Tường trình về Hội nghị Á Châu học, Boston 2023

Một góc hội thảo (ảnh: tác giả)

Hội nghị thường niên của Hiệp hội Á châu học Hoa Kỳ (Association of Asian Studies) vừa diễn ra ngày 16 đến 19 Tháng Ba 2023. Đây là cuộc họp mặt của các học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu cùng gặp gỡ thảo luận về các đề tài lịch sử, văn hóa, văn chương, kinh tế, chính trị, tôn giáo tại Á châu đến từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khắp thế giới.

Mặc dù đa số giáo sư, học giả chủ yếu là những người nghiên cứu và giảng dạy tại Hoa Kỳ và Canada, nhưng cũng có không ít các thuyết trình viên đến từ Âu châu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, kể cả Việt Nam. Một vài giáo sư và nhà nghiên cứu từ Hà Nội và Sài Gòn đã bắt đầu tham dự hội thảo từ thập niên 2000, không kể số học giả và giáo sư người Mỹ-Canada gốc Việt ở Bắc Mỹ.

Lần này Hội nghị được tổ chức tại Boston, ở Trung tâm Hội nghị Hynes và khách sạn Sheranton Boston, với hơn 2,000 người tham dự, không kể vài trăm người dự các buổi hội thảo nhóm trực tuyến qua Zoom vào Tháng Hai vừa rồi. Ba năm trước đây, vì dịch bệnh Covid nên Hội nghị 2000, cũng tại Boston, đã bị hủy.

Hội nghị bắt đầu với màn trình diễn của nhóm vũ công Angkor Dance Troupe và bài nói chuyện mở đầu của GS Pasuk Phongpaichit thuộc ĐH Chulongkorn (Bangkok). Bà nêu ra những vấn đề đang gây bất ổn tại Á châu từ quan điểm của một nhà kinh tế và chính trị học, đặc biệt trong thời gian Covid.

Năm nay có hơn 376 tiểu ban (sessions) chia làm 11 buổi (A-L) với các chủ đề hội thảo được phân loại theo khu vực: Đông Á và Trung Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Đông Nam Á, và Liên Á châu, rải đều từ tối thứ Năm đến sáng Chủ Nhật.

Bài khai mạc với phần giới thiệu nhắc đến thuyền nhân Việt Nam (ảnh: tác giả)

Có 10 đề tài hội thảo có liên quan đến Việt Nam theo thứ tự như sau:

Thứ sáu 17-3

B026 – Cuộc đời và hậu truyện của một số nhân vật nữ lừng lẫy trong sử Việt Nam, từ biên niên sử đến các biên chép lịch sử mang tính dân tộc chủ nghĩa (The Lives and Afterlives of Three Royal Women of Vietnam from Dynastic to Nationalist Historiography) do GS Hồ Huệ Tâm (ĐH Harvard) chủ tọa và GS Trần Tuyết Nhung (ĐH Toronto) thảo luận, với bốn đề tài thuyết trình của Trần Thị An (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trần Hải Yến (Viện Văn Học), Hồ Huệ Tâm (ĐH Harvard) và Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Columbia).

Được hình thành bởi hệ tư tưởng Nho giáo gia trưởng, sử sách các triều đại Việt Nam có xu hướng gộp các nhân vật nữ vào các câu chuyện do nam giới thống trị kể lại. Hội thảo này đề xuất truy tìm lại các lớp biến đổi diễn ngôn của bốn nhân vật nữ nổi bật trong quá khứ cận hiện đại Việt Nam qua tiếp cận lịch sử liên ngành. Trần Thị An nhìn về Hoàng hậu Ỷ Lan thế kỷ XI và sự biến đổi của hình tượng này trong văn học, dân gian, tôn giáo và trên sân khấu từ trung đại đến hiện đại. Trần Hải Yến khám phá những tranh cãi về chủng tộc và đạo đức xung quanh cuộc hôn nhân địa chính trị vào thế kỷ 14 của Công chúa Huyền Trân với một vị vua Champa và cuộc bỏ trốn sau đó của bà…

Hồ Huệ Tâm nói về vai trò của Công chúa An Tư, được vua cha cống nạp cho Thoát Hoan để tìm cách làm chậm đường tiến quân của quân Mông Cổ. Nguyễn Quốc Vinh xem xét tính biểu tượng gây tranh cãi trong cuộc hôn nhân của Công chúa Ngọc Hân với hoàng đế Tây Sơn Nguyễn Huệ vào năm 1786. Những so sánh và tương phản trong các chân dung những nhân vật nữ này từ lịch sử triều đại đến dân tộc chủ nghĩa mang lại những hiểu biết mới mẻ về sự tái hiện và diễn giải lại về bản sắc phụ nữ trong thế giới phong kiến Việt Nam vốn luôn chịu sự thống trị rõ rệt của nam giới.

Tác giả-giáo sư Trần Quốc Anh

_______________

C036 – Sài Gòn tản ra và tái hội tụ: Khảo sát về đô thị Sài Gòn qua các thời kỳ chiến tranh, cách mạng và những cuộc cải tổ thị trường (Decentering and Recentering Saigon: The Southern Metropolis across War, Revolution, and Market Reforms) do GS Trần Nữ Anh (ĐH Connecticut) chủ tọa và phản biện với phần trình bày của Kevin Li (ĐH New York), Ryan Nelson (ĐH Ohio State) và Erik Harms (ĐH Yale).

_______________

D038 – Lịch sử về sách tại Việt Nam: Sự chuyển tải và truyền bá tri thức ở thời kỳ đầu giai đoạn hiện đại (Book History in Vietnam: Knowledge Transmission and Circulation in the Early Modern Era) do GS Nguyễn Nam (ĐH Fullbright, Sài Gòn) chủ tọa và thảo luận với phần trình bày của Trần Tuyết Nhung (ĐH Toronto), Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội), và Hsu Yi-Ling (ĐH Văn Hóa Trung Hoa, Taipei).

Trong thế kỷ XVII-XIX, nền văn hóa in ấn và văn học đã phát triển ở Đông và Đông Nam Á. Sự gia tăng của kiến ​​thức Trung Hoa cổ điển có liên quan đến sự hình thành bản sắc địa phương và sự phát triển thương mại. Những cuốn sách được sản xuất, in ấn và lưu hành ở Việt Nam không chỉ đơn giản là sao chép các giá trị văn hóa Trung Hoa, mà phản ánh sự lai tạp văn hóa rõ ràng ở những giao điểm của các xã hội Chăm, Trung Quốc và Việt Nam. Hội thảo xem xét kiến ​​thức lai tạo này đã được lưu truyền ở Việt Nam như thế nào. Các nhà nghiên cứu cung cấp một cái nhìn tổng quan về kiến ​​thức và văn hóa sách ở Việt Nam; cũng như việc tiếp thu, dịch thuật và truyền bá kinh điển Phật giáo ở Việt Nam…

Tác giả-giáo sư Trần Quốc Anh và Giáo sư Hồ Huệ Tâm (con của cụ Hồ Hữu Tường)

_______________

E023 – Người Á châu theo Ki-tô giáo hay người Ki-tô giáo gốc Á châu? Vượt qua ranh giới quốc gia của các Ki-tô hữu Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam trong thời kỳ sụp đổ của các đế quốc và Chiến tranh Lạnh (Christian Asians or Asian Christians? The Transnationality of Korean, Chinese, and Vietnamese Christians during the Fall of Empire and the Cold War) do TS Michel Chambon (Trung tâm Nghiên cứu Á Châu, ĐH Quốc gia Singapore) chủ tọa và phản biện với phần trình bày của Lê Sỹ Huy Anh (ĐH St Norbert) và Phi-Vân Nguyen (ĐH St. Boniface) về Việt Nam, và Hajin Jun (ĐH Washington), Sandra Park (ĐH George Washington) về Triều Tiên.

Người theo Ki-tô giáo mang tính xuyên quốc gia bởi vì họ vượt qua các biên giới chính trị để có thể hợp thành một cơ sở hạ tầng tôn giáo chung. Giữa sự sụp đổ của các đế chế, sự trỗi dậy của các quốc gia và sự hình thành các đế quốc mới, tính xuyên quốc gia này đã cho phép các Kitô hữu xây dựng những mạng lưới ngang qua các cộng đồng và giáo hội địa phương ở Đông và Đông Nam Á.

Bằng cách dựa vào các kho tàng văn hóa khác nhau, những vấn đề pháp lý chồng chéo và các yêu sách khác nhau về chủ quyền và quyền công dân, họ đã thích nghi và ứng phó với những biến động lịch sử. Hội thảo khám phá quá trình hình thành và phá hủy các mạng lưới Ki-tô giáo xuyên quốc gia ở Đông Á trong thời kỳ phi thực dân hóa đầy bạo lực và Chiến tranh Lạnh. Các Kitô hữu Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đã thể hiện, quản lý và vận động tính xuyên quốc gia của họ như thế nào? Quá trình này đã tạo ra nhiều hình thức căng thẳng liên giáo phái như thế nào?

Tổng hợp lại, những bài thuyết trình cho thấy việc trở thành “công dân xuyên quốc gia” có nghĩa là tham gia vào các mối quan hệ liên châu Á về nhiều mặt, kết nối với các mạng lưới địa phương và xuyên khu vực khác, tạo nền tảng cho các động lực lịch sử thường bị bỏ quên.

Một buổi thuyết trình của Giáo sư Jonathan London (ảnh: tác giả)

_______________

E039 – Di sản của Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ (Legacies of the Second Indochina War and U.S. Foreign Policy) do GS Kim Korinek (ĐH Utah) chủ tọa với phần thảo luận của Andrew Wells-Dang (US Institute of Peace), Hai Nguyen (Harvard Kennedy School), Susan Hammond (War Legacies Project) và Phạm Thị Hà (Viện Sử Học, Hà Nội).

Tọa đàm này quy tụ các học giả và nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau xem xét việc chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức phi chính phủ đã phản ứng như thế nào với những di sản vật chất của Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai từ 1961-1975. Những di sản này bao gồm hơn 300,000 binh lính và thường dân từ mọi phía được liệt kê là mất tích trong chiến tranh; ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của các điểm nóng chất độc da cam/dioxin; và hơn 100,000 thương vong sau chiến tranh do bom mìn.

Các thành viên tham gia đã thảo luận về những trường hợp cụ thể trong thực tế liên quan quá trình xây dựng các mối quan hệ xuyên quốc gia và đa văn hóa để giải quyết các di sản chiến tranh và ý nghĩa của sự hợp tác đó đối với việc xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột ở những nơi khác trên châu Á.

_______________

Thứ Bảy 18-3

G012 – Lịch sử, cộng đồng và ký ức: Quá khứ về Việt Nam trong hiện tại của người Mỹ gốc Việt (History, Community, and Memory: The Vietnamese Past in the Vietnamese American Present) do GS Trần Nữ-Anh (ĐH Connecticut) chủ tọa và đồng phản biện với GS Thy Phu (ĐH Toronto, Scarborough).

Trong hai thập niên qua, các thế hệ học giả mới đã vật lộn với mối quan hệ năng động giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và quê hương của họ; mối liên hệ giữa nghiên cứu Việt Nam và hải ngoại. Sự hiện diện của quá khứ Việt Nam (miền Nam) trong hiện tại của người Mỹ gốc Việt cho phép các thuyết trình viên tìm thấy sự hội tụ của các nghiên cứu về Việt Nam và người Việt hải ngoại.

_______________

G018 – Nhận diện nạn nhân tử vong vì chiến tranh và chính trị của việc hòa giải: Trường hợp Việt Nam – Phần 1 (War Dead Identification and the Politics of Reconcilication: The Case of the Vietnam War – Part 1) do GS Merav Shohet (Boston University) chủ tọa, hai GS Christina Schwenkel (ĐH California ở Riverside) và Hồ Huệ Tâm (Harvard Univeristy) phản biện. Hội thảo xoay quanh di sản chiến tranh trong việc tìm kiếm những người mất tích và lãng quên trong cuộc chiến với phần thuyết trình của Tam TT. Ngo (Viện nghiên cứu NIOD, Hà Lan), Sarah E. Wagner (George Washington University), Alex-Thai D. Vo (Texas Tech University) và Dat M. Nguyen (Viện nghiên cứu NIOD, Hà Lan).

Hội thảo xem xét các nỗ lực khoa học trong việc tìm kiếm, xác định và sắp xếp hài cốt của những người chết trong chiến tranh. Trong trường hợp Chiến tranh Việt Nam, công việc này trở nên phức tạp bởi những tranh chấp lịch sử và đương đại phức tạp giữa Bắc và Nam Việt Nam, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như khoa học pháp y dựa trên DNA và truyền thống tâm linh địa phương.

Ở Việt Nam, những người chết trong chiến tranh nhận được sự đối xử khác biệt từ nhà nước cộng sản thời hậu chiến: Những người chiến đấu cho miền Bắc Việt Nam được tưởng niệm là liệt sĩ trong khi những người chết trong quân đội miền Nam Việt Nam bị loại ra khỏi ký ức của công chúng.

Tác giả (phải) cùng Giáo sư Hồ Huệ Tâm (trái) và Thầy Lương Văn Hy, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Á Châu học (2021-23)

_______________

H021 – Nhận diện nạn nhân tử vong vì chiến tranh và chính trị của việc hòa giải: Trường hợp Việt Nam – Phần 2 (War Dead Identification and the Politics of Reconcilication: The Case of the Vietnam War – Part 2) do GS Ann Marie Leshowich (ĐH Holy Cross) chủ tọa với sự đóng góp thảo luận của Andrew Wells-Dang (US Institute of Peace), Lê Sỹ Huy Anh (ĐH St Norbert), Vũ Minh Hoàng (ĐH Fulbright, Sài Gòn) và Tuấn Hoàng (ĐH Perpedine).

Hội nghị bàn tròn này mở rộng cuộc thảo luận ở Phần 1 về việc nhận dạng người chết trong chiến tranh và chính sách hòa giải sau Chiến tranh Việt Nam, từ nhiều quan điểm liên ngành, lịch sử và tôn giáo-văn hóa. Các nhà nghiên cứu xem xét quá trình hòa giải Mỹ-Việt; xem xét kinh nghiệm của người Công giáo Việt Nam và suy ngẫm về cách hình thức hòa giải chính trị có thể cộng hưởng với quan niệm tôn giáo về sự tha thứ.

_______________

Chủ Nhật 19-3

K014 – Đường biên của biển cả và biển cả như là ngoại vi: So sánh và liên kết giữa Triều Tiên và Việt Nam thời cận đại trong giao lưu hàng hải ở Đông Á (Margins of the Sea and the Sea as Margin: Comparing and Connecting Early Modern Korea and Vietnam in Maritime East Asia) do GS Suyoung Son (ĐH Cornell) chủ tọa, GS Xing Hang (ĐH Brandeis) thảo luận cùng với phần thuyết trình của John S Lee (ĐH Durham), Jaymin Kim (ĐH Rice), Sixiang Wang (ĐH California ở Los Angeles) và Kathlene Baldanza (ĐH Pennsylvania State).

Hội thảo khám phá lịch sử hiện đại ban đầu của Triều Tiên và Việt Nam thông qua lăng kính của nhiều khía cạnh, đề cập đến sự giao thoa giữa khoa lịch sử, khoa học hàng hải, lịch sử so sánh và lịch sử kết nối.

Tiệc trà đơn giản trong chương trình hội thảo (ảnh: tác giả)

_______________

K029 – Đạo đức của tiền bạc? Sách lược đầu tư cho đời này, đời sau, và sự cứu quốc ở Việt Nam thời tiền thuộc địa và thuộc địa (Moral Money? Investment Strategies for Life, Afterlife, and National Salvation in Pre-Colonial and Colonial Vietnam) do GS Shawn F Mc Hale (ĐH George Washington) chủ tọa và thảo luận với phần thuyết trình của Lou Vargas (Ecole Pratique des Hautes Etudes), Vy Cao (ĐH Aix-Marseille), Anthony P Morreale (ĐH California ở Berkeley) và Maria Baranova (ĐH George Washington).

Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại và theo đuổi sự giàu có, cũng như những nỗ lực để điều hướng đạo đức, không phải là mới ở Việt Nam và, trên thực tế, có tiền đề lịch sử mạnh mẽ. Tuy nhiên, lịch sử vẫn chưa cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của các diễn ngôn về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam.

Hội thảo với bốn bài thuyết trình đã xem xét một số cách thức sử dụng tiền trong quá khứ của Việt Nam và tác động qua lại của chúng với các diễn ngôn về đạo đức và chính trị. Các nhà nghiên cứu thảo luận về vai trò của các khoản đóng góp chung trong nền kinh tế làng xã của Bắc Ninh thế kỷ 18; về sự ra đời của thương mại được thuật trên “tạp chí kinh doanh” tiếng Việt đầu tiên, Nông Cổ Mín Đàm; về tiểu sử của doanh nhân Việt Nam có ảnh hưởng nhất ở Đông Dương, Bạch Thái Bưởi, với sự phân tích về di sản phức tạp của ông.

_______________

Tác giả gửi riêng Saigon Nhỏ. Tác giả Trần Quốc Anh là giáo sư giảng dạy tại Santa Clara University và Graduate Theological Union ở Berkeley về tư tưởng và thực hành Ki-tô giáo (Christian Studies), tôn giáo học (religious studies) và giao lưu văn hóa Đông Tây (intercultural studies).

*Các ký hiệu “B026” hoặc “C036”… chỉ khung giờ và ngày mà hội thảo được thực hiện.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: