Tôi là Marco Polo, sinh năm 1254 tại Venezia. Cha tôi, Niccolo cùng chú tôi là Maffeo và tôi đã trở thành những người Âu đầu tiên đặt chân đến Trung Hoa bằng Con đường Tơ lụa.
Cha và chú tôi là những nhà buôn. Năm tôi mười bảy, chúng tôi rời quê hương, làm một cuộc viễn du sang phương Đông. Sau khi vượt biển bão bùng, vượt qua những núi non hay cao nguyên hiểm trở cùng những sa mạc nóng như thiêu đốt, chúng tôi đến được Trung Hoa. Chúng tôi được tiếp đón nồng hậu tại triều đình của vua Nguyên là Hốt Tất Liệt, tức Nguyên Thế Tổ. Nhờ sự chở che của ông, việc buôn bán của chúng tôi vô cùng thuận lợi. Vì thế, dù lúc đầu cha tôi không có ý định ở Trung Hoa lâu dài nhưng sau lại đổi ý và ở lại đấy ngót một phần tư thế kỷ.
Bản thân tôi được nhà vua vô cùng ưu ái rồi bổ làm Thái thú Hàng châu. Đó là một thành phố lớn với hệ thống đường sá và kênh rạch rộng rãi. Thuyền bè, xe cộ qua lại dễ dàng. Mọi con đường đều lát đá hay gạch. Có nhiều dinh thự lộng lẫy, nhiều chốn ăn chơi… Tôi thích thành phố này và phải công nhận nó đẹp hơn, tiến bộ hơn các thành phố ở châu Âu. Chính tại đây tôi đã có mối tình đầu với một nàng ca nhi xinh đẹp có cái tên cũng rất đẹp là Lệ Hoa.
Lệ Hoa làm việc cho một nhà hàng lớn tọa lạc ở lòng thành phố. Nhà hàng này có hàng chục ca nhi, kỹ nữ. Khách đến tấp nập, ngày cũng như đêm. Người chủ vốn là bạn làm ăn lâu năm của cha tôi. Trong một lần tôi tới thăm, ông đã giới thiệu Lệ Hoa cho tôi. Ông bảo tôi: ”Rồi cậu sẽ thích cô ta. Đó là con gái của Văn Thiên Tường, tác giả bài Chính Khí Ca”.
Tôi không chỉ thích mà con đem lòng yêu Lệ Hoa, một cô gái thông minh và có sắc đẹp dịu dàng. Nàng múa giỏi, hát hay và còn có tài thổi sáo. Tôi rất thích nghe Lệ Hoa hát những bài dân ca Trung Hoa. Giọng của nàng luôn đượm buồn man mác. Có lần nàng dạy tôi hát bài “Những chiếc cầu ở Hàng Châu” mà tôi đặc biệt yêu thích. Mỗi lần nghe tôi hát bài này, nàng lại tủm tỉm cười. Có lẽ do tôi hát buồn cười quá. Nàng hát hay và thổi sáo cũng hay. Lệ Hoa bảo cây sáo của nàng do một nghệ nhân nổi tiếng chế tác biếu tặng cha nàng rồi cha nàng tặng lại cho nàng. Nàng thường thổi bài “Đôi Hạc.” Mỗi lần nghe bài ấy, tôi lại hình dung ra đôi chim hạc bay quấn quít bên nhau trong cảnh hoàng hôn buông xuống.
Một ngày kia, vừa thấy tôi đến, Lệ Hoa ôm trầm lấy tôi, khóc nức nở:
– Xin chàng hãy giúp em.
– Có gì cần nàng cứ nói. Tôi dìu Lệ Hoa ngồi xuống tràng kỷ. Nếu làm được ta sẽ làm.
– Cha em là Văn Thiên Tường, vốn là quan nhà Tống. Lệ Hoa lau nước mắt. Cha em bị vua Nguyên giam cầm đã lâu vì không chịu thừa nhận uy quyền của ông ta. Xin nhờ chàng nói với vua Nguyên một lời để ông ấy trả tự do cho cha em.
Mấy hôm sau tôi yết kiến Nguyên Thế Tổ. Gặp tôi Hốt Tất Liệt rất vui, luôn miệng hỏi thăm cha và chú tôi. Sau khi nghe tôi trình bày về người cha của Lệ Hoa, vua Nguyên bảo:
– Ta sẽ tha cho Văn Thiên Tường ngay tức thì nếu cậu thuyết phục được ông ấy theo ta. Ta vốn không phải là kẻ ác tâm.
Rồi vua Nguyên cho người dẫn tôi tới gặp Văn Thiên Tường nơi ngục tối.
– Ta không bao giờ chịu khuất phục quân cướp nước. Người cha thân yêu của Lệ Hoa nói với tôi bằng một giọng khẳng khái. Thân hình của ông gầy ốm, xanh xao. – Đức vua và bao nhiêu tướng sĩ đã thà chết chứ không hàng giặc thì lẽ nào ta lại là kẻ bội tình. Cảm ơn cậu đã tới đây. Hãy gìn giữ con gái ta.
Biết không thể lay chuyển được Văn Thiên Tường, tôi thất vọng trở về gặp Lệ Hoa.
Ít lâu sau tôi nhận được tin Văn Thiên Tường đã bị hành quyết. Một người bạn làm quan ở trong triều đình kể với tôi rằng trước khi ra pháp trường, Văn Thiên Tường bảo Hốt Tất Liệt: ”Ta đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng, sao có thể hai lòng. Hãy cho ta được chết.”
Trước khi đao phủ hạ đao, Văn Thiên Tường quay về Nam Kinh vái lạy, thể như vua Tống còn ở đó.
Mấy ngày sau cái chết của vị tể tướng nhà Tống, tôi đến gặp Lệ Hoa để chia buồn cùng nàng. Tôi rụng rời khi được người ta cho biết nàng không còn nữa. Sau khi hay tin cha bị giết, nàng đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Tôi khóc nức nở, giận mình đã không làm được gì cho người yêu.
Năm 1295 tôi rời Trung Hoa để trở về quê xưa. Do Venezia đang có chiến tranh với Genoa nên tôi bị bắt làm tù binh. Được thả bốn năm sau, tôi cưới Donata Badoer, con một nhà buôn. Chúng tôi có ba con với nhau. Tôi yêu vợ tôi nhưng tình yêu này không bao giờ làm tôi quên được Lệ Hoa, không bao giờ có thể làm phai mờ những kỷ niệm dấu yêu về nàng trong lòng tôi.
Lệ Hoa sống mãi trong tôi, nàng mãi mãi là mối tình đẹp nhất của đời tôi. Nhớ đến nàng là nhớ đến một người con gái tài hoa có gương mặt luôn đượm một nét buồn u ẩn. Nhớ đến nàng là nhớ tới những ngày tháng tươi đẹp tôi đã sống trên đất nước Trung Hoa xa xăm.