Trương Ái Linh, từ bị lãng quên đến người hùng

Sự nghiệp văn chương của Trương Ái Linh hiện được chính quyền cộng sản Trung Quốc đánh giá lại và tôn trọng (ảnh: Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Tình yêu, tình dục và tham vọng chứ không phải chính trị, phụ nữ Trung Quốc (TQ) đang đổ xô tìm đọc tác giả Eileen Chang (Trương Ái Linh), nhà văn TQ qua đời tại Mỹ sau những nhiều năm tự lưu vong.

Một trong các nhà văn nữ quyền đầu tiên của Trung Quốc

Trong số báo mới đây, The Washington Post thuật lại… Ở tầng trệt của một tòa nhà chung cư trang trí theo phong cách “art deco” ở thành phố Thượng Hải, nơi nhà văn TQ Eileen Chang sống vào thập niên 1940, những người hâm mộ bà dừng chân tại quán cà phê “chủ đề Chang” để nhâm nhi cà phê và đọc cuốn “Lust, Caution” (Sắc, Giới), một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Họ cũng có thể chọn một cuốn khác trong hơn 40 tác phẩm từ tiểu thuyết đến kịch bản và cả bản dịch tác giả Mỹ Ernest Hemingway hoặc mua một chiếc túi lưu niệm mang tên bà.

Vào bất kỳ ngày nào ở Thượng Hải, rất là bình thường khi bắt gặp những người hâm mộ đến thăm nơi sinh của nhà văn hoặc dự các chuyến “tham quan văn học Chang” có người hướng dẫn, thuyết minh. Trong 80 năm, những tác phẩm của bà đã vượt qua ranh giới địa lý và “khai dân trí” ở TQ. Gần 30 năm sau khi qua đời tại Los Angeles, tác phẩm của Chang đã trở thành nguồn an ủi cho một thế hệ phụ nữ TQ mới bị thu hút đặc biệt bởi sự tập trung của bà vào cuộc sống cá nhân (tình yêu, tình dục, tham vọng) và bỏ qua chính trị. Đôi khi bà được gọi là “Virginia Woolf của TQ”.

Bà được đánh giá là người lan truyền những ý tưởng mới vào thời điểm đó, kết hôn rồi ly hôn và tự nuôi sống bản thân. Bà mang đến góc nhìn mới về phụ nữ và dự phần vào sự thức tỉnh của phụ nữ thời đó.

Trong các bài viết và bài đăng trên mạng xã hội TQ thời gian gần đây, nhiều người hâm mộ khâm phục cách bà vượt qua chế độ gia trưởng nam giới, từ chối chủ nghĩa dân tộc để tập trung vào những niềm vui và nỗi đau trong cuộc sống hàng ngày. Eileen Cheng-yin Chow, một nhà phê bình văn học và văn hóa TQ tại Đại học Duke nhận xét: “Chính chọn lựa phi chính trị của Chang đã gây được tiếng vang với độc giả ngày nay. Mọi nhà văn đều có quan điểm chính trị, nhưng viết trong thời chiến mà cố ý phi chính trị nên được xen là có… lập trường chính trị đặc biệt!”

Trương Ái Linh (ảnh: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

Chang lớn lên trong thời kỳ sôi động TQ bị tấn công bởi tri thức bên ngoài và chính trị, cách mạng chiếm ưu thế. Quân phiệt Nhật chiếm Thượng Hải khi bà 17 tuổi. Nhận thức được mình có năng khiếu văn học hơn người nên bà quyết định theo đuổi chúng, thoát khỏi cuộc sống gia đình và đến Hong Kong học đại học. Trở lại Thượng Hải vào đầu thập niên 1940, bà trở thành một nhà văn nổi tiếng ngay sau khi Đại chiến Thế giới lần thứ 2 kết thúc và cuộc nội chiến tiếp nối.

Trong khi nhiều nhà văn cùng thời nổi tiếng bị ám ảnh bởi các vấn đề “quốc gia đại sự” và nỗi nhục bị Nhật chiếm đóng, Chang không theo chân họ mà kể những câu chuyện về dục vọng, nỗi đau và sự phản bội mà phụ nữ gặp phải. “Nói chung, tôi không thể viết một tác phẩm ‘tượng đài của thời đại’ và tôi cũng không có ý định thử làm như thế! – Chang khẳng định trong một bài tiểu luận xuất bản năm 1944 – Tôi chỉ viết về những điều nhỏ nhặt xảy ra giữa đàn ông và phụ nữ. Không có chiến tranh trong công việc của tôi, không có cuộc cách mạng nào hết! Tôi nghĩ khi người ta sống trong tình yêu thay vì sống trong chiến tranh hay cách mạng, họ sẽ giản dị và tự do hơn”.

Trở lại Thượng Hải, dù nổi tiếng, kết hôn rồi ly dị nhưng do không còn được lòng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản mới thành lập bà phải quay trở lại Hong Kong và đến Hoa Kỳ sống lưu vong ở tuổi 35. Tại Mỹ, tốc độ viết đáng sợ trong những năm đầu sự nghiệp của Chang không còn nữa. Tiểu thuyết bằng tiếng Anh của bà không bao giờ bán được trên thị trường Mỹ. Chang quyết định rút lui khỏi công chúng, sống gần như ẩn dật những năm cuối đời tại Los Angeles.

Bà mất năm 1995. Nhưng tầm vóc của Chang trong văn học TQ hiện đại đã được nâng lên sau khi bà qua đời. Văn chương của bà được tôn vinh “sống động, nhạy cảm về cảm xúc, pha trộn phong cách viết của TQ và phương Tây”. Do không được xuất bản tại TQ đại lục trước thập niên 1990, hầu hết các tác phẩm của Chang được cung cấp miễn phí. Cứ vài năm, một bộ phim hoặc chương trình truyền hình dựa trên tác phẩm của bà được phát hành.

Chết mới thành thần tượng

Chang bắt đầu mê hoặc người đọc TQ kể từ năm 1990, khi cải cách thị trường tạo ra một làn sóng lạc quan, cởi mở và nhiều người hoài niệm về chủ nghĩa quốc tế (thường là tưởng tượng) của Thượng Hải vào thập niên 1930 mà họ thấy trong tác phẩm của bà. Ngày nay, chính sự hoài nghi của Chang trước những thăng trầm chính trị đã khiến bà trở thành một biểu tượng của giới trí thức trẻ.

Nhiều độc giả của bà bị thu hút bởi lối sống bất chấp và thế giới quan mỉa mai cũng như sự sắc sảo trong văn xuôi của bà. Đối với những người trẻ theo chủ nghĩa tự do lo lắng về “chủ nghĩa ý thức hệ một chiều” ngày càng tăng ở TQ của Chủ tịch Tập Cận Bình (nơi mọi thứ từ chương trình giảng dạy ở trường cho đến các bộ phim bom tấn đều phải ủng hộ tầm nhìn của Đảng), Chang trở thành một ví dụ tiêu biểu về “sự kiên cường, bất khuất”.

Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, bà luôn đặt quyền tự do cá nhân và nghệ thuật lên hàng đầu ngay vào thời điểm mà sự hy sinh vì lợi ích quốc gia mới là ưu tiên. Trong ba tác phẩm “Love in a Fallen City” (傾城之戀, Khuynh thành chi luyến), “Sealed Off” (封鎖, Phong tỏa) và “Red Rose, White Rose” (紅玫瑰與白玫瑰, Hồng Mân Côi Dữ Bạch Mân Côi), bà nói về những cuộc tình lãng mạn, những vụ tai tiếng và những cuộc hôn nhân hỗn loạn. Các nhân vật của bà thường ích kỷ và vô đạo đức, nhưng đó là một phần sức hấp dẫn của tác phẩm.

Na Zhong, nhà văn TQ sống ở New York, nhận định: “Văn chương của Chang mang tính nữ quyền sâu sắc và bà là một trong những nhà văn nữ đầu tiên ở TQ viết về tình dục, tình yêu và các mối quan hệ có chiều sâu. Trong ‘Sắc, Giới’, một trong những tiểu thuyết cuối cùng của Chang, nhân vật chính phản bội đất nước mình khi chọn yêu một người đồng cảm với quân phiệt Nhật” (Zhong là người đã dịch tiểu thuyết của Sally Rooney sang tiếng Hoa và đang viết cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc đời Chang). Theo Na Zhong,  sự trở lại mô hình “nam giới thống trị” ở TQ ngày nay một lần nữa đã cho phụ nữ cảm giác bị gạt ra bên lề và chỉ biết tuân lệnh.

“Trong một nền văn hóa có tính gia trưởng cao, phụ nữ không có nhà, không có tổ quốc. Eileen Chang chắc chắn nắm bắt được thực tế đó trong các tác phẩm của mình” – Zhong nói.

Tiệm cafe tại Eddington House, Thượng Hải, nơi Trương Ái Linh nán lại sau khi trốn khỏi nhà cha mình (ảnh: Qilai Shen/For The Washington Post via Getty Images)

Nhìn qua thực tế khắc nghiệt của TQ ngày nay, những người hâm mộ bà xem quyết định ra đi của bà sau cuộc họp là một hành động dũng cảm. Nhiều người cứ nghĩ những năm cuối của bà ở Hoa Kỳ là “khoảng thời gian buồn bã và thất bại”, nhưng Na Zhong xem việc bà chấp nhận số phận là “một cách khác của sự kiên cường”. Bi kịch về cuộc sống cá nhân của Chang với tất cả sự thần bí, quyến rũ và thách thức càng làm tăng thêm sức hấp dẫn lâu dài cho văn chương của bà và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ TQ đương đại.

Cao Zhixin, 20 tuổi, biên tập viên tại một nhà xuất bản ở Bắc Kinh thuộc số người xem Chang là thần tượng văn học của mình và cô đã tham gia một chuyến đi bộ “chủ đề Chang” ở Thượng Hải vào năm 2021. Những người thân cận với Cao nói sự ngưỡng mộ của cô với tác giả đã ảnh hưởng đến việc cô tham gia biểu tình ở Bắc Kinh vào Tháng Mười Một năm ngoái để phản đối chính sách “zero-covid” của chính phủ TQ khiến cô ấy bị giam bốn tháng.

Megan Walsh, tác giả cuốn “The Subplot: What China is Reading and Why It Matters” cho rằng phần lớn sự nổi tiếng bùng nổ gần đây của Chang là nhờ khả năng đi trước thời đại của bà. Walsh nói: “Những người trẻ TQ ngày nay đang sống qua thời khắc trọng đại trong lịch sử TQ nhưng họ không thực sự cảm nhận được điều đó. Chính Chang đã cung cấp cho họ câu trả lời qua các tác phẩm bà để lại”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: