Tình yêu không thể trở thành cái cớ cho bạo lực

Vợ chồng Will Smith tại chương trình Oscar lần thứ 94 (27 Tháng Ba 2022); Hollywood, California (ảnh: Mike Coppola/Getty Images)

Các chuyên gia tâm lý và bạo lực gia đình cho rằng hành động thể hiện tình yêu với người vợ của diễn viên Will Smith tại đêm trao giải Oscar là “nguy hiểm” và “không phải nhân danh tình yêu”!

Bạo lực không phải là cách chứng tỏ tình yêu

“Tình yêu sẽ khiến bạn làm những điều điên rồ!”. Đó là những gì Will Smith, nam diễn viên vừa đoạt Oscar vai chính đã nói trong bài phát biểu nhận giải tại đêm trao giải Oscar lần thứ 94, không lâu sau khi anh táng vào mặt người dẫn chương trình Chris Rock về tội xúc phạm vợ mình, diễn viên Jada Pinkett Smith.

Joel Wong, Giáo sư kiêm Chủ nhiệm Khoa tâm lý giáo dục và tư vấn tại Indiana University Bloomington nói: “Suy nghĩ như thế không nên. Không thể nhân danh bạo lực để thể hiện tình yêu!”. Wong nói thêm: “Khi một người đàn ông thích dùng bạo lực nhìn thấy một thành viên trong gia đình bị tấn công, anh ta lập tức xem đó là hành vi xúc phạm cá nhân và danh dự của chính mình. Đối với anh ta, gia đình, đặc biệt là vợ được xem là ‘phần mở rộng’ của bản thân, là ‘chính mình’, nên việc xúc phạm vợ hoặc xúc phạm con cái cũng giống như xúc phạm chính anh ta”.

Đối với những người có cách suy nghĩ kiểu này, cách duy nhất để bảo toàn danh dự của họ là phản ứng công khai và trước đám đông để chứng minh cho mọi người biết “tôi đã lấy lại được danh dự”. Trong trường hợp Will Smith, “đám đông” ở đây là 15.3 triệu người theo dõi trực tiếp và gián tiếp đêm trao giải Oscar trên truyền hình và internet. Wizdom Powell, Giám đốc Health Disparities Institute và Phó giáo sư tâm thần tại UConn Health ở thành phố Farmington thuộc tiểu bang Connecticut, bổ sung thêm yếu tố “xấu hổ”.

Bà nói: “Sự xấu hổ cũng có thể đóng vai trò trong hành vi bạo lực của Smith. Có thể anh ta cảm thấy xấu hổ khi ban đầu cười trò đùa của Rock rồi lại nhìn thấy sự không hài lòng của vợ, cảm nhận được sự xấu hổ của vợ nên đã nhanh chóng quay ngược cảm xúc, từ cười góp vui đến dùng bạo lực”. Xã hội thường không chấp nhận một người đàn ông yếu đuối khi bị xúc phạm nên Smith cố giành lại “bản lĩnh đàn ông” theo cách bạo lực. Thường đó là phản ứng nhất thời bị thúc đẩy bởi cái tôi nên không cần biết đến hậu quả. Nếu Rock là một đàn ông da trắng hay phản công lại, câu chuyện sẽ rất khác. Nếu Smith không tát Rock và Rock là người da trắng, câu chuyện trên truyền thông và mạng xã hội cũng rất khác.

Tình yêu trở thành “vật tế thần” của bạo lực

Đối với những nạn nhân bị bạo hành trong gia đình, cách biện bạch “tình yêu sẽ khiến bạn làm những điều điên rồ!” đã trở nên quen thuộc. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng (International Journal of Environmental Research and Public Health), khi một số người đàn ông viện đến bạo lực, họ thường xem đó là cách tốt nhất để thể hiện “tình yêu đích thực”. “Những người thích bạo hành thường có cảm giác mơ hồ họ chưa làm đủ để thể hiện con người thật của mình nên phải dùng bạo lực. Sau đó họ tìm cách biện minh cho hành động sai trái và khẳng định đó là một quyết định đúng đắn, nhất là khi liên quan đến tình yêu, đến vợ và con cái”.

Mang tình yêu ra làm vật tế thần cho một hành động không đúng. Khi nuôi dạy con, người ta luôn nhắc chúng không nên làm tổn thương người khác; và nếu đánh đồng tình yêu với bạo lực thể xác thì chúng ta sẽ đẩy bọn trẻ vào suy nghĩ lệch lạc: Hãy dùng bạo lực để chứng tỏ tình yêu.

Hành động của Will Smith phát sinh từ tâm lý “phải đáng mặt nam nhi” vốn ăn sâu vào xã hội. Khi một người đàn ông tấn công ai đó, anh ta nghĩ rằng nhiều người đàn ông cũng chấp thuận hành vi của mình. Will Smith cũng thế. Nhưng thực tế cho thấy, đa số chúng ta không tin là đàn ông nên hung hăng. Một trong những bước quan trọng để bắt đầu thay đổi nếp suy nghĩ “đáng mặt nam nhi” là hãy để những người ngoài cuộc lên án, ở trường hợp Smith là khán giả. Điều quan trọng nữa là chính đàn ông phải lên án việc dùng bạo lực là một hành vi nam tính không lành mạnh, tấn công vào chính bản chất đích thực của đàn ông.

Khi phái nam còn bé, họ được dạy không được khóc hoặc quá ướt át. Giáo viên, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần nói với bé trai: Nam tính là trở thành chính mình chứ không phải là thể hiện bằng bạo lực. Khi không còn chú trọng đến việc thể hiện nam tính, phái nam sẽ không quá dễ bị tổn thương. Người lớn cần dạy trẻ cách trao đổi và tranh luận khi thấy bị tổn thương hơn là dùng nắm đấm. Khi đó trẻ sẽ được sống trong một xã hội, nơi đàn ông và phụ nữ được tự do trải nghiệm đầy đủ và bình đẳng các cung bậc cảm xúc mà không cần đến bạo lực.

___________

Khi Hollywood tiếp tục tranh luận về việc nên hay không nên làm gì trước việc Will Smith tát Chris Rock tại lễ trao giải Oscar vào hôm Chủ Nhật, một đại diện Hollywood nói rằng ông sẽ ngưng làm việc với công ty sản xuất điện ảnh của Smith, Westbrook. “Tôi không giao cho Westbrook bất kỳ dự án nào. Tôi thậm chí có thể hủy hết toàn bộ dự án đang được đàm phán” – nhà sản xuất điện ảnh này (yêu cầu giấu tên) nói với TheWrap. Được vợ chồng Will và Jada Pinkett Smith thành lập năm 2019, Westbrook đồng sản xuất King Richard (bộ phim giúp mang về cho Smith giải Oscar); và một số phim truyền hình, trong đó có Cobra Kai của hãng Netflix, Bel Air của Peacock và talk show Red Table Talk của Jada Smith.

Will Smith chính thức xin lỗi Chris Rock vào Thứ Hai nhưng lời xin lỗi đó được đưa ra gần 24 giờ sau lễ trao giải Oscar. Nói về điều này, nhà sản xuất điện ảnh trên nói với TheWrap: “Hãy nhìn xem, nếu con tôi làm điều này ở trường, chúng sẽ bị đình chỉ. Nếu tôi làm điều này tại một sự kiện, tôi sẽ bị áp giải ra ngoài, thậm chí có thể bị bắt giam, dù tôi có bị buộc vào tội danh nào hay không”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: