Toà Bố Mỹ Tho xưa

Buổi sáng hôm nào cũng vậy, khi trời vừa có chút nắng, chợ bắt đầu nhóm đông thì từ ngã ba đường đất, nhìn chệch qua miếu “Bốn Ông” có một người đàn ông trạc chừng năm mươi tuổi mặc một bộ đồ tây màu nâu, tay dài cài khuy cẩn thận đi vòng xuống hết con đường dọc theo bờ sông ra tới cầu Đúc, rồi quành lại Ngã tư Cai Lậy ghé vào tiệm nước “Ngã Sanh” ngồi uống cà phê một mình, lặng thinh ngó qua bên kia góc đường là đồn kiểm soát giao thông ngày xưa. 

Còn hôm nào thay đổi thời tiết ông trở bệnh là nhất quyết đón xe về cố xứ, ông không muốn bỏ thây nơi xứ người, nhưng quê nhà lại là vùng xôi đậu nên ông chỉ ở nhà ban ngày còn ban đêm thì lên chợ Mỹ Tho ngủ nhờ ở nhà người bà con vì sợ nửa đêm cộng sản mò về là mất mạng.

Sau nầy có người quen cất chùa Thanh Quang sát bên đường, đầu bờ lộ đất dẫn tới bến đò qua cồn Tân Long ở xã Tân Mỹ Chánh gần trại lính Thiết giáp đã cho ông lên trú ngụ vào ban đêm để khỏi phải mất công đi xa lên chợ. Quen cảnh chùa và nghe kinh kệ một thời gian ông phát nguyện quy y và thường hay ở lại chùa làm công quả trong những ngày mùng một hay ngày rằm.

Chợ Mỹ Tho xưa, lúc đang xây dựng. Ảnh bưu thiếp thời Pháp

Mãi cho đến khi cộng sản tràn về thành phố ngày 30 Tháng Tư năm 1975 làm chủ khắp mọi nơi. Đến nước nầy rồi thì không còn gì để sợ nữa. Không còn ban ngày hay ban đêm. Chùa chiền chịu sự quản lý gắt gao của chính quyền, ông không còn lên chùa vào mỗi buổi tối mà ở luôn tại nhà, xã Long Bình Điền, Chợ Gạo.

Con đường Cai Lậy – Chợ Gạo cũng dài bấy nhiêu cây số, nhưng xưa khác bây giờ khác. Ông đã qua lại nhiều lần kể từ thời trai trẻ, trải qua bao thăng trầm sướng khổ, suốt thời Cộng hòa cho đến thời cộng sản. Nhưng càng lúc thấy càng xa nên ông không muốn đi lại nữa, đành chôn chặt ở quê nhà. 

Chính quyền cộng sản không biết nhiều về ông, công an xã chỉ ghi lý lịch trích ngang “người bệnh tâm thần.” Chỉ có vậy thôi, không ghi thêm điều gì khác. Có gặng hỏi bao nhiêu lần ông cũng chỉ trả lời có một câu duy nhất:

–  Còn làm được gì nữa đâu?

Nhưng dân làng biết ông từ thời trước “lính về làng như Thần Hoàng về miểu” ông thuộc dòng dõi chủ, cả trong làng, cũng là bậc thầy Thông, thầy Ký, giao tiếp tới cấp quan chủ quận.

* * *

Mùa Thu năm Đinh Mão (1927), ở làng Long Bình Điền có một đứa bé sinh non mới được chừng bảy tháng là cháu nội của ông Cả Tam. Khi ấy thuốc thang không có, coi như cầm chắc phần tử vong. Tuy gia đình giàu có nhưng nhờ ăn ở có nhân đức nên dân làng thương tình mách nước, chỉ chỗ cho người nhà lặn lội rước được bà mụ vườn ở dưới miệt Quơn Long về làm thuốc cho hai mẹ con mới còn sống sót. Để ghi dấu cho sự may mắn nầy, ông Cả đặt tên Nên cho đứa bé. Dân làng gọi là cậu Ba Nên.

Cậu Ba lớn lên ở làng quê, lúc bấy giờ rất hiếm người đi học, nghèo đã đành rồi, còn giàu có thì con cái lại sống sung sướng như công tử, không học hành gì cả. Thậm chí chính quyền thuộc địa kiểm kê dân số, bắt buộc phải có người đi học thì các gia đình đại điền chủ lại thuê người đi học thế. Nói chi đến việc gởi con đi học xa. Nhưng ông Cả lại nghe theo lời khuyên của người anh rể là nên cho con cháu đi học để rành rẽ chữ nghĩa thì sau nầy mới mong giữ vững được cơ nghiệp lâu dài. Năm ấy, cậu Ba độ chừng 14, 15 tuổi được gởi lên ở trọ nhà ông Phủ Phát để đi học.

Chi phí ăn học do ông Cả gởi lên đóng hằng tháng và thỉnh thoảng còn biếu một ít món ngon vật lạ “đồ vườn” cho gia đình dùng lấy thảo. Mọi việc đều suôn sẻ. Bẵng đi một thời gian có người quen ở làng có công việc lên chợ mua bán, làm ăn tình cờ thấy nhiều lần cậu Ba thường hay đi chăn bò ngoài đồng nên ngạc nhiên, đến khi về làng có mách lại cho ông Cả nghe. Tới chừng đó cậu Ba mới kể hết mọi sinh hoạt ở trường cũng như chuyện thường ngày ở nhà. Ông Phủ Phát thường hay sai bảo cậu làm việc nhà giống như gia nhân, có khi buổi chiều nghỉ học còn phải chăn dắt bò cho đi ăn cỏ ngoài đồng trống.

Trên sông Bảo Định Mỹ Tho xưa. Ảnh bưu thiếp thời Pháp

Nghe chính đứa cháu cưng kể lại, ông Cả bèn cho người thân tín lên Mỹ Tho dò xét thì quả nhiên đúng như vậy. Không nói một lời nào và cũng không thèm trả lời một tiếng, ông Cả chuyển đứa nhỏ đi ở trọ chỗ khác. Được mấy năm đến khi Việt Minh nổi dậy, trường lớp đóng cửa bãi khóa, cậu Ba bỏ học về quê gia nhập phong trào Việt Minh tại địa phương.

Theo Việt Minh được chừng hai năm thì có mâu thuẫn trong nội bộ, đấu tố giai cấp đồng thời nghi ngờ thành phần tiểu tư sản. Cậu Ba rời hàng ngũ Việt Minh bỏ làng lên chợ Mỹ Tho sinh sống, nhờ nói được tiếng Pháp nên ông Phủ Phát gởi cho vào làm tạp dịch, chạy công văn ở Tòa Bố Mỹ Tho. Sau đó Việt Minh làm căng, gởi giấy bí mật xử “tử hình”. Vì muốn có súng để phòng thân, chỉ tám tháng sau, Ba Nên quyết định đăng lính Police Communale tỉnh Mỹ Tho.

Đến lúc ấy, ông Phủ Phát mới nhắc lại chuyện cũ năm xưa. Sở dĩ sai bảo cháu làm các công việc nhà cực nhọc là để đứa trẻ bỏ thói công tử con nhà giàu, quen ăn chơi phóng đãng. Ông quan niệm rằng:

– Chỉ có vất vả, nghèo khổ, chịu khó học hành mới nên người.

Thương cháu muốn dạy dỗ theo gương của người xưa mà không được. Âu đó cũng là số phận.

Từ ngày vô lính, Ba Nên tình nguyện theo các phiên đội lưu động đi khắp các quận, huyện trong tỉnh, mỗi phiên sáu tháng. Thường thì quanh đi quẩn lại cũng ở các đồn kiểm soát dọc theo lộ Đông Dương (QL 4) ở những nơi trọng yếu xe cộ phải dừng lại để kiểm soát như Tân Hương, Ngã ba Trung Lương hay An Hữu, Bắc Mỹ Thuận.

Đến năm 1947 thì về quận Cai Lậy đóng đồn kiểm soát ở Ngã tư Cai Lậy. Tướng người to cao, mặt mày trắng trẻo khôi ngô, tánh tình điềm đạm nên rất được lòng cấp trên, lại quen thói công tử con nhà điền chủ ăn xài rộng rãi, xã giao điệu nghệ nên ai ai cũng thích.

Trong phiên đội có người địa phương giới thiệu Ba Nên cho một gia đình có cô con “gái-một” hiền lành xinh đẹp, người làng Thanh Hòa tản cư ra chợ Cai Lậy hồi năm 1946, lúc Tây mới trở lại đem lính và tàu sắt cặp theo sông Ba Rài ruồng bố Việt Minh ra tận ngoài vàm sông cái.

Gia đình hai vợ chồng với ba con, hai trai và cô “gái-một” che trại bên cầu Kinh ở tạm. Sau khi chiến sự lắng xuống, gia đình lại quyết định không về làng quê nữa mà trụ luôn ở chợ Cai Lậy để sinh sống. Chồng học nghề thợ mộc và sau nầy mở trại mộc chuyên đóng tủ giường, bàn ghế, vợ xin vào “nhà thương” học làm nghề mụ đỡ đẻ.

Sông Bảo Định Mỹ Tho xưa. Ảnh bưu thiếp thời Pháp

Người con gái duy nhất năm đó 17 tuổi, có nhan sắc nên nhiều gia đình ở chợ muốn ngắm nghía. Đúng vào lúc ấy Ba Nên đổi về công tác ở trạm kiểm soát Cai Lậy. Sau khi được người cùng đơn vị giới thiệu, Ba Nên thấy là chịu ngay, nhưng gia đình cô gái còn lưỡng lự, tuy được giới thiệu là cháu nội Cả Tam ở Chợ Gạo, nhưng cũng chưa biết hư thực như thế nào. 

Ba Nên thường hay lui tới nhà và sau khi biết được gia cảnh khó khăn vì mới tản cư ra chợ nên ngỏ ý muốn giúp đỡ. Gia đình tưởng là nói lời đường mật để tỏ tình thân nên cha cô gái chỉ nói có ba tiếng “được chớ cháu.” Ai ngờ một tháng sau, cháu nội Cả Tam giúp cho gia đình mua được một căn nhà bên dốc Cầu Kinh thuộc khu phố chợ Cai Lậy.

Đám cưới Ba Nên không có họ đàng trai tham dự, ông Đội Chánh trưởng đồn kiểm soát Ngã tư Cai Lậy làm đại diện nhà trai. Được vài tháng, Ba Nên báo tin cho người nhà biết để kín đáo lựa ngày lành tháng tốt mời gia đình bà con thuê bao xe lên Cai Lậy thăm viếng và kết tình sui gia. Tuy muộn màng nhưng gia đình cũng sắm đầy đủ lễ vật và tặng cho cô con dâu một cặp bông tai hột đá trắng và một  kiềng vàng đeo cổ. Cả họ gia đình nhà gái rất vui mừng và vô cùng cảm kích trước mối giao hảo thâm tình mà gia đình nhà trai đã dành cho. Tiệc đãi lu bù suốt mấy ngày đêm.

Sau khi lập gia đình được ba con, Ba Nên xin chuyển về Thị xã Mỹ Tho và biệt phái trở về Tòa Bố Mỹ Tho phụ trách phòng công văn như trước đây.

Từ khi biệt phái về Tòa Bố Mỹ Tho, bạn đồng sự gọi Ba Nên là thầy ký Nên cho dễ phân biệt với ông Đốc phủ Nên (Trần Văn Nên) vừa trùng cả tên lẫn họ. Đến khi miền Nam thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, ông tham gia tích cực vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, ngoài ra, còn là đoàn viên nòng cốt trong đoàn Thanh Niên Cộng Hòa tỉnh Định Tường. Năm 1959, Thầy ký Nên được kết nạp vào đảng Cần Lao, phụ trách phần hành tuyên huấn chuyên lo in ấn sách, bìa hai màu trắng đỏ để tuyên truyền chống cộng sản.

Lúc bấy giờ tình hình an ninh rất là yên ổn, xã hội phồn thịnh, dân cư làm ăn sinh sống từ thôn quê cho đến thị thành, đâu đâu cũng thanh bình no ấm, yên vui. Chính phủ Ngô Đình Diệm lập các khu dinh điền để mở mang, khai phá đất đai phát triển nông nghiệp. Nông dân được trợ cấp hoặc vay tiền lãi suất thấp qua cơ quan “Quốc gia Nông Tín cuộc.” Trường học được xây cất khang trang tận đến nông thôn. Các quận, huyện đều có trường trung học, xã nào cũng có trường tiểu học. Ngoài ra còn có chương trình “Bình Dân Giáo Dục” mở rộng ra khắp nơi.

Đặc biệt là các chương trình học thêm vào buổi tối dành cho quân nhân, công chức để đi thi cải ngạch hay lấy cấp bằng trung, tiểu học. Thầy ký Nên theo học các lớp ban đêm và thi đậu nhập ngạch Thư ký tùng sự tại Tòa hành chánh tỉnh Định Tường. Khi ông Tỉnh trưởng lập ra Ban Tiếp dân đặt tại Tòa Hành chánh, tỉnh đã cử thầy ký Nên làm Trưởng ban và từ đó danh xưng thầy ký mới được phổ biến rộng rãi ra ngoài xã hội.

Bên ngoài ga Mỹ Tho xưa. Ảnh bưu thiếp thời Pháp

Đời sống công chức ổn định, ngày hai buổi thầy ký Nên đi làm bằng chiếc xe mô-by-lét cũ phía sau có gắn túi dết, một bên đựng giấy tờ, hồ sơ còn bên kia đựng một bình tích trà dảo (loãng) và một hộp sắt nhỏ đựng thuốc lá điếu. Lương lãnh hàng tháng đủ nuôi sống gia đình vợ con, tiện tặn có dư chút đỉnh gởi giúp bà con gặp khó khăn thuộc hai bên nội ngoại, ngoài ra còn đóng góp giỗ chạp hằng năm cũng như tu bổ, sửa chữa mồ mả ông bà tổ tiên.

Sinh hoạt gia đình rất nề nếp, hết giờ ở công sở chỉ về nhà sinh hoạt với gia đình, không ra ngoài tụ tập ăn uống hay la cà trụy lạc. Quan hệ bạn bè, xã hội chỉ khi quan hôn tang tế, ít khi nhậu nhẹt say sưa. Luôn giữ gìn tác phong đạo đức, trước làm gương cho con cái sau là ngoài xã hội.

Trong vòng năm năm sau ngày thành lập nền Cộng Hòa, xã hội miền Nam ngày càng phát triển ổn định. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Các đoàn chiếu phim về tận làng xã để phục vụ dân chúng. Gánh hát cải lương lưu diễn khắp nơi từ thành thị cho đến nông thôn. Phương tiện đi lại bắt đầu được cơ khí hóa, xe đò, xe lam (ba bánh) chạy đến tận nơi thôn xóm xa xôi. Đường xá được mở rộng, hàng hóa vận chuyển tấp nập ngày, đêm đi khắp mọi nơi từ vĩ tuyến 17 cho đến tận mũi Cà Mau.

Đến khi chính biến ngày 1 Tháng Mười Một 1963 xảy ra, thầy ký Nên bị bắt vì tội tham gia đảng Cần Lao. May nhờ có vị linh mục thân tín với chính quyền địa phương giúp trốn thoát và cho người đưa ra ẩn náu trong xứ đạo người Bắc di cư ở tận ngoài Ngã ba Liên Khương, Đà Lạt. Mãi cho đến năm 1967, Thầy ký Nên mới được chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa cho phục hồi công tác trở lại và chuyển về đơn vị gốc là Cảnh sát Quốc gia tỉnh Tuyên Đức.

Thời gian trôi đi cho đến Tết Mậu Thân năm 1968, đúng lúc Giao thừa, cộng sản tấn công vào quận Cai Lậy theo đường lộ chính qua khu phố ít ai ngờ. Chỉ còn cách dinh quận khoảng chừng vài trăm mét thì đụng ngay căn nhà ở đầu đường của trung sĩ Năm. Trong nhà có súng nên khi cộng sản tập họp quân để chuẩn bị tấn công thì bị ông nổ súng bắn hạ hằng loạt khiến làm lộ mục tiêu. Nhờ vậy mà binh lính phòng thủ quận kịp thời ngăn chặn địch không thể vào chiếm dinh được. 

Sau khi cộng sản tràn vào chiếm được đầu đường huyết mạch, họ giết cả nhà trung sĩ Năm, gồm hai vợ chồng và năm đứa con nhỏ. Không tiến lên được cho đến khi trời gần sáng, họ đành rút lui, đồng thời truy lùng bắt tất cả đàn ông, con trai trong khu phố dẫn theo. Trong đó có thầy ký Nên, khi đó ông đang nghỉ phép về quê ăn Tết với gia đình.

Hơn 20 năm bị ám ảnh bởi bản án tử hình và nỗi lo sợ cộng sản về thành “ngày một, ngày hai.” Tưởng đâu có vị cứu tinh đà xuất hiện “cứu dân độ thế” nên ông nhiệt tình tham gia trong công cuộc chung của toàn miền Nam hầu tránh hiểm họa cộng sản, nhất là những ai đã từng khổ đau dưới ánh cai trị của họ. Ai ngờ đâu, dần dần cộng sản cũng tràn về khắp nơi từ thôn quê cho đến thị thành.

Trên đường giải giao về khu căn cứ trong bưng, may nhờ có người bà con bên vợ biết mặt nên nửa đêm đem xuồng bơi qua sông đưa ông trốn về vùng quốc gia. Lần bị bắt nầy tinh thần ông chấn động, xem như cầm chắc cái chết trong tay. 

Cho nên khi về tới nhà, ông vô cùng hoảng loạn như người mất trí. Sau đó chỉ một thời gian ngắn ông lâm bệnh và làm đơn xin nghỉ việc. Lúc bấy giờ thầy ký Nên mới ngoài 40 tuổi.

Trong khoảng thời gian này, các công ty của Mỹ ồ ạt đến các tỉnh thành miền Nam, ngoài các địa điểm đóng quân của quân đội, họ còn xây dựng các văn phòng hay cơ sở dân sự vụ khắp nơi. Sinh hoạt xã hội lúc nầy nổi lên các nhà thầu chuyên xây cất khách sạn cho thuê hay các dịch vụ dành cho ngoại kiều Mỹ rất rầm rộ. Chỉ cần trúng thầu rác thải ở các sở Mỹ thôi cũng có thể phất lên giàu có như những nhà thầu chuyên buôn bán. Trong số này có người biết thầy ký Nên trước đây là Trưởng ban Tiếp dân nên có quen biết nhiều người cũng như các viên chức chính quyền, họ mời ông tham gia góp phần hùn để cho công việc làm ăn được dễ dàng hơn. Nhưng ông thường từ chối và luôn nói:

– Còn làm được gì nữa đâu?

Tiếng đồn bay xa là thầy ký Nên bây giờ khi tỉnh khi mê.

***

Kể từ khi cộng sản về thành nắm chính quyền, thầy ký Nên trở về quê cũ sinh hoạt như người thất chí, lúc nhớ lúc quên mọi sự đời, thường hay thơ thẩn ra ngoài mả “Bà Đốc” và có khi qua đêm ở đó. Lâu dần thành người đãng trí.

Một ngôi chùa của người Hoa tại Mỹ Tho xưa. Ảnh bưu thiếp thời Pháp

Ông có người em ruột làm y sĩ ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa trước đây, nên gia đình nhiều lần nhờ chuyển lên trên đó để xem có bệnh gì hay không, nhưng người em bảo rằng đó chỉ là bệnh “thời cuộc.” Cho nên kể từ đó, gia đình yên chí chăm sóc ông như một người già yếu, bệnh tật, may mà không phải khổ cực như các bệnh khác, do đó ông được tự do, muốn nghỉ và làm bất cứ điều gì mà không ai ngăn cản.

Ông thường giao du với một người ở phía sau đình Long Bình Điền. Đó là ông thầy Tám, người cố cựu ở làng có phòng xem mạch bốc thuốc Nam và cũng biết phép cúng, xem tướng. Thường bói quẻ dịch và coi ngày tốt xấu cho dân làng chọn ngày lành xây dựng, cúng kiến hay làm ăn, mua bán. Thầy Tám quen biết với gia đình Cả Tam từ lâu đời và là bạn vong niên của thầy ký Nên.

Mười năm sau, chính quyền xã bất đầu qui hoạch lại đất đai để xây chợ với các dãy phố hai tầng lầu nên thầy Tám dời phòng thuốc Nam về chùa Long Điền, có khuyên Thầy ký Nên cùng về chùa với ông làm công quả. Ông xem sắc diện Thầy ký Nên đã đến hồi khí vận sắp hết nên muốn giúp bạn mình đem thân về nương bóng từ bi hầu thoát kiếp trầm luân khổ ải.

Rằm Tháng Hai năm Kỷ Tỵ (1989), thầy ký Nên qua đời, di hài được đem về an táng tại nghĩa trang gia tộc họ Trần ở xã Long Bình Điền, Chợ Gạo (Tiền Giang).

Ngẫm ra cuộc đời như một vở kịch ngắn, sáu mươi năm chẳng là bao, nhưng con người vẫn phải lên lên, xuống xuống, nghiêng ngả theo thời cuộc, tưởng thành hóa ra bại, lúc tỉnh lúc mê trong vòng lẩn quẩn, chỉ khi nào nằm sâu dưới ba tấc đất mới hết mọi lời của thế gian, xong một kiếp người. Thương thay!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: