Ông sinh ra vào mùa thu, mất đi cũng đang lúc mùa thu, và, một trong những chủ đề trong các sáng tác tiêu biểu của ông cũng là mùa thu.
Ông là nhạc sĩ Văn Cao. Cùng với Phạm Duy, cho đến tận bây giờ, vẫn luôn được, không chỉ các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, mà còn cả khán thính giả trong và ngoài nước, đánh giá, hai ông, đều là những nhạc sĩ có công đầu đối với nền tân nhạc Việt Nam. Các sáng tác của hai ông, suốt gần một thế kỷ qua, vẫn luôn được đánh giá cao, vẫn luôn được sử dụng nhiều trong các chương trình âm nhạc, cũng như, vẫn luôn được đông đảo người hâm mộ, vô cùng yêu thích.
Buồn Tàn Thu là tác phẩm đầu tay của Văn Cao. Ông viết nhạc phẩm này khi mới chỉ vừa mười sáu tuổi.
Sáng tác năm một ngàn chín trăm ba mươi chín, tính đến nay, tuổi tác phẩm cũng đã được gần một thế kỷ, vậy mà, mỗi khi, nghe đâu đó, tiếng nhạc dạo đầu quen thuộc rồi giọng ca sĩ cất lên “ai lướt đi ngoài sương gió”, là mình mẩy tôi lại nổi gai ốc hết trơn hết trọi.
******
Ca khúc thiệt là buồn. Giai điệu của nó vừa có nét sang cả của nhạc mới, ảnh hưởng từ phương tây, lại vừa rất á đông với những nhấn nhá, luyến láy như có pha vào làn điệu ca trù ở phía bắc.
Tựa là Buồn Tàn Thu, nghĩa là, nỗi buồn lúc mùa thu tàn tạ. Hiểu như vậy cũng không sai, nhưng khi đọc lời của ca khúc, thì mới thấy, đây là tâm tình của một thiếu nữ, trong tâm trạng ngày nhớ đêm mong, nàng đang ngóng từng phút từng giây người yêu của mình về thăm, ghé thăm, đến thăm.
Nhưng không rõ vì lý do gì, người tình trong mộng của cô gái không quay trở lại. Đối với cô, cuộc tình đẹp ngày nao, giờ đây đã chết theo lá vàng của mùa thu.
******
Buồn Tàn Thu
1.
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Ai lướt đi ngoài sương gió? Lời ca mới thê thiết và não nùng làm sao. Phải trong một không gian, phải trong một tâm trạng, phải trong một tư thế gần như bất động, ngồi yên như hóa đá, thì cô gái trong ca khúc mới có thể lắng nghe được, trong tiếng sương gió ngoài kia, có hay không, bước chân người lướt qua.
Cô đã phải mong ngóng đến thế nào thì mới có thể ngồi hàng giờ, thậm chí nhiều giờ trong một ngày, nhiều ngày trong một tháng, và nhiều tháng trong một mùa, một năm, như vậy, để chờ đợi, để dõi theo, để lắng nghe.
Cô lắng nghe. Không biết bao người, đã lướt qua, và, không ai dừng chân, ghé lại. Không ai dừng chân.
Khiến cô, bẽ bàng!
Người có biết đâu, những lúc, chỉ thoáng vừa nghe thôi, bước chân nhẹ qua vách, là em đã lòng mơ, đó chính là bước chân chàng, đang từ từ xa, trên đường vắng.
****
2.
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn em thương nhớ chàng
Bước chân không dừng lại. Bước chân cứ ngang qua rồi lại mất hút nơi cuối đường. Và sau dằng dặc một ngày mong, đêm ấy là đêm chết, đêm của mùa thu chết.
Ngày qua đi. Tháng qua đi. Mùa qua đi. Ngày tháng và mùa rớt rơi theo lá vàng. Như tuổi của em, cũng đang dần rụng theo lá vàng vậy đó.
Nhưng em mặc hết. Em ngồi đan áo. Là đan áo cho anh. Đan và đợi anh về mặc nó. Lòng em buồn, buồn lắm, mà chẳng thể nói cùng ai, chẳng thể tâm sự hay san sớt cùng ai, nỗi nhớ thương chàng.
****
3.
Người ơi còn biết em nhớ mong
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về chàng quên hết lời thề
Anh nơi ấy, còn biết chớ, lòng em? Lòng em nhớ mong người từng giây, từng phút. Tình em từng trao người ngày nao, vẫn vẹn nguyên, không hề suy suyển, dẫu chúng mình cứ mãi trong đằng đẵng cách xa.
Em có nhờ chim uyên, rồi em nhờ gió nữa, đi tìm anh, và nói cho anh biết, nơi đây, em vẫn ngày ngóng đêm chờ, một khắc cũng không lơi. Nhưng rồi, uyên bay về. Nhưng rồi, gió trở lại. Chúng không nói gì.
Có phải chăng, nơi xa xôi ấy, chàng đã quên hết rồi, lời thề xưa?
****
4.
Áo đan hết rồi
Cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến
Còn nhớ đêm xưa kề má say sưa
Tiếng hát như tiếng khóc, nghẹn ngào, đầm đìa nước mắt. Áo đã đan xong hết rồi, những chiếc áo ấm em đan, chỉ để dành anh, giờ đây, đang cùng em, trong chơi vơi chờ đợi.
Em đang cố quên đi dáng anh ngày nao, đến em. Em đang tự nhủ mình đừng nhớ nữa, những đêm hẹn hò xưa, vai kề bên vai, má kề bên má, say sưa, chuyện chúng mình.
****
5.
Nhưng năm tháng qua dần
Mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy
Như mùa thu chết rơi theo lá vàng.
Đáp lại những tiếng khóc em, những nước mắt em, những giọt lệ em, những não nùng em, những bẽ bàng em, những chết lặng hồn em, chỉ là mùa thu, mùa thu chết, bao lần rồi, em không còn nhớ nữa.
Em gục xuống. Lòng em tan nát. Thôi thì tình em đây, đành vậy.
Tình em, như mùa thu chết, rơi theo lá vàng!
****
Hay nhứt trong ca khúc này, chính là câu: Mùa thu chết bao lần
Mỗi năm, chỉ một mùa thu. Vậy mà cô gái này đã chờ đợi người xa, và không biết, đã bao mùa thu như thế, chết theo lá vàng.
Cô không đếm. Cô không đếm mùa thu. Cô không đếm tuổi xuân mình. Cô cũng không biết, tuổi xuân cô, mỗi năm, qua đi, là mỗi lần tuổi chết theo mùa thu.
Chỉ một câu “mùa thu chết bao lần” thôi, mà làm rúng động tâm can người nghe. Ôi tình yêu, tình yêu là hạnh phúc, mà tình yêu, cũng là bất hạnh. Bất hạnh cho người đi và bất hạnh cho kẻ chờ.
******
Mùa thu trong âm nhạc, thi ca
Không chỉ Văn Cao mới có những tuyệt phẩm về thu, như Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu, Suối Mơ, Trương Chi, mà như Phạm Duy chẳng hạn, ông cũng có những ca khúc về thu nức nở, như: Mùa Thu Chết, Nước Mắt Mùa Thu, Tiếng Thu.
Hoặc như Đoàn Chuẩn với những bài thu êm đềm, du dương, lả lướt, như: Thu Quyến Rũ, Tình Nghệ Sĩ, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Lá Đổ Muôn Chiều, Lá Thư, Vàng Phai Mấy Lá.
Cung Tiến cũng vậy, đó là những ca khúc làm lịm hồn người như: Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa.
Và còn nhiều lắm những nhạc sĩ khác của Việt Nam, trong và ngoài nước, tiếng tăm lừng lẫy với hàng trăm các ca khúc về thu, bất hủ, bất tử của họ.
******
Còn trong lãnh vực thơ ca, không chỉ vài bài hay vài trăm bài đâu, mà từ xưa đến nay, suốt bao thế kỷ qua, đã có đến hàng ngàn bài thơ viết về mùa thu rất hay của các thi sĩ nổi tiếng khác nhau.
Ví dụ như ở đầu thế kỷ thứ hai mươi, chúng ta có Tản Đà với bài CẢM THU TIỄN THU, chẳng hạn. Không cần phân tích dài dòng, các bạn chỉ cần đọc thiệt chậm và khi đọc, các bạn đưa hồn mình vào hòa cùng với cảm xúc của tác giả trong lời tiễn biệt của ông đối với mùa thu, các bạn sẽ hiểu ra, mùa thu trong con mắt của Tản Đà, có ý nghĩa như thế nào.
Con người chúng ta, ai cũng có mùa thu của đời mình, hệt như mùa thu của đất trời vậy đó:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu ai có tư lường hỡi ai?
Nào những ai
Bảy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt ngại ngùng tu mi
Nào những ai
Sinh trưởng nơi khuê các
Khuya sớm phận nữ nhi
Song the ngày tháng thoi đi
Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa.
Nào những ai
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha
Ruột tằm héo tóc sương pha
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn.
Nào những ai
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giàu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn?
Nào những ai
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ huê ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi.
Nào những ai
Dọc ngang giời rộng
Vùng vẫy bể khơi
Đội giời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân.
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
Thôi nghĩ cho
Thu tự giời
Cảm tự người
Người đời ai cảm ta không biết
Ta cảm thay ai viết mấy lời.
Thôi thời
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chi để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai.
(09. 1920)
******
Kết
Khi in Buồn Tàn Thu, cảm kích Phạm Duy đã mang nhạc phẩm của mình đi hát khắp nơi, đem lại tiếng vang cho tác phẩm và tác giả, Văn Cao bèn trang trọng đề lên đầu nhạc phẩm, câu: Tương tiến ca sĩ Phạm Duy Cẩn, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn.
Tôi không hiểu lắm từ “tương tiến”, tôi đoán “tiến” mang nghĩa, tiến cử, đề bạt, trước tiên, đầu tiên, kiểu như là, lời đầu tiên, xin được cảm ơn tình tương tri của Phạm Duy đối với ca khúc.
Hai ông đều là những tài hoa trong âm nhạc. Các ông kính trọng nhau và luôn dành những đánh giá, những ngợi ca về nhau hết lòng và trung thực, dẫu, bẵng trong một thời gian dài, hai ông không được gặp nhau, không biết tin tức gì về nhau, vì hoàn cảnh đất nước.
Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ, ông đa tài, vì thế, ông còn là nhà thơ và là một họa sĩ. Trong khi đó, dù từng học về hội họa, nhưng Phạm Duy lại không đi theo con đường này. Ông dành hết đời mình cho âm nhạc, đổi lại, âm nhạc cũng đền bù xứng đáng cho ông bằng một vị trí cao nhất, và không ai có thể thay thế được vị trí số một này của ông.
Văn Cao và Phạm Duy, chắc họ giờ đây, đang nơi tiên cảnh, nhẩn nha chơi cờ, làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh, và chung quanh: tiên nga, buông lơi tóc bên nguồn, hiu hiu lũ cây tùng, ru ru tiếng trên cồn, hò ơi làn mây ơi, ngập ngừng sau đèo vắng, nhìn mình cây nhuộm nắng, và chiều như chìm lắng, bóng chiều không đi, trời cao xanh ngắt xanh ngắt, ô kìa, hai con hạc trắng, bay về nơi nao.
trời cao xanh ngắt, xanh ngắt
ô kìa, ô kìa
hai con hạc trắng
bay về, về nơi nao!
(Tiếng Sáo Thiên Thai – Thơ Thế Lữ – Nhạc Phạm Duy)
Sài Gòn 22.03.2024