Từ lâu giới khoa học đã bàn luận khá nhiều về thuyết “Thế Giới Song Song.” Theo thuyết này, khi vụ nổ Big Bang tạo thành thế giới của chúng ta, nó cũng đồng thời tạo ra một thế giới khác song song với thế giới của chúng ta, nơi thời gian trôi ngược. Quả thực, không hề có định luật vật lý nào nói rằng thời gian chỉ di chuyển về phía trước. Thế giới song song không chỉ tồn tại mà còn giao tiếp với thế giới chúng ta.
Tôi xin kể các bạn một câu chuyện kỳ lạ mà tôi từng trải qua. Tin hay không là tùy các bạn.
Một ngày đầu năm, sau khi tom góp, tôi có đúng một ngàn đôla. Tôi bèn đến tiệm bán ô tô đã qua sử dụng. Ở đấy có đủ các loại xe với đủ giá khác nhau. Có những chiếc tôi rất ưng nhưng giá quá chát. Tôi hỏi ông chủ:
-Có chiếc nào chỉ một ngàn đôla không?
Ông chủ nhếch đôi ria mép, nhìn tôi chằm chằm và bảo:
-Có một chiếc Ford, bề ngoài trông cũ nhưng còn tốt 99% . Đáng nhẽ 1,500 đôla nhưng tôi sẽ để cho cậu với giá 1,200 đôla.
-Cảm ơn ông. Tôi đáp với niềm cảm kích. Nhưng tôi chỉ có đúng 1,000 đôla, không hơn một xu.
Ông chủ lại nhìn tôi chằm chằm rồi nhún vai :
-Thôi được. Tôi chưa từng dễ dãi với ai như cậu đâu đấy.
Trả tiền xong, tôi lên chiếc xe mới tậu, lái một mạch về phía biên giới nước Bỉ. Tôi sẽ qua bên ấy làm việc cho một người bạn cũ đang làm chủ một nhà máy sản xuất sữa tươi. Ở Pháp, tôi loay hoay mãi mà vẫn không kiếm được việc làm.
Xe tôi đang chạy bon bon thì bỗng dưng một đám mây mù xuất hiện phía trước rồi sà tới, nuốt chửng lấy tôi. Sau một thoáng gần như tê dại, tôi thấy mình đang chứng kiến một khung cảnh kỳ lạ. Thực vậy, trước mặt tôi là một bãi chiến trường với hàng ngàn người mặc quân phục thời xưa đang tay súng tay kiếm dưới sự chỉ huy của một vị tướng có vóc người thấp bé.
-Đây là phim trường ư?
Tôi hỏi một anh lính. Anh ta đáp lại câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi khác:
– Phim trường là gì?
– Chẳng phải các anh đang đóng phim sao?
– Đóng phim là gì?
– Đóng phim là đóng phim. Mà đây là đâu?
– Đây là Waterloo.
– Chẳng lẽ tôi đang chứng kiến trận Waterloo?
– Đúng vậy.
– Thế Napoleon có phải là vị tướng thấp bé kia không?
– Đúng vậy, đó là Napoleon vĩ đại.
Napoleon chợt bước tới, chỉ tay vào chiếc xe của tôi và hỏi:
– Đây là cái gì?
– Đây là ô tô, thưa ngài. Tôi đáp.
– Xe à ? Sao không thấy ngựa kéo?
– Nó chạy bằng xăng và nhanh hơn cả ngựa, thưa ngài.
– Thế à? Cậu từ đâu tới?
– Tôi đến từ thế kỷ 20, thưa ngài.
– Thế kỷ 20 ư? Napoleon há hốc mồm.
– Đúng vậy, thưa ngài. Tình hình trận này như thế nào?
– Quân ta đang chống lại các cuộc tấn công ồ ạt của quân Anh. Bọn chúng quá đông. Nếu Grouchy không đến kịp thì quân ta nguy mất.
– Grouchy là ai?
– Đó là một tướng của ta. Ta giao cho Grouchy nhiệm vụ truy đuổi quân Phổ nhưng hy vọng ông ấy biết ta đang lâm nguy để kịp về giải cứu.
Chợt vang dậy tiếng reo hò của quân Pháp:
-Grouchy về rồi! Grouchy về rồi!
Gương mặt mệt mỏi của Napoleon bừng lên nỗi vui mừng. Xa xa phía chân trời, xuất hiện nhiều cánh quân hướng tới Waterloo. Nhưng quân Pháp sớm rơi vào thất vọng khi nhận ra đó không phải là quân của Grouchy:
– Quân Phổ! Quân Phổ!
Thực vậy, đó chính là quân Phổ đang đến tiếp sức cho quân Anh. Quân Pháp nguy thật rồi.
Không hề nao núng, Napoleon ra sức hò hét binh sĩ phải vững tay kiếm, không để rối loạn hàng ngũ. Rồi vị hoàng đế vĩ đại quay sang ra lệnh cho tôi:
– Hãy lái chiếc ô tô này đi tìm Grouchy ngay lập tức.
– Nhưng tôi không biết ông ấy.
Napoleon bèn lệnh cho anh lính khi nãy tên Denis đi theo tôi. Với Denis ngồi bên, tôi liền tức tốc cho nổ máy lên đường tìm tướng Grouchy, người mà giờ này có lẽ đang ngơ ngác truy tìm quân Phổ !
Không được chậm trễ, tôi đang gánh một sứ mạng lớn. Nếu tôi tìm được Grouchy thì Napoleon sẽ không thua trận Waterloo. Lịch sử nước Pháp sẽ thay đổi và vị hoàng đế kiêu hùng của nước Pháp sẽ không bị đày ra đảo Saint- Hélène rồi chết rục xương ở đó.
Nhưng giận thay, đúng vào thời khắc quan trọng này, chiếc xe lại dở chứng: Nó không chịu nổ! Tôi bèn nhờ Denis và một anh lính khác đẩy hộ xe còn tôi ngồi cầm lái. Một lúc sau xe mới chịu vâng lời chủ. Thế là tôi và Denis bắt đầu cuộc hành trình đi tìm vị tướng ngốc nghếch của Napoleon và đoàn quân rảnh rang của ông ấy.
Bực thay, xe chạy được chừng hai chục cây thì bỗng dưng tắt máy. Tôi lại nhờ Denis xuống đẩy xe. Rồi xe lại nổ. Denis trèo lên xe, thở dốc. Tôi làu bàu: “ Xe tồi thế này mà tên chủ dám bảo chất lượng còn 99%. Chỉ đáng 9%!”
Chạy thêm không đầy mười cây thì số phận nghiệt ngã gọi tên nước Pháp. Chiếc xe khốn khổ của tôi bất ngờ nổ lốp cái đùng rồi lật nhào, hất văng tôi và Denis ra khỏi xe. Sau một hồi bất tỉnh, tôi lồm cồm bò dậy thì không thấy Denis đâu cả. Tôi gọi tên Denis mãi nhưng không một lời đáp lại. Anh ta đã biến mất.
Tôi đang ngồi rên rỉ với chiếc đùi rướm máu và một tay bị sái thì có vài người chạy tới. Họ hè nhau lật xe tôi lên và hỏi tôi:
– Ông có làm sao không?
-Tôi chỉ bị thương nhẹ. Đây là đâu?
– Đây là gần biên giới Pháp – Bỉ.
– Các ông có thấy người bạn đi cùng tôi không?
– Chúng tôi không thấy ai ngoài ông.
– Anh ta là một người lính của Napoleon. Chúng tôi đang đi tìm tướng Grouchy.
– Ôi trời. Họ há hốc mồm. Ông mơ ngủ đấy ư? Bây giờ là thế kỷ 20, làm gì có Napoleon hay Grouchy.
Tôi chưng hửng. Quả thực y phục họ mặc trên người, như tôi, thuộc về thế kỷ 20. Chẳng lẽ tôi vừa trải qua một giấc mơ ?
Không, tôi không hề mơ ngủ. Tôi chỉ mọi người xem chiếc mũ của Denis vẫn còn nằm trên bãi cỏ. Mọi người nhìn chằm chằm vào chiếc mũ lính thuộc thế kỷ 19 rồi đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên.
Đúng là tôi không hề mơ. Không hề. Chắc chắn là tôi vừa gặp Napoleon bằng xương bằng thịt. Tôi vừa tận mắt chứng kiến trận Waterloo lịch sử với sự chiến đấu can trường của quân Pháp trước liên quân Anh- Phổ. Tai tôi chừng như còn nghe tiếng gươm khua, đạn réo, tiếng hò hét của quân sĩ cùng tiếng rên rỉ của những kẻ bị thương.
Tôi thở dài, cay đắng. Giá như tôi có nhiều tiền để mua chiếc xe tốt hơn chiếc cà tàng này thì biết đâu tôi đã tìm được Grouchy để giúp Napoleon tránh được thảm bại ở Waterloo. Lịch sử nước Pháp cũng như lịch sử Châu Âu và lịch sử Thế giới biết đâu vì thế sẽ biến chuyển theo hướng khác.
Buồn thay, số tiền còm một ngàn đôla của tôi là quá ít để thay đổi lịch sử!
Chẳng ai tin câu chuyện tôi vừa kể. Bạn có tin không?