Vầng Trăng và Tiếng Đàn của Cung Tiến

Đôi phen nét vẽ câu thơ/ Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa...

Ảnh: pexels-ylanite-koppens
Share:

Có mấy ai trong chúng ta không bị rung động bởi cái đẹp của vầng trăng, trong đêm trăng sáng lại nghe văng vẳng tiếng đàn, hòa điệu với tiếng vỗ về của sóng nước, ngập tràn hơi lạnh của sương thu?

Vẻ đẹp này được thể hiện trong hai bài hát Hương XưaNguyệt Cầm. Hương Xưa mang cả vầng trăng và tiếng đàn vào bài hát. Nguyệt Cầm là bài hát về một bài thơ nói về tiếng đàn và tâm sự của người khảy đàn lẫn người nghe đàn. Nghe câu hát “Kìa thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng, đêm ấy thuyền neo bến ấy” làm sao không nhớ đến Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị?

Ảnh: mitchell-luo-unsplash

Vầng Trăng

Nhạc sĩ Cung Tiến trích bốn câu thơ trong bài “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu, để làm lời dẫn nhập; tuy nhiên câu mở đầu của bài hát “Đêm mùa trăng úa, làm vỡ hồn ta” lại gợi nhớ đến, bên cạnh trăng của Xuân Diệu còn có trăng Bùi Giáng, và của Hàn Mặc Tử.

Mùa nào thì trăng úa? Màu trăng úa thì như thế nào, có giống như màu lá thu? Cụ Bùi Giáng có bài thơ hỏi người em nào đó:

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?

Lý Bạch bảo rằng không. Bởi vì người bây giờ nhìn thấy trăng nhưng trăng bây giờ không phải là trăng của ngàn năm trước.

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân
(Bả Tửu Vấn Nguyệt – Lý Bạch)

Trăng thuở trước người nay chẳng thấy
Trăng thời nay từng chiếu người xưa
(Chi Điền – Hoàng Duy Từ dịch)

Tôi nghĩ đến Hàn Mặc Tử một phần vì Hàn thi sĩ có vô số câu thơ về trăng. Câu hát “đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta” mang tôi đến với đoạn thơ sau đây.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng (Đà Lạt Trăng Mờ)

Và, cũng vì Hàn Mặc Tử có bài thơ “Đàn Nguyệt” nói về một người kỹ nữ mười lăm tuổi.

Bạc mệnh đàn chơi đau nửa kiếp
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm
(Đàn Nguyệt)

Nhạc sĩ Cung Tiến đã dùng rất nhiều từ như “trăng Tầm Dương,” “lệ ngân,” “nương tử,” “chết theo nước xanh,” trong bài thơ của Xuân Diệu. Đúng là ông viết nhạc cho bài thơ Nguyệt Cầm, nhưng ông chọn bài thơ này để phổ nhạc bởi vì tâm hồn ông thấm đẫm cái đẹp của tiếng đàn cổ trong ánh trăng xưa qua những câu thơ Đường. Trong bài Hương Xưa ông đã viết:

Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.

Ảnh: rachel-loughman-unsplash

Tiếng Đàn

Nhị hồ và nguyệt cầm đều là loại đàn cổ của người Việt. Nhị hồ là đàn nhị, hay đàn cò, dây đàn làm bằng tơ được kéo bằng cây cung như vĩ cầm. Nguyệt cầm là đàn nguyệt hay đàn kìm. Đàn nguyệt và đàn tì bà khá giống nhau, như hai chị em. Cả hai loại, đàn nguyệt và tì bà, ngày xưa đều dùng dây tơ. Đàn tì bà có hộp âm thanh bằng gỗ hình bầu dục trong khi đàn nguyệt hình tròn như mặt trăng. Cần của đàn nguyệt dài ngắn khác nhau. Tiếng đàn nhị nghe réo rắt có khi ai oán gần giống với vĩ cầm. Tiếng đàn nguyệt trầm hơn, giọng buồn một nỗi buồn đã lắng lại, không còn nước mắt, chỉ còn âm vang.

Theo nhạc sĩ Trần Văn Khê, Thúy Kiều đã dùng đàn nguyệt khi lần đầu khảy đàn cho Kim Trọng nghe. “Trên hiên treo sẵn cầm Trăng.” Hai câu 1245 và 1246 trong Kiều cũng nói đến tiếng đàn hòa với ánh trăng.

Đôi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.

Khoảng cách sáng tác của Hương Xưa (1957) và Nguyệt Cầm có lẽ không xa nhau lắm bởi vì cả hai cùng hướng sự chú ý đến tiếng đàn nguyệt và một vài địa danh trong thơ Đường. Bản dịch Tì Bà Hành của cụ Trần Trọng Kim được tóm tắt như sau:

Năm Nguyên Hòa thứ mười, Bạch Cư Dị bị giáng chức, trở thành Tư Mã Giang Châu. Mùa thu năm sau khi tiễn khách ở bến sông Bồn ông nghe tiếng đàn tì bà vọng từ một chiếc thuyền. Tiếng đàn điêu luyện khiến ông tò mò hỏi chuyện. Người đàn là một kỹ nữ, trước kia ở Trường An. Bây giờ tuổi già, nhan sắc phai tàn, chịu làm vợ của một người lái buôn thường ngược xuôi sông nước. Ông đặt tiệc, yêu cầu người kỹ nữ đàn hát. Người kỹ nữ kể lại câu chuyện cuộc đời thăng trầm của bà khiến Bạch Cư Dị cảm thương thân phận bị lưu đày nơi xứ lạ của ông mà viết nên bài thơ dài.

Bạch Cư Dị vừa có tài làm thơ lại rất am hiểu về đàn. Ngay câu mở đầu ông đã nhắc đến bến Tầm Dương.

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
Chủ nhơn hạ mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.

Đêm đưa khách bến Tầm Dương,
Gió thu sàn sạt lá vàng bông lau.
Người xuống ngựa khách đón chào
Rượu kèo muốn uống, có đâu sáo đàn
(Trần Trọng Kim)

Bài thơ dài này có nhiều câu người đời hay nhắc nhở. Nếu bạn đọc ở đâu đó về cụm từ “vô thanh thắng hữu thanh” thì nó được trích từ trong bài thơ này.

Biệt hữu u sầu ám hận sinh,
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh

Lắng nghe sầu oán ngổn ngang
Bây giờ lặng lẽ lại càng hay hơn
(Trần Trọng Kim dịch)

Nhạc sĩ Cung Tiến, khi phổ nhạc bài thơ Nguyệt Cầm, phải chăng ông đang nghĩ đến nỗi buồn ly hương của mình? Năm 1957-1963 Cung Tiến đang du học ở Úc. Bên cạnh bến Tầm Dương, ông còn nhắc đến một địa danh khác ở Trung Hoa rất phổ biến trong thơ Đường, đài Cô Tô.

Ảnh: mitchell-luo-unsplash

Trăng lạnh

Trăng nhập vào đàn. Tiếng đàn lạnh theo ánh trăng. Bên cạnh Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh, Xuân Diệu trong Lời Kỹ Nữ cũng nhắc đến cái lạnh của trăng.

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

Người Nhật từ ngàn năm trước trong quyển tiểu thuyết mà họ cho là đầu tiên của nhân loại, The Tales of Genji, từng nhắc đến ảnh hưởng đầy sức mê hoặc của tiếng đàn trong ánh trăng. Một thi nhân đi ngang cửa sổ của một cung nữ nhìn thấy ánh trăng soi trên hồ đã cho ngừng kiệu bước xuống và thổi sáo. Chập sau người cung nữ đã dùng đàn để họa lại bài sáo của chàng.

Một tác giả Nhật khác để lại bài thơ ca ngợi ánh sáng lạnh lẽo của trăng trên mặt nước nhưng tiếc thay không lưu lại tính danh.

The purity of the moonlight,
Falling out of the immense sky,
Is so great that it freezes
The water touched by its rays.

Anonymous – One Hundred Poems from the Japanese/Kenneth Rexroth

Ánh trăng thanh khiết
rơi khỏi bầu trời bao la
đẹp đến độ mặt nước đông lại
khi ánh trăng chạm đến. (NTHH dịch)

Ảnh: pexels-caleb-oquendo

Khuynh hướng nghệ thuật của Cung Tiến

Trong ba thi sĩ, Nguyên Sa (1932-1998), Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) và Cung Tiến (1938-2022), Cung Tiến là người trẻ nhất, nhưng trong lời hát của Hương Xưa Nguyệt Cầm, tứ thơ của ông cổ nhất. Nguyên Sa đem những địa danh phương Tây như Paris, sông Seine, Ga Lyon vào thơ; Thanh Tâm Tuyền với những khúc nhạc blues, người da đen, hát khúc hát đen, tiếng kèn đồng và những cuộc tình duyên Budapest; Hương Xưa lại nhắc đến Tầm Dương và Cô Tô – hai địa danh nổi tiếng trong thơ Đường. Nhạc cụ nhắc đến là hai cây đàn dân tộc, đàn nhị và đàn nguyệt.

Thạch Chương, một bút hiệu khác của Cung Tiến, trong bài Sự Chán Chường Trong Việc Phê Bình Văn Nghệ đăng trên Sáng Tạo số 1 Tháng Bảy 1960 đã nói lên quan niệm của ông về phê bình âm nhạc. Khi phê bình âm nhạc ông nhấn mạnh đến bốn yếu tố: Nhạc thể, hòa âm, lời ca, và ảnh hưởng của bài hát đối với sự nghiệp của tác giả. Về lời ca, ông viết: “Có phải (lời ca) đã được quan niệm đồng thời với nhạc hay chỉ là một thứ thêm thắt vào nhạc để hát; muốn ‘nói’ gì…?” Thật đáng ngạc nhiên, bởi vì khi viết những dòng trên, ông đưa ra thí dụ với thơ Thanh Tâm Tuyền và nhạc của Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới hai mươi hai tuổi.

Lời ca của Cung Tiến, đặc biệt là Hương Xưa Nguyệt Cầm đã thể hiện khuynh hướng nghệ thuật của nhạc sĩ. Không chỉ là chữ thêm thắt vào nhạc để hát, mà còn dùng để đánh thức tiềm ẩn trong ký ức những mối sầu ly hương của người kỹ nữ bến Tầm Dương qua tiếng đàn, của vị quan Tư Mã Giang Châu bị biếm chức lưu đày, của người kỹ nữ dùng mỹ nhân kế giúp phá hủy nước Ngô và khôi phục nước Việt (xin lưu ý nước Việt này khác với Việt Nam.)

Nói về ảnh hưởng thơ Đường trong Hương Xưa Nguyệt Cầm của Cung Tiến, nhất là với điển tích Tây Thi, xin hầu độc giả và đồng thời kết thúc bài này bằng cách nhắc lại bài thơ Ngô Vương Vũ Nhân Bán Túy (Người vũ nữ của vua Ngô đã ngà ngà say) của Lý Bạch. Tây Thi nổi tiếng đẹp qua hai bài thơ Đường. Một là bài Tây Thi Vịnh của Vương Duy trong đó có câu tả cái nhíu mày của người đẹp. Bài còn lại bảo rằng Tây Thi đẹp nhất là khi say.

Phong độ hà hoa thủy điện hương,
Cô Tô đài thượng yên Ngô vương.
Tây Thi túy vũ kiều vô lực,
Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng

Gió lộng hồ sen ngát điện hương,
Cô Tô vui mở tiệc Ngô-Vương.
Tây Thi say múa thân kiều diễm,
Tựa cửa cười vang ngã xuống giường
(Trần Trọng San dịch)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: