Trên đời, mọi việc đều có cái duyên. Chẳng hạn, duyên về đạo, duyên vợ chồng, duyên bạn bè, duyên mua được quyển sách hay, cũng như duyên đọc sách. Trong bài nầy, người viết mời bạn đọc thưởng thức một món ăn tinh thần, một thú vui tao nhã: Thú Đọc Sách.
Phòng sách cây rơm
Hồi nhỏ tôi rất mê đọc sách – nói đúng hơn là một con “mọt sách”. Do một cái duyên đưa đẩy, tôi đọc quyển sách đầu đời là Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ lúc học lớp Ba trường làng do Ba tôi mở lớp dạy. Chính quyển sách nầy đã làm nẩy nở và hun đúc biết bao tình cảm trong sáng trong lòng tôi như “mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Đó là những bài học giáo dục về đạo đức luân lý, về tình cảm gia đình, công cha nghĩa mẹ, về ơn thầy nghĩa bạn, và rộng hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước.
Đó là thứ tình-nghĩa-giáo-khoa-thư thấm vào tim vào máu mà tôi không thể nào diễn tả hết ý nghĩa thiêng liêng của nó. Những bài học giản dị, dễ đọc, dễ nhớ và rất đáng nhớ trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư mãi mãi là kim chỉ nam cho thế hệ chúng tôi noi theo trong cách xử sự ở đời. Cao hơn một bậc, tôi “làm quen” với truyện Tàu, tức các tiểu thuyết chương hồi của văn học Trung Hoa được dịch sang chữ Quốc ngữ bằng văn xuôi mà có lần một nhà văn miền Bắc đã nhắc tới: “Đi tiên phong phong trào dịch truyện Tàu phải nói tới mấy ông Nam Kỳ. Sách của nhà Tín Đức Thư Xã…” (Tô Ngọc, Chọn Lọc số 51).
Theo nhà văn Sơn Nam thì người dịch truyện Tàu đầu tiên là Canavaggio, nhưng cụ Vương Hồng Sển cho là Lương Khắc Ninh dịch bộ Tam Quốc Chí đầu tiên đăng trên Nông Cổ Mín Đàm năm 1904. Từ 1907 trở đi có những nhà dịch truyện Tàu khác như Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Liên Phong v.v…, mặc dầu câu văn hơi dài và luộm thuộm, nhưng rõ nghĩa. Nhà Tín Đức Thư Xã ở đường Tạ Thu Thâu Sài Gòn in truyện Tàu nhiều nhứt. Mỗi bộ truyện Tàu thời bấy giờ được in thành 40-50 quyển, mỗi quyển cỡ 50 trang, giá bán 40 xu mỗi quyển (bằng nửa giạ lúa).
Các bộ truyện Tàu tôi được đọc do ông Tám – em ông Nội tôi mướn ở các tiệm cho thuê sách ở Sài Gòn đem về cho Ba tôi mượn đọc. Ban đầu chỉ “làm quen”, đọc cho biết vì tò mò, đúng hơn là vì “đói” sách. Dần dần tôi đâm ra mê và ghiền truyện Tàu lúc nào không hay. Bộ truyện Tàu đầu tiên tôi đọc là Tam Quốc Chí, bản in của nhà Tín Đức Thư Xã. Sau đó là các bộ truyện khác như Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Phong Thần, Thuyết Đường, Tây Du Ký và Thủy Hử v.v…
Hầu hết truyện Tàu thời ấy “in bằng giấy báo, bìa in giấy màu, tựa in cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ”. Vì nhà không có phòng sách, tôi phải ra vườn mía để đọc truyện Tàu, như tôi đã viết trong cuốn sách về Ca dao miền Nam (1972): “Có lần vì quá mê truyện, tôi đã trốn ra ngoài đám mía sau vườn, ngồi đọc từ sáng đến chiều bỏ cả cơm nước”. Nhưng cái “phòng sách” lý tưởng để tôi luyện truyện là cây rơm nơi nhà ông bà Nội tôi. Trước khi “trồng” cây rơm, chú tôi đã làm một cái khung bằng tre và gỗ tạp tạo thành chỗ vừa đủ cho hai người nằm ngủ trưa, có trải chiếc đệm hẳn hoi, rồi chất rơm lên thành đống.
Cây rơm nầy cao nghều nghệu như một cái dù khổng lồ che mưa nắng. Từ khi có phòng-sách-cây-rơm, tôi thường “đóng đô” ở đây, khi ngồi lúc nằm để “luyện” truyện. Những buổi trưa hè nóng bức, tôi chỉ mặc quần xà lỏn, mình trần trùng trục ngồi mải mê đọc truyện hầu như quên cả thế giới bên ngoài. Đọc tới đoạn nào hay tôi khoái trá cười khanh khách một mình. Có khi mệt quá nhằm lúc hiu hiu gió thổi, tôi lăn đùng ra ngủ một giấc thật sâu. Ôi còn cái thú nào hơn là thú đọc truyện Tàu trong cái “phòng sách” nhà quê không giống ai ấy!
Ba tôi, ngoài việc dạy chữ, đã rèn luyện cho tôi thói quen đọc truyện Tàu. Ba tôi cũng đã đem “Lời bàn” của Mao Tôn Cương hoặc thay thế họ Mao phân tích những điều tôi chưa thấu suốt. Tất cả tấm gương trung hiếu tiết nghĩa, những điều thường thức về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, về tam cang ngũ thường, về thuật dùng binh, dùng người đều nằm trong truyện Tàu. Ôi! Cái thú đọc rồi mê truyện Tàu nó làm cho con người ta quên ăn mất ngủ, bỏ cả cơm nước. Nó có ma lực quyến rũ người ta đọc hết “hồi” nầy sang “hồi” khác, hết cuốn nầy sang cuốn khác.
Phong trào “Nói truyện”, “Nói thơ” do các “tài tử” miệt vườn khởi xướng từ đó ra đời được người dân hưởng ứng nồng nhiệt. Một người “nói truyện” – tức cầm cuốn truyện Tàu mà “đọc” cho mấy mươi người nghe không biết chán, bằng cách ngân giọng “ê… a” nhừa nhựa giống như tụng kinh; thỉnh thoảng lên bổng xuống trầm để “nhập vai” các câu thoại của nhân vật trong truyện. Thời ấy, cứ vài ba buổi tối hằng tuần, tôi đều “đọc truyện” cho ông bà Nội tôi nghe vì chưa đủ trình độ “nói truyện”.
Sau nầy lớn lên tôi mới biết bậc tiền bối mê truyện Tàu thứ dữ là cụ Vương Hồng Sển. Chính họ Vương đã bỏ nhiều thời gian và công sức để viết thành quyển Thú Xem Truyện Tàu rất lý thú dành cho những người “đồng điệu”. Trong quyển sách về Ca dao miền Nam do tôi sưu tầm biên soạn có nhiều bài hò, câu hát được “sính” dùng điển tích truyện Tàu (Trương Lương, Anh Bố, Hàn Tín, Tiêu Hà / Bốn ông giúp Hớn nên nhà / Văn hay võ giỏi em đà hiểu chưa?).
Thú đọc sách ở Trung học và Đại học
Bốn năm trung học, tôi theo học tại trường Tam Cần thuộc quận lỵ Trà Ôn. Tam Cần là tên một tỉnh có mặt trên bản đồ miền Nam trong một thời gian khá ngắn ngủi. Vì trường cách xa nhà hơn 20 cây số nên ba năm đầu bậc trung học, Ba Má tôi phải xin cho tôi được trọ học tại nhà một người cô họ cách xa trường độ 7 cây số. Cái điệp khúc cỡi chiếc-xe-đạp-đòn-dông-cà-tàng-trần-trụi trên con đường đất đá gồ ghề từ thời học lớp Nhứt được lặp lại.
Nhưng lần nầy vất vả hơn vì phải “đèo” thêm cái trọng lượng hơn 40 ký lô của đứa em họ. Mùa nắng đạp xe đi học rõ ràng là “tung trời xanh én nô đùa reo mừng”. Nhưng mùa mưa đối với tôi là cả một cực hình! Trên đường đi học với biết bao gian khó, đôi khi hiểm nguy vì đường bị mấy người anh em bên kia đắp mô gài mìn. Nhưng tôi vẫn không sờn lòng nản chí bởi thấm nhuần những lời dạy trong sách giáo khoa thư: “Trai thời đọc sách ngâm thơ / Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa”. Và cái điệp khúc luyện-truyện-luyện-văn được lặp lại tại vườn cam, đám mía quanh nhà cô tôi. Thỉnh thoảng vài cơn gió nhẹ thoảng qua mơn man từng cánh hoa ngọn cỏ trông thật êm đềm thơ mộng biết bao! Khi nào cần giải quyết cái “đệ tứ khoái” thì khỏi phải đi xa.
Năm lên lớp Đệ Tứ, tôi trọ học tại nhà vợ chồng người chị họ, chỉ cần đi bộ nửa cây số để đến trường. Bấy giờ nhà anh chị chưa có điện, nên thắp đèn dầu. Mỗi tối trước 9 giờ phải tắt đèn để anh chị đi ngủ sớm và tiết kiệm tiền mua dầu. Tôi cần thức khuya để đọc sách, “gạo bài” nên phải xin phép nương nhờ ánh đèn điện ở hành lang nhà thờ công giáo Trà Ôn. Tôi không ngại khó ngại khổ, bởi vì tôi tâm niệm câu châm ngôn vừa học: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo, nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu hèn”. Có chí thì nên. Cuối năm học, tôi được lãnh phần thưởng hạng Nhì gồm nhiều sách vở tôi yêu thích, tha hồ đọc. Kỳ thi Trung Học Đệ I Cấp năm ấy, tôi là một trong năm bạn cùng lớp trúng tuyển.
Lúc bấy giờ, chiến tranh Quốc-Cộng ngày một leo thang. Quê tôi là vùng “xôi đậu”. Phần đông thanh niên trai tráng trong làng và một số bạn cùng trường chia làm hai chiến tuyến, người ở bên nầy, kẻ ở bên kia, hy sinh tánh mạng để bảo vệ màu cờ sắc áo trong cuộc chiến tranh dai dẳng, huynh đệ tương tàn. Máu của những người anh em bên nầy bên kia đã đổ trên ruộng đồng sông nước. Được sự đồng ý và khích lệ của đấng sanh thành, tôi một mình một thân lên Sài Gòn để tìm phương sanh kế hầu theo đuổi việc học.
Với mảnh bằng Trung Học Đệ I Cấp khiêm tốn, dấn thân nơi phồn hoa đô hội, tôi phải nỗ lực và kiên trì lắm mới tự bơi trong dòng đời còn lắm phong ba cũng như trong biển học minh mông. Cũng nhờ sự tốt bụng cưu mang của người anh họ, tôi mới tạm yên thân để “dùi mài kinh sử”. Bù lại, tôi tự nguyện phụ giúp anh chị một số việc vặt vãnh và làm “gia sư” để dạy mấy đứa cháu.
Lúc bấy giờ, nhà người anh họ ở Cư xá Đô Thành chưa có đồng hồ nước nên hằng đêm, từ 12 giờ khuya tôi phải đến phông-tên nước công cộng dùng vòi cao su “câu” nước miễn phí cho chảy đầy các lu, thùng phuy trong nhà. Trong thời gian chờ đợi, tôi ngồi cạnh cột đèn đường lấy sách vở ra luyện chữ luyện văn. Mọi người giờ nầy đã say giấc. Tôi phải thức vì… nước. Trong khoảng không gian tương đối vắng lặng, tức cảnh sanh tình, bất giác tôi ngâm nho nhỏ mấy câu thơ vừa sáng tác nhại theo ý thơ của một chí sĩ yêu nước: “Vì nước nên ta phải thức hoài…”.
Nhờ chí công học tập trong cảnh khổ với tinh thần lạc quan hướng về tương lai tươi sáng, nên hình như tôi “có duyên” với việc học hành thi cử, có thể nói là “thi đâu đậu đó”, khác với nhà thơ Tú Xương “thi không ăn ớt thế mà cay!”. Những năm tháng theo học Sư Phạm rồi Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tôi đã biến thành con mọt sách nhưng không phải thứ dữ như cụ Vương Hồng Sển.
Như đã thưa ở trên, tôi đọc sách tại các “phòng sách lưu động” thiếu mọi tiện nghi. Nhưng tôi rất lấy làm vui và vô cùng thích thú vì được đi học, được đọc sách. So với việc học/đọc sách gian nan của học trò ngày xưa, tôi cũng được an ủi và cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Chẳng hạn, trong Gia Huấn Ca, cụ Nguyễn Trãi đã nêu những tấm gương hiếu học, như: Tô Tần phải lấy “dùi đâm vế kẻo khi buồn ngủ”, Tôn Sinh phải treo tóc trên giường “để cho dễ thức học hành canh khuya”, Tôn Khang nhờ ánh “đèn hoe bóng tuyết” mà phải “chịu rét đêm đông”, Trác Dận lấy “Túi bao đom đóm bạn cùng thư trai” v.v…
Bấy giờ tôi được hưởng tương đối đầy đủ tiện nghi tại các thư viện lớn của thủ đô Sài Gòn. Tôi thường mài quần ở Thư viện thành phố, rồi Thư viện các trường Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Sài Gòn. Nhưng nhờ một cơ duyên đưa đẩy tôi đến một chỗ lý tưởng để đọc sách: Đó là chùa Xá Lợi ở đường Bà Huyện Thanh Quan. Dĩ nhiên phải được sự cho phép của vị sư đại diện Hòa thượng trụ trì. Sách đọc ở đây hoặc mượn ở Thư viện, hoặc do tôi nhịn ăn sáng để mua. Nơi đây thanh tịnh tôn nghiêm khác hẳn cái nóng bức trên căn gác mái tôn những trưa hè oi ả nơi tôi trọ học ở xóm lao động ồn ào. Mỗi lần trước khi “luyện chữ”, tôi đều đến chánh điện để đảnh lễ Phật và lâm râm khấn nguyện. Thú thật tôi cũng đa sầu đa cảm, con tim cũng rạo rực thao thức ở tuổi hoa niên; cho nên mỗi lần nhìn những tà “áo trắng điểm tô đời nữ sinh” Gia Long cạnh chùa, bất giác tôi ước mơ ngày nào đó sẽ chiếm được trái tim một bóng hồng “trong đám xuân xanh ấy”.
Thứ tình cảm lãng mạn thuần khiết tuổi học trò lúc đó như gió thoảng chiều hôm, cơn mưa buổi sớm rồi cũng chợt đến chợt đi như hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết. Nhưng chính nó đã điểm tô hương vị của cuộc đời! Tôi xin được nói lên lời cám ơn sâu xa đến sư trụ trì chùa Xá Lợi đã dành cho tôi một khoảng không gian yên tĩnh để “tu học” cũng như tạo cái duyên để tôi gần với đạo Phật.
Thú đọc sách của người dân miền Nam
Mải mê vòng vo tam quốc, bây giờ xin bàn về thú đọc sách của người dân miền Nam – cụ thể là người Sài Gòn. Trước 1975 ở Sài Gòn, xuất hiện nhiều nhà xuất bản sách báo. Các hiệu sách lớn nổi tiếng như Khai Trí, Sống Mới, Lửa Thiêng, Xuân Thu, Lá Bối… với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Lại thêm nhiều tiệm cho mướn sách mọc lên khiến các tay “lái sách” làm ăn khấm khá. Sách báo tràn đầy từ các cửa hiệu đến ngoài vỉa hè, tô điểm cho thủ đô Sài Gòn nét đẹp văn hóa của một “thành phố ham đọc”.
Ở các tiệm sách lớn, thường có đội quân thiếu nhi ưa “coi cọp” sách hằng giờ. Rồi đến độc giả sinh viên, các cụ già cũng chăm chăm chú chú lật từng trang sách và chọn mua cuốn nào ưng ý. Đó đây ở các góc phố Sài Gòn, giới xích lô, xe ôm ngồi dán mắt vào sách báo trong lúc chờ khách. Nhưng giới “độc thư” thứ thiệt là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nói chung là những người nặng tình với sách. Mỗi lần đến hiệu sách, thế nào họ cũng “đãi” vài cuốn ưng ý. Thú đọc sách và phong cách đọc của họ không hoàn toàn giống nhau tùy môi trường, hoàn cảnh sống, địa vị xã hội và nghề nghiệp. Có người đọc đủ loại sách, đọc ngấu nghiến như bị “đói” lâu ngày.
Cụ Vương Hồng Sển có lúc đọc sách như “tầm ăn lá dâu, ăn để mà ăn, ăn thật nhiều, thật no…” hoặc đọc “ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràng nuốt mồi không kịp đút, y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ nhường mồi dạy ăn…”. Thuở nhỏ tôi cũng đọc sách ngấu nghiến, nhét cho cái đầu như con bò ăn cỏ “ngốn” cho mau hết vì “đói” sách, lại phải trả sách mượn đúng kỳ hạn. Nhiều người chọn sách mình yêu thích, có giá trị nhứt rồi đọc chậm rãi, uống từng lời từng chữ, từ trang đầu tới trang cuối. Họ sợ vội vội vàng vàng, “đọc nhảy mất hết cơ duyên” và “Đọc vội thì đọc văn chết văn, đọc thơ chết thơ” (Võ Phiến).
Thú đọc sách của tôi chắc “không giống ai” vì có lúc chỉ mặc quần xà lỏn ở cái phòng-sách-cây-rơm như tôi đã kể. Có nhà văn chỉ mặc quần Tây dài bạc màu, mình trần trùng trục ngồi viết feuilleton hoặc đọc sách tại tòa báo (Sơn Nam). Trên Thời Báo số ra ngày 21 Tháng Tư 2006, Đoàn Dự đã viết về “Ông Già Nam Bộ”: “Ông Năm (tức Sơn Nam) ở trần ốm nhom ốm nhách, đang ngả mình nằm trên bộ ngựa cũ kỹ trước hiên của nhà anh bạn vong niên, đọc báo”
Cụ Vương Hồng Sển có thói quen nằm võng đọc sách. Nếu Diderot từng “mê sách như mê gái, si tình với sách” thì họ Vương còn mê sách hơn mê cả vợ và bạn khiến “hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn”. “Ông già kỳ cục” nầy cũng có thói quen, sở thích kỳ cục. Khi đọc sách hay, ông đọc quên ăn quên ngủ, quên cả phận sự buồng the. Gặp sách hay, giá nào ông cũng mua cho bằng được, đôi khi mua “đúp” cho mỗi đầu sách. Ông mê sách đến mức “mê từ loại giấy, giấy mịn cũng thương, giấy thô cũng thích, mê cái bìa đóng khéo, mê chữ in không mệt con mắt” (Thú Chơi Sách).
Sách có chữ ký (Kính tặng, Thân tặng, Quý tặng) và triện son của tác giả gọi là để “thêm duyên”, ông càng cưng càng quý, coi như bảo vật. Có người đã so sánh: Đọc sách như thưởng hoa, ngắm trăng, như đi bộ, đi ăn, như uống rượu, đọc thơ, như tán gái v.v… (Lê Minh Quốc). Đối với tôi, sách đọc thấy khoái là sách hợp “gu”, sách của tác giả đồng điệu, đồng thanh đồng khí với mình. Tại các thư viện, giới độc thư thường ăn mặc tương đối chỉnh tề, thái độ nghiêm túc cầu toàn, ghi chép cẩn thận những điều tâm đắc. Đó là nơi đi-về của các học giả, nhà văn, nhà giáo, nhà báo…, nói chung là những người làm văn hóa.
Kết
Thú Đọc Sách là một thú vui tao nhã lại thanh cao. Đến với sách, ta như được mở ra “chân trời mới” (Maxime Gorki). Đến với sách, ta như được “trò chuyện với những bộ óc vĩ đại nhứt của những thế kỷ đã trôi qua” (René Descartes). Đến với sách là phải trung thành với sách, tạo thành thói quen đọc sách và đọc suốt đời bằng cả trái tim. Đến với sách là tiếp cận với một thứ “tôn giáo”, một nét đẹp văn hóa, coi phòng sách như một ngôi đền, một nhà văn hóa: Mất đền là mất đạo; mất văn hóa là mất nước.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, đọc sách đến độ chín, ắt có ngày “đắc đạo”. Sách mở rộng kiến văn. Sách đào tạo nhân tài. Sách rèn nhân cách. Sách luyện tánh tình. Sách tạo công danh. Sách nên sự nghiệp. Sách là bạn cố tri. Sách người tình lý tưởng. Ôi! Sách là chân lý. Sách là hết ý!
Trong thời đại tin học toàn cầu, với sự phát triển các hình thức xuất bản điện tử (sách đọc, sách nói), nhưng sách in có giá trị, hợp với thị hiếu người đọc, vẫn bán chạy. Riêng người viết vẫn cảm thấy thích thú hơn khi đọc sách in để ngửi “mùi mực giấy” và “say sưa với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách” (TS Charles Van Doren).
__________
CÙNG TÁC GIẢ: