Những cú sút tung ra đôla!

Ảnh: Christian Ohde/McPhoto/ullstein bild via Getty Images

Vài thập niên trở lại đây, lợi nhuận từ kinh doanh bóng đá đã tăng phi mã. Không phải tự nhiên mà trùm tư bản Nga Roman Abramovich bỏ ra $233 triệu để mua câu lạc bộ Chelsea. Manchester United (MU) – câu lạc bộ giàu nhất thế giới – có mức doanh thu tăng từ 17.8 triệu bảng năm 1990 lên 129 triệu bảng năm 2001; và hiện nay là $776 triệu. Lương cầu thủ cũng tăng 700% tại Giải quốc gia Anh (English Premier League).

Hàng loạt công ty lớn, từ Budweiser, Coca-Cola, Toshiba, Hyundai đến MasterCard, đã xếp hàng đợi ký hợp đồng làm nhà tài trợ cho các giải đấu quốc tế của FIFA. Và không chỉ các mùa World Cup, bóng đá đã trở thành món hàng siêu lợi nhuận tại châu Âu một thập niên qua, nhất là trong ngành truyền hình. BSkyB tại Anh hay Canal Plus tại Pháp đều hốt bạc nhờ bóng đá. Stefan Szymanski – nhà kinh tế thuộc ÐH Hoàng gia (Imperial College) ở Luân Ðôn – cho biết công nghiệp bóng đá toàn cầu hiện có giá trị khoảng $3.02 tỉ.

Tình trạng thương mại hóa bóng đá đã khiến giới hâm mộ bất mãn. Hồi World Cup 1998, khi đội tuyển quốc gia Brazil được hãng Nike mua đứt với giá $160 triệu để quảng cáo cho họ, giới hâm mộ Brazil đã bất bình và phản ứng gay gắt. Một số câu lạc bộ, trong đó có Barcelona – một trong những câu lạc bộ lớn nhất châu Âu – từng chấp nhận không nhận tài trợ để không bị mang tiếng trước người hâm mộ (Barcelona mất 10 triệu euro mỗi năm, khi họ từ chối in thương hiệu quảng cáo trên áo cầu thủ).

Thương mại hóa bóng đá còn đồng nghĩa với sự bất công trong việc trả lương cầu thủ. Dễ dàng nhận thấy rằng không phải cầu thủ nào cũng có mức lương ngang nhau, trong cùng câu lạc bộ. Trong khi một số cầu thủ Argentina được trả hơn $1 triệu/năm, nhiều cầu thủ khác chỉ đủ tiền trả tiền nhà trọ. Hơn nữa, cơn sốt săn lùng tài năng bóng đá đã tạo ảnh hưởng không ít cho nền bóng đá quốc gia một nước. 2/3 thành viên đội tuyển Argentina giành chức vô địch U-21 thế giới đều đầu quân cho bóng đá châu Âu. Tình hình tương tự xảy ra tại Brazil.

Socrates – một trong những cầu thủ hàng đầu của bóng đá Brazil thập niên 1980 – nhận xét: “Tôi cho rằng đội tuyển quốc gia Brazil hiện được sử dụng như một công cụ đàm phán kinh doanh hơn là bởi những lý do mang tính chuyên môn”. Cần nhắc lại rằng sau khi đội tuyển quốc gia Brazil thất bại tại World Cup 1998, nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do trước đó đội tuyển Brazil đã bán đổ bán tháo linh hồn cho hãng Nike.

Người ta đồn rằng giới chức hãng Nike đã nằng nặc đòi Ronaldo được đưa ra trận chung kết gặp Pháp dù anh bị chấn thương. Một ủy ban Quốc hội Brazil thậm chí được thành lập để điều tra vụ này (nhưng không “tìm thấy” chứng cứ). Còn một điều nữa về nền bóng đá Brazil: nạn tham nhũng lộng hành và lan rộng.

Với các “đại gia” tài trợ bung tiền không xót tay cho chiến dịch tiếp thị-quảng cáo ăn theo quả bóng tròn đang lăn trên sân cỏ Euro 2008, lợi nhuận đạt được tất nhiên không nhỏ. Và câu chuyện đôla quanh giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh sau World Cup chưa dừng lại. Theo tác giả Javier Espinoza, giới tài trợ và truyền thông đang tham gia thị trường trị giá hàng tỉ đôla tại các kỳ Euro lẫn World Cup. Tất cả gương mặt tài trợ, từ Heineken, McDonalds, Mastercard đến Adidas, đều chạy hết tốc lực hướng về khung thành doanh số để bắn phá ghi bàn.

Không chỉ các hãng chuyên sản xuất sản phẩm thể thao, nhiều công ty sản phẩm cao cấp cũng phá lệ lao từ đường biên vào bên trong sân cỏ quảng cáo. Một số hãng thời trang cao cấp chẳng hạn Armani và Dolce & Gabbana đã tham gia thiết kế trang phục cho các đội tuyển quốc gia châu Âu (cũng như các đội tuyển câu lạc bộ tên tuổi).

Doanh nghiệp nước chủ nhà Thụy Sĩ trong đó có một số hãng đồng hồ thuộc “hàng hiệu” như Hublot và Ebel đã trở thành những cầu thủ hăng hái ghi bàn bên lề các giải Euro và World Cup. Hublot (được tập đoàn thời trang cao cấp lớn nhất thế giới LVMH mua năm 2008) trở thành thương hiệu đồng hồ chính thức được trọng tài FIFA sử dụng. Tính toàn cầu, bóng đá đã đem lại ít nhất $3,1 tỉ/năm chỉ riêng doanh thu từ các sản phẩm liên quan thương hiệu câu lạc bộ.

Vài câu lạc bộ thậm chí thuê dân kinh tế chuyên nghiệp để quản lý đội bóng, chẳng hạn giới cựu viên chức IBM tại VfB Stuttgart. Ông bầu của Hertha BSC (Berlin) là Bernd Schiphorst (nguyên viên chức điều hành tập đoàn thông tin Bertelsmann). Tại Pháp, cựu giám đốc điều hành Adidas, Robert Louis-Dreyfus, từng giúp hồi sinh câu lạc bộ Olympique de Marseille (OM). Sau khi mua OM năm 1996, Louis-Dreyfus đã thuê một số nhà quản trị chuyên nghiệp như cựu giám đốc tiếp thị Adidas, Cédric Dufoix.

Trong tất cả đội bóng, MU là câu lạc bộ áp dụng thành công mô hình công nghiệp một cách bài bản nhất. Họ đã thực hiện chiến dịch tiếp thị rộng và tạo ra được lượng người hâm mộ toàn cầu. Doanh số thị trường nước ngoài chiếm đến 40% áo len MU, nhờ chủ yếu hợp đồng $250 triệu ký với Nike. MU cũng hạn chế tổng tiền lương cầu thủ trong mức tối đa 50% doanh thu.

Nhiều câu lạc bộ đang học theo cách MU. OM còn tính tuyển cầu thủ Trung Quốc, chủ yếu để thu hút người hâm mộ nước này. Juventus dựng hẳn một trung tâm mua sắm trong sân vận động của họ, trong đó có một cửa hàng Nike. Trong thực tế, tài trợ túc cầu liên tục tăng. Các công ty đã chi $3.5 triệu để có tên trên áo đội bóng tại 6 thị trường bóng đá lớn nhất châu Âu – theo công ty nghiên cứu thị trường Sport+Markt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: