Đội tuyển quốc gia nam túc cầu Mỹ (ảnh: website USMNST)

USMNST mùa World Cup 2022 – Đội tuyển quốc gia mạnh nhất lịch sử Mỹ

Share:

Bằng mô hình trí khôn nhân tạo (AI), Stats Perform mang lại cho đội Mỹ 45.4% cơ hội qua được vòng bảng. Brazil 89%, Anh 84%, Wales 41% và Iran 30%. Costa Rica là đội kém nhất, chỉ có 12% cơ hội tiến vào vòng loại trực tiếp play-off. Hai mươi năm trước, đội Mỹ đã lọt vào tứ kết World Cup. Nay mô hình của Stats Perform cho thấy đội Mỹ có 19.2% lặp lại thành tích đó.

USMNST (áo trắng) trong trận gặp Mexico, trên sân Azteca Stadium, Mexico City, Mexico ngày 24 Tháng Ba 2022 (ảnh: Brad Smith/ISI Photos/Getty Images)

Gọi tên đội tuyển

Nhiều người Mỹ đã chờ đợi tám năm dài cho khoảnh khắc này, từ khi Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nam của Mỹ (United States men’s national soccer team – USMNST) gặp cơn “ác mộng” vào năm 2018: Không thể vượt qua vòng loại World Cup để đến Nga thi đấu. Ngày nay, Liên đoàn bóng đá ngoại hạng Hoa Kỳ (Major League Soccer-MLS) đã là một doanh nghiệp vững mạnh và đào tạo được nhiều cầu thủ chủ chốt cho đội tuyển Mỹ tham dự World Cup.

Bóng đá đã đánh thức lòng đam mê môn thể thao vua tại Hoa Kỳ trong một phần tư thế kỷ qua. Các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh có sẵn trên truyền hình và máy tính bảng đã trở thành một phần của thói quen giải trí cuối tuần đối với nhiều người hâm mộ ở Mỹ. Và bây giờ, một số cầu thủ xuất sắc nhất thi đấu cho các đội xuất sắc nhất thế giới đến từ Mỹ.

Năm nay có 26 cầu thủ Mỹ chơi ở World Cup Qatar. Dù đội Mỹ hiện nay có thể không đủ sức mạnh để mang về chiếc cúp vô địch trước những cường quốc truyền thống như Pháp, Đức, Brazil và Argentina, nhưng đó là một đội Mỹ không giống bất kỳ đội Mỹ nào trước đó. Họ có những cầu thủ chuyên nghiệp xuất sắc chơi cho các câu lạc bộ khổng lồ như Chelsea, AC Milan, Arsenal, Juventus. Tuyển Mỹ phản ánh quốc gia mà họ đại diện: Đa dạng và đa văn hóa hơn bao giờ hết với khoảng phân nửa đội hình là các cầu thủ da màu. Đội Mỹ cũng đại diện cho phong trào trẻ hoá bóng đá trên toàn cầu và là một trong những đội trẻ nhất đến Qatar.

Huấn luyện viên Gregg Berhalter của USMNST (ảnh: Mike Stobe/Getty Images)

Theo công ty phân tích thống kê Stats Perform, độ tuổi trung bình của các cầu thủ Mỹ ở vòng loại World Cup là 24.9, thấp hơn hai tuổi so với đội trẻ thứ hai Ecuador (Costa Rica là đội già nhất vòng loại, 30.3 tuổi). Thông thường, quá trẻ được xem là thiếu kinh nghiệm và khó có thể tiến xa. Thực tế, chỉ có một cầu thủ Mỹ, hậu vệ DeAndre Yedlin, từng thi đấu World Cup.

“Sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm chắc chắn sẽ bộc lộ điểm yếu vào những thời điểm quan trọng – cựu ngôi sao bóng đá Mỹ Alexi Lalas, hiện là bình luận viên của kênh Fox Sports, nhận xét – Những người trẻ thỉnh thoảng lại làm những việc ngu ngốc (ở đây là xử lý bóng)”. Nhưng hầu hết chuyên gia đều thừa nhận, phần lớn các chân sút trẻ là những người tài năng nhất nước Mỹ từng cử đến một kỳ World Cup.

“Còn trẻ, có một chút ‘ngây thơ’ cũng đồng nghĩa là không biết sợ hãi và tự tin – nhận xét của tiền vệ Tyler Adams, người đang chơi cho câu lạc bộ Leeds United thuộc Giải ngoại hạng Anh (Premier League) cùng huấn luyện viên người Mỹ Jesse Marsch và tiền vệ Brenden Aaronson. Nhiều nhà quan sát bóng đá Mỹ xem World Cup Qatar là sự chuẩn bị cho năm 2026, khi Bắc Mỹ (Mỹ, Mexico, Canada) đồng tổ chức World Cup.

“Văn hóa” mới trong USMNST

Sau khi Mỹ không vào được vòng chung kết World Cup 2018, Liên đoàn bóng đá quốc gia Hoa Kỳ (US Soccer) thuê Gregg Berhalter, một cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia, làm huấn luyện viên trưởng. Nhậm chức, ông bắt tay ngay vào việc xây dựng văn hóa mới trong đội tuyển. Trước hết là đưa các cầu thủ đến bãi biển Coronado, California để nghe… lính biệt kích (SEALS) nói chuyện và giúp một số bài huấn luyện thể chất. “Đó là một ngày thực sự quan trọng” – hậu vệ Walker Zimmerman nhớ lại – Chúng tôi cùng nhau vượt qua và ở bên nhau. Không có gì quan trọng hơn là tình đồng đội mà chúng tôi cố gắng hun đúc. Ông Gregg và các cộng sự đã làm rất tốt ngay từ ngày đầu tiên để bảo đảm sự đoàn kết là giá trị cốt lõi”.

Berhalter thành lập cả Hội đồng đại diện cầu thủ (Leadership Council) để đối thoại thẳng thắn về các mối quan tâm của đội. Như được thuật từ TIME, không có khoảng cách văn hóa, các cầu thủ Mỹ là một khối gắn kết thực sự. Trong bữa ăn tập thể, họ thường ngồi tán gẫu cả tiếng đồng hồ dù ăn xong từ lâu. Huấn luyện viên Gregg Berhalter nói: “Họ luôn làm mọi việc cùng nhau, có mối liên kết sâu sắc và luôn hướng về một hướng để tiến đến thành công”.

Tyler Adams (trái); ảnh: James Gill – Danehouse/Getty Images

Những năm gần đây, bóng đá Mỹ đã nâng cấp hệ thống phát triển tài năng. Các đội thuộc MLS đã đầu tư đào tạo và cung cấp cầu thủ trẻ được huấn luyện chuyên nghiệp cho các câu lạc bộ giống như các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu từng làm trong nhiều năm qua. Lấy ví dụ, Tyler Adams (đá cho CLB Leeds United trong Giải ngoại hạng Anh) lớn lên ở Wappingers Falls cách thành phố New York khoảng 50 dặm về phía Bắc, bắt đầu chơi tại Học viện thanh thiếu niên New York Red Bulls năm 12 tuổi. Adams chuyển sang chuyên nghiệp ở tuổi 16, chơi trong đội hạng hai của Red Bulls; sau đó lên đội hình chính trước khi chuyển sang RB Leipzig, một đội bóng Red Bull làm chủ ở Giải Bundesliga vào năm 2019, trước khi nhảy sang Premier League và Leeds United vào mùa hè này với mức phí chuyển nhượng $24 triệu.

Yunus Musah (ảnh: Jose Miguel Fernandez/NurPhoto via Getty Images)

Đồng đội ở Leeds của anh là Brenden Aaronson đến từ Nam New Jersey, được đào tạo tại Học viện túc cầu của Philadelphia Union từ năm 10 tuổi. Và được đánh giá là vũ khí lợi hại nhất của Mỹ, tiền vệ Christian Pulisic (đá cho CLB Chelsea) cũng là sản phẩm của hệ thống học viện bóng đá quốc tế. Borussia Dortmund, một đội bóng ở Giải Bundesliga, đã ký hợp đồng với Christian Pulisic năm anh 16 tuổi và anh trở thành cầu thủ không phải người Đức trẻ nhất từng ghi bàn ở giải đấu Bundesliga ở tuổi 17. Năm 2019, Chelsea ký hợp đồng $73 triệu với Pulisic – biến anh trở thành cầu thủ Bắc Mỹ đắt giá nhất lịch sử. Năm 21 tuổi, Christian Pulisic là cầu thủ trẻ nhất Chelsea ghi cú hat-trick. Có thể nói Christian Pulisic là ngôi sao sáng nhất USMNST hiện tại.

Ngôi sao sáng nhất Christian Pulisic – chân sút số một của USMNST (ảnh: Visionhaus/Getty Images)

Trong đội hình USMNST, có một cầu thủ thậm chí rê bóng đi đá cho nhiều quốc gia: Yunus Musah. Sinh ở New York City khi người mẹ gốc Ghana của anh đến Mỹ đi nghỉ, Yunus Musah lớn lên ở Ý; và vào học viện đào tạo tài năng trẻ của câu lạc bộ Arsenal ở London khi mới 9 tuổi. Musah chơi cho các đội tuyển quốc gia dưới 17 và dưới 18 tuổi của Vương quốc Anh. Tháng Mười Một 2020, khi đang đá cho CLB Valencia, anh được mời đến trại huấn luyện của đội tuyển quốc gia Mỹ ở Xứ Wales. Rồi từ Tháng Ba 2021, Yunus Musah đầu quân cho tuyển quốc gia Mỹ.

Theo ghi nhận của Stats Perform, USMNST thích chiến thuật “thần tốc và dứt khoát” (“Fast and Direct”) thay vì “chậm rãi và lắt léo” (“Slow and Intricate”) – với trung bình chỉ hơn ba đường chuyền mỗi lần có bóng ở vòng loại World Cup và di chuyển lên sân với tốc độ khoảng 1.6 mét/giây. Trong khi đó, đối thủ Anh ở vòng bảng thực hiện trung bình gần sáu đường chuyền mỗi lần có bóng, và di chuyển lên sân với tốc độ khoảng 1 mét/giây. Đội Mỹ tung ra khoảng 40% quả phát bóng qua hàng tiền vệ, phù hợp với chiến lược “thần tốc và dứt khoát”. Cần nhắc lại, đội Mỹ nằm trong Bảng B, với Iran, Anh và Wales.

Huấn luyện viên Berhalter nói: “Chúng tôi muốn thể hiện sự mạnh mẽ, theo cách chúng tôi chơi. Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi, cho những cầu thủ trẻ lẫn già và cho tất cả mọi người. Chúng tôi sẵn sàng tận dụng lợi thế mình có tại Qatar vì đây là một trách nhiệm thực sự đối với người ủng hộ. Ngoài ra, chúng tôi còn phải xây dựng động lực cho năm 2026. Tất cả chỉ mới bắt đầu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: