Thư gửi cho… Vườn Chuối của tôi

Minh họa: Gemma Evans/Unsplash

N ếu có ai đó hỏi: Sài Gòn nơi nào đồ ăn ngon, rẻ mà hợp vệ sinh nhất, tôi nghĩ nhiều bạn hẳn sẽ chỉ ra: Quận 4 – thiên đường ẩm thực giá rẻ cho giới trẻ tại Sài Gòn, hay Bình Thạnh với dọc dài hàng quán nằm trong các ngõ hẻm. Nhưng không, với tôi Sài Gòn đáng yêu gần như thu nhỏ lại trong chừng một khu nhỏ bé Vườn Chuối thương yêu đang gặp nhiều đau thương trong trận dịch kinh hoàng.

Tôi sinh ở quận 3, vì hoàn cảnh gia đình nên sớm chuyển về quận 8. Tuy nhiên, hầu hết quãng đời thơ ấu cắp sách đến trường, tôi vẫn theo học tại những ngôi trường nằm trong khu vực được tính là quận trung tâm đó. Ở quận 3, tôi có những người bạn nhiều tình cảm và giàu lòng chia sẻ. Và quận 3, đặc biệt khu Vườn Chuối, cũng có những hàng quán nuôi dưỡng vị giác, giúp tôi thỏa mãn nhiều bữa đói lòng sau ngày dài mỏi mệt làm việc 14 tiếng đồng hồ.

Một người lao động với hầu bao không nhiều để thưởng thức những bữa giá trị bằng nhiều giờ làm việc đổ mồ hôi đánh đổi thì khi bắt gặp những món ăn ngon, no bụng mà chỉ cần trả một số tiền vừa đủ thì ai mà không quý và yêu thích. Những ngày này tôi nằm nhớ Vườn Chuối mà bỗng dưng chảy nước mắt. Đó không phải là thứ nước mắt xúc động khi xem một bộ phim buồn. Cũng không phải là nước mắt tự nhiên rơi xuống khi bàn tay mình bị đau vì một vết xước.

Đó là nước mắt dành cho những thay đổi và tàn phá ghê gớm của dịch bệnh tác động đến một vùng ký ức đã từng đi qua và in đậm sâu thẳm tâm hồn mình – một đứa trẻ lớn lên giữa Sài Gòn và được nuôi sống bằng giá trị ẩm thực của những bữa ăn mang nhiều hạnh phúc. Tôi nhớ chị bán bún bò ở đường số 1, người luôn nhớ rất kỹ tôi ăn tô bún như thế nào và luôn dọn ra đĩa rau thật nhiều kinh giới. Tôi nhớ xe hủ tiếu gõ ở cuối đường trong những buổi tối về muộn, chỉ với tô mì khô giá 20,000 đồng mà tôi no bụng. Tôi nhớ quán ốc trong hẻm, nơi mà khi buồn, tôi với em Trâm hay ghé lại, uống vài chai bia rồi chuyện gẫu đến khuya. Tôi nhớ chị bán phở với nồi nước lèo hấp dẫn luôn bốc khói.

Minh họa: Federica Giusti/Unsplash

Ngày cuối trước khi Sài Gòn lâm bệnh, tôi nghe vợ chồng anh bán ốc nói với chị phở:

– Mai nghỉ thì để cái nồi cho anh mượn. Giờ khu này ai cũng nghỉ vì sợ dịch hết rồi nên còn mình vợ chồng anh làm “bá chủ”…

Trong tiếng cười giòn tan ngày hôm đó của anh, tôi nghe có gì đó chua xót, vọng lại cho đến tận hôm nay, khi Vườn Chuối đã tiêu điều xơ xác với số ca bệnh leo thang. Tôi nhớ tiệm hoa lề đường của bà cụ lớn tuổi với những giỏ hoa kết tay khéo léo và công phu nhưng giá rất rẻ. Một ngày nào năm đã cũ, lúc tôi ghé qua xin bà bán cho tôi vài bông để tôi mang lên dạy học trò, bà đã không ngần ngại vét luôn ba bông hoa còn tươi giúi vào tay tôi rồi nói: “Mày lấy đi, bà không bán”.

Tôi không thể hình dung được, một nơi ghi dấu những tình cảm đơn sơ, chân phương trong phần lớn tình yêu của tôi về thành phố, giờ đây nghĩ đến chỉ thấy buồn xé lòng. Tôi không biết làm gì hơn là mong cho tất cả, những người tôi quen lẫn không quen, đều sớm bình an và vượt qua, dù biết rằng, sau cơn ốm nặng này tổn thương nằm lại trong lòng họ thật to lớn, cùng tổn thất cũng rất nhiều cả vật chất lẫn tinh thần.

Sài Gòn ngày 15 Tháng Bảy, bảy ngày từ lúc lệnh giãn cách thành phố được thực hiện, số ca bệnh chưa hề có dấu hiệu giảm, ngành y tế đang gồng mình và rất nhiều người đang rơi tõm vào cảnh túng quẫn nợ nần; nhiều người phải sống lang thang, đói ăn, phải đợi chờ hỗ trợ tiếp tế của các tổ chức thiện nguyện. Tôi xin gửi lời nguyện cầu đến cho tất cả.

Riêng với “Vườn Chuối của tôi”, tôi hứa một ngày không xa, khi “đời thường” lại trở về, tôi sẽ ghé thăm hàng quán nơi đây. Tôi sẽ ăn thật nhiều và sẽ “review” quán của các anh chị với những lời yêu thương nhất. Chúng ta, tôi và mọi người, đang trải qua một mùa hè đau thương nhất trong cuộc đời mà chắc chắn nhiều năm sau còn sẽ hoài nhớ. Nhưng xin mọi người tin rằng, khi đã bước qua được sự đau thương thì chúng ta sẽ có nhiều hơn những thứ để trân trọng và biết ơn…

Thương lắm Sài Gòn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: