Tân Liêu Trai Chí Dị: Bành Viên Sinh

Lời bàn của tân Thánh Thán:

            Theo ta, muốn đạt được cái hay, cái thú khi đọc truyện liẽu trai của Bồ tiên sinh phải đọc vào đêm khuya, vào lúc mà hồn ta phơi phới không có gì để lo nghĩ, lại càng hay hơn nữa nếu đọc vào lúc còn tuổi thơ. Đọc truyện liễu trai mà suy nghĩ về cái thật, về cái gỉa rồi đem cái văn minh, cái khoa học ra mà bàn cãi, theo ta chưa gọi là “ Đạt “ trong thưởng thức mà lại còn bất nhã với Bồ tiên sinh vậy.

            Cái hay, cái đẹp của truyện liễu trai là không mang cái khôn ngoan, thông thái, cái hữu lý, hữu hình ra mà viết. Nhưng đừng tưởng thế mà cho rằng nó không có cái gì để ta học hỏi , suy nghĩ mà lầm! Một thư sinh bên án thư đang lúc mệt mỏi mơ màng thì có một cô gái đẹp xinh như tiên nữ mờ ảo trong sách bước ra rồi yêu thương, làm tình với sinh. Đấy không phải là cái thích thú, mơ mộng của tuổi thơ ư ? Ai mà không có đôi lần khi đọc liễu trai nhỉ !?

            Một nhà nho lưng dài tốn vải đi lạc vào rừng sâu ngẫu nhiên mà gặp một người đẹp như mộng lại thơ hay , văn tốt , đàn giỏi hát êm… rồi họ làm tình, sinh sống với nhau. Nhưng đến một lúc thấy mình ốm o, bệnh họan nhà nho mới biết rằng đó là một hồ ly biến dạng ! Nghĩ cho cùng, theo ta, đó không là một dạng tình yêu say đắm, đa mê hay sao ?

            Ôi biết bao nhiêu chuyện ma quái,thần tiên, phù phép … nói làm sao hết ? nhưng nếu xét kỹ sẽ thấy ở những truyện liễu trai vẫn có những cái rất nhân bản mà ta cần phải biết , đó là sự si mê, lòng chung thủy, lãng mạn đa tình…. Hãy im lặng mà suy nghĩ cuộc đời thật của nhân gian có gì đẹp đẽ hơn đâu nếu ta chẳng muốn nói là bẩn thỉu, đáng khinh hơn.

            Hôm nay may mắn mà ta được đọc truyện Bành Vân Tiên của Lưu tiên sinh, hứng chí, viết ra vài lời bàn để trả cho tiên sinh cái tình của kẻ tâm giao vậy. Đọc truyện này dù đầu đã bạc gần hết mà ta vẫn mong một lần vào rừng sâu, núi biếc để gặp được hai nàng hồ ly đa tài để ngâm thơ, vịnh phú, dĩ nhiên cũng để hưởng thụ thú vu san ! Đó không phải là nhờ truyện liễu trai của Lưu tiên sinh mà ta đã có được vài giây phút mơ mộng trong cái thế gian đảo điên đáng phỉ nhổ này ư.?

Tân Thánh Thán

****

            Viên Sinh họ Bành, tự là Ích Thiên giòng dõi khoa cử, thế hệ nào cũng có người làm quan nổi danh là liêm khiết lại tài văn chương, thi họa hơn người. Phụ thân Viên Sinh đậu thám hoa năm Ất dậu có tài ứng đối, kiến văn sâu rộng đã nhiều lần được triều đình cử làm quan dẫn sứ. Đúng là gia thế cao qúi, vinh hiển không mấy ai bằng.

            Viên Sinh có đầy đủ tài năng của tổ tiên di truyền, vừa ngoài đôi mươi đã giật bằng tiến sĩ, đang ngấm nghé chờ sắc chỉ của vua cho chức đốc học chốn kinh đô. Đã thế Sinh còn là một mỹ nam tử, phong tư tươi đẹp như Phan An tái sinh, là hình bóng trong mơ của biết bao thiếu nữ chốn kinh kỳ .

            Trong khi chờ đợi sắc chỉ chính thức từ triều đình, phụ thân muốn cho qúi tử không bị ngỡ ngàng khi bước vào chốn quan trường đã gửi Sinh vào dinh của người bạn thân thiết đồng triều đang làm quan án sát để Sinh giúp việc và học hỏi những lịch lãm của giới quan nha. Công việc của Viên Sinh là thu gom chứng cớ, điều tra những khúc mắc của các án trạng trước khi đưa cho quan án sát đem ra công đường xét xử. Những lời phê phán, ý kiến của Sinh trong hồ sơ án trạng rất quan trọng cho việc xác định án phạt dành cho tội phạm. Với vai trò quan trọng như vậy, Viên Sinh rất thận trọng, cố gắng giữ công minh trong công việc, nhất định không làm điều gì để thiên hạ đàm tiếu. Trước là vì bảo toàn cho hai chữ danh gia sau là gây tiếng tăm tốt đẹp cho tương lai quan lộ của chính mình.

            Vào một buổi tối đã khuya, dưới ánh đèn dầu lạc, Sinh vẫn còn miệt mài, cố làm xong công việc cho kịp trình lên quan án sát vào sáng sớm ngày mai. Có lẽ vì quá mệt mỏi, Sinh gục xuống án thư mà thiếp đi . Trong lúc mơ màng nửa ngủ, nửa thức, dưới ánh đèn mờ ảo, không biết từ đâu một người con gái chạc tuổi Sinh , dung nhan thật diễm lệ, qùi trước án thư khóc thút thít mà thưa rằng :

            -Xin Bành công tử, lấy đức công minh soi sáng cho một vụ án mà song thân của tiểu nữ đã bị kẻ ác giết chết.

            Dù đã trên hai mươi tuổi, dáng vẻ phong lưu của một công tử danh gia,Sinh đã được biết bao nhiêu cô gái liếc mắt đưa tình, nhưng có lẽ đây là một cô gái đầu tiên có sắc đẹp mê hồn đã làm Sinh đờ đẫn, mất hẳn vẻ tự nhiên, chỉ biết nhìn cô gái mà không nói nên lời. Cô gái hình như cũng thấy ánh mắt si dại, ngẩn ngơ của Sinh dành cho mình mà có tí ngượng ngùng, cúi đầu e lệ chậm rãi mà nói tiếp :

            -Sao công tử lại im lặng ? Không lẽ công tử thấy tiện nữ quá đường đột mà trách mắng sao ?

            Lời nói của cô gái đã làm Sinh bừng tỉnh, luống cuống bước vội ra khỏi án thư đưa tay đỡ người đẹp đứng dậy, ôm vào lòng ân cần mà hỏi rằng:

            -Nàng là ai, tên họ là gì, quê quán nơi đâu ? Có việc chi oan ức mà phải nhờ đến ta, xin hãy nói cho rõ ràng. Ta sẽ vì nàng mà làm tất cả, chỉ mong được nàng cúi nhìn xuống mà biết cho nỗi tình si của ta.

            Nói xong, càng ôm cô gái mạnh hơn, lại còn vuốt ve, hôn lia liạ trên mặt trên môi người đẹp như một kẻ si mê qúa độ mà hoá điên. Cô gái ra vẻ ngượng ngùng, lấy tay đẩy Sinh ra mà mắng rằng:

            -Tại sao vừa mới gặp nhau mà công tử lại dám làm cái trò khả ố của phường đầu đường xó chợ như vậy ? Công tử ỷ là người có chức tước, ăn học mà khinh thương tiểu nữ như vậy sao ?

            Nghe người đẹp mắng chửi, Sinh tỉnh giấc mê si, ra vẻ xấu hổ, cúi mặt mà thưa rằng :

            -Xin nàng hãy tha lỗi cho ta ! chỉ vì sắc đẹp chim sa cá lặn của nàng đã làm ta say tình mà điên đảo như vậy !

            Người đẹp có vẻ vừa lòng với lời nói của Sinh, liếc mắt đưa tình , mỉm cười mà nói rằng :

            -Thiếp là Minh Duyên, họ Bạch, cư gia ở ngoại biên kinh thành. Trước đây gần 2 tuần trăng, song thân cùng với 3 chị em em thiếp đi dạo trong khu rừng gần nhà đã bị một kẻ dùng ná bắn chết song thân thiếp. Thiếp và hai đứa em nhanh chân chạy thoát! Nghe tiếng chàng là người xét xử công minh mà đến, mong chàng vì chị em thiếp mà bắt kẻ ác kia đền mạng cho song thân thiếp. Nếu chàng trả được oán cho song thân thiếp, thiếp nào dám tiếc gì tấm thân xử nữ ngàn vàng này mà không đền bồi cho chàng sao? Huống chi chàng lại là người danh thế, phong lưu mà thế gian không dễ kiếm, được chàng để mắt đến đã là hân hạnh to lớn cho thiếp rồi.

            -Nàng hãy cho ta biết kẻ sát nhân đó hiện nay ở đâu, ta sẽ sai quan quân đến bắt. Nếu có chứng cớ hẳn hòi, ta sẽ phê duyệt vào án trạng để nó phải đền mạng cho cha mẹ nàng .

            Người con gái đưa ngón tay chỉ vào đống hồ sơ trên thư án mà thưa rằng :

            -Kẻ giết song thân thiếp tên là Chỉ, họ Công Tôn là thương gia buôn hương liệu trong kinh thành, hiện hắn đang bị giam. Nhưng hồ sơ của nó không phải vì tội sát nhân mà vì say rượu làm hư hỏng đồ đạc trong tửu lầu mà thôi . Xin chàng vì lời cầu xin của thiếp mà sửa lại cho đúng với tội trạng của kẻ ác, trước là vì công bằng chốn công đường, sau là vì yêu thương thiếp mà lo toan !

            Sinh đưa tay lật chồng hồ sơ, đọc thoáng qua cáo trạng, phạm nhân không có dấu hiệu gì của một kẻ sát nhân. Gia cảnh hoàn toàn trong sạch, chưa bao giờ phạm tội, nơi cư trú được coi là người gương mẫu. Cha mẹ, anh em bên nội ngoại, vợ chồng con cái rất hoà thuận, thuộc dạng ăn ngay ở thẳng, hoà ái

 với xóm làng. Vài ngày trước vì quá chén với bạn bè mà lỡ tay làm bể mấy cái đèn cổ xưa của tửu lầu nên bị chủ nhân thưa kiện mà vướng vào vòng lao lý. Với tội trạng này, Sinh nghĩ đem ra công đường xét xử có lẽ chỉ bị đánh vài chục roi, rồi bắt bồi thường vật dụng cho tửu lầu là xong. Viên Sinh nghĩ rằng người này chẳng thế nào là kẻ vô loại, sát nhân như người con gái tố cáo được.

            Dù vẫn còn ngây ngất vì sắc đẹp chim sa cá lặn của cô gái, cảm giác mềm mại , mùi son phấn thơm tho từ tấm thân ngà ngọc của giai nhân vẫn còn nguyên vẹn trong vòng tay của mình, nhưng Sinh vẫn không quên được thiên chức của mình và danh dự của giòng họ. Đắn đo mãi Sinh nhìn người đẹp buồn rầu mà rằng :

            -Ta không thể nào làm trái lương tâm để vu oan giá họa cho một người vô tội được, mong nàng hiểu cho mà đừng giận! Người này theo ta chẳng là kẻ sát nhân được, nàng nên xem xét lại có gì lầm lẫn hay không ? Tuy nhiên nếu nàng nhất quyết cho đây là kẻ giết song thân nàng, xin hãy cho ta biết ngày giờ xẩy ra vụ án, nơi chôn cất tử thi của cha mẹ nàng… Ta sẽ sai người đến khai quật để thẩm tra, nếu tìm được những chứng cớ minh bạch của tội sát nhân, ta sẽ bắt nó đền mạng mà trả oán cho song thân nàng.

            Nghe Sinh trả lời, người con gái im lặng tí chút rồi ra vẻ ngần ngừ, dàn dụa nước mắt mà trả lời :

            -Những điều mà chàng đòi hỏi, thiếp không thể nào cung cấp được vì những lý do rất khó nói, mong chàng cảm thông, tin tưởng thiếp mà miễn cho. Chính vì có nỗi khó khăn, khó giải bầy này mà thiếp phải đến đây gặp riêng chàng mà cầu xin, mong chàng đừng từ chối !

            Sinh lắc đầu, ái ngại đáp :

            -Sắc đẹp của nàng đã làm ta ngây ngất, ta có thể tương tư nàng mà chết. Ta cũng có thể vì nàng mà làm tất cả mọi sự, nhưng việc trái đạo như thế này ta không thể làm được. Ta rất áy náy vì không giúp được nàng, nhưng mong nàng hiểu cho ta mà tha thứ! Ta làm sao mà dám làm nhơ bẩn danh dự của giòng họ, tổ tiên ta được? Huống chi còn chữ đạo đức, danh dự của một kẻ đã thấm nhuần văn hóa thánh nhân, ta đâu có thể thêu dệt chứng cớ mà giết một người vô tội được? Nếu làm như thế có khác chi ta là một kẻ sát nhân! Xin nàng hãy hiểu cho ta mà không trách mắng.

            Sau đó cô gái dùng đủ mọi cách thuyết dụ Sinh, từ liếc mắt đưa tình đến vuốt ve, thân cận làm duyên mục đích làm cho Sinh mê mẩn mà sửa đổi cáo trạng, nhưng vẫn không thuyết dụ được Sinh. Đến một lúc thấy không còn hy vọng gì cô gái nhìn Sinh với ánh mắt tức giận, đổi giọng lạnh lùng mà đe dọa :

            -Ngươi đã không tin ta, không vì lời khẩn cầu mà giúp ta trả được mối thù giết cha mẹ, ta sẽ làm cho ngươi tán gia bại sản đó!

            Nói xong cô gái tát vào mặt Sinh và đẩy Sinh ngã xuống đất rồi ngoe ngẩy quay ra, biến mất sau tấm cửa thư phòng. Sinh giật mình thức dậy, không biết mình vừa trải qua mộng hay thực ?! Nhưng cảm giác đê mê khi ôm người đẹp hoà quyện với hương thơm từ da thịt cô gái như vẫn còn lưu lại trong khắp căn phòng. Nhìn trên bàn, hồ sơ của phạm nhân Công tôn Chỉ vẫn còn trải rộng trên mặt bàn.

            Từ ngày đó, dù không có công việc nhiều nhưng đêm nào Sinh cũng thức khuya chong đèn mong đợi chờ, nhủ thầm thế nào người đẹp cũng nghĩ đến tình si của mình mà trở lại để mình có dịp phân trần phải trái cho người đẹp cảm thông . Nhưng cố gái vẫn biệt tăm, cho đến một hôm cả dinh quan án sát, ồn ào vì hộp trang sức của phu nhân bị kẻ trộm lấy mất một cách lạ kỳ. Vụ trộm không để lại dấu vết gì cho thấy kẻ gian từ bên ngoài vào mà chắc chắn là người thân cận với gia đình quan án sát mà thôi. Ngay khi phát hiện mất trộm, quan án sát ra lệnh cấm không cho ai ra vào dinh rồi sai lính đi lục soát tất cả mọi nơi, mọi chỗ và tra hỏi những kẻ hầu người hạ trong dinh!

            Sau một hồi lục xét, lính hầu tìm thấy hộp nữ trang được nhét một nơi kín đáo trong thư phòng của Sinh. Sinh phân trần đủ lời nhưng cũng chẳng ai tin, còn cho rằng Sinh vì lòng tham tài vật qúi giá, lợi dụng lòng tin yêu của quan án sát mà ăn trộm.Với chứng cớ rành rành như vậy, quan án sát sai lính hầu nọc Sinh ra đánh mấy chục hèo rồi đuổi ra khỏi nhà, cũng không quên báo cho song thân của Sinh biết đồng thời làm sớ tâu lên triều đình xin vua không phong quan tước cho Sinh nữa. Cha mẹ Sinh buồn đau, xấu hổ với họ hàng và các quan đồng triều, chửi mắng, không thèm nhìn mặt Sinh nữa. Sinh kể cho song thân nghe về giấc mơ kỳ lạ và cho rằng cô gái trong giấc mơ đã vì thù ghét mà gía họa cho mình. Song thân của Sinh vì quá nhục nhã, xấu hổ, cũng chẳng cần suy xét mà bỏ ngoài tai lởi biện hộ của Sinh, lại còn nghĩ rằng Sinh tìm chuyện hoang đường để chối tội! Sinh buồn rầu, xấu hổ, bỏ cả ăn ngủ, hàng ngày không dám chường mặt ra ngoài đường để khỏi nhìn thấy sự khinh rẻ của mọi người!

Cảm thấy không thể sống với nỗi nhục nhã như vậy được, chờ đêm đến khi mọi người yên nghỉ, Sinh cuốn vội vài bộ quần áo leo tường bỏ nhà ra đi. Cũng chẳng biết đi về đâu, Sinh cứ nhắm hướng Bắc mà đi, ban đêm tiện nơi nào thì ngả lưng, khi thì ngủ chợ, lúc ngủ trong hang động, đền miếu hoang… Sinh lúc này nhem nhuốc , bẩn thỉu như một kẻ ăn xin, không còn cái mẽ của một vị công tử với mảnh bằng tiến sĩ, phong lưu, sang trọng con quan ngày xưa nữa! Sinh làm đủ mọi việc từ khuân vác, quét chợ đến việc mót nhặt củi khô trong rừng đem bán lấy tiền độ nhật, nhiều lúc không có việc làm, không tiền mua thực phẩm Sinh phải vào rừng đào rễ củ hay tìm cây trái hoang mà ăn.

            Một hôm gặp buổi mưa phùn gío bắc, mặt trời đã ngả về tây, từ sáng chưa có gì ăn, cơn đói dầy vò, lại chẳng gặp làng xã để xin ăn. Sinh ướt và run như chuột lột, phải đi sâu vào rừng mong tìm được một hang động trú qua đêm, tránh mưa gío lạnh . Không biết đi được bao lâu, đúng lúc muốn gục ngã thì may mắn gặp một chòi lá đổ nát, rêu phong. Cửa trước chòi lá màng nhện chăng như lưới cá chứng tỏ căn chòi đã bị bỏ hoang, không người ở đã lâu. Bên phía trái chòi có một thửa vườn trồng chuối và cam mọc xen kẽ loà xòa với cỏ lau, phía sau chòi xa xa là dẫy núi không cao lắm, từ triền núi một giòng suối róc rách chẩy xuống một cái hồ nho nhỏ nằm sát chân núi . Dù bị cơn đói, mệt nhọc dầy vò nhưng Sinh cũng không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên, thầm khen cho người nào đã tìm được một chốn sơn thủy nên thơ như thế này mà dựng lên căn chòi làm chốn ẩn cư!

            Chẳng cần biết chủ nhân là ai, sống hay đã chết, đang lúc sôi bụng với đói lạnh, Sinh đi ngay đến vườn cây ăn một bữa no nê rồi mới bước vào căn chòi tìm một chỗ khô ráo mà ngả lưng xuống ngủ. Sáng hôm sau, ánh mặt trời gần đứng bóng, Sinh mới thức dậy, xuống hồ nước tắm rửa xong , bắt vài con cá lên nướng ăn rồi quét dọn căn chòi rồi lại lăn ra ngủ …. Suốt mấy ngày liền cũng chẳng có ai đến làm phiền, trách mắng Sinh cho rằng căn chòi thực sự vô chủ đã có ý định làm chỗ định cư. Đôi lúc nhìn phong cảnh trữ tình, chim bướm hoan lạc ca vui bay lượn trong vườn mà nhớ đến mẹ cha, anh em rồi cảm thương cho thân phận không may mắn của mình. Chỉ vì muốn giữ sắc thái của kẻ sĩ chân chính mà phải chuốc lấy oan trái, tha phương, Sinh lại tức cảnh sinh tình, thi hứng trào dâng mà ngâm thơ vang vọng cả rừng núi.

            Một hôm, gặp buổi trời sắp ngả về chiều, mặt trời vừa nhá nhem sau khe núi, nhìn đàn cá tung tăng trong hồ nước buồn đau mà ngâm rằng (*) :

               Nặng kiếp trước dầy vò chi mãi

               Ngẫm tình này oan trái sao can

               Nghĩ thân mà ngán cho thân

               Một thân mang nợ mấy lần chưa phai

               Chữ bạc mệnh ai ơi xót với

               Câu đa đoan trời hỡi thấu trăng

               ……………

               Dõi đời khoa bảng xuất thân

               Trăm năm lấy chữ thanh cần làm bia

               Họa may cảm động đến trời

               Lấy thân mà trả nợ đời cho thân

               Tờ oan kể hết bao lời

               Hương thề sao chửa tới nơi cửu trùng ?

                                                                           (*) Tự Tình Khúc ( Cao Bá Nhạ )

              

               Đang gặp lúc thi hứng, Sinh ngâm vang cả góc rừng như muốn trút nỗi khổ đau vì oan ức cho thân phận nổi trôi của mình vào mấy vần thơ. Chợt từ lùm cây phía sau chổ Sinh đang ngồi, một cô gái còn rất trẻ, dung nhan tuyệt đẹp, phấn son rất mỹ lệ, yểu điệu trong bộ quần áo trắng, nhẹ như mây nhìn Sinh mỉm cười có tí chọc ghẹo mà đủng đẳng đi đến gần. Nhìn thấy nữ nhân, Sinh cắt ngay giọng ngâm, nhìn cô gái, tự hỏi nơi chốn hoang liêu, vắng vẻ không có bóng người này sao lại có người sang trọng, cao kỳ như vậy?!  Sinh ngẩn ngơ nhìn giai nhân mà hỏi như có phần trách móc:

 

            -Nàng là ai, lén lút đến bên ta nghe ta ngâm nga, làm cho ta mất cảm hứng … đã thế lại còn cười ra vẻ nhạo báng ta gì nữa ? Ta hỏi nàng, không lẽ những vần thơ ta vừa ngâm đã gây cho nàng nhàm chán lắm ru?

            Người đẹp có phần e thẹn, đưa ánh mắt đén nháy nhìn Sinh mà trả lời :

            -Thiếp tên là Tú Vân , họ Vương, gia đình ở phủ Nam Thành, vì không thích ồn ào nơi thị tứ mà dọn nhà đến đây cư trú đã được nhiều năm rồi. Mấy hôm trước vì có việc đi xa, hôm nay trên đường về bất chợt nghe được giọng ngâm thơ buồn bã, than van của công tử mà lén lút vào nghe. Không bị công tử trách mắng đã là may rồi, nhẽ đâu mà dám chê bai thơ phú của kẻ tài năng như công tử được. Xin công tử rộng lòng mà lượng thứ cho.

            Nói xong cô gái qùi xuống chân của Sinh mà lậy ! Sinh lúng túng nhưng cũng mở cờ trong bụng với lời nói nhỏ nhẹ, khéo léo của người đẹp. Sinh cũng cúi xuống lậy trả lễ, nâng cô gái đứng dậy rồi làm bừa ôm chặt nàng vào lòng mà nói nhỏ bên tai mỹ nhân :

            -Mỹ nhân ơi, ta làm sao mà dám trách mắng nàng được dù có phải chết! Chỉ nhìn thấy nàng hồn ta đã phách tán phiêu diêu rồi, nàng không thấy sao? Không lẽ cuộc hội ngộ vô tình này là duyên số tiền định cho chúng ta sống với nhau hay sao ?! Xin nàng đừng xuồng xã .

            Cô gái mỉm cười ra chiều sung sướng nhưng vẫn làm duyên đẩy nhẹ Sinh, đưa ngón tay điểm vào trán Sinh mà đùa cợt :

            -Đúng là miệng mép của kẻ văn chương có khác! Nói ngọt và khôn ngoan như đường phèn thì chắc cũng là giống đa tình, lãng mạn đây?

            Sinh thấy cô gái dễ dàng, không những chẳng bỏ tay ra mà còn ôm ghì người đẹp vào lòng mình mà sờ soạn muốn ăn sống nuốt tươi, mà còn muốn đè cô gái ra đòi chuyện ái ân! Cô gái thấy Sinh làm quá, nghiêm nét mặt, lấy hết sức đẩy bật Sinh ra giận giỗi mà mắng rằng :

            -Sao chàng lại làm cái chuyện khó coi như vậy ? Thiếp nhìn con người chàng đâu phải là kẻ hạ lưu, vô học mà không biết đây là đâu, có phải là chốn để chúng ta làm cái chuyện lố lăng như vậy được ?! Huống chi, nếu thiếp không có tình ý với chàng mà dám gặp gỡ chàng ở chốn hoang vắng này hay sao ?! Chuyện chúng ta gần nhau chẳng có gì để chàng phải lo xa mà thất vọng, xin chàng đừng làm quá đáng mà mất đi cái đẹp đẽ, nên thơ của lần hội ngộ !

            Nghe nàng trách mắng, Sinh có vẻ xấu hổ, qùi ngay xuống chân người đẹp mà than thở, biện luận rằng:

            -Ta chỉ vì quá yêu nàng mà sinh ra như vậy, mong nàng hiểu cho. Huống chi ta cũng là con trai mới lớn, sức vóc cuồn cuộn lại ngửi được mùi thơm tho, mềm mại của da thịt nàng giữa chốn hoang vắng như thế này thì làm sao mà không điên vì mê mẩn cho được. Nghe nàng nói vậy, đã có ý cảm thương mà không trách mắng chê bai ta mà nàng sợ nơi đây không kín đáo sao? Nếu thế xin nàng theo ta vào ngôi thảo lư kia, nơi ta cư ngụ để cho ta được phỉ nguyền ước muốn.

            Nhìn nét mặt đờ đẫn như ngu dại cuả Sinh, Tú Vân có vẻ như có phần nào cảm thương, cúi xuống nâng Sinh đứng dậy, phì cười ôm lấy Sinh mà nói nhỏ bên tai:

            -Sao chàng vội vã qúa vậy? Trước sau gì thì thiếp vẫn là của chàng mà.Còn vào chòi lá xiêu đổ kia ư? Nơi đó không có rượu Bồ Đào nhấp giọng, không có đồ nhắm ngon chiêu đãi thiếp thì chàng mời thiếp vào đó làm chi, mà làm mất vui duyên kỳ ngộ của hai ta lắm ru! Thôi thì nhà thiếp không xa, chỉ đi bộ độ năm, ba trăm bước rồi quẹo tay trái, vào con đường mòn ở chân núi là đến mà thôi ! Chắc chàng mới đến, chưa biết mà chưa kịp ra mắt hàng xóm đó mà thôi!Nhà thiếp dù ở chốn hoang dã nhưng vẫn có đủ rượu ngon, thịt nướng để thiết đãi khách. Xin chàng đừng chối từ mà làm mất đi niềm vui của lần tao ngộ !

            Nói xong, Tú Vân chẳng để cho Sinh trả lời mà hỏi tiếp:

            -Thiếp thật là đoãng trí, nói chuyện cả nửa ngày mà chưa biết chàng là ai, quê qúan nơi đâu, vì nỗi khổ tâm gì mà phải tìm đến nơi khỉ ho, cò gáy này ẩn cư ?

            Sinh ôm ghì người đẹp vào lòng âu yếm rồi trả lời:

            -Ta họ Bành, tên gọi là Viên Sinh, người chính gốc đế kinh. Chỉ vì quá liêm khiết, muốn giữ danh tiếng cho tổ tiên mà bị người ta thù ghét tìm cách gia hại đến nỗi phải bỏ nhà ra đi làm kẻ cuồng sĩ, không nhà, lang thang kiếm sống như vậy đó. Gặp nàng hôm nay như là một kỳ ngộ, chắc ta và nàng có duyên cơ tiền định chi đây. Nàng đã nói như vậy, thôi, hãy dẫn ta về nhà, ra mắt gia đình nàng cho hợp với lễ giáo phu thê, sau này ta sẽ kể cho nàng nghe nỗi truân chuyên của ta mà thương cảm.

            Mỹ nhân đưa tay cốc nhẹ vào đầu Sinh mỉm cười vui thú mà trách:

            -Chàng vì mê mẩn mà tối dạ đến thế sao ? Thiếp đã nói rồi, vì không thích ồn ào chốn thị tứ mà dọn đến đây đã mấy năm nay, chàng đã quên rồi ư ? Thiếp sống với một con bé tì nữ tên gọi Lạc Nhi lo chuyện chợ búa và một lão bộc gọi là lão Tứ chuyên lo bếp núc. Chòi lá kia do lão Tứ dựng lên để ngồi câu cá, trồng cây lúc rảnh rỗi đó. Mấy tháng trước lão bị bệnh già mà chết, chòi bị bỏ hoang rồi ngẫu nhiên chàng đến mà gặp thiếp hôm nay vậy. Hiện nay chỉ có thiếp và Lac Nhi sống với nhau mà thôi.

            Hai người đi chậm chạp cũng chỉ một lúc, qua vài khúc quanh theo chân núi thì đến nhà của Vân. Căn nhà bằng gỗ rất đẹp,xây theo kiểu nhà cổ hãy còn rất mới. Đến gần mùi thơm của gỗ vẫn còn thoang thỏang trong gío ẩn nấp dưới táng rộng lớn mát mẻ của vài cây cổ thụ. Chiếc sân khá rộng trồng đầy hoa, góc sân một hòn gỉa sơn đứng giữa một hồ nước nhỏ xây bằng đá tảng, một giòng nước nhỏ từ con suối ven chân núi rỉ rả chảy vào. Đúng là nơi tuyệt hảo cho những ai muốn sống thanh tịnh, lánh xa ồn ào chốn nhân gian.

            Bước vào nhà, Sinh như bị lạc vào vào một thế giới thần tiên, phòng khách được trình bầy rất đơn sơ với bộ tràng kỷ bằng gỗ qúi mầu nâu bóng lóang, xếp quanh chiếc bàn cũng mầu nâu sạch, bóng như gương. Giữa mặt bàn để bộ ly tách uống trà khảm sà cừ hình chim phượng hoa cảnh rất đẹp. Tường phía trái treo một chiếc đàn tỳ bà và hai ống sáo,  bên phải treo nghiêng nghiêng chiếc đàn thập lục huyền cầm và cây đàn tam! Vách tường cuối phòng khách có 2 cửa ra vào ăn thông với phòng khác, giữ 2 cửa ra vào treo một bức họa sơn thủy mầu sắc mùa xuân ướt át rất nhẹ nhàng. Chỉ nhìn thoáng qua vẻ trang trí, bất cứ ai khi bước vào căn nhà đều mang trong đầu hình ảnh xanh tươi từ những khóm hoa, cây cỏ trong sân, rồi khi nhìn thấy bức tranh sơn thủy chắc chắn sẽ cảm nhận được cái mát mẻ, thoáng đãng của thiên nhiên. Với sự trình bầy hài hoà, trang nhã, kèm theo nhiều lọai nhạc cụ như vậy dù khách là kẻ ngu ngốc cũng nhận thấy chủ nhân không những là một người có mắt nghệ thuật trình bầy mà còn là một nghệ sĩ đa tài nữa.

            Viên Sinh dù là một cậu ấm con quan, lại sống ở đất kinh kỳ, gia cảnh thuộc hàng giàu có, sang trọng, không đến nỗi lạ lùng với phú qúi văn minh mà cũng phải ngẩn ngơ khi đứng trước vẻ đơn sơ, ẩn hiện nét hài hoà trong nghệ thuật trang trí của chủ nhân. Hình như nhìn thấu suy tư của Sinh, Tú Vân nắm tay Sinh kéo ngồi xuống ghế tràng kỷ rồi lả lơi mỉm cười nhìn Sinh mà nói rằng:

            -Chàng hãy ở đây với thiếp, có riêng một thư phòng cho chàng ngâm thơ vịnh phú, làm văn. Có chỗ đàn sáo để thiếp và chàng họa văn, tấu khúc…Ở đây chẳng có ai làm phiền chúng ta cả.Thiếp ở đây gần như rất cô quạnh, cả năm mới có một vài khách đến thăm vì vậy có chàng chắc đời sống của thiếp là bớt được  nhiều phần nào tịch mịch.

            Nói xong, người đẹp, chẳng ngại ngần ngả hẳn vào lòng Sinh mà áp má, kề môi lả lơi nũng nịu. Sinh từ ngày mới lớn, đây là lần đầu tiên gần nữ sắc thì làm sao mà cưỡng được?! Lòng Sinh như si, như dại muốn xé rách y trang của mỹ nhân  mà thỏa lòng mong muốn nhưng vì chiếc tràng kỷ dù rộng lớn nhưng vẫn thiếu phần êm ái, lại thêm con bé Lạc Nhi cứ đi ra đi vào hầu hầu, tiếp tiếp làm Sinh có vài phần ngượng ngập mà không dám xỗ xàng qúa đáng.

            Rồi chẳng mấy chốc, đêm đã về khuya, ánh trăng lưỡi liềm đã xuyên qua khe cửa, Vân đứng dậy kéo Sinh vào tư phòng mà chung chăn gối! Thôi thì trai hung hăng mới lớn, lần đầu tiên biết chuyện trăng hoa lại sức bền vai rộng. Gái lưng eo, cô đơn nơi núi rừng thôn dã … biết mức nào mới gọi là chán ngán ái ân ?  Đúng là đồng cỏ khô gặp trận mưa rào thấm đất, ong bướm đầu xuân lạc rừng hoa đang thời nở rộ …Thôi thì trăm điều thỏa mãn giấc vu sơn .

            Ba tháng trôi qua, lúc thì cùng nhau xướng họa thơ văn, ngắm hoa thưởng nguyệt, khi thì lấy men rượu làm thú ca ngâm, đàn địch, chẳng muốn rời nhau nửa bước.Chuyện ái ân, giường chiếu cũng không vì quen hơi mà chán ngán, bỏ bê. Sinh cũng chẳng hơi đâu mà nhớ đến vần thơ than vãn nỗi buồn đau vì oan kiên mà giảm đi phần khoái lạc!

            Một hôm Vân cho biết phải đi ra phố mua thực phẩm để đãi người chị họ từ xa hẹn đến chơi và cũng muốn gặp Sinh cho biết vì nghe Vân khen Sinh là người tài gỉoi. Nào là xuất khẩu thành thi, đàn ngọt hát hay lại phong nhã hơn người, xứng đáng là bóng hình trong mộng của nữ nhân …Trước khi rời nhà, Vân nhéo mắt, tủm tỉm cười nhìn Sinh, ỡm ờ mà dặn rằng:

            -Thiếp cố gắng đi nhanh mà về cho kịp tiếp khách, nhưng nếu vướng bận mà chậm trễ xin chàng vì thiếp mà tiếp đãi hộ. Nếu có hàn huyên tâm sự với chị ấy thì xin chàng cũng đừng quá mức để làm chuyện lố lăng mà mang tiếng bội tình với thiếp đó nhe !

            Sinh ôm lấy Vân hôn như rãi hoa vào mặt mà thề thốt :

            -Ta thề với nàng là không có chuyện đó, nàng thử nhìn xem thế gian này còn ai xinh đẹp hơn nàng để ta phải si mê mà làm kẻ bội tình, huống chi ta có ngu đần đâu mà làm chuyện thả mồi bắt bóng. Xin nàng hãy an lòng, đừng lo bóng sợ gío mà mất vui khi đón khách.

            Nghe nói thế, Vân cười nắc nẻ, rúc đầu vào ngực ý trung nhân mà an ủi:

            -Chẳng qua là thiếp thử chàng đó mà thôi. Mà ví dù chàng có mê chị của thiếp mà làm chuyện bướm ong thì cũng là thường tình như lửa cháy gần rơm, đâu có gì qúa đáng mà phải hờn ghen cho mất tình chị, tình em.

            Nói xong, lên ngựa mà đi. Sinh ở nhà một mình, cảm thấy cô tịch mang đàn, sáo ra so giây, nắn phím mà giải khuây bên bàn rượu. Được một lúc, khi đã ngà ngà say chợt từ ngoài sân tiếng đập cổng cùng với tiếng của nữ nhân vọng vào:

            -Tú Vân tiểu muội đâu ra mở cổng cho thư thư. Mau lên, hay lại đang bận rộn với chuyện ong bướm vờn hoa với chàng mà mê mẩn quên bà chị xấu xí đến thăm. Chị cũng đang phòng đơn, gối chiếc, muốn có tình lang mà quên niềm tịch mịch đây!

            Nữ lang nói xong rồi cười nắc nẻ. tiếp sau nghe tiếng con bé hầu Lạc Nhi đối đáp:

            -Bạch cô nương đó phải không ? Lâu rồi không thấy cô nương đến chơi, Tú Vân tiểu thư  của muội, vừa đi lên phố để mua thức ăn về khỏa đãi cô nương, giờ vẫn chưa về.Sao Bạch cô nương lại đến sớm thế? Tiểu nữ được biết mãi đến tối cô nương mới đến mà! Nhưng thôi chẳng có gì khó khăn cả, xin mời Bạch cô nương vào nhà đi, Tú Vân tiểu thư đã dặn Bành công tử thay tiểu thư mà tiếp đãi cô nương rồi.

            Sau vài tiếng lục cục mở cổng, rồi tiếng di động của bước chân đi vào sân rồi một nữ lang đi sau con bé Lạc Nhi thấp thóang sau vài cành hoa trong vườn. Đúng là một tuyệt thế giai nhân, dung nhan lộng lẫy, môi đỏ, má hồng, chưa bước vào nhà đã phát ra mùi thơm dịu mát của phấn hương. Tà áo bằng lụa nhiều mầu sắc phất phơ theo nhịp bước, làn gío nhẹ trong sân làm tăng vẻ uyển chuyển như cung nữ đang múa hát chốn hoàng cung. Đúng là một giai nhân khuynh nước, đổ thành.

            Khi nữ nang đi qua hết khỏang sân rộng , tiến đến ngưỡng cửa của căn nhà. Sinh và nữ nhân nhìn thấy nhau, cả hai ngẩn ngơ chau mày cùng đưa tay lên dụi mắt như để xác định thị giác của mình có phải đang nhầm lẫn không!? Nữ lang đứng khựng lại trước căn phòng khách, cặp mắt mở to, ngạc nhiên đến độ quên bẵng lời chào hỏi thông thường , mãi sau mới bâng quơ nhìn Sinh mà hỏi rằng:

            -Không phải là Bành Viên Sinh công tử đó hay sao? Sao công tử lại ở đây ?

            Sinh giuơng mắt nhìn Bạch Minh Duyên, với tí lạnh lùng mà trả lời:

            -Chính ta đây, ngươi còn không biết xấu hổ, dám làm những chuyện ti tiện hãm hại ta mà còn dám mở miệng ra hỏi ta như vậy sao ? Ta không ngờ mà còn tiếc rẻ cho ngươi có khuôn mặt xinh đẹp như vậy mà lại có một tấm lòng hiểm độc như rắn rết. Ngươi đang gỉa vờ hay vì bản chất điêu ngoa mà không biết vì ngươi mà ta đã phải bỏ nhà cửa ra đi để trốn tránh những lời khinh rẻ của thế nhân. Chỉ vì ta không tán tận lương tâm, làm nhục tổ tiên mà không vì ngươi mà làm những chuyện thất đức hãm hại người vô tội như ngươi yêu cầu để rồi đã bị ngươi vu oan gía họa cho ta. Làm ta phải tha phương cầu thực, phải tan nát đường công danh như ngày nay!?

            Minh Duyên mỉm cười, chẳng có gì tỏ ra bực tức với lời xỉ nhục của Sinh, mà còn tiến đến gần đưa bàn tay trắng muốt , búp măng lên vuốt nhẹ má Sinh mà đáp rằng:

            -Công tử ơi, Công tử xỉ nhục ta đã quá đủ chưa ? Có bao giờ công tử nhìn thấy nét mặt của mình xấu ra sao khi nóng giận không ? Huống chi, nhờ ta mà công tử mới có dịp gặp gỡ cô em họ xinh đẹp như tiên nữ của ta! Đó không phải nhờ ta đã đem may mắn cho công tử sao ?

            Đờ đẫn với nụ cười tươi như hoa hồng nhung buổi bình minh lại thêm cái mềm dịu của bàn tay người đẹp vuốt nhẹ trên má, Sinh mất đi vẻ nóng giận ban đầu, nhỏ nhẹ mà đáp:

            -Vậy chẳng nhẽ, nàng còn muốn ta phải cám ơn sao?

            -Thiếp không cần công tử cám ơn nhưng ít ra công tử cũng phải hỏi ra đầu, ra đuôi rồi có mắng ai thì mắng chứ ? Nhưng thôi thiếp chẳng cần cãi vã với công tử về vấn đề này nữa, chúng mình sẽ nói sau này. Bây giờ công tử tính làm sao đây khi cô em của thiếp nhờ công tử tiếp đãi, chiều chuộng thiếp, không lẽ công tử dám chửi mắng thiếp để thiếp tức giận mà bỏ về sao?

            Nói xong Minh Dyên cười vui kéo Sinh đến ngồi trên chiếc tràng kỷ rồi sà vào lòng mà áp má, kề vai nũng nịu lời đường mật. Môt phần vì ngại không trọn vẹn lời hứa với Tú Vân, một phần vì mê mẩn với sự chiều chuộng, vuốt ve của Uyên, lại thêm mùi thơm da thịt của người đẹp cứ đập vào mũi… Sinh chẳng còn ý chí đâu mà cầm lòng cho đặng, cũng ôm lấy Uyên mà hôn lấy hôn để.

            Con bé hầu Lạc Nhi đứng nhìn hai người ôm ấp nhau mà cười thích thú, chẳng có ra vẻ gì là ngạc nhiên cả. Duyên quay sang nó mà sai bảo:

            -Ngươi còn đứng đó mà cười sao? Ta đang đói đây, nhà có gì ngon mang lên đây cho ta và công tử ăn, nhớ mang chai rượu ngon nhất của tiểu thư người lên đây nữa nhe!

            Lạc Nhi ngoan ngoãn vâng dạ, mau mắn mang lên một khay đồ ăn cho hai người rồi đi ra khỏi phòng khách. Thôi thì cơm no giỡn cật, rượu ngon thấm giọng lại làm nóng tâm tư thì làm sao mà trang nghiêm cho nổi ?! Được một lúc, chai rượu cũng đã cạn gần hết. Uyên chẳng cần biết nhà của mình hay của ai, kéo Sinh đứng dậy đi vào phòng riêng của Vân mà xây mộng vu sơn. Sinh cũng chẳng còn đầu óc đâu mà nghĩ đến chuyện chung tình hay bội phản. Trước mắt chỉ cảm thấy sung sướng vì không đâu mà có thêm một người đẹp để ái ân . Ôi thôi, nói sao cho xiết, Sinh gặp của ngon vật lạ mà trổ hết tài thao lược gối chăn. Duyên gái đang độ xuân tươi lâu ngày kín cửa khóa phòng gặp dịp may, mạnh như nước lũ vỡ đê.

            Chán chê cho mãi đến mặt trời đã ngả về Tây, cả hai vẫn còn xoắn xuýt bên nhau mà quên trời, quên đất, thân xác mệt phờ nhưng tình thì vẫn chưa có mòi chán ngán. Đúng lúc đó con bé Lạc Nhi xồng xộc mở cửa phòng mà nói :

            -Công tử ơi , Tú Vân tiểu thơ đã về!

            Sinh đang nằm ôm Duyên, nửa ngủ nửa thức, nghe thấy vậy giật mình ngơ ngác, sợ hãi đến nỗi luống cuống chân tay chẳng biết làm gì. Mãi sau mới có tí hoàn hồn, đẩy Minh Duyên ra có ý đứng dậy . Nhưng Duyên không những không có vẻ sợ mà còn quàng tay ra kéo Sinh vào lòng mình mà nói:

            -Có gì đâu mà cuống nên như vậy! Chàng với ta biết nhau trước nhưng chỉ vì chưa gặp duyên tái ngộ mà phải xa nhau. Hôm nay vì ngẫu nhiên ta đến đây chơi mà gặp lại chàng thì cũng là chuyện tha phương ngộ cố nhân, tình nhân lại ngộ tình nhân, có lạ gì đâu mà chàng phải lo sợ ! Huống chi em của ta đâu có phải là người khắt khe về vấn đề giuờng chiếu mà chàng phải lo lắng cho khổ thân như vậy?!

            Không biết từ lúc nàoVân đã đứng ngay ở cửa phòng, nghe tất cả lời Duyên nói. Đưa tay chỉ vào hai người còn tồng ngồng trên giường của mình, mà trách:

            -Không biết xấu cái mặt, đã chiếm đọat chồng của người ta mà còn miệng loa, mép giải, lý sự lật lọng như thế sao ?!Em hỏi chị từ đâu mà chị nói đã biết chàng từ trước, lại còn lấy phòng riêng của em làm chuyện khó coi, không phải là kẻ vừa đánh trống vừa ăn cướp hay sao mà còn lẻo mép?!

            Hướng mắt sang Sinh, Vân biủ môi, giận giỗi mà rằng :

            -Mới buổi sáng thề với thốt mà buổi chiều đã nuốt lời, giở trò phản bội! Chàng có còn là người để thiếp tin tưởng được nữa hay không ? Thôi xin chàng thu dọn quần áo mà đi khỏi nơi này cho khuất mắt để khỏi phải nhìn thấy nhau mà thêm bực mình.

            Duyên chẳng thèm chú ý đến sự giận dữ của Vân, với tay lấy chiếc khăn trải giuờng cuộn vào thân mình, ngồi dậy mà nói:

            -Để chị kể rõ cho em biết về chuyện trong hoàn cảnh nào mà chị gặp chàng kẻo em lại bảo chị vì sợ em mà phải nói dối.

            Rồi quay sang Vân, Duyên chậm rãi kể chuyện đã gặp Sinh để nhờ vả việc báo thù kẻ giết song thân, rồi bị Sinh từ chối không giúp mà sinh ra thù hận. Sau đó Duyên đã nhờ một con hầu trong nhà quan án sát để ăn cắp hộp nữ trang của phu nhân quan án sát rồi đem bỏ vào thư phòng của Sinh, vu oan, giá họa cho Sinh khiến Sinh bị đánh hèo và phải bỏ nhà đi vì nhục nhã.

            Nghe xong lời phân trần của Duyên, Vân có phần cảm động, bước đến ôm lấy Duyên, nước mắt chẩy quanh mà nói :

            -Hai bác đã mất, sao chị không báo cho em biết sớm hơn? Còn chuyện giữa chị với chàng em cũng đã nghe chàng kể rất kỹ rồi, nhưng em không ngờ người phụ nữ làm hại chàng lại là chị ! Thôi, em cũng xin chị hiểu cho hoàn cảnh oan ức của chàng mà tìm cách minh giải hộ, kẻo tội nghiệp chàng. Còn chuyện chị là người quen biết chàng trước em thì cũng đã rõ mười mươi, em hiểu rồi. Tuỳ chị tính sao thì tính, chị dậy thế nào em cũng bằng lòng vì em là kẻ đến sau mà .

            Nói xong, Vân ôm mặt khóc nức nở ra chiều đau khổ mà tự thán rằng:

            -Tại sao ông trời lại nỡ đối xử với ta như thế nhỉ ? Tưởng rằng nhờ có chàng mà cuộc sống hiu quạnh, đơn điệu của ta ở góc rừng sâu này đi vào dĩ vãng, nhưng bây giờ thì tất cả chỉ còn là ảo mộng mà thôi !

            Nói xong lại ôm mặt khóc to hơn, Duyên thấy cô em họ khóc than mà động lòng, ôm cô em vào lòng đưa tay gạt nước mắt cho em mà nói rằng :

            -Chị hiểu em rồi, thôi, chàng không còn của riêng ai nữa mà của chị em ta , em nghĩ sao ?! Chị đến thăm em, nhưng thật ra cũng muốn nhờ em một việc. Từ khi song thân chết , hai đứa em của chị cũng đã lập gia thất, dọn nhà đến địa phương khác, chị sống một mình lại chẳng quen biết ai, cảm thấy thấy cô quạnh quá. Lần này đến gặp em, muốn nhờ em tìm cho chị một chốn an thân, ở gần em để chị em ta sớm tối có nhau cho đỡ phần cô tịch.

            Im lặng một chút ra vẻ lưỡng lự, ngập ngùng, Minh Duyên nói tiếp:

            -Nhưng với hoàn cảnh này, thì lại dở mà hoá hay chị em ta cùng có chàng vậy. Còn chuyện giải oan cho chàng thì chị đã làm xong vài ngày trước khi đến đây rồi. Chị đã nhờ người khác tố cáo con nữ tỳ đã ăn cắp hộp nữ trang giá họa cho chàng rồi. Quan án sát rất ân hận vì đã xử oan chàng, ông ta cũng đã gửi sớ lên vua và triều đình xin minh oan, phục lại danh chức cho chàng rồi.

            Sinh nằm trên giường nghe hai người đẹp bàn luận về mình mà khấp khửng mừng thầm vì được cả hai người đẹp như mộng chiếu cố, đã thế nỗi oan của mình cũng đã được giải bầy, thanh bạch hoá rồi. Đã tưởng rằng bị nạn sát thân ai ngờ lại hữu duyên ngộ phúc đức mà được cả chì lẫn chài. Mừng đến nỗi đang định đứng dậy mà quên mình vẫn đang tồng ngồng như nhộng!

            Vân nhặt lấy đống quần áo còn vương vãi trên nền nhà liệng lên giường, tủm tỉm cười nhìn Sinh mà nói:

            -Mặc quần áo vào chứ, không lẽ muốn để cho hai chị em thiếp ngắm nghía mà động lòng nữa hay sao? Lao Ái đời Tần chỉ có một Đế Thái hậu, ngày nay chàng có hai Thái hậu, xin chàng cố gắng giữ gìn sức khoẻ, ăn uống tẩm bổ mà phục dịch chị em thiếp nhe !

            Nói xong cả hai chị em ôm lấy nhau mà cười rũ rượi!

Từ đó Sinh tha hồ mà tung hoành chuyện gối chăn, chẳng kể đêm ngày.Hai người đẹp Minh Duyên, Tú Vân cũng chẳng kém thay nhau mà hưởng thụ bướm hoa mà quên cả thời gian xuân qua, hè đến.… Thời gian như chim bay qua cửa sổ, đã hơn một năm đi qua. Một hôm ngồi giữa bàn tiệc nhìn đàn chim én nhắm phương nam mà sải cánh bay qua, Sinh giật mình khi biết mình xa nhà đã lâu,. Chuyện oan trái đã được giải quyết, chẳng còn lý do gì để phải trốn tránh nơi rừng sâu núi hiểm này nữa. Cảm thán cho nỗi cô đơn Sinh so giây, bấm phím ngẫu hứng mà lẩy mấy câu Kiều:

            …………..

               Buồn trông cửa bể gần hôm

               Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

               Buồn trông ngọn nước mới sa

               Hoa trôi man mác, biết là về đâu

               Buồn trông nội cỏ dầu dầu

               Chân mây, mặt đất một mầu xanh xanh

               Buồn trông gío cuốn mặt ghềnh

               Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

               ………

               Tấc lòng cố quốc, tha phương

               Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời

               Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

               Đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm.

 

            Vân, Uyên nhìn nét khác lạ trên mặt Sinh mà dọ hỏi nguyên do,Sinh cũng thật lòng phân trần, ý muốn trở về kinh kỳ, trước là thăm gia đình, sau là muốn bước vào quan trường cho xứng danh kẻ sĩ, thông hiểu sách thánh hiền tìm kiếm phong hầu cho rạng danh gía tổ tiên. Sinh cũng cho hai mỹ nhân biết là sau khi an định cuộc sống sẽ đón hai người về cho đúng nghĩa phu thê.

            Nghe Sinh tỏ bầy, cả hai khóc mà nói với Sinh rằng:

            -Không lẽ hai chị em thiếp đã làm điều gì khiến chàng phật ý mà phải bỏ đi chăng ?

            Đáp :

            -Xin hai nàng đừng nghĩ sai lòng ta mà làm cho tình yêu của chúng ta giảm bớt! Tình ta đối với hai nàng ra sao thì các nàng đã biết rồi. Nhưng không lẽ bao năm dùi mài kinh sử, học vấn thánh hiền ít ra ta cũng mang một bồ trong tim óc mà lại phải chôn thân ở chốn hoang dã, tịch mịch này suốt đời mãi hay sao ? Huống ta chỉ xa hai nàng ít lâu mà thôi chứ có vĩnh biệt nhau đâu mà hai nàng phải sợ như vậy.

            Dùng đủ mọi lời khuyên ngăn, cố thay đổi ý muốn của Sinh, nhưng thấy ý Sinh đã quyết. Vân vào nhà lấy cho Sinh một cái áo bằng lông da cáo, cẩn trọng đưa tận tay Sinh, buồn bã mà nói rằng:

            -Thôi ý chàng đã quyết như vậy, chị em thiếp cũng không còn dám can ngăn nữa. Việc gặp lại mai sau chẳng biết thế nào mà nói trước được. Chị em thiếp đưa tặng chàng bộ áo này, xin chàng đừng coi thường mà làm hư hỏng. Nếu chàng muốn gặp lại chị em thiếp, khi vừa đúng tuổi tứ tuần, chàng mặc cái áo này vào người rồi đến đây tìm chị em thiếp. Mong chàng nhớ kỹ điểm thời gian, đừng vô tâm mà quên lãng để rồi chúng ta không bao giờ gặp được nhau nữa.

            Sáng sớm hôm sau Tú Vân, Minh Duyên và cả con bé Lạc Nhi đều khóc mà tiễn Sinh lên đường.Trước khi buông tay cho Sinh lên ngựa, hai nàng khóc nức nở mà nói :

            -Lang quân chàng ơi, lần từ gĩa này chẳng biết chị em thiếp có còn gặp lại chàng nữa hay không? Xin chàng nhớ đúng ngày sinh nhật tứ tuần mặc chiếc áo lông da cáo đến đây để chúng ta lại gặp nhau. Chị em thiếp sẽ hoan vui mà đón lang quân đó. Xin chàng đừng coi thường lời thiếp dặn quên lãng mà phụ lòng yêu thương của chị em thiếp nhé !

            Sinh vẫy tay mà đáp:

            -Chỉ tạm thời chia tay mà sao hai nàng bi thảm thế! Ta sẽ không quên đến đón hai nàng ngay khi công việc đâu vào đó, hai nàng đừng lo!

            Sinh trở lại đế kinh trong mừng vui của gia đình vì đã giải được nỗi oan mà lại còn được tiếng thơm là người liêm chính. Quan án sát hối hận vì nghi oan mà đánh đòn Sinh, gửi sớ xin từ chức, nhà vua chuẩn y lời xin và theo đề bạt của quan án sát cho Sinh thay vào chỗ khiếm khuyết đó. Song thân thấy Sinh đã đến tuổi lập gia thất, nhiều lần có ý nhờ mối mai nhưng Sinh vẫn không quên được Vân, Uyên mà tìm mọi lý do mà chối từ. Ban đầu gia đình cũng có ý phiền muộn vì Sinh không để ý đến chuyện gia thất nhưng mãi rồi cũng chán mà không ép buộc nữa.

            Mấy tháng đầu tiên vì vui mừng gặp gia đình, lại thêm nhiều việc phải đa đoan, nhờ bận rộn, lo lắng mà Sinh không nhớ đến tình nhân. Nhưng khi công việc đã đâu vào đó, Sinh không quên được Vân,Duyên đêm ngày tưởng nhớ. Nhất là ban đêm mình đơn gối chiếc lại nhớ đến những lúc quây quần với hai giai nhân mà tiếc nuối. Cho đến một hôm không thể chịu được nữa, Sinh cùng một đứa gia nhân tìm về chốn cũ có ý tim hai ý trung nhân để xếp đặt ngày rước về kinh thành chung sống. Trước là thoả lòng nhung nhớ, sau là vẹn toàn lời hứa lúc chia tay.

            Nhưng đến chốn xưa, chỉ thấy núi rừng hoang vu, phong cảnh hoàn toàn khác lạ. Chòi lá, vườn chuối, căn nhà gỗ kiến trúc theo kiểu cổ, chiếc sân quanh năm bướm bay hoa nở nơi mà Sinh đã sống với Vân, Uyên hơn năm trời không thấy đâu, tất cả đã biến mất. Nhìn những gốc cây già cành lá xum xuê, giây leo chằng chịt, không có dấu vết gì cho thấy nơi đây đã có người sinh sống . Sinh ngỡ ngàng, tưởng rằng mình lầm lẫn, nhưng khi nhìn thấy dẫy núi và giòng suối quen thuộc ngày xưa , Sinh mới chắc chắn không sai.Lấy làm lạ Sinh đi sâu vào nhửng lùm cây thấy một hang đá ẩn sâu trong vách núi, trong hang vương vãi nhiều lông cáo, nhưng cũng có vẻ đã cũ, bốc mùi ẩm ướt, màng nhện chăng đầy hang cho thấy lũ chồn cáo cũng đã bỏ hang đi từ lâu rồi.

            Sinh có ý nghi ngờ, trở lại kinh thành, xem lại hồ sơ của người thương gia hương liệu Công tôn Chỉ ngày xưa. Cho người gọi đến để tra hỏi sự tình chuyện bị vu cáo ngày xưa, người thương gia cho biết, vài ngày trước khi bị bắt vì uống rượu say mà làm bể đèn của tửu lầu, anh ta có vào khu rừng ở bìa kinh thành để săn bắn. Bất chợt thấy 5 con cáo đang đùa dỡn ở một kùm cây, anh ta giương cung lên bắn chết 2 con lớn nhất, 3 con kia nhỏ hơn nhanh chân chạy vào lùm cây biến mất. Lúc đó còn sớm, anh ta không muốn mang theo xác hai con cáo cho nặng người vì vậy anh ta đã treo 2 xác con cáo lên cành cây, khi trở về sẽ lấy. Nhưng buổi chiều trở về không thấy xác 2 con cáo đâu, người thương gia cho rằng đã bị ai lấy cắp nên cũng chẳng thèm tra kiếm làm gì cho mất công.

            Nghe người thương gia kể, Sinh mới biết rằng mình đã sống hơn một năm với hồ ly tu luyện mà biến hoá thành người. Nhưng nhớ lại hơn một năm trời chung sống, toàn là kỷ niệm đẹp đẽ chân tình, so với người nhân gian còn tốt hơn nhiều. Nghĩ như vậy Sinh vẫn nhớ yêu họ và ước áo thời gian qua mau để đến tuổi tứ tuần đi tìm họ để trọn nghĩa ân tình.

            Rồi thời gian như chim nay ngoài cửa sổ, năm cũ qua đi, năm mới lại đến. Đàn én báo xuân đã bao lần sải cánh từ bắc hướng nam. Song thân Sinh cũng đã già mà mất, anh em của Sinh cũng công thành danh toại. Sinh nổi tiếng là vị quan án sát thanh liêm, công minh, rất đạo đức, đặc biệt Sinh vẫn độc thân. Nhà vua và nhiều vị quan đồng triều cảm thương cho cảnh đơn chiếc của Sinh mà bao lần mối mai mong tìm Sinh một người vợ để sửa túi nâng khăn giống như mọi người nhưng Sinh vẫn tìm đủ mọi lý lẽ khéo léo mỉm cười mà chối từ.

            Đến một ngày, khi gần bước sang tuổi tứ tuần, Sinh thu gom tất cả bổng lộc có được trong gần 20 năm làm quan cũng như tài sản của cha mẹ để lại… niêm phong gửi lên vua xin cho vào công qũi để làm việc cứu tế, giúp đỡ người nghèo rồi xin nhà vua cho về hưu. Sau đó người ta thấy Sinh khoác chiếc áo lông da cáo cưỡi lừa, rời bỏ kinh thành lên hướng bắc vào rừng và biến mất. Chẳng ai biết Sinh đã đi đâu, có người cho rằng Sinh đã vào rừng sâu mà tu tiên.Nhưng có người lại thấy Sinh cùng với hai người phụ nữ rất xinh đẹp, qúi phái cùng vui đùa với hai đứa con nhỏ trong rừng ….

 

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: