Nói về âm nhạc của người Việt hải ngoại, không ai là không biết đến Trúc Hồ và Trung Tâm Asia. Định kỳ phát hành chương trình DVD từ nơi này luôn là sự kiện được chào đón không chỉ ở hải ngoại mà cả trong nước. Đã có những thời gian dài người ta nhìn thấy các tấm bảng quảng cáo DVD mới được chép lậu xuất hiện ở các cửa hàng bán băng đĩa ở Việt Nam, bất chấp công an vẫn săn lùng và phạt nặng vì nội dung các DVD này được dán nhãn “phản động”. Thậm chí, tên của những Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Nam Lộc, Trúc Hồ… được giới thiệu công khai.
Con số bán CD-DVD từ các chương trình Asia một thời gian dài nuôi sống hoạt động và tạo ra những gương mặt mới của làng văn nghệ hải ngoại nói chung. Nhắc đến, nhiều nhà phát hành vẫn xuýt xoa kỷ niệm về các con số trăm ngàn băng cassette, 70 hay 80 ngàn DVD… của đợt phát hành đầu, riêng tại Mỹ… Nhưng nay thì mọi thứ đã khác. Sự thay đổi nhiều chiều của thưởng thức, thị hiếu và bởi ảnh hưởng của công nghệ… đã khiến các trung tâm, nhà sản xuất của người Việt tại Mỹ điêu đứng. Thêm hai năm đại dịch chồng chất, sức chịu đựng của các trung tâm lại càng bị thách thức hơn nữa.
Saigon Nhỏ đã tìm đến nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong những gương mặt quen thuộc của âm nhạc người Việt tại Little Saigon, nghe anh tâm tình những điều đã trải qua, và đi tới…
Tuấn Khanh: Khoảng năm năm đổ lại đây, tình hình các nhà sản xuất và trung tâm sản xuất âm nhạc của người Việt hải ngoại ngày càng khó khăn. Thưa nhạc sĩ Trúc Hồ, anh có tâm tình gì chia sẻ với khán giả gần xa vẫn đang yêu mến và hy vọng ở các sản phẩm âm nhạc gắn bó với tên tuổi của anh?
Nhạc sĩ Trúc Hồ: Thật đáng buồn, khoảng năm năm trở lại đây âm nhạc hải ngoại thực sự đang mất thị trường hay nói đúng hơn là không có thị trường. Hiện tại, khán giả hải ngoại đang mất dần thói quen mua CD hay DVD gốc của các trung tâm Việt Nam sản xuất, nên đối với các trung tâm băng nhạc thì mọi thứ ngày càng khó khăn. Quan trọng là không có nguồn vốn để thực hiện những chương trình mới. Với Trung tâm Asia, mỗi chương trình như ngày xưa để làm cho đúng với tầm vóc của nó thì tốn kém ít nhất một triệu đôla. Giờ thì do ít người mua, nên khó có thể thực hiện như ý muốn được.
Để duy trì con đường âm nhạc của các anh chị em còn gắn bó, cũng như với cá nhân Trúc Hồ, thì lúc này, việc thực hiện chương trình chỉ còn nằm trong khuôn khổ video của Đài truyền hình SBTN. Mọi thứ trong tương lai sẽ ngày càng thách thức, không biết còn có thể tiếp tục thực hiện được không, khi mà lượng khán giả ngày càng ít dần. Theo cái nhìn của Trúc Hồ thì tương lai âm nhạc hải ngoại rất là đen tối.
– Cho đến giờ phút này, anh có thêm suy nghĩ về hoạt động nào khác để phù hợp với sự phát triển của cộng đồng người Việt cũng như tình hình văn nghệ nói chung của người Việt hải ngoại? Anh đã nói về những khó khăn nhưng đã lúc nào anh nghĩ đến chuyện dừng lại?
Phải nhìn thấy là sự phát triển của cộng đồng người Việt không đi cùng với sự phát triển của hoạt động văn nghệ người Việt. Do đó nếu nói về tương lai, vẫn chưa biết mọi thứ ra sao. Riêng bản thân Trúc Hồ và cộng sự vẫn cố gắng, khi nào còn hoạt động được thì sẽ làm hết sức. Cho đến lúc mình thấy buộc phải dừng thì đành vậy.
– Năm 2020, nhà nước Việt Nam bất ngờ thông báo không cấm cản các tác phẩm nhạc của người Việt miền Nam trước 1975. Ngay lập tức sau đó có rất nhiều chương trình âm nhạc bolero, nhạc trẻ… ăn theo di sản âm nhạc của miền Nam trước 1975 xuất hiện suốt từ Nam chí Bắc, vậy điều này có trở thành một vấn đề vô cùng gây khó đối với các trung tâm hải ngoại, chẳng hạn cụ thể là với anh không?
Cần phải nhìn thấy rõ rằng khó khăn đâu phải chỉ riêng chuyện tác phẩm hay cạnh tranh: Lâu nay, không chỉ Trung tâm Asia mà tất cả trung tâm âm nhạc của người Việt hải ngoại tồn tại được, phát triển được vẫn là nhờ vào sự theo dõi và ủng hộ của khán giả hải ngoại, với việc phát hành và bán băng, đĩa là chính. Theo thời gian, chỉ có những trung tâm nào có lượng khán giả đủ nuôi sống mình thì mới có thể tồn tại cho đến hôm nay.
Rồi khi âm nhạc trên Internet mở ra, các chương trình ca nhạc bán qua CD hay DVD gốc bắt đầu gặp khó khăn. Gần đây Trung tâm Asia hay các ca sĩ cũng cố gắng thực hiện những kênh YouTube riêng để giới thiệu tác phẩm của mình. Nhưng để giữ được cuộc sống văn nghệ và có thu nhập đủ thì vẫn phải dựa vào các show diễn. Việc tìm thu nhập trên YouTube chỉ là giải pháp tạm thời và vẫn rất khó mà lấy chi phí từ đó để tạo ra những tác phẩm hoặc chương trình như ý muốn.
– Có một khán giả từ Việt Nam nhắn gửi rằng “hiện các thế lực văn nghệ của nhà nước cũng như các công ty thân nhà nước ngày càng giàu có và hùng mạnh. Họ sẵn sàng kêu gọi những nơi có tiếng tăm và kinh nghiệm của hải ngoại để hợp tác; qua đó thao túng dần bản chất của nền văn nghệ tự do”. Anh nghĩ sao về điều này? Theo anh thì làm sao để có thể tồn tại với bối cảnh lấn át như vậy?
Có một thực tế rõ ràng rằng thị trường âm nhạc Việt Nam trong nước luôn phát triển hơn ở hải ngoại, đơn giản vì dân số đông; nhiều người trẻ nối tiếp cần thụ hưởng cũng như xuất hiện trên sân khấu, và hơn nữa có rất nhiều công ty tài trợ. Ngay cả ở trong nước, với nhiều thứ thuận lợi, âm nhạc cũng không sống nổi nếu không có tài trợ. Mọi thứ trên thế giới đang thay đổi về cách thưởng thức cũng như về thị hiếu âm nhạc. Thế hệ mới thích những gì miễn phí, mà mọi thứ miễn phí đang có rất nhiều trên internet. Rồi khi tài trợ cho miễn phí thì hẳn nhiên sẽ bị thao túng. Trúc Hồ cũng như anh chị em cộng sự vẫn muốn giữ mình đứng vững trước những điều đó.
– Có vẻ mọi thứ đang không mấy lạc quan trong tầm mắt, nhưng còn tương lai xa hơn thì sao? Nếu phác thảo một cái nhìn về văn nghệ người Việt hải ngoại trong 20 năm nữa, anh nhìn thấy gì trong niềm hy vọng lẫn lo lắng?
Để nói thẳng suy nghĩ của mình thì tôi thấy 20 năm nữa, tương lai mờ mịt lắm, hay nói đúng là không có, với âm nhạc người Việt hải ngoại. Còn nếu nói về hy vọng, tôi chỉ nghĩ rằng mọi sự bất ngờ chỉ có thể trông mong vào thế hệ trẻ đang lớn lên, yêu âm nhạc và mở ra những con đường mới mà thôi.
– Hãy nói một chút về phần mình, nhạc sĩ Trúc Hồ với những chương trình của anh sẽ sớm quay lại với khán giả trong năm 2022 không?
Hy vọng rằng trong năm 2022, đại dịch qua đi và mọi thứ thuận lợi hơn thì Trúc Hồ hy vọng có đủ thời gian và khả năng để khôi phục lại tất cả sáng tác của mình, trong đó có khoảng 100 bài có giá trị như kỷ niệm. Với sức làm việc như hiện nay thì dự trù mỗi ba tháng sẽ quay được khoảng 16 bài music video. Đây có thể coi như là dự án cuối cùng của mình, vì khi làm được đủ số tác phẩm đó rồi thì chắc Trúc Hồ cũng về hưu. Thật ra sức khỏe của Trúc Hồ bây giờ cũng không còn tốt nữa.
– Xin phép có câu hỏi cuối với anh. Có bình luận rằng làm văn nghệ ở một không gian tự do như hải ngoại tưởng là dễ dàng nhưng thật ra rất khó khăn. Anh nghĩ sao về điều này? Và nếu điều đó đúng, anh có bí quyết gì để có thể tồn tại qua bao nhiêu đó năm?
Làm văn nghệ chưa bao giờ dễ dàng cả, đó là kinh nghiệm của Trúc Hồ. Đặc biệt là làm văn nghệ trong thời gian này lại càng khó hơn nữa. Thế giới bây giờ không phải là của những người sản xuất chương trình với khán giả hâm mộ mà thuộc về sự kiểm soát của YouTube và Facebook, hay nói rộng hơn là về thế giới digital – kỹ thuật số.
Nếu như ngày xưa khán giả sẵn sàng làm mọi thứ để tìm đến sở thích và phẩm chất của đời sống văn nghệ thì ngày nay họ lại chuộng sự tiện lợi. Thậm chí, giờ đây họ nghe nhạc dễ dãi hơn, bằng cách nghe qua internet, loa của máy điện thoại… chứ không tìm đến âm nhạc ở những dàn máy hay speaker tốt nữa. Dĩ nhiên cũng có những khán giả khó tính muốn được thưởng thức mọi thứ hay nhất, tốt nhất… nhưng họ chỉ là số ít.
Nhưng còn bao nhiêu người yêu âm nhạc thì đó vẫn là động lực để Trúc Hồ cố gắng. Hy vọng những tác phẩm ra đời sau này sẽ lại được dịp phục vụ cho những khán giả như vậy. Hiện Trúc Hồ cùng mọi người đang thực hiện chương trình phát hành các đĩa than (vinyl) để phục vụ một lớp khán giả đặc biệt này. Bản đầu tiên có chủ đề Mưa đêm tỉnh nhỏ sẽ phát hành trong năm 2022 này. Đó cũng là một lối đi khác đang được phát triển.
– Xin cảm ơn nhạc sĩ.
Tuấn Khanh thực hiện