Hãy nhìn kỹ “Woman with a Yellow Necklace”, bức tranh của Pablo Picasso năm 1946. Người phụ nữ đó là Françoise Gilot, cộng sự của ông vào thời điểm đó. Đặc biệt, hãy chú ý đến nốt ruồi đẹp kiểu Marilyn trên má trái của nhân vật. Dấu vết đó chính là vết cháy thuốc lá, hằn lên gương mặt Françoise Gilot trong một cuộc cãi vã với Picasso.
Picasso, thiên tài hội họa qua đời cách đây 50 năm, vào ngày 8 Tháng Tư 1973, là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông cũng là một “con dê” nổi tiếng có “thú bạo hành”, với sở thích đáng kinh tởm hành hạ những phụ nữ trẻ hơn ông nhiều (trong trường hợp của Gilot, cô trẻ hơn ông 40 tuổi). “Một khi họ đã khô kiệt,” cháu gái của Picasso, Marina viết về những phụ nữ trong cuộc đời Picasso, “ông sẽ vứt bỏ họ.” Hai trong số đó đã kết liễu cuộc đời bằng tự sát.
Trong cuốn sách mới “Monsters”, tác giả Claire Dederer gọi Picasso là một thiên tài hiện đại điển hình: một nghệ sĩ có những tật xấu được coi là sản phẩm phụ có thể tha thứ từ tài năng của mình. Tác giả Claire Dederer nói rằng chỉ có đàn ông mới được ban cho sự phóng túng như vậy, cho những người nổi tiếng, khi họ “đã làm hoặc nói điều gì đó tồi tệ, nhưng đồng thời tạo ra điều gì đó tuyệt vời”.
Trong thực tế xã hội, có không ít tính chất ác thú trong nhân cách của một con người tài năng, dẫn đến sự khó khăn ít nhiều trong đánh giá, giữa tác phẩm và con người nghệ sĩ. “Age Ain’t Nothing but a Number” là trong những ca khúc hip-hop nổi tiếng. Ca khúc được viết bởi R. Kelly – ca sĩ rap bị kết án tội lạm dụng tình dục; và được hát bởi Aaliyah, người trở thành “vợ” của R. Kelly ở tuổi 15.
Với hầu hết mọi người, vấn đề chủ yếu nằm ở việc nên vạch đường ranh ở đâu để có thể phân biệt và phân định sự đúng sai khi đánh giá con người nghệ sĩ. Trong nhiều trường hợp, điều này là không hề dễ dàng và không thể không có yếu tố chủ quan. Mức độ nghiêm trọng của việc “định tội” nghệ sĩ thường có thể thay đổi theo thời gian. Điều tương tự cũng xảy ra đối với quan điểm về tầm vóc của họ.
Bản thân thời gian là một yếu tố. Những vụ bê bối ngày nay, ngày nào đó, sẽ trở thành lịch sử; những nạn nhân đã chết từ lâu có thể ít hấp dẫn hơn những người còn sống và đang khóc lóc. Việc hủy hoại những kiệt tác của những nghệ sĩ đã khuất, chẳng hạn Picasso, sẽ là một sự trừng phạt đối với chính bạn hơn là đối với cá nhân Picasso.
Tác giả Claire Dederer tưởng tượng về một cái máy tính (calculator) có thể tính được “sự tàn ác của tội ác so với sự vĩ đại của nghệ thuật”. Dederer nói, trên thực tế, sự lưỡng lự không thể xét đoán chính xác là điều không thể tránh khỏi và không thể giải quyết được. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà tội ác của nhân vật gần như luôn lấn át di sản nghệ thuật mà họ để lại. Xem lại bộ phim “Chinatown” (1974) của đạo diễn Roman Polanski, Claire Dederer cho biết cô lập tức liên tưởng đến những màn tấn công tình dục khủng khiếp mà Roman Polanski gây ra. Một tiểu sử bị hoen ố, theo cách ẩn dụ thích hợp của Claire Dederer, là một vết nhơ không thể xóa bỏ.
Và trong thời đại bão hòa của mạng xã hội như hiện nay, khi “mọi thứ đều là việc của mọi người”, một tiểu sử bị hoen ố sẽ càng bị ném thêm vào đó nhiều thứ chất bẩn từ miệng lưỡi con người. Tất nhiên, cũng có không ít trường hợp người ta không thể ngưng yêu tác phẩm nghệ thuật đối với một tác giả cho dù tác giả bị cộng đồng chửi rủa bởi tội lỗi hoặc sai lầm nào đó mà đương sự tạo ra.
Với tác giả Claire Dederer, không ai hoàn toàn là quái vật, đặc biệt các nghệ sĩ, những người mà cái tôi ích kỷ của họ hoặc nhân cách của họ thường không bình thường. Với một số người, nghệ thuật là quan trọng; và việc lên án những kẻ ác cũng quan trọng. Dù thế nào, việc phủ nhận hay hủy bỏ một tác phẩm bởi tác giả của nó là “một kẻ khốn nạn” cũng là điều phải cân nhắc.
“Cách bạn thưởng thức nghệ thuật không khiến bạn trở thành người xấu hay người tốt,” Claire Dederer nói. Nhiều chương trình và sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày mất Picasso đang được thực hiện. Người ta sẽ bắt gặp tầm nhìn mặc khải của họa sĩ tài năng này, thể hiện qua những đường cong cơ thể phụ nữ trên những bức tranh của ông ấy. Muốn hay không, nếu tình cờ thấy bức “Woman with a Yellow Necklace”, người ta sẽ thấy điếu thuốc đang cháy.