Xứ người, có nghe tiếng gà gáy…

Chợ hoa ở thương xá Phước Lộc Thọ, nam California. (Hình minh họa: Bình An/SGN)

1.

Khi những hàng cây phong ven đường đã cháy hết mình và lặng lẽ buông từng chiếc lá. Cây như khô kiệt, chơ vơ dưới bầu trời đông, xám đục…

Cùng lúc với cái lạnh cuối năm, ngày thêm buốt giá, là tiếng quạ kêu, rủ nhau bay về phía phương trời ấm nóng, lác đác trong những âm thanh náo động, khàn đục của bầy quạ, là những tiếng chim cu lẻ loi, từng hồi, quen thuộc. Bất chợt rùng mình, nhớ câu ca dao xưa của quê hương đất Việt: “Cu kêu ba tiếng, cu kêu/Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè…

Lại thầm nghĩ trong đầu, một câu hỏi… “Xưa rồi Diễm.” “Tết sắp đến rồi sao” trong một buổi sớm, tuyết giăng, lái xe trên đường đi làm.

Mới qua những ngày Giáng Sinh, tưng bừng và rộn rã cùng với năm mới “Happy New Year” mà học sinh nơi đây – “xứ người” được nghỉ học gần cả tháng, và người đi làm cũng “ăn theo” hơn tuần lễ. Năm nay, năm thiếu, nên cái Tết Việt cũng gần kề, lòng cứ nôn nao, xôn xao và rạo rực một nỗi gì khó tả…

Nhẫm qua cuộc sống và tuổi đời, ta cũng đã qua xa lơ, xa lắc cái tuổi ngày xưa “mong mau đến Tết” để được ăn mặc quần áo mới, nhận tiền lì xì trong những cái phong bao màu đỏ xinh xinh. Gia đình, rồi con cái, cuộc sống, cơm áo gạo tiền, làm nặng trĩu đôi vai và những lo toan thường trực, thêm làm “người xa xứ,” xa quê hương cố thổ cả một nửa vòng trái đất, nên nỗi nhớ quê, nhớ Tết, thêm canh cánh trong những ngày cuối đông lạnh giá nơi này. 

Chợ hoa ở thương xá Phước Lộc Thọ, nam California. (Hình minh họa: Bình An/SGN)

2.

Lác đác ở những hàng quán, khu chợ có người Việt, đã thấy bày bán những bloc “lịch ta” in ấn đâu từ quê nhà gửi sang, cùng những hộp bánh mứt, hầu hết cũng đều thấy dòng chữ “ Made in Việt Nam” mà thấy vui vui trong bụng. Cũng đủ thứ mứt bí, mứt dừa, mứt gừng, hạt sen và cả… “thèo lèo, cứt chuột,” còn có thêm cả áo quần, tiền vàng, giấy bạc cúng ông Táo và đưa rước ông, bà.

Gần sát ngày Tết, có thêm những lọ dưa mắm, củ kiệu, những đòn bánh tét, bánh chưng bắt mắt, hấp dẫn, mà những người Việt xa quê, từ lâu đã ao ước, nay cũng đã đủ đầy, sắm sửa cho một cái Tết.

Tất nhiên, đối với những vùng tập trung đông người Việt như khu vực Little Sài gòn ở California, hay Houston ở Texas thì không khí rộn ràng và vui tươi, lũ lượt người Việt Nam đi mua sắm, không thiếu một món gì, kể cả những cành mai, cành đào từ Việt Nam gửi sang, càng làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và tăng thêm phần ý nghĩa “ba ngày Tết” của người Việt xa xứ. Song những nơi có ít người Việt sinh sống, hoặc ở những tiểu bang lạnh, vùng Đông bắc Hoa Kỳ, số người Việt không đông, lại ở rải rác, lẽ dĩ nhiên “hàng Tết” cũng khan hiếm hoặc thiếu thốn, càng làm cho… nỗi nhớ thêm đong đầy, với nhiều cung bậc!

Nhớ Tết quê mình, những tháng năm đầu hòa bình, khó khăn, thiếu thốn, nhớ mẹ, cha những ngày cuối năm tất bật, cố gắng lo cho con cái, mỗi đứa có một bộ quần áo mới…(mà có lần, do thiếu vải lại thiếu tiền, thương con, mẹ đã lén, giấu cha, lấy bộ quần áo cưới kỷ niệm của hai người mà cắt sửa lại cho mấy đứa con có áo mới!). Quê hương, rồi gia đình có năm khởi sắc, đủ đầy. Ngày 30 mươi Tết, cha khệ nệ mang về một cành mai lớn, chi chít những nụ thật đẹp, mẹ mang ra lọ độc bình cổ của ông ngoại để lại, lau chùi để cha chưng cành mai Tết trong căn phòng khách nhỏ bé của gia đình. Họ hàng, bạn bè đến thăm, ai cũng tấm tắc khen cành hoa đẹp, hứa hẹn cái Tết no ấm và đầy lộc, nhưng mới qua mùng 2, tôi và mấy đứa em xúm xít chơi lô tô trong căn phòng khách ấy, rồi sinh cãi cọ, rượt đuổi nhau, vướng vào cành hoa mai, kéo luôn cái lọ độc bình và cành hoa mai nghiêng đổ. Cha mẹ ở nhà sau nghe tiếng đổ vỡ, chạy lên thì thấy nước lênh láng khắp phòng, cành mai ngã đổ, lọ độc bình vỡ ra ba bốn mảnh, đám con mặt xanh như tàu lá, run rẩy bên bộ ghế sa-lông vương vãi đầy những cánh hoa vàng! Mẹ như “chết đứng” nước mắt ứa ra, còn cha chụp vội cây chổi ở góc phòng vung lên, song mẹ đã chạy đến che chắn cho mấy anh em, mếu máo nói với cha: “Các con có lỗi, chuyện lỡ rồi!… Đầu năm, đầu tháng, Tết nhất, ông tha cho mấy đứa nó…, ra giêng rồi tính!?”, cha lặng thinh, buông chổi xuống và bước nhanh ra khỏi phòng. Mẹ vừa giúp chúng tôi, dọn các mảnh vỡ, nhặt những cánh hoa, vừa ôn tồn, nhẹ nhàng dạy bảo các con, khiến chúng tôi đến bây giờ còn nhắc…

Lại nhớ những tiếng pháo giao thừa rộn rã và cả sau này, khi lệnh cấm đốt pháo có hiệu lực, đêm giao thừa đi viếng lễ chùa trong không gian thoáng đãng, thanh tịnh, yên bình của năm mới với những hồi chuông ngân nga, lắng đọng! Ký ức như hiện về, những đêm ngồi canh nồi bánh chưng, bên bếp lửa hồng, xua tan cái lạnh của đêm trường, tai nghe tiếng nước reo trong nồi mà tưởng nhớ những người thân thiết, giờ chỉ còn lại cái tên qua từng câu chuyện kể. Rồi lắng nghe tiếng của một con vật nào đó kêu lên trước tiên, để theo người xưa mà đoán vận may, rũi của năm mới! Ôi, những giây phút thiêng liêng, hạnh phúc và là kỷ niệm khó quên của một đời người…

3.

Vì là cái Tết được tính theo âm lịch, thông thường lại rơi vào Tháng Hai dương lịch và có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trước đây, phần đông người Hoa Kỳ và phương Tây hay gọi là “China new year” (Năm mới của người Trung quốc). Sau này, người ta gọi là “Lunar new year” tức là “Năm mới Âm lịch” cho những người ăn Tết âm lịch, song lại không phải là ngày nghỉ lễ theo lịch của Chính Phủ Hoa Kỳ, hay phương Tây, nên cũng hơi buồn! Phần đông việc mua sắm, chuẩn bị cho cái Tết, cũng đều được chuẩn bị trước đó vào lúc nghỉ ngơi, rảnh rỗi hay ngày thứ bảy, chủ nhật, và phần lớn đều do những người Việt từ tuổi trung niên trở lên nhắc nhở và thực hiện, lớp trẻ mà ngày nay hay gọi là Gen Z coi bộ ít biết và ít quan tâm hơn?

Thôi thì “xưa bày, nay đặt,” cũng gọi là làm theo truyền thống dân mình mà tưởng nhớ ông bà tổ tiên, quê cha đất tổ! Áo quần mới cho con cháu, thức ăn cho ba ngày Tết, bông hoa, mâm trái cây. Vạn thọ, hoa cúc thì không thiếu. Mai, đào thì không có hoa thật, bày hoa… giả, cũng tạm “Oke.” Mâm trái cây, quê nhà thường bày “ngũ quả” với “cầu, sung, vừa, đủ, sài” (trái mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, trái xoài). Thì phiên phiến “ vừa, đủ, sài” thêm nho, lê, táo cũng vừa “Ta, Tây” cho sung túc!

Để đón giao thừa, rước ông bà, mâm cơm cũng không thể thiếu thịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt, dưa món, củ kiệu, đĩa bánh tét hay bánh chưng, những món mà ngày thường ít nấu? Chiều tối 30 mươi con cháu sum vầy, đầy đủ, cùng ăn bữa cơm gia đình, ôn lại những kỷ niệm sum họp gia đình, nhắc nhở ông bà, nguồn cội… Chúc Tết trước và cả lì xì năm mới, vì sáng sớm mùng 1, con cháu đứa bận đi làm, đứa đi học, không có dịp gặp nhau lâu.

Đêm đón giao thừa, nếu không phải ngày mai cuối tuần, thì lui cui, lọ mọ những người… già, người trung niên, bày biện, cúng kiến. Con cháu đi ngủ sớm, ngày mai còn tiếp tục đi làm, đi học… Có năm, sơ ý đốt “giấy tiền vàng bạc” để quên khói ngún lên, alarm kêu inh ỏi, cả nhà hốt hoảng thức dậy, may mà chưa… làm phiền hàng xóm gọi… cảnh sát và xe cứu hỏa! Nhờ vậy mà mấy đứa cháu thức luôn nghe ông bà, cha mẹ “ôn cố tri tân” mà cùng “nghiêng mình nhớ đất quê” trong đêm giao thừa ở xứ xa…

Ba ngày Tết, tất nhiên người Việt, cũng tranh thủ đi lễ chùa, hay nhà thờ và thăm thú nhau, hoặc gọi điện, nhắn tin, chúc Tết lẫn nhau, hay hú nhau, gặp gỡ một đêm để cùng nhau “ăn Tết” và vui Tết… Song những “thú vui” như khi còn ở quê nhà như “Tổ tôm, tài xỉu, bầu cua, cá, cọp” xin đừng… nhắc tới!

Giao thừa, Tết Việt, thêm năm, thêm tuổi… lòng bỗng chợt nao nao nhớ những câu thơ xưa lắc của nhà thơ Kiên Giang, Hà Huy Hà: “ Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ/ Đầu bạc mới tìm về cố hương/ Quên mất Vàm ngoài, sông Cái nước/ Không nghe gà gáy giữa canh sương…” (Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ). Xứ người, không bao giờ nghe có tiếng gà gáy giữa canh sương!?…

(Katy, TX những ngày cuối năm)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: