Một hôm Khổng Tử và một người học trò đi du hành ở miền quê. Hai thầy trò đi qua một cánh đồng, nơi đó một bác nông dân cùng với con trâu đang gò mình dưới trời nắng chang chang cày ruộng.
Vì ruộng ở triền núi, đất không bằng phẳng lại có nhiều đá cuội cho nên thỉnh thoảng con trâu bị bước bỗng! Chiếc cầy lúc ngả sang trái, lúc nghiêng sang phải. Người nông dân phải cố gắng lựa lách để giữ thăng bằng cho lưỡi cầy luôn luôn cắm sâu xuống đất không bị hất lên khỏi mặt ruộng.
Thầy trò Khổng Tử đứng lại xem, ra chiều ái ngại với sự cực nhọc của người cày ruộng. Người học trò ra điều ta đây là người thông thái có ăn học, đưa tay chỉ bảo người nông dân phải làm thế này, thế nọ đối với con trâu để giữ cân bằng làm cho lưỡi cày đi lên, đi xuống hợp với thế đất.
Người nông dân đang lúc mệt nhọc dưới ánh nắng chang chang làm sao có thể chấp nhận được những lời phê phán kịch cỡm, vô tích sự của một kẻ chẳng biết gì, đứng ngoài nói bậy nói bạ! Ông ta im lặng, không làm việc nữa, bỏ chiếc cầy xuống, dẫn con trâu đến một dòng nước ở bên cạnh bờ ruộng, lấy tay tát nước lên rửa tai cho con trâu. Khổng tử nhìn hành động của bác nông dân chẳng hiểu gì cả, lên tiếng hỏi ông ta rằng:
-Ngươi đang cầy, tại sao lại bỏ đi, dẫn trâu đi rửa lỗ tai?
Bác nông dân trả lời Không Tử rằng:
-Thưa ngài tôi sợ lời phê phán của học trò ngài làm bẩn lỗ tai con trâu của tôi vì vậy tôi phải dẫn nó đi rửa lỗ tai cho nó. Tôi không muốn con trâu của tôi phải nghe được những lời phê phán bậy bạ, đầy kịch cỡm đó. Thưa ngài tôi biết rằng học trò của ngài thông thái hơn tôi hàng trăm, hàng ngàn lần! Nhưng tôi nghĩ rằng việc điều khiển con trâu và lưỡi cầy chắc chắn tôi biết hơn, tài giỏi hơn học trò của ngài! Với công việc này hàng năm tôi vẫn mang đến những hạt gạo nuôi sống gia đình tôi và xã hội. Còn lời phê phán của học trò ngài chỉ là những thái độ chủ quan của một kẻ đứng bên ngoài, chẳng hiểu gì công lao, nỗi cực nhọc của tôi mà đưa ra những ý kiến hão huyền, bậy bạ mà thôi! Nếu tôi không muốn nói, đó là những lời khoác lác, kịch cỡm của một kẻ thích làm thầy đời nhưng đã đi quá lãnh vực của mình.
Ngừng lại tí chút, người nông dân đưa ánh mắt nhìn Khổng Tử mà nói tiếp:
-Thưa Đức vạn thế sư, nếu không tin ngài cứ bảo học trò của ngài hãy cởi áo xuống ruộng cầm cái cầy và thử điều khiển con trâu như anh ta đã chỉ dậy tôi mà xem! Tôi chắc chắn với ngài, anh ta sẽ hiểu rõ những điều anh ta vừa chỉ trỏ, phê phán tôi chỉ là những điều khoác lác, bậy bạ mà thôi ! Thưa ngài, lúc đó người học trò “thông thái” của ngài sẽ hiểu rõ sự khác biệt giữ chữ NÓI và chữ LÀM ĐƯỢC, đôi khi không dễ dàng vậy!
Sau khi trả lời Khổng Tử, người nông dân dẫn trâu lên bờ đến một gốc cây ngồi nghỉ mệt. Đức Khổng Tử thấy bác nông dân không phải là người tầm thường, Ngài cũng dẫn học trò đến đó ngồi nghỉ. Bác nông dân thưa với Khổng Tử rằng:
-Thưa ngài vạn thế sư, Xin ngài vui lòng cho tôi một vài lời dậy bảo, nhờ đó tôi có thể gặt hái được nhiều lúa gạo hơn với nghề đồng ánh của tôi không!?
Đức Khổng Tử đưa tay chỉ ra cánh đồng bát ngát, nơi đã nhờ bàn tay, lưỡi cầy và con trâu của người nông dân cần mẫn làm lụng dưới ánh nắng gay gắt, rồi nói với người nông dân rằng:
-Ta có thể chỉ dậy ngươi đức khiêm cung (khiêm nhường và cung kính, lễ độ) với người khác. Ta cũng có thể dậy ngươi sự hiếu đễ với bố mẹ, anh em…. Nhưng với công việc đồng áng của ngươi, chắc chắn ta phải nhờ ngươi chỉ dậy ta tính nhẫn nại, sự khéo léo, uyển chuyển lưỡi cầy khi điều khiển con trâu trong công việc đồng áng. Ta cũng phải cảm phục ngươi vì với công việc của ngươi dù là một việc lao động nhỏ bé nhưng nó cũng mang đến ích lợi thiết thực cho con người vậy.
Nói xong, Đức Khổng Tử cầm tay người học trò đứng dậy, vội vàng từ gĩa người nông dân mà đi! Ngài ghé vào tai người học trò, không vui mà dậy rằng:
-Trước đây ta đã từng phải cúi đầu ngượng ngùng vì thua kém miệng lưỡi của thằng bé Hạng Thác. Hôm nay, vì cái ngông ngáo thích dậy đời của ngươi mà ta đã phải ngượng ngùng với người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đã dậy cho ta và cả ngươi một bài học thâm thuý lắm ru? Ngươi đừng bao giờ kênh kiệu mà cho rằng mình thông thái, mọi việc trên thế gian cái gì ngươi cũng biết! Ngươi nên cúi đầu mà suy nghĩ đến đức khiêm cung, biết cái gì trong tài năng của mình, cái gì của người khác… để không phát ngôn, ngông ngáo dậy đời như một kẻ cuồng mê.