Vạt nắng chiều Đông

Hình minh hoạ: Mỹ Tho xưa

Khi chúng tôi vừa đến nơi hành lễ thì mọi người đã tề tựu đông đủ chật kín hội trường. Đại diện ban tổ chức đang đọc chương trình buổi lễ. Trên sân khấu, đứng bên cạnh bục nói chuyện là một người đàn bà trạc tuổi trung niên, nhưng gương mặt còn rất trẻ, mặc một chiếc áo dài màu đen có thêu kim sa hình lá cờ vàng ba sọc đỏ nằm giữa bản đồ Việt Nam. Khi vị đại diện xướng tên người MC phụ trách buổi lễ tưởng niệm hôm nay, thì người đàn bà ấy bước tới cúi đầu chào mọi người. Tôi thật sự bất ngờ, khi nghe tên người MC được xướng lên. Ban đầu nhìn thoáng chỉ thấy hơi quen quen thôi, nhưng khi nghe đọc tên thì tôi biết chắc là người quen thật. 

Như thường lệ, sau nghi thức khai mạc chào quốc kỳ Việt – Mỹ là đến phần một phút mặc niệm. Cả hội trường lắng xuống trong tiếng kèn chiêu niệm. Đâu đó có tiếng nấc nghẹn ngào. Mọi người thực sự xúc động. Cảm động hơn nữa, sau khi phút mặc niệm vừa chấm dứt, mọi người cùng nhìn lên sân khấu thấy người MC cũng vừa dùng khăn chậm nước mắt.

Tiếp đến là phần niệm hương tưởng niệm. Một số vị đại diện đến trước bàn thờ được đặt ở giữa hội trường, sát sân khấu trên có bảng Vị Quốc Vong Thân với di ảnh cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ở giữa và các anh hùng Đông Tiến ở hai bên, cùng với đèn nhang hoa quả. Khói bay nghi ngút.  Có rất nhiều vòng hoa tang được trưng bày cho buổi lễ, nhưng đặc biệt nhất là vòng hoa tự làm bằng hoa trồng ở vườn nhà, trên có đề hai câu thơ:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Tên người kháng chiến sử son để đời. 

Sau đó, lần lượt các diễn giả lên sân khấu trình bày về nội dung buổi lễ, cũng như các bài nói chuyện kể lại những sự kiện xảy ra trên bước đường quang phục quê hương. Phần chính là các tin tức thu lượm được qua sự kể lại của những người còn sống sót trở về. Xen kẽ vào chương trình là các bài hợp ca tranh đấu do các đoàn thể trong cộng đồng đóng góp.

Đến giữa buổi lễ có phần giải lao và kèm theo là chương trình phát sách ủng hộ gây quỹ, bấy giờ mọi người mới có dịp đi lại và chúng tôi đến gặp chào tận mặt người MC. Qua vài câu trao đổi, mọi người nhận ra nhau là cùng quê, cùng tỉnh. Cùng học chung với nhau ở các trường trung học trong tỉnh lỵ trước đây.

Mấy mươi năm qua rồi, như mới ngày nào, kỷ niệm chợt vụt về trong phút chốc. 

Năm ấy…

Hội Ái hữu Cựu học sinh Trung học Mỹ Tho, có trụ sở tại Sài Gòn, là một tổ chức rất danh giá với hội viên danh dự là Phó Tổng thống Trần văn Hương và Hội trưởng đương nhiệm là GS. Tiến sĩ Trần văn Tấn – Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn. Do đó mà sinh hoạt hội rất vững chắc. Chỉ riêng việc cấp phát học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học thôi cũng đủ để đứng đầu trên toàn quốc về quỹ học bổng, rất nhiều và đa dạng.

Hàng năm hội còn tổ chức về thăm trường để phân phát học bổng và đồng thời cũng hướng dẫn các em học sinh thấu đáo hơn về việc làm thế nào để ghi danh vào các trường đại học trên khắp cả nước. Có năm chính đích thân Phó TT. Hương cùng phái đoàn về thăm trường cũ (Collège de My Tho).

Quang cảnh đường phố Mỹ Tho xưa

Theo chân phái đoàn về thăm trường, chúng tôi đã có những ngày vui thật tuyệt vời. Trước hết là gặp gỡ các học sinh trung học đệ nhị cấp để trình bày với các em về hệ thống các trường đại học tại Việt Nam. Mỗi phân khoa đều có một nhóm phụ trách. Có đủ hết sinh viên các phân khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Đến tối có tổ chức đốt lửa trại và trình diễn văn nghệ ngoài trời. Rất đông học sinh, sinh viên tham dự. Lúc bấy giờ, mọi người cùng quây quần bên ánh lửa đêm, ăn uống vui vẻ chuyện trò thoải mái.

Từ buổi sáng trong lúc thuyết trình về các trường đại học, chúng tôi đã chú ý đến một em nữ sinh đại diện của trường Lê Ngọc Hân khi em phát biểu cũng như cách đặt các câu hỏi với chúng tôi. Vóc người xinh xắn, gương mặt nghiêm trang, nói năng lưu loát. Buổi tối em lại là người giới thiệu chương trình văn nghệ và em điều khiển buổi văn nghệ rất thành công. Chờ đến phần giải lao, tôi bắt đầu gợi chuyện làm quen với em.

– Sau nầy lên đại học em định học ngành gì?

– Em muốn học Luật.

Tôi hỏi em sao không chọn học các ngành khác thích hợp với phụ nữ hơn như Sư phạm hay Y-Dược. Em trả lời rằng em muốn tham gia hoạt động chính trị để trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục. Tôi tưởng em nói đùa, nhưng sau đó em nói lại với giọng thật nghiêm chỉnh và thẳng thắn. Thật là bất ngờ, lần đầu tiên trong đời tôi nghe một nữ sinh mới 16, 17 tuổi mà phát biểu như vậy.

Thật ra, từ những năm đầu thập niên 1960, tại hầu hết các tỉnh, thành miền Nam số lượng học sinh ngày càng đông đảo và các cơ sở giáo dục cũng tăng lên nhanh chóng, cho nên các  tổ chức, đoàn thể chính trị bắt đầu chú ý đến thành phần học sinh bậc trung học. Các em sẽ là lực lượng nồng cốt để đi vận động tranh cử trong các cuộc bầu cử tại địa phương. Trong lớp cũng có tổ chức bầu cử trưởng lớp và toàn trường cũng có bầu đại diện học sinh với danh xưng là Tổng thư ký. 

Không kể hầu hết các đảng phái chính trị đều có hoạt động tại địa phương. Riêng tại Mỹ Tho lúc bấy giờ còn có một đoàn thể hoạt động mạnh hơn và rộng khắp là Phong trào Phục Hưng Miền Nam do BS. Trần Công Trực đề xướng và lãnh đạo. Phong trào sở hữu nguyên một dãy ki-ốt cất dọc theo đường Ngô Quyền bên hông trường Nguyễn Đình Chiểu dùng để làm nơi sinh hoạt cho các đoàn viên và thanh niên học sinh như dạy nghề, ấn loát, thông tin v..v… Ngoài ra, còn có các đoàn công tác xã hội như đoàn “Văn Sinh Đất Lành” qui tụ hầu hết học sinh trong tỉnh để làm các công tác dọn vệ sinh trong thị xã hay văn nghệ quần chúng.

Tất cả các đoàn thể nêu trên đều tham gia vào mọi sinh hoạt chính trị tại địa phương qua các cuộc bầu cử Dân biểu, Nghị sĩ Quốc hội hay các Nghị viên Hội đồng Tỉnh. Suốt nhiều năm, em có chân trong các phong trào nầy và hoạt động rất hăng say.

Sau nầy tìm hiểu thêm qua một người bạn học ở gần trong khu xóm nhà em, tôi được biết em sinh ra trong một gia đình công chức rất đông con, hàng ngày phải đi bộ một khoảng đường khá xa để đến trường. Thuở nhỏ em có tật nói ngọng, cả nhà rất buồn và thất vọng. Nhưng bằng vào một nghị lực phi thường, em đã tự tập luyện và trở nên một người nói năng lưu loát.   

Hàng ngày dưới bóng các tàng me cổ thụ che phủ dọc theo con đường đi học ngang qua miếu Cây Da. Ở bên kia góc đường là nhà cha mẹ vợ của Tổng thống Thiệu. Đi gần hết đường Ông Bà Nguyễn Trung Long đến ngã ba Ngô Quyền quẹo phải là tới trường. Em lúc nào cũng lẩm nhẩm tập phát âm nho nhỏ sao cho suôn sẻ tiếng nói, nhất là mỗi khi em có dịp phát biểu trước toàn thể học sinh và thầy cô giáo vào những buổi lễ chào cờ sáng ngày Thứ Hai.

Cho đến khi em bắt đầu tham gia vào các sinh hoạt hội họp của trường, mọi người chỉ thấy em ăn nói chững chạc và quyết đoán rõ ràng, mà không ngờ rằng em có tật từ nhỏ, nhất là vào những lần tranh cử vào các chức vụ đại diện học sinh của lớp hay ngay cả sau nầy khi em đắc cử vào chức vụ Tổng thư ký Ban Điều hành học sinh của trường nữ trung học Lê Ngọc Hân.

Không lâu sau đó, cộng sản tràn về thành phố ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Tất cả mọi sinh hoạt xã hội đều thay đổi, xáo trộn. Gia đình em thuộc diện cải tạo công thương nghiệp (buôn bán vật liệu xây dựng trước đây). Khi ấy em vừa tốt nghiệp trung học. Không còn cơ hội đi học trường Luật và hoài bão tham chính cũng tan tành theo mây khói. Chỉ còn một con đường sống sót duy nhất là vào học ngành sư phạm. Ra trường đi dạy ở miền quê, lãnh hơn 10 kí gạo cùng nhu yếu phẩm đủ ăn tằn tiện trong tháng. Vậy thôi.

Mỹ Tho xưa

Được mấy năm, em lập gia đình với một cựu sĩ quan Quân lực VNCH cải tạo về. “Cưới nhau xong là đi ” vượt biển. Gia đình em may mắn tới đảo tạm trú dành cho người tị nạn ở Galang, Indonesia. Vì là diện quân nhân nên chẳng bao lâu sau gia đình em được phái đoàn phỏng vấn của Mỹ chấp thuận cho đi định cư ở Hoa Kỳ. Ở trại tạm cư được tám tháng thì gia đình em được một nhà thờ Giáo hội Mennonite bảo lãnh, nhưng phải chờ thêm ba tháng nữa để em sinh nở và đứa con trai đầu lòng được một tháng cho an toàn thì gia đình mới bay qua tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. 

Từ một tiểu bang xa xôi không có lấy một gia đình người Việt, nhưng hai vợ chồng vẫn luôn theo dõi tình hình các tổ chức kháng chiến chống cộng của người Việt tại hải ngoại mà đa số đều tập trung ở tiểu bang California. Họ thường xuyên đóng góp gây quỹ cho các tổ chức chống cộng hay phục quốc. Để cho người ra đi được yên lòng, em đã quyết định đi học lại để sau này có thể một mình nuôi con. Em tốt nghiệp ngành kỹ sư điện ở Đại học Purdue, Indiana. 

Năm 1985 hai vợ chồng dời về miền Tây Hoa Kỳ, sau khi em được hãng Boeing tuyển chọn vào làm kỹ sư điện tử hàng không của hãng.  Đến Seattle, gia đình em hăng hái tham gia vào phong trào kháng chiến đang rầm rộ nổi lên lúc nầy.

Lúc bấy giờ, những năm cuối thập niên 80 tinh thần phục quốc của người Việt tị nạn rất cao. Mọi người đều sống trong không khí nô nức chờ ngày trở về tham gia kháng chiến. Tiền bạc quyên góp rất nhiều, có thể nói là hàng ngày. Đi đâu làm gì cũng mong chờ, ngóng tin quân kháng chiến đã về tới đâu? Tướng Hoàng Cơ Minh đã đem quân về tới sát biên giới Lào-Việt chưa? “Đông Tiến I” rồi “Đông Tiến II” sẽ lập thành khu căn cứ kháng chiến trên vùng rừng núi cao nguyên Việt Nam…v…v…

Gia đình em quyết định không có thêm con nữa để nếu không may  người chồng hy sinh trên đường “Phục quốc” thì người còn ở lại đủ sức nuôi con. Thật là những dự tính hào hùng. Thời gian nầy em vừa đi học, vừa đi làm và trông nom con nhỏ.

Nhưng sau một vài năm, tin tức về Mặt trận ngày càng im lìm. Không biết ra sao. Cho đến khi cộng sản công bố một phiên tòa xử các kháng chiến quân bị bắt, thì mọi người mới bán tín bán nghi. Điều đáng lưu ý ở đây là tòa tuyên án tử hình khiếm diện Tướng Hoàng Cơ Minh, khiến cho mọi người càng tin rằng lãnh tụ kháng chiến hãy còn sống và đang chỉ huy một khu kháng chiến đâu đó trên đất Lào.

Mòn mỏi rồi cũng đến ngày sự thật được công bố chính thức trên hầu hết các phương tiện truyền thông, báo chí và nhất là do những người còn sống sót trở về sau ngục tù cộng sản. Bấy giờ mới biết tin chính xác là Đề đốc Hoàng Cơ Minh đã bị trọng thương và tự sát trong chiến dịch “Đông Tiến II” khi lực lượng kháng chiến về gần tới biên giới Lào-Việt.

Từ sau đó, phong trào kháng chiến không còn được nhắc tới và sinh hoạt phục quốc cũng nguội dần chỉ còn lễ tưởng niệm cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các chiến sĩ “Đông Tiến” đã hy sinh là còn duy trì. Và cũng kể từ đó, em trở thành người MC chính hàng năm trong các buổi lễ tưởng niệm nầy cũng như Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 do các hội đoàn người Việt tị nạn trong cộng đồng tổ chức. 

Mỹ Tho xưa

* * * 

Chúng tôi đến nhà người MC vào một buổi chiều cuối năm sau khi đã gọi điện thoại xin hẹn trước. Ban đầu định hẹn gặp nhau tại một quán ăn ngoài phố, nhưng cô ấy ngại không muốn gặp ở chỗ đông người, nhất là ở những nơi ăn uống phức tạp. Nhưng chính yếu cô ấy nói là mất đi sự thân tình sau nhiều năm chưa gặp lại.

Hơn nửa giờ lái xe từ Little Saigon đến nhà, ba anh em chúng tôi có biết bao điều muốn biết và thắc mắc trong gần mấy mươi năm qua. Không biết đời sống của cô ấy bây giờ ra sao. Chuyện đời trải qua bao nỗi thăng trầm, thống khổ. Có còn gì chăng hay chỉ là một nỗi sầu vong quốc. 

Nhà cô ấy ở trong một khu tương đối mới và xây theo kiểu nhà hai tầng san sát nhau tuy có ranh giới là khoảng đất hẹp. Nhà được phân từng dãy. Cả khu vực nằm gần sát bên dãy núi đồi trên xa lộ 10. Cổng ngõ, tường rào cao. Không gian vắng lặng, im lìm. 

Ra đón chúng tôi tận cửa. Cô ấy nói:

– Mời các anh vào nhà.

Nhà rộng vắng vẻ. Trong phòng bày biện sạch sẽ, ngăn nắp. Phòng khách nối liền với phòng ăn. Ở khoảng giữa là phòng xem Tivi và bàn làm đủ thứ việc. Cạnh bàn computer là một chiếc ghế dài, chỗ “ngọa triều” của chủ nhà. Cô thường hay nói thế.

Chúng tôi được đãi một bữa ăn trưa thật vui với nem nướng do chúng tôi mang đến. Chủ nhà đổ ”bánh xèo” với rau cải hái từ ngoài vườn. Vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện.

Cô ấy đã về hưu gần 10 năm nay. Gia đình đứa con trai sinh sống ở tiểu bang khác. Thỉnh thoảng cô cũng có qua thăm cháu nội. Nhà chỉ có một mình, cô tự lo liệu hết mọi việc. 

– Em ở đây lâu chưa?

– Em dọn về đây cũng gần 8 năm.

Từ lâu lắm rồi cô không còn sinh hoạt với các đoàn thể chính trị ngoài cộng đồng hay dạy lớp Việt ngữ nữa. Chỉ tham dự vào các buổi họp mặt đồng hương, ra mắt sách hay các chương trình thơ văn do người quen biết thân mời. Thời gian rảnh rỗi ở nhà cô dành hết thì giờ chăm sóc vườn rau và trồng hoa với niềm đam mê thực sự. Ngoài ra đi du lịch khắp đó đây cũng là một cách cô tiêu pha thì giờ, đồng thời khám phá ra những thắng cảnh đền đài nổi danh, rất thú vị. Tôi hỏi:

– Còn chuyện nước non?

– Mình cũng đã sống và làm hết sức mình rồi.

– Nhưng mộng lớn chưa thành?

– Thật tình, giờ chỉ còn mong sao cho được khỏe mạnh và bình an.
    

Trời đã xế chiều, chuyện trò cũng hơi lâu. Chúng tôi xin kiếu chủ nhà ra về.          

Trước khi ra cửa để chào từ giã, tôi quay nhìn sang bàn thờ đặt sát vách giữa phòng khách trên có đặt di ảnh người chồng trông còn rất trẻ. Hai bên bày biện đầy đủ hoa quả, đèn nhang bằng điện sáng choang. Phía trong gần bức di ảnhtrưng bày một số kỷ vật của người quá cố.

Sau khi nói ít lời chúc sức khỏe và hẹn ngày gặp lại. Tôi cười nói khẽ: 

– Chào bà bộ trưởng không bộ nào.

Cô cũng cười vẫy tay chào. Ngoài hiên gió mùa Đông lay khóm hoa hải đường trước ngõ. Không một bóng người qua lại. Bất giác chúng tôi cảm thấy chạnh lòng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: