Tờ nhạc là một trong những nét đẹp văn hóa của Sài Gòn trước Tháng Tư 1975. Nét đẹp này đã biến mất khi Sài Gòn mới sụp đổ. May thay, gần 50 năm sau, những tờ nhạc xuất bản thời VNCH vẫn lưu lạc đâu đó trong những tiệm bán sách cũ ở Sài Gòn, cho dù những bài hát in trên những tờ nhạc đó nay không còn được phổ biến.
Một trong những bài hát không còn được phổ biến mang tên “Nỗi lòng tuổi trẻ” do nhạc sĩ Lê Thu viết lời Việt từ nguyên tác “The Young Ones,” được hai nhạc sĩ Sid Tepper và Roy C. Bennett đồng sáng tác hồi năm 1961.
Tờ nhạc The Young Ones mà tôi có là ấn phẩm thứ 14 được Hương Xa Xuất Bản phát hành theo giấy phép số 761/XB ngày 13 Tháng Tư 1964. Tờ nhạc mang ba nhạc ngữ: nguyên bản tiếng Anh với tên “The Young Ones”, phiên bản tiếng Pháp có tựa đề “De Tout Mon Cceur” (do nam ca sĩ Orlando trình bày thời đó) , và phiên bản lời Việt của nhạc sĩ Lê Thu với tựa đề “Nỗi lòng tuổi trẻ.”
Tờ nhạc này có ghi tên người sưu tầm trước đây là “Trương Công Minh”. Tuy tờ nhạc ố vàng nhưng dòng chữ in và hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn.
Từ “The Young Ones”…
Nguyên bản The Young Ones do danh ca nhạc Pop người Anh Cliff cùng ban nhạc The Shadows trình bày hồi năm 1962. Cliff Richard có tên thật là Harry Rodger Webb, năm nay đã 85 tuổi, sống ở New York từ năm 2019.
Bài hát The Young Ones được sáng tác cho bộ phim cùng tên vào năm 1961 và được thu âm và phát hành vào Tháng Giêng 1962 với 500 ngàn bản được đặt trước cho hãng đĩa Columbia. Chỉ ngay sau đó, bài hát ngoi lên vị trí đầu bảng trong bảng xếp hạng âm nhạc UK Singles Chart trong 6 tuần và nằm trong bảng xếp hạng này trong 20 tuần.
Số lượng đĩa The Young Ones đã được bán ra ở Anh là 1.06 triệu, còn trên thế giới là 2.6 triệu. The Young Ones cũng mang về cho danh ca Cliff Richard và ban nhạc The Shadows doanh thu lớn nhất. Mãi đến ngày 3 Tháng Mười Một 2023, Cliff Richard đã trình bày và phát hành lại bài hát này trong album Cliff with Strings – My Kinda Life. Đây là studio album thứ 47 của ông, đánh dấu 65 năm trong nghề. Album này “đi thẳng” lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng UK Albums Chart, bất chấp thời gian.
Nhân dịp này, Richard bày tỏ cảm xúc rằng “Với 65 năm hành trình đầy cung bậc cảm xúc, khi nghe lại giọng hát thời trai tráng, tôi thật xúc động vì nhận ra thời ấy tôi có phong cách thật trẻ trung mà bây giờ đã thay đổi.”
Hơn 60 năm trước, danh ca Cliff Richard cùng ban nhạc The Shadows trình bày The Young Ones theo phong cách nhạc Pop sôi động, đầy tự tin đã làm hàng triệu khán thính giả trên thế giới say mê. Vì vậy, không lạ khi The Young Ones đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc ở nhiều quốc gia như: Úc, Đan Mạch, Ireland, Israel, Netherlands, New Zealand, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh.
Giai điệu Pop mới mẻ (vào thời đó) với nhịp điệu sôi động của nguyên bản The Young Ones và lời ca đầy ý nghĩa như nhắn nhủ riêng cho tuổi trẻ, một chủ đề không bao giờ cũ, đã mang đến cảm giác hứng thú cho khán thính giả:
“The young ones
Darling we’re the young ones
And the young ones shouldn’t be afraid
To live, love
While the flame is strong
‘Cause we may not be the young ones very long
Tomorrow
Why wait until tomorrow
“Cause tomorrow sometimes never comes
So love me
There’s a song to be sung
And the best time is to sing it while we’re young
Once in every lifetime
Come to love like this
I need you and you need me
Oh my darling can’t you see
Young dreams
Should be dreamed together
And the young hearts shouldn’t be afraid
And someday when the years have flown
Darling then we’ll teach the young ones of our own
Once in every lifetime
Comes to love like this
Oh I need you and you need me
Oh my darling can’t you see
Young dreams
Should be dreamed together
And the young hearts shouldn’t be afraid
And someday while the years have flown
Darling then we’ll teach the young ones of our own”.
… đến “Nỗi lòng tuổi trẻ”
Giai điệu bài hát The Young Ones rộn rã tưng bừng đã truyền cảm hứng cho nhạc sĩ Lê Thu viết lời Việt với tựa đề là “Nỗi lòng tuổi trẻ.” Chỉ tiếc là hiện nay không còn tìm được bản thu âm nào của phiên bản lời Việt, mà chỉ có lời ca in trong tờ nhạc:
“Từ khi về đây
Thoáng thấy em cười bên rèm thưa
Rồi anh lại mơ phút giây trôi êm đềm.
Nhìn em, anh đã trót yêu em từ đây.
Biết chăng em? Nhiều khi thấy em cười anh ngất ngây.
Một hôm làm quen giữa muôn hoa tưng bừng mừng xuân.
Hẹn em từ đây.
Bước bên nhau không rời.
Dù cho mưa hay nắng không phai lòng anh.
Sống bên nhau, ngày mai bước trên đường đầy gấm hoa.
Khi yêu ta vui ca hát
Say sưa trong nắng mai
Chim đua bay
Tình yêu đôi ta như trăng, như bướm, như hoa trong vườn
Tay cầm tay
Nói nhau nghe câu chuyện ngày xanh.
Tình không dở dang.
Hát khúc ca tương phùng.
Kìa em, trông đôi bướm nhởn nhơ vườn hoa, ngát hương bay;
dường như chúng ta lạc vào cõi tiên.
Rồi tay cầm tay,
Cứ đi không bao giờ dừng chân
Đồng ca bài ca
Khúc ca tương phùng đẹp duyên lứa rồi.”
Nếu như bản tiếng Anh của “The Young Ones” nhắn nhủ các bạn trẻ đừng sợ hãi, đừng bỏ lỡ khoảnh khắc hiện tại và dám theo đuổi ước mơ thì lời ca bằng tiếng Việt kể một câu chuyện tình, vẽ lên cảnh sắc “muôn hoa tưng bừng mừng xuân” trong bầu không khí êm đềm pha lẫn những nụ cười, câu ca. Và từ đấy, tình yêu đôi lứa chớm nở với con đường tình yêu phía trước được trải đầy gấm hoa. Gấp lại tờ nhạc mà tôi cứ tưởng chừng mình còn “lạc vào cõi tiên” trong phiên bản lời Việt.
Tờ nhạc The Young Ones phiên bản Việt mang “Nỗi lòng tuổi trẻ” với bao ước vọng về một tình yêu đôi lứa đẹp đẽ, giúp tôi có niềm hứng khởi sắp xếp những xáo trộn trong tâm hồn để đón xuân về. Khi tâm hồn không còn rối reng thì năng lượng tuổi trẻ tràn về. Chính lúc nhẩm lời ca “Nỗi lòng tuổi trẻ” theo giai điệu The Young Ones, tôi không còn thấy mình “sắp toan về già” khi thêm tuổi mới mà cứ ngỡ mình quay lại thời thanh niên yêu đời, ham sống.
Đôi điều về thú vui sưu tầm tờ nhạc xưa
Tờ nhạc The Young Ones chất chứa “Nỗi lòng tuổi trẻ” khi xuân về chỉ là một trong bộ sưu tầm các tờ nhạc xưa in ấn thời VNCH của tôi.
Đối với những người trân quý văn hóa – nghệ thuật – đời sống trước Tháng Tư 1975, những nhà sách cũ là “kho tàng” để người ta thỏa mãn thú vui lục lọi ấn phẩm còn sót lại của thể chế VNCH. Lúc nào cảm thấy căng thẳng vì cuộc sống thời nay, tôi tìm đến một nhà sách cũ, mà người chủ từng nói vui đây là nơi “bán những ký ức.” Lắm lúc, tôi quăng ba lô và dép vào một góc, ngồi chèm bẹp trên nền nhà để lựa cho mình những ấn phẩm yêu thích “hồi xưa” như là tiểu thuyết, kinh thánh, thư, tem, bưu thiếp, và các tờ nhạc.
Trong đống tờ nhạc còn sót lại ở nhà sách cũ, có những tờ không nguyên vẹn vì rách mất mép, mất góc, thậm chí rách làm đôi theo chiều dọc. May mắn tìm được tờ còn nguyên vẹn thì lại ố vàng hay phai màu, phai chữ theo những Tháng Tư buồn. Dù những tờ nhạc có mang nhiều “vết sẹo,” với muôn hình vạn trạng thì chúng cũng gợi cho tôi trí tò mò về lai lịch, nội dung.
Tờ nhạc là một trong những ấn phẩm lưu truyền lại các sáng tác của các nhạc sĩ thời xưa. Người tiên phong cho in các tờ nhạc này là ông Tăng Duyệt, Giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Trong 11 năm hoạt động, từ năm 1945 đến 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa đã in ấn gần 500 tờ. Theo chân nhà xuất bản Tinh Hoa, hàng loạt các nhà xuất bản khác cũng cho ra đời các tờ nhạc như nhà xuất bản Thời Đại 20, Hoa Thủy Tiên, Minh Phát, Hương Xa…
Một tờ nhạc thường có bốn trang. Trang bìa trước có tựa bài hát và hình ca sĩ (hay hình vẽ minh họa cho bài hát), tên nhạc sĩ sáng tác hay nhạc sĩ viết lời Việt cho nhạc ngoại. Hai trang trong là lời bài hát được trình bày trên các khuông nhạc, với tên bài hát, nhạc sĩ sáng tác hay nhạc sĩ viết lời Việt. Phía dưới cùng của hai trang trong này thường in số giấy phép, tên họa sĩ trình bày, với dòng chữ “Cấm trích dịch in lại hoặc sửa đổi lời ca”. Trang bìa cuối của tờ nhạc là thông tin quảng cáo của các hãng xưởng thời đó, tên các bài hát đã và sẽ in của cùng nhà xuất bản.
Thời ấy, tờ nhạc xuất bản dành cho những người yêu âm nhạc lưu giữ, giúp họ nhớ: lời ca, các cao độ của nốt nhạc v.v. khi hát hay lúc chơi bất kỳ loại nhạc cụ nào. Tờ nhạc còn là món quà trao đổi đối với học sinh – sinh viên mà cũng có thể là thứ không thể thiếu trong hành trang của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, để khi nhớ nhà hoặc nhớ người con gái hậu phương thì người lính giở tờ nhạc ra đàn hát cho vơi đi niềm nhung nhớ.
Không biết ở Sài Gòn bây giờ, có bao nhiêu người như tôi, giữa cuộc sống bộn bề lo lắng, vẫn dành chút thời gian tìm kiếm một tờ nhạc xưa, để tưởng nhớ về một thời tuyệt đẹp đã qua, một thể chế từng là “cái nôi” ươm mầm cho một nền văn hóa nghệ thuật phát triển trong tự do?