải Thanh Tâm với vai tướng cướp Thi Đằng trong Tiếng Hạc Trong Trăng – đều là những vở tuồng thể loại kiếm hiệp hương xa, nhưng khán giả vẫn nhớ đến Thành Được với các tuồng xã hội trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Ở đó, Thành Được đã tỏa sáng với nhiều vai diễn ăn ý với Thanh Nga. Danh tiếng càng nhiều thì tai tiếng cũng càng lớn, xung quanh hào quang nghệ sĩ Thành Được là những giai thoại về đam mê bóng đá, chơi xe, bida… và người đẹp.

Đam mê đình đám nhất của Thành Được có lẽ là đá banh. Có giai thoại kể rằng, lần đó đoàn hát ở Buôn Mê Thuột nhưng Sài Gòn có trận bóng buổi chiều. Thành Được đã từ Tây Nguyên bay về Sài Gòn xem đá banh và sau đó thuê máy bay riêng bay lên Buôn Mê Thuột để hát cho kịp suất. Theo tác giả Trần Trung Quân, không chỉ mê xem, Thành Được còn mê đá, mê làm cầu thủ và đá chung với các tuyển thủ quốc gia. Một chiều Tháng Mười 1974, anh dám bỏ ra một triệu bạc mướn sân Cộng Hòa gồm chi phí điện, nước, nhân viên trật tự…

Dưới danh nghĩa trận đấu “Gây Quỹ Cây Mùa Xuân” cho gia đình Ký Giả Việt Nam, anh là Hội trưởng Hội Túc Cầu Nghệ Sĩ Việt Nam, gởi thơ mời Hội Túc Cầu Thương Phế Binh VNCH đấu giao hữu. Đài phát thanh Sài Gòn quảng cáo điếc tai nhức óc. Báo chí hết mình viết bài ủng hộ. Nhân viên tổ chức bán vé than vãn: Ế sệ. Bán suốt tuần chưa được 100 vé. Dân ghiền đánh cá, mê cáp độ trận đấu, bàn luận: “Rõ là ngược đời, cầu thủ nghệ sĩ ho lao, ốm tong ốm teo, đá cái nỗi gì! Còn cầu thủ thương phế binh kẻ cụt giò, người què cẳng, đứng chưa vững, có cách chi khều trúng trái banh!”.

Nghệ sĩ Thành Được (Viễn Kính)

Đến giờ khai mạc, kiểm vé có khoảng 300 người, mà hết trong số 150 khán giả là vợ con, thân nhân, người trong gia đình của hai hội. Trận đấu lỗ một triệu hai trăm ngàn nhưng Thành Được mừng qu‎ýnh. Điều trọng yếu là anh được tham dự với tư cách một cầu thủ, đá chánh thức trên sân Cộng Hòa.

Năm 1964, thời gian cộng tác đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, cả ngày anh ôm banh chạy ra sân thực hiện giấc mơ trở thành cầu thủ. Đoàn Thanh Minh sau ba tháng lưu diễn miền Trung trở về Sài Gòn trấn rạp Hưng Đạo, tái ngộ khán giả một vở tuồng mới toanh sau một thời gian vắng bóng. Hát vở mới, đoàn phải tập dợt cả tháng trước khi kéo màn. Anh mê banh, bỏ tập tuồng và gạt qua những lời khuyến cáo của đạo diễn.

Đêm diễn ra tuồng mới, anh Hai Thành Được không biết tên tuồng, vai tuồng và nội dung thuộc loại gì. Bước ra sân khấu, anh thản nhiên hát lại vai cũ vở Nửa Đời Hương Phấn. Cô đào diễn chung lớp tuồng với anh chưng hửng, lỡ bộ đứng chết trân. Tuồng đang trình diễn thể loại kiếm hiệp, cốt truyện xảy ra trên núi trên rừng, anh – đáng lý trong vai hiệp sĩ, y phục hương xa, đeo kiếm đội mão – thì mặc comple, thắt cà-vạt, coi chẳng giống ai. Khán giả phản đối, la ó vang dội, đòi trả vé, đòi ban giám đốc đoàn lên sân khấu xin lỗi.

Bà bầu Thơ ra sân khấu cáo lỗi khán giả và chữa cháy bằng cách cho Thanh Nga đơn ca bản tân cổ giao duyên Nhạc Lòng Năm Cũ. Bước vô hậu trường, bà nổi trận lôi đình, đập đầu vặn cổ kêu trời, ra lệnh nhân viên qua phòng hóa trang kêu anh Hai “trình diện”. Sau một hồi bị bà Bầu bầm xắt, anh hiến kế:

-Bà bầu khỏi lo. Tôi nhờ Thanh Trúc đứng trong cánh gà nhắc tuồng. Về phần diễn xuất, nhất là vai kiếm hiệp, tôi dư sức qua cầu. Bà cứ cho tắt đèn làm lại, coi như không có trục trặc chuyện gì. 

Bà bầu Thơ quay qua ông Tư Đước, chuyên viên điều khiển ánh sáng, cấp tốc ban hành “mệnh lệnh”:

-Chú Năm, đợi Thanh Nga đơn ca xong, chú cứ tắt đèn làm lại nghe.

Lúc ấy có mặt Thanh Đạm, ký giả phụ trách trang kịch trường nhật báo Sàigòn Mới của bà Bút Trà, chứng kiến nội vụ “phía sau hậu trường cải lương” từ đầu đến cuối, đã viết bài “nóng hổi” với lời đề tựa: “Chuyện khó tin nhưng có thật: Kép chánh đoàn Thanh Minh Thanh Nga không thuộc tuồng, đứng sượng ngắt trên sân khấu, bà bầu Thơ đích thân xin lỗi khán giả và ra lệnh “tắt đèn làm lại”.

Câu nói “tắt đèn làm lại” được báo chí Sài Gòn nhắc đi nhắc lại hàng ngày đã thành thành ngữ trong kho tàng tiếng Việt để hài hước chỉ việc sửa sai một sự kiện lỡ làng. Cái tên đoàn “Thanh Minh Thanh Nga” cũng trở thành một “thuật ngữ” để chỉ việc giải thích làm rõ một điều tiếng bị mắc oan (“Đừng có mà “thanh minh thanh nga” nữa nghen!”).

Thành Được và Thanh Nga trong một vở tuồng (file photo)

Trong thời gian hát cho gánh Thúy Nga nhờ thành công tỏa sáng trong vai kiếm sĩ Tô Ðiền Sơn (tuồng Khi Hoa Anh Ðào Nở), Thành Ðược nổi tiếng. Đêm nào mở màn cũng chật rạp, bà bầu Thúy Nga tiền vô đầy hầu bao đã mua cho Thành Ðược chiếc xe Huê Kỳ hiệu Nash mang số NBV-575. Từ chiếc xe hơi đầu tiên này Thành Được nổi tiếng chơi xe.

Thành Được đổi xe nhanh như chong chóng. Thấy chiếc nào mới về, kiểu mới nhất, dù vay nợ tiền lời cắt cổ họng, anh cũng ráng gồng hỏi mượn; bán chiếc cũ, bù vô mua chiếc mới, lỗ năm ba trăm ngàn, có khi cả bạc triệu. Sưu tập xe hơi từ năm 1957, tới năm 1975, anh đã làm chủ tất cả 134 đời xe du lịch. Anh là người Việt Nam độc nhất xài xe đủ kiểu, sưu tập đủ loại xe như: Traction, Renault, Peugeot, Ford, Cadillac, Continental, Pontiac, Mustang, Plymouth, Chevrolet, Chrystler, Mercedes, Volkswagen, Audi, Porsche, Fiat, Toyota, Mazda, Mitsubushi, Honda…

Cuộc giải trí xe hơi đã gây thiệt hại cho anh đến mức không mua nổi một căn nhà. Song anh không lấy đó làm buồn, tủi thân tủi phận. Đã là nghệ sĩ thì nên sống “hào hoa phong nhã”. Anh hào hiệp với bất cứ ai, thâm giao hay sơ giao cũng kéo về ở chung. Ăn uống, quần áo, tiền xài vặt, anh chi hết. Túng thiếu cứ mượn anh. Mà mượn nhớ đừng trả. Nếu trả, anh sẽ rầy ầm lên, nào xem anh thuộc loại ích kỷ, ham tiền hơn ham bè bạn. Mạnh Thường Quân ngày xưa đãi ăn trong nhà hàng ngày trên ba ngàn thực khách. Còn anh, anh nuôi anh em thất nghiệp, sa cơ thất thế vài chục đứa, sá chi mà ơn với nghĩa. Tánh tình phóng khoáng rộng rãi, hay giúp đỡ người, phong cách nghiêm cung hòa nhã là những hạt nhân tình nghĩa gieo rắc trên các chặng đường đời, cho nên anh có bạn bè tốt khắp nơi.

Thành Được còn mê bida, cờ tướng. Mê tới mức trước mỗi xuất hát, anh vẫn mãi miết chơi, chờ tới khi nào nghệ sĩ Út Trà Ôn vẽ xong một bên mắt mới vô hậu đài hóa trang. Những thú chơi này cũng tiêu phí không ít bạc tiền. Và đương nhiên với giọng ca ngọt ngào sang trọng, ngoại hình đẹp trai sáng sủa, Thành Được còn có một bộ sưu tập… người tình, người hâm mộ. Chỉ riêng nghệ sĩ Út Bạch Lan đã nuôi bốn con rơi của Thành Được với bốn người tình khác nhau.

Với một người đa tài, đa tật và đa đoan như vậy, liệu trái tim và lý trí của Thanh Nga có rung cảm và chấp nhận một người tình, người chồng như vậy?

___________

Nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Minh, người được bà bầu Thơ thuê chụp hình cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều năm, đã tiết lộ về điều mà ông tin là hai nghệ sĩ Thành Được, Thanh Nga có quan hệ sâu sắc như sau:

“Với hàng ngàn bức ảnh mà tôi lưu trữ được của nữ tài danh sân khấu cải lương Thanh Nga trong hai thập niên 50-60 của thế kỷ trước, có những bức ảnh tôi chụp rồi lại phải giấu kín, nếu để lộ ra dám “mất chén cơm” như chơi. Nhưng có một tấm ảnh mà tôi chụp được khiến cho người cầm máy chụp nó (tức ông Huỳnh Công Minh) sau nhiều năm đã gặp phải một “tai nạn nghề nghiệp” đến mức phải đi đóng bảo hiểm nhân mạng một triệu đồng trong thập niên 60 (khoảng trên dưới 100 lượng vàng).

Đó là bức ảnh tôi ngẫu nhiên chụp được trong vở tuồng Người Yêu Của Hoàng Thượng của soạn giả Ngọc Huyền Lan tại rạp Hưng Đạo (1958), trong một tình huống bất chợt. Chẳng rõ dưới mắt Thành Được lúc bấy giờ, Thanh Nga có làm cho trái tim “từng trải” của anh rung động chưa và anh đã bắt gặp được “tín hiệu” từ ánh mắt của cô đào Thanh Nga trao cho hay chưa, mà sau một lớp tuồng “mùi mẫn” vừa chấm dứt chuyển sang cảnh khác, Thành Được đã “chớp thời cơ” lúc hậu đài cúp cầu dao ngắt điện, sân khấu tối đen, trong tư thế đang ôm Thanh Nga trong vòng tay âu yếm, anh liền hạ cánh tay cho Thanh Nga thấp xuống rồi lẹ làng đặt lên môi Thanh Nga một nụ hôn. Không ngờ từ trong bóng tối của sân khấu, tôi có được bức ảnh “lịch sử” đó của Thành Được – Thanh Nga…

Bộ sưu tập Hoàng Long

Tôi nhớ rõ lúc Thành Được thối tiền giao kèo nửa chừng cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga để cùng Út Bạch Lan sang đầu quân cho đoàn Kim Chưởng, anh có tuyên bố một câu: “Từ nay về sau tôi thề chẳng bao giờ hát chung với Thanh Nga trên một sân khấu”. Hệ thống lại, từ bức ảnh tôi ngẫu nhiên chụp được, đến câu tuyên bố “chắc nịch” kể trên, tôi ngầm đoán anh chàng này đã thầm mơ ước chiếm được trái tim của Thanh Nga và đã giận dỗi “người trong mộng” điều gì đó mới thốt lên lời thề như thế.

Sau nhiều năm xa rời sân khấu đi đầu quân và lập đoàn hát riêng, vợ chồng Thành Được – Út Bạch Lan gặp nhiều thất bại từ nghề nghiệp đến gia đình, khiến cho hai người hai ngả thì Thành Được “nuốt lời thề” trở lại ký giao kèo với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, mà sự trở lại lần này là do tôi vừa làm quân sư vừa làm “sứ giả”…

_____

Trả lời câu hỏi vì sao phải mua bảo hiểm nhân mạng một triệu đồng? Ông Huỳnh Công Minh cho biết:

Sau khi Thành Được quay lại đoàn Thanh Minh Thanh Nga và dựng lại tuồng Nửa Đời Hương Phấn với Thanh Nga, bức ảnh trên được vẽ phóng to làm ảnh quảng cáo dựng trước rạp Hưng Đạo, một nữ nghệ sĩ khác từng có quan hệ thân thiết với Thành Được đã đá đổ sập tấm ảnh này. Sau đó ông Minh bị trung tá Đầy (người yêu của nữ nghệ sĩ này), Trưởng Quân vụ Thị trấn, mời đến làm việc.

Nguyên ông Minh từng tham gia kháng chiến chống Pháp nên ông Đầy kiếm cớ để dọa ông Minh về hành vi chính trị. Ông Minh suy đoán thật ra nguyên nhân việc mời đến là do bức ảnh và việc ông làm môi giới cho Thành Được quay về đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Trước khi đi, ông Minh có báo tin cho bà Bầu Thơ. Sau buổi làm việc này, bà Bầu Thơ bí mật mua bảo hiểm nhân thọ cho ông Minh mệnh giá một triệu đồng.

Trước những dư luận về những đồn đãi tình ái với Thanh Nga, Thành Được nói gì? Vào khoảng 1966-1967, lúc Thanh Nga chưa chồng, có lần Thành Ðược tâm tình với các ký giả kịch trường rằng: “Giữa tôi và Thanh Nga có nhiều điểm tương đắc, chúng tôi rất thân nhau, đó là tình thân của đào chánh, kép chánh chung đoàn, nghệ sĩ cảm thông cùng nghệ sĩ. Trước kia Thanh Nga đóng chung với kép chánh không ở tuổi trang lứa với cô, ngoài sân khấu cô phải đóng vai người yêu, nhưng trong thâm tâm cô coi đối tượng kia có cái gì ngăn cách. Còn tôi không lớn tuổi hơn Thanh Nga quá nhiều, chúng tôi cùng đóng vai chánh trong tất cả vở tuồng, ai cũng cho rằng xứng đào xứng kép”.

Là nữ nghệ sĩ đẹp nhất trong các nghệ sĩ đương thời, giọng ca quyến rũ diễn cảm tinh tế, Thanh Nga là đóa hoa ngát hương, thu hút biết bao ong bướm si tình trong đó có những nhân vật tai to mặt lớn, mỗi người lại có cách bày tỏ độc đáo. Cách ứng xử của Thanh Nga và bà bầu Thơ cũng tế nhị và độc đáo không kém. Những người si tình Thanh Nga là ai? Người chủ vô hình của trái tim nữ hoàng sân khấu là ai ?

CÒN TIẾP

__________

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: