Tháng Mười Một, 2022, hàng tỷ người trên thế giới sẽ theo dõi World Cup, một trong những ngày hội thể thao vĩ đại nhất hành tinh. Đó là sự kiện duy nhất có thể làm tạm ngừng các cuộc chiến tranh để phong các vị thánh bóng đá mới cũng như phán xét các “tội đồ”. Đó là thời điểm có thể “thống nhất” loài người trước mỗi bàn thắng đẹp, thời khắc của những cuộc lật đổ ngoạn mục vào phút cuối và những màn ăn mừng “xả láng sáng về sớm”…
Một chiến thắng đăng cai gây tranh cãi
Chỉ có một vấn đề, năm nay, World Cup diễn ra ở Qatar, một vương quốc có nhiều nhà báo bị tống vào tù chỉ vì dám điều tra tình trạng khốn khổ của hàng triệu lao động nhập cư, nơi những người thuộc các giới tính khác LGBTQ+ bị ngược đãi như tội phạm; phụ nữ cần xin phép đàn ông để kết hôn, đi du lịch và du học.
Qatar, một bán đảo nhỏ hơn tiểu bang Connecticut của Mỹ có nhiệt độ khắc nghiệt đến 100 độ F vào những tháng mùa hè được đánh giá là “nơi cuối cùng trên Trái đất được chọn để tổ chức một giải đấu thể thao quốc tế khổng lồ”. Từ đây nảy sinh câu hỏi: Vương quốc này được chọn như thế nào? Theo dòng bất tận các cáo buộc đến từ những cuộc điều tra của giới truyền thông, Qatar đánh bại các đối thủ khác nhờ một quá trình gian lận có hệ thống “từ trên xuống dưới” dù chính phủ Qatar luôn phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc.
Chẳng hạn, ngay sau khi Pháp bỏ phiếu ủng hộ, công ty Qatar Sports Investments đã mua Câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain của Pháp. Cùng lúc đó, một công ty Qatar khác mua lại công ty năng lượng và chất thải Veolia cũng của Pháp! Chưa hết! Một công ty liên kết với quỹ chủ quyền Qatar (Qatari sovereign fund) đã thuê con trai của Michel Platini, cựu lãnh đạo Liên đoàn bóng đá châu Âu, với mức lương hậu hĩnh. Matt Miller, một cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, người đã đi cùng với cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đến Zurich chứng kiến cuộc bỏ phiếu, nói: “Đó là những gì tồi tệ nhất tôi từng thấy trong đời làm chính trị”.
Tại sao Qatar nhất quyết đăng cai World Cup? Câu trả lời là Vương quốc đang hy vọng lập lại những gì Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã làm được. Đó là cơ hội để “làm lu mờ các hành động vi phạm nhân quyền và tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu”. Bằng cách đăng cai World Cup, Qatar muốn xây dựng một hình ảnh quốc tế giống như các nước láng giềng thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập (UAE) và phát đi tín hiệu “chúng tôi sẵn sàng mở rộng cửa cho hoạt động kinh doanh từ nước ngoài, chào đón khách du lịch và trở thành một nhân tố quan trọng trên sân chơi chính trị toàn cầu” – hai nhà bình luận Roger Bennett và Tommy Vietor viết trên CNN
Để bảo đảm đạt được những mục tiêu đó mà không bị “đâm ngang hông”, Qatar cấm các đoàn truyền hình quốc tế quay phim tại những địa điểm tổ chức World Cup nếu không có sự chấp thuận trước của chính quyền sở tại. Ủy ban Tối cao về Di sản của Qatar lên Twitter biện bạch: “Giấy phép quay phim là phù hợp với thông lệ toàn cầu”. Các nhà lãnh đạo Qatar không muốn người bên ngoài chứng kiến những lao động nhập cư đang mỏi mòn trong cái nóng gay gắt.
Họ chỉ thích người ta nhớ lại cảm giác hồi hộp khi danh thủ Lionel Messi lừa bóng vào khung thành, hoặc sự phấn khích tuyệt vời của một pha cứu thua bằng đầu ngón tay phá vỡ định luật vật lý của thủ môn người Brazil Alisson Becker. Đó cũng là những gì Qatar muốn nhận được sau World Cup 2022, trừ khi truyền thông bóc trần được mặt trái của sự hào nhoáng với những câu chuyện thu hút sự chú ý của thế giới về những hành động tàn bạo tương tự các chế độ độc tài khác.
Các đội tuyển quốc gia cần có trách nhiệm lên tiếng
Một số đội bóng quốc gia đang phản ứng chống lại Qatar theo cách của họ. “Áo biểu tình” đơn sắc của Đan Mạch là một tuyên ngôn mạnh mẽ làm dậy sóng chính phủ Qatar. Trong trận mở màn của vòng loại World Cup 2022, các đội tuyển của Đức và Na Uy khoác lên người những chiếc áo có thông điệp: “Quyền con người”. Trong khi đó, HLV Louis Van Gaal khó tính của Hà Lan đã gọi lý do FIFA tổ chức giải đấu ở Qatar là… “nhảm nhí”!
Tuy nhiên, các đội tuyển quốc gia, và quan trọng là chính phủ của họ, cần yêu cầu Qatar phải chịu trách nhiệm về những tiêu cực đang diễn ra tại đất nước này. Bước quan trọng nhất là tham gia chiến dịch #PayUpFIFA của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong đó đòi Qatar và FIFA bồi thường ít nhất $440 triệu (tương đương với số tiền thưởng được trao cho các liên đoàn bóng đá tại World Cup) cho gia đình của những người lao động nhập cư bị chết hoặc thương tật trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu.
Mọi câu lạc bộ có cầu thủ tham dự World Cup cần mạnh mẽ ủng hộ chiến dịch này. Liên đoàn bóng đá Mỹ đã âm thầm ký vào chiến dịch #PayUpFIFA nhưng lại ít nói công khai về vấn đề này. Là quốc gia giàu nhất thế giới, với căn cứ quân sự lớn ở Qatar, Mỹ có nhiệm vụ phải bảo vệ những giá trị cốt lõi của quyền con người, đặc biệt khi chính quyền Biden cam kết sẽ “buộc các nhà chuyên chế vùng Vịnh phải chịu trách nhiệm về các hành vi của họ”.
Các cầu thủ Úc cũng kêu gọi Qatar cải tổ mạnh mẽ trước thềm World Cup 2022. Hiệp hội bóng đá Anh cũng phản ứng tương tự. Sau khi các liên đoàn bóng đá châu Âu hứa sẽ có nhiều động thái mạnh mẽ hơn nữa thay vì chỉ mặc chiếc áo biểu tượng, họ đã quyết định dùng băng đội trưởng có hình cầu vồng ủng hộ những người thuộc các giới tính khác.
Khi các đội tuyển quốc gia tham gia chiến dịch bảo vệ nhân quyền, các cầu thủ cũng nên có tiếng nói. Cần nhắc lại, các cầu thủ đi trước như Tommie Smith và John Carlos từng giơ cao nắm đấm ở Mexico City trong một trận đấu quốc tế; hay Marcus Rashford của Manchester United lên tiếng chống lại nạn đói ở trẻ em tại Vương quốc Anh.
Vì tương lai của thể thao
Một câu hỏi quan trọng hơn cả World Cup là liệu những người tin tưởng vào dân chủ và nhân quyền có để cho các chế độ độc tài lợi dụng thể thao để làm chính trị hay không. Ả-rập Saudi đã cố gắng “thể thao hóa” hình ảnh đất nước họ thông qua giải golf LIV Golf và giải đô vật WWE. Nga và Bahrain cũng cố gắng làm điều đó thông qua cuộc đua xe hơi Thể thức I (Formula I).
Nếu thành công trong việc chống lại Qatar trên đấu trường thế giới, người ta có thể khiến các chế độ chuyên chế ít nhiều cũng lo lắng hơn, khi một Qatar 2022 trở thành “sự kiện sỉ nhục” thay vì “khoảnh khắc tỏa sáng (như) Bắc Kinh 2008”. Những người ủng hộ Qatar tự do có thể giúp đỡ bằng cách lên các nền tảng truyền thông xã hội để kêu gọi sự chú ý đến tệ nạn vi phạm nhân quyền ở Qatar và gây sức ép buộc các hiệp hội bóng đá ủng hộ công khai chiến dịch #PayUpFIFA.
Hoạt động tích cực của họ cũng giúp thay đổi tư duy của FIFA để tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này không còn trao World Cup cho các quốc gia như Qatar. World Cup không chỉ là một giải đấu lớn mà còn là hiện tượng hấp dẫn toàn bộ hành tinh trong một tháng. World Cup là một đấu trường độc đáo, nơi các quốc gia có thể cạnh tranh khốc liệt rồi sau đó bắt tay nhau.
Giải bóng đá thế giới được cho là đại diện cho những gì tốt nhất của loài người với sự đa dạng đáng kinh ngạc và là niềm vui chung của toàn nhân loại. Vì vậy, không có gì lạ khi các chế độ độc tài tìm cách tận dụng sự kiện trọng đại này để đạt được các mục tiêu xấu xa đáng lên án.
__________
Đọc thêm: