Khi đọc xong tập bản thảo: Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt do Thế Dũng gửi tặng, trong đầu tôi cứ vẩn vơ: Thế Dũng bay về đâu?
Đi tìm lời giải đáp
Đó là một câu hỏi tưởng chừng giản đơn, song đằng sau nó chất chứa bao điều, đủ cho Thế Dũng viết nên cả một tác phẩm: Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt. Ngoài tư tưởng tự do, tình yêu con người, Thế Dũng còn trả lại Văn hóa Việt mà bấy lâu nay dường như đã bị anh Hán Nho cưỡng đoạt, cầm nhầm: “Hán tộc thừa cơ cưỡng hành Việt tộc/ Hán Nho nhập nhằng cưỡng chiếm Việt Nho/ Thủa Kinh Dịch lưu Vân Tay Chính chủ/ An Dương Vương ngã sấp mặt Loa Thành.”
Sống cùng nhau mấy chục năm ở Đức, nên tôi biết Thế Dũng khoái bay lắm, với đủ các kiểu bay. Bay hết mình, bay đến tận cùng. Và lần này Thế Dũng lại bay bởi: “Tôi bay vì nghiện Chân Trời!“ Vâng, cái chân trời Thế Dũng nghiện như thể nghiện Cigar, thuốc phiện ấy là gì?
Với bài viết này, buộc tôi phải đi tìm lời giải đáp.
Tập thơ Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt được Thế Dũng chia thành 6 phần: Gió Đi Dưới Trời, Tôi Bay Vì Nghiện Chân Trời, Không thể nào lại tiếp tục, Lẽ nào đất lại mồ côi, Thưở Kinh Dịch lưu Vân Tay Lạc Việt, và Thay lời cuối sách.
Cả một chương (hay phần 5) Thế Dũng dành cho lời khẳng định nguồn gốc bản quyền Kinh Dịch cũng như Lý số nơi đất Việt. Có lẽ, đây là sự thật chân lý quan trọng bậc nhất, mà bấy lâu nay bị vùi lấp. Do vậy, Thế Dũng lấy: Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt đặt tên cho cả tập thơ này. Tuy nhiên, thông qua tư tưởng, tình cảm cũng như cuộc sống, ta có thể thấy Thế Dũng có bay đi đâu, về đâu cũng không ngoài chân trời mà ông yêu mến: Tình yêu thương vĩnh viễn con người, Tính chân thực với hồn thơ thế sự xã hội.
Sau tập thơ Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt, có thể nói, Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt, không chỉ trả tôi về cảm xúc ban đầu mấy chục năm trước đọc Thế Dũng, mà còn thấy được trí tuệ ông qua trang thơ phảng phất từ cái món kinh dịch cho đến triết học. Tuy nhiên, Thế Dũng sử dụng khá nhiều ngôn ngữ, hay thuật ngữ kinh dịch trừu tượng, khó hiểu, do vậy trang thơ này rất kén người đọc, nhất là giới trẻ.
Về nghệ thuật, ta thấy Thế Dũng vẫn trung thành với thủ pháp thông qua hình tượng, đối thoại, tính trữ tình chuyển tải tư tưởng và tình cảm của mình đến với người đọc.
Khao khát tự do, trong tình yêu thương vĩnh viễn con người
Ngay từ ngày đầu cầm bút cho đến cái tuổi thất thập, Thế Dũng vẫn: “Sống sao cho ra Hồn Người/ Khát Tự Do? Của đáng tội/ Tôi bay vì nghiện Chân Trời!”. Từ tình yêu, khát vọng tự do ấy, Thế Dũng luôn tự răn mình, và như thể răn người vậy: “Lời yêu ghét giữa nhân gian/ Nói làm sao để Tro Than nẩy mầm”. Là người lính đã từng cầm súng bảo vệ chế độ, rồi trở thành nhà giáo, nhà văn, thế nhưng Thế Dũng lúc nào cũng cảm thấy thể xác và linh hồn bị giam hãm, đọa đày. Từ nhận thức tư tưởng như vậy, dẫn đến sự quẫy đạp, hòng thoát ra khỏi cái rọ vô hình ấy, Thế Dũng đã can đảm viết: Không Thể Cứ Phàn Nàn Số Phận. Một bài thơ, Thế Dũng đã hoàn toàn tháo được chiếc vòng kim cô thắt chặt trên đầu bấy nay. Đây là một bài thơ hay, chí khí mang hồn vía cổ phong trong sở trường thơ thất ngôn tứ tuyệt của Thế Dũng:
“Ngửa mặt kêu Trời than Đất lệch
Cúi đầu gọi Đất trách Người nghiêng
Hết tự giam mình cùng ý hệ
Lại cả tin kinh kệ gông xiềng”
Và chỉ con đường xuất khẩu lao động mới làm cho thi sĩ vơi đi nỗi buồn đau phần nào chăng? Nhưng không, đến Berlin cái không khí nghẹt thở đưa đến sự thất vọng hoàn toàn trong lòng thi nhân: “Nhưng nơi đây cũng rất khó thở/ Người Đông Berlin đang bỏ xứ âm thầm”. Có thể nói, đọc bài thơ Tháng 4 năm 1989, không riêng tôi, mà rất nhiều người hợp tác lao động tìm thấy mình ở trong đó. Sự giễu nhại, với hình ảnh, lời thơ chân thực, Thế Dũng đưa đến sự đồng cảm cho rất nhiều người đọc:
“Tự hóa lao nô vượt biên hợp pháp
Bằng hợp đồng lao động năm năm
Buông bút văn nô nhập vai cửu vạn
Xuất khẩu đời mình để hóa thân
Sabine hỏi sao tha hương lận đận?
Tôi cười trừ vì thích tự do”
Tuy ra đi, song hồn vía Thế Dũng vẫn ở lại quê nhà. Trong những ngày bức tường Berlin sụp đổ. Sự tự do, thống nhất nước Đức đang đến gần càng làm cho Thế Dũng đớn đau nghĩ đến quê nhà. Ngay đêm đó, đứng Cổng thành Brandenburg, Thế Dũng không chỉ viết: “Nước Đức đêm nay – vừa khóc vừa cười/ Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy/ Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình” mà ông còn viết, Con người sinh ra không phải để lang bạt, gửi Böerbel Boleiy. Một bài thơ vắt ra từ trái tim tình yêu đất nước của Thế Dũng. Ba mươi lăm năm trước, tôi cũng từng đứng trước Cổng thành Brandenburg, chứng kiến sự sụp đổ của học thuyết hoang tưởng, do vậy tôi hiểu, đồng cảm tâm trạng Thế Dũng. Bởi, cái tình yêu đất nước ấy của nhà thơ thật khó có thể đánh đổi: “Không thể bỏ quê vì một chính quyền tồi/ Tôi ương ngạnh hơn những kẻ đào thoát/ Đông Đức đã đổi thay, tường Berlin đã sập/ Quê hương vô cùng quan trọng/ Người ơi!…/ Tổ quốc tôi không phải chỉ của họ/ Những kẻ cầm quyền bại não suy tim”.
Thế Dũng sang Đức ở cái tuổi ba sáu. Chẳng biết khi cởi áo lính, và những ngày ở giảng đường đại học thế nào, chứ ở Đức nghe chừng tình yêu của Thế Dũng phát tiết. Không chỉ trong thi ca, mà trong cuộc sống hiện thực Thế Dũng cũng bay đến tận cùng. Chẳng vậy, mà ông dám làm cả tập thơ để tặng người yêu, người tình, bất chấp hoàn cảnh và cuộc sống. Cho nên, Thế Dũng không bay, mà ông nốc cạn dù có là tình yêu tuyệt lộ: ”Môi Em cắn chỉ vô hình/ Anh đành nốc cạn lưu linh tù mù/ Lưu ly vỡ cốc vàng thu/ Thạch Vân Thư Thất lu bù mây mưa”. Và có lẽ, chỉ những người sống cùng Thế Dũng như chúng tôi nơi xứ lạ quê người, mới thấy hết cái chân trời, cái tận cùng ấy của ông: ”Bởi rốt cuộc tình yêu là tận hiến/ Khi ta yêu vô điều kiện tới cùng/ Ăn đòn đủ từng vòng của định mệnh/ Xõa tóc tình đôi lúc khóc vô công”. Sống hết mình, đi đến tận cùng của tình yêu, bởi Thế Dũng đã nhìn ra cái hữu hạn trong Vòng Đời (em) nghiệt ngã. Vì vậy, Vòng Đời dù là bài thơ tình khát vọng, song ta vẫn thấy được lý trí dưới cái nhìn nhân bản, trong triết lý nhân sinh. Và Lục ngôn cũng là thể thơ sở trường của Thế Dũng:
“Cái thuở em đang con gái
Bao nhiêu tháng tốt ngày lành
Một hôm đẹp giời kỳ lạ
Hồn em cuồn cuộn hồn anh
Mắt đằm môi thắm sóng xanh
Ngực rung từng giây trinh nữ
Lệ rơi từng ngày thiếu phụ
Bao nhiêu đêm đã đẹp trời?”
Thế Dũng viết nhiều về tình yêu thương con người, và có nhiều bài rất hay. Tuy nhiên, làm cho tôi rung động nhất có lẽ là bài: Viết trong ngày Indira Gandi từ trần, dù Thế Dũng viết cách nay đã bốn chục năm (1984). Lời thơ như tiếng nấc bật ra từ trái tim con người đến với con người: “Chúng bắn lén! Trời ơi, hèn hạ quá/ Ngực tôi òa tiếng khóc con trai.” Tuy bài thơ có tính thời sự, song tình yêu con người làm cho lời thơ Thế Dũng nhẹ nhàng, khắc khoải. Đọc nó, dường như cả thế giới này gần gũi với nhau hơn:
“Tay nắm tay ta nắm lấy ước mơ
Người xích lại cùng nhau trong điệp trùng tưởng niệm
Con ba tuổi mà bỗng như biết hết
Cũng u buồn nín lặng dưới cờ tang
Nhật ký đời tôi đột ngột qua hàng
Năm tháng khắc một ngày đau đớn
Nhắc tôi mãi cái điều cần thiết nhất:
Là yêu thương vĩnh viễn Con Người.”
Hồn thơ thế sự xã hội
Thế Dũng khoái kinh dịch, lý số, cho nên những năm gần đây ông nghiên cứu rất sâu về cái món này. Sâu sắc đến độ, hồn vía kinh dịch soi rọi từng góc cạnh thơ Thế Dũng. Vì vậy, đôi khi tôi chẳng biết tâm hồn Thế Dũng đau, hay long mạch, hình hài đất nước đớn đau? Để ông viết những câu thơ bộc bạch, phơi bày cái thối tha, hủ bại con người, dẫn đến con đường chết của một quốc gia, dân tộc: “Dù cường quốc hay là nhược quốc/ Thủ lĩnh nào mất mặt chẳng đắng cay/ Cay đắng quá thì tìm sinh lộ mới/ Kinh mạch thối ung. Bệnh trọng cũng phơi bầy” (Long mạch đớn đau). Và ở đó, Thế Dũng chỉ ra, lũ cường quyền lừa bịp cùng giặc phương bắc núp bóng chữ vàng là nguyên nhân đưa đến nỗi đớn đau, thống khổ này: “Tham nhũng láo nên chín lần đội giá/ Lật lọng tám lần để hãm hại nhau/ Nhà Thầu đểu trâng tráo lộ mặt quỷ/ Vồ vập chữ vàng là long mạch đớn đau” (Long mạch đớn đau).
Mỗi sự kiện, hay tiếng kêu oán hờn của người dân đều được trang thơ Thế Dũng ghi lại một cách trung thực. Ở đó, nhà thơ tỏ rõ thái độ trước cường quyền, và bộc lộ sự đồng cảm với người dân lương thiện. Cho nên có thể nói, Lẽ nào đất lại mồ côi, viết về đất và người Đồng Tâm như tiếng kêu uất hận của Thế Dũng gửi vào trong thơ vậy:
“Người ta giết ông vì đất
Đồng Sênh tuyệt tình sắt son
Đồng Tâm đinh ninh bất tử
Tâm linh u uất Kình Hồn
Có ngày Người thành Ác Quỷ
Tụng ca Thể chế suy đồi
Máu đổ ngàn năm giữ Nước
Lẽ nào đất lại mồ côi”
Đến với thơ thế sự xã hội, ngoài tài năng, còn phải cần đến chí khí, nghị lực của thi nhân. Vì vậy khi đã nhận ra sự lưu manh, dối lừa: “Việt Cộng tàng thân thoát hiểm/ Loay hoay cờ quạt hư binh” thì Thế Dũng đã nhân cách hóa (hay Thi Thần hóa) nhà thơ vạch mặt, chỉ tên kẻ tàng hình, xảo trá: “Âu Cơ khóc không nhắm mắt/ Thi Thần thừa lệnh Địa Linh”. Đọc bài thơ Thi Thần thừa lệnh non sông, gây cho tôi nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, có lẽ Thế Dũng đã cho in bài thơ này ở đâu đó, hoặc gửi cho ai đọc rồi? Bởi hôm trước, có bác nhà thơ cộng đồng ở Berlin nhắn cho tôi: Thế Dũng tự ví là Thi Thần, Thi Thánh là rất không được. Tôi bảo, bác đọc không kỹ, nên chưa hiểu điều Thế Dũng muốn chuyển tải ở đó. Bài thơ của Thế Dũng cũng như câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Khi Thủy Tinh dâng nước lên, thì Sơn Tinh (hóa thành Thi Thần) đẩy núi lên cao vậy thôi… Chẳng biết bác nhà thơ cộng đồng có hiểu, hoặc đọc lại bài thơ hay không? Kể từ hôm đó, không thấy bác nhắn lại.
Thật vậy, đọc Thi Thần thừa lệnh non sông, không chỉ cho ta nhiều điều mới mẻ, thú vị, mà Thế Dũng còn kéo tinh thần, hồn khí cha ông trở lại:
“Ta đã thừa cơ xa xứ
Gọi hồn Nhân Kiệt – Lạc Long
Việt Tỉnh Cương Linh phục hoạt
Thi Thần thừa lệnh Non Sông”
Không dừng ở nơi đất Việt, Thế Dũng còn có nỗi đau thất vọng ngoài cương thổ. Có lẽ, do quá yêu nước Nga với những: I. Bunin, A. Puskin, Exsenin, nên Thế Dũng khoái luôn cái gã độc tài, ôm cái ghế quyền lực Nga đến mấy chục năm ròng chăng? Để đến hôm nay, Thế Dũng phải tự đào huyệt chôn thần tượng (đã trở thành bầy chó sói) của mình: “Tôi đau đớn vì thần tượng đã chết/ Giữa thanh thiên bạch nhật của loài người/ Rồng đen Putin bỗng hóa bầy chó sói/ Tôi mặc niệm âm thầm trên chiến địa phi nhân”. Có thể nói, đây là những câu thơ tự trào, chân thực nhất của Thế Dũng trong bài: Con tầu say cay đắng vỡ La Bàn. Và tôi cứ nghĩ, nó như một lời thú tội của nhà thơ vậy.
Tuy nhiên với tôi, Đã Đến Lúc Rồi Không Thể Muộn Hơn là bài thơ hay, và có lời thơ đẹp nhất ở mảng thế sự ở tập thơ này. Bài thơ có lẽ được Thế Dũng viết ở thời gian gần đây, trong một lần đến Vientiane, Lào. Phải nói, Thế Dũng có tài làm thơ bốn câu, hoặc một bài thơ có nhiều khổ, mỗi khổ bốn câu, đôi khi có sự co giãn số tiếng trong câu thơ. Cứ theo các nhà nghiên cứu phê bình hiện nay, thì cái món này của Thế Dũng gọi là: thơ tứ tuyệt hiện đại, tứ tuyệt trường thiên. Một thể thơ cô đọng, câu từ ngữ nghĩa có độ “nén, nở” rất lớn. Không chỉ ở tập thơ này, mà xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, Thế Dũng đã gửi rất nhiều cảm xúc vào thể thơ này, nhất là những sáng tác gần đây. Và, Đã Đến Lúc Rồi Không Thể Muộn Hơn là bài thơ điển hình nhất về đặc điểm này trong thơ Thế Dũng. Ở đó, không chỉ chứng minh những điều ấy, mà còn cho ta thấy nỗi đau, uất hận của cả một Vương triều: “Cả Hoàng gia tiêu tùng năm Đinh Tỵ/ Thái Tử cùng Vua thành tù đói khổ sai/ Hai cha con chết đau năm Mậu Ngọ/ Hoàng Hậu bị biệt giam trong bóng tối ban ngày”. Sự đồng cảm với nỗi đau ấy, cho Thế Dũng nguồn cảm xúc viết nên những câu thơ, hình ảnh mang tính sử thi rất đẹp, dù đó là những trang thơ thế sự xã hội:
“Ta uống Vientiane ngược dòng nước lớn
Đêm Chăm Pa bao huyền sử oán hờn
Phải nói hết những lời chưa thể nói
Đã đến lúc rồi, không thể muộn hơn”
Tinh hoa Việt – lời kết cho thi tập
Đọc Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt, tôi cứ ngỡ Thế Dũng là nhà sử học đang cầm cuốc xẻng lật lại chứng tích, để đòi lại văn hóa Lạc Việt bị đánh tráo, vùi lấp bấy lâu: “Ở nơi xa xăm từ thuở u uyên/ Làn khói mảnh hoang vu hồn Việt Sử/ Thủa Kinh Dịch bị hoán tên đổi chủ.” Xâm lược đất đai, chiếm người đưa đến cưỡng đoạt văn hóa việc làm bỉ ổi, đê tiện của giặc Tàu. Với Thế Dũng, sự cưỡng chiếm không cội nguồn ấy, đưa đến sai lệch, tàn phá cả một nền văn hóa. Âu đó cũng là nỗi đau của thi nhân vậy:
“Chiếm đất, chiếm người đoạt luôn Kinh Dịch
Hán Nho xưng hùng thao túng Việt Nho
Kẻ đoạt được nhưng lại không định chuẩn
Chiếm được rồi mà chiêm đoán vô căn”
Từ nền tảng, tư tưởng như vậy, cho nên suốt cả cuộc đời Thế Dũng đi tìm sự thật, và chân lý. Ở đó, nhà thơ nhận ra nguồn gốc, giá trị văn hóa mang tính vĩnh cửu, chỉ khi được khắc lên bia miệng con dân Lạc Việt: “Ai dám bảo Lạc Thư không Minh Triết/ Dù giang sơn Xích Quỷ quá hư hao/ Lo bia đá trăm năm mòn ký tự/ Lạc Việt trao nhau bia miệng để quy tan.” Và không dừng ở đó, nhà thơ còn chỉ ra vật chứng, cùng vết tích văn hoá cha ông để lai: “Ai biết được trên Trống Đồng Ngọc Lũ/ Đã lung linh bao hình tích bí truyền.” Từ minh chứng ngược dòng lịch sử, lời thơ Thế Dũng tuy đau đớn, song người đọc vẫn thấy được niềm tự hào về trí tuệ tinh anh của Kinh Vương, Bách Việt. Và nó như lời khẳng định không chỉ riêng về nguồn gốc Kinh dịch, hay nền văn hóa Bách Việt:
“Lúc Long Mã đứt cương ngày vỡ trận
Ngón tay nào điểm chỉ cõi Vô Phương?
Thuở Ngọc Lũ lưu Vuông Tròn -Việt Lý
Kinh Dương Vương, Vua Dịch học khôn lường”
Tôi đã đọc khá nhiều hồi ký, bút ký… được viết bằng thơ, nhưng cả câu chuyện tìm nguồn gốc Kinh Dịch, tinh hoa Việt bằng một tập thơ, có lẽ mới chỉ có Thế Dũng (lần đầu tôi được đọc). Có thể nói làm được như vậy, ngoài trí tuệ Thế Dũng còn có tình yêu rất lớn với Văn hóa Lạc Việt. Vì vậy, lời cầu khẩn phục hồi, gìn giữ Văn hóa đến thế hệ sau in đậm nét trên trang thơ Thế Dũng: “Ngọc Lũ âm thầm chôn Hoa văn – Dịch/ Mong hậu duệ phục hồi ngôi chính chủ Dịch Kinh.”
Với tư tưởng tự do, cùng tình thương yêu đầy ăm ắp cho Thế Dũng can đảm để đến với hồn thơ thế sự xã hội, cũng như tìm lại những dấu chân Lạc Việt. Đây là mảng đề tài rất quan trọng, không chỉ ở tập thơ này, mà còn góp phần làm nên sự nghiệp thơ văn Thế Dũng.
Có thể nói, triết lý là xương sống trong hồn thơ Thế Dũng. Mối quan hệ, liên tưởng, so sánh… luôn cho người đọc những suy nghĩ về số phận, hay quy luật để tìm ra giá trị của cuộc sống, giá trị con người. Ngay cả khi công việc, hay cuộc sống đã đi đến hồi kết:
“Ngay cả lúc nắp ván thiên sập xuống
Mỗi đời người một câu chuyện dở dang
Mỗi số phận ngổn ngang như bản thảo
Ai hoang mang đâu giếng Ngọc, suối Vàng”
Và có lẽ, không riêng tôi, mà những người đọc Thế Dũng về khía cạnh nào đó, ít nhiều rút ra được kinh nghiệm, hay học hỏi từ bề dày kiến thức văn hóa, lịch sử xã hội từ nơi ông.
Chẳng vậy, đầu năm 2024 vừa qua, tại Đại học Việt- Đức, Bình Dương, Tổng Thống Đức Frank Walter Steinmeier đã mượn một câu thơ của Thế Dũng để chứng minh thêm cho nhận định của mình, khi phát biểu trước các giảng viên và sinh viên: “Thế Dũng, một nhà thơ Việt Nam ở Berlin rất có lý khi viết về phương châm sống của đất nước các bạn: “Cuộc sống luôn trỗi dậy không ngừng, bất chấp đớn đau. Và tôi đồng ý với nhà thơ về điều này. Tôi đã đến đây một vài lần và nghĩ rằng, đúng là mọi người có thể chứng kiến đất nước này luôn trỗi dậy.”
Nhận ra phương châm sống của đất nước Việt qua thi ca Thế Dũng, bởi có lẽ tổng thống Đức đã đọc và nghiên cứu khá kỹ về người Việt không chỉ trên nước Đức, mà còn thấy tinh hoa ấy ẩn thân ở nhiều quốc tịch, nhiều quốc gia.
Thật vậy, mỗi người Việt xa xứ luôn luôn nhớ về cội nguồn từ: “Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt.” Cho nên, dù có chân mây cuối trời thì mỗi số phận Việt đều là một sự Biến Dịch âm thầm, một Dịch Nhân tự do hóa thân bởi nội lực tâm linh của chính mình. Và nó luôn tự diễn biến, trỗi dậy không ngừng. Vâng! Tinh hoa, hào khí là thế, song đọc những trang thơ này của Thế Dũng, một kẻ bơ vơ đến gần bốn chục năm như tôi ở nơi xứ lạnh, không biết nên vui hay buồn:
“Vọng nhân đạo Dịch Kinh như Linh Thể
Gốc Việt di cư hào kiệt xum vầy
Tinh hoa Việt ẩn thân nhiều Quốc tịch
Linh lực hoá thành ngàn mắt ngàn tay”
Phải chăng Tinh hoa Việt ẩn thân nhiều quốc tịch cũng là một trong nhiều thông điệp Thế Dũng muốn chuyển tải tới người đọc qua: Thủa Kinh Dịch Lưu Vân Tay Lạc Việt. Và ở đó, ta còn thấy rõ hơn hồn vía, tư tưởng, kiến thức Thế Dũng. Đây là một trong những tập thơ hay, tôi được đọc trong khoảng thời gian này.
(Leipzig, Tháng Mười, 2024)