World Cup 2022 – nhìn lại vòng đấu bảng

Tương tự gần như tất cả các mùa World Cup, cổ động viên lẫn người hâm mộ đội Brazil luôn kỳ vọng Brazil sẽ giật được cúp vô địch (ảnh: Tnani Badreddine/DeFodi Images via Getty Images)

Dù các đội châu Âu và Nam Mỹ vẫn sản sinh ra phần lớn những cầu thủ bóng đá giỏi nhất thế giới, nhưng đã qua rồi cái thời họ dễ dàng vượt qua vòng bảng mà không phải “trầy da tróc vảy”. Có lẽ năm nay chúng ta không được chứng kiến ​​một nhà vô địch World Cup không thuộc châu Âu hay Nam Mỹ. Nhưng ai dám nói rằng điều đó không thể xảy ra trong tương lai gần?

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ

Ngay từ vòng bảng World Cup Qatar 2022, các đối tuyển nặng ký truyền thống của giải đấu đã liên tiếp gặp cú sốc. Ả-rập Saudi khiến Argentina choáng váng trong trận đấu được mô tả là “cú sốc lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới”. Trong những ngày tiếp theo, Maroc đánh bại đội Bỉ đang giữ ghế Á quân và Úc vượt qua đội Đan Mạch để giành quyền vào vòng loại trực tiếp (play-off).

Kết quả vòng bảng “không thể đoán trước” thấy rõ nhất ở bảng “tử thần” E, khi Nhật Bản kiên cường đánh bại cả hai người khổng lồ Đức và Tây Ban Nha để đứng đầu bảng. Đức bị loại dù đánh bại Costa Rica. Khán giả đã chứng kiến ​​rất nhiều cú sốc ở World Cup trong những năm gần đây, nhưng mùa giải năm nay họ bị sốc ​​nhiều hơn cả. Trên thực tế, World Cup 2022 là lần thứ tư trong lịch sử 92 năm của giải mà không có đội nào thắng tất cả các trận vòng bảng (lần đầu tiên vào năm 1994).

Pháp, nhà đương kim vô địch, có thể giữ được nụ cười cho người hâm mộ năm nay? (ảnh: Youssef Loulidi/Fantasista/Getty Images)

World Cup năm nay có nhiều cái “đầu tiên” và “không giống ai”. Trước hết là lần đầu tiên giải được tổ chức ở Trung Đông và cũng là lần đầu tiên được tổ chức vào giữa mùa bóng đá truyền thống của châu Âu. Cũng là lần đầu tiên World Cup không tổ chức vào Tháng Bảy và Tháng Tám do nhiệt độ ở Qatar quá nóng vào thời điểm đó. Điều đầu tiên nữa là tuyệt đại đa số các đội chỉ có hơn một tuần tập hợp để chuẩn bị tranh tài. Ả-rập Saudi không có một cầu thủ nào thi đấu bên ngoài đất nước, còn đội Anh có vẻ được tổ chức tốt ngay từ đầu. Và nữa, nước chủ nhà Qatar đã trở thành “quốc gia đăng cai World Cup có thành tích tệ nhất từ ​​​​trước đến nay”.

Đội Đức đã phải rời Qatar sớm (ảnh: Christian Charisius/picture alliance via Getty Images)

Những đội có nhiều cầu thủ tham gia các giải đấu khắp nơi trên thế giới ít có cơ hôi tập luyện chung phải vất vả để có được sự gắn kết đồng đội trong trận đấu đầu tiên. Không có đủ thời gian điều chỉnh tổ chức chiến thuật và tình đồng đội khiến các đội bóng lớn như Argentina có vẻ rời rạc, phối hợp kém ở trận ra quân gặp Ả-rập Saudi. Đội Đan Mạch thiếu nhiệt huyết thi đấu. Đội Bỉ già nua có vẻ buồn ngủ. Rất nhiều đội khởi đầu chậm chạp, không hiểu ý nhau.

Thiếu thời gian chuẩn bị khi các cầu thủ đến Qatar trong tâm trạng mệt mỏi sau gần bốn tháng quần quật với lịch trình thi đấu dày đặc tại câu lạc bộ của mình, đặc biệt là ở châu Âu, với không ít cầu thủ phải chơi hai trận một tuần. Thông thường, các cầu thủ tham gia World Cup có gần một tháng nghỉ ngơi, sau đó tăng cường thể lực cho giải đấu, nhưng họ không được như thế ở giải đấu này vì giải đấu rơi đúng cao điểm thi đấu của họ tại các câu lạc bộ.

Hệ quả, một số ngôi sao được kỳ vọng thắp sáng giải đấu đã thiếu đi sự bùng nổ. Một số bị chấn thương tại các trận đấu câu lạc bộ trước đó. Tình trạng thể lực kém của các cầu thủ chính khiến đội ngũ dự bị trở nên quan trọng, và bản lĩnh của huấn luyện viên là chọn đúng người để tạo ra sự thay đổi khi đội đang rơi vào thế bế tắc vì quá mệt mỏi hoặc phát hiện ra đối thủ mệt mỏi.

Trận Argentina gặp Úc ngày 3 Tháng Mười Hai là trận đấu thứ 1,000 trong sự nghiệp Lionel Messi và với cú sút thủng lưới đối phương trong trận này, Messi đã có tổng cộng 789 bàn thắng (ảnh: Robert Michael/picture alliance via Getty Images)

Thời điểm thi đấu và tuổi tác tác động đến chiến thuật

Gần đây, việc cho phép mỗi đội thay năm cầu thủ thay vì ba đã giúp nhiều vào việc thực hiện chiến thuật trên sân của huấn luyện viên khi cần. Trong chiến thắng của Nhật Bản trước Đức và Tây Ban Nha, huấn luyện viên Hajime Moriyasu đã đưa những gương mặt mới vào sân đúng thời điểm khi đối thủ đang mệt mỏi. Quết định này đã tạo động lực cần thiết cho chiến thắng.

Dù việc thiếu chuẩn bị là vấn đề chung của tất cả 32 đội bóng, nhưng nó cũng mở ra cơ hội cho một số đội không chuyên nghiệp bị đánh giá thấp cạnh tranh với các đội mạnh được đánh giá cao. Đối với nhiều đội mạnh, những thất bại đáng ngạc nhiên thường được đổ cho “tình huống” và “khách quan” chứ không phải do đối thủ (có người gọi trận thua của Argentina trước Ả-rập Saudi là “một kết quả quái đản”!).

Hàn Quốc gây sốc khi thắng Bồ Đào Nha với tỉ số 2-1, ngày 2 Tháng Mười Hai (ảnh: Ayman Aref/NurPhoto via Getty Images)

Trong khi thực tế không thể chối cãi là Ả-rập Saudi đã thực hiện thành công hai cú sút hiểm hóc và Argentina bị mất nhiều bàn thắng do bị bẫy lỗi việt vị (Messi và các đồng đội thắng hai trận tiếp theo, lọt vào vòng trong, còn Ả-rập Saudi bị loại vì thua hai trận tiếp theo). Trong trường hợp Bỉ, độ tuổi của “thế hệ vàng” đã quá “đát” nên đỉnh cao cũng qua. Chính tiền vệ ngôi sao Kevin De Bruyne của đội Bỉ đã nói thẳng trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian là đội bóng của anh “không có cơ hội giành danh hiệu vì các cầu thủ quá già”!

Đối với Đức, World Cup 2002 là giải đấu đầy thất vọng của họ và điều này thật ra chẳng gây ngạc nhiên. Những ngôi sao lớn tuổi Thomas Müller, Manuel Neuer và İlkay Gündoğan đều đã ngoài 30 nay chơi bên cạnh các cầu thủ trẻ triển vọng nhưng thiếu kinh nghiệm Jamal Musiala, Karim Adeyemi, Armel Bella-Kotchap và Youssoufa Moukoko trong một đội hình không đồng đều.

Trước mỗi kỳ World Cup đều có một bảng được mệnh danh là “bảng tử thần”. Năm nay, bảng E là bảng tử thần gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Costa Rica, Đức khiến đội Đức càng thêm khó khăn. Người ta thường nói World Cup đến quá sớm hoặc quá muộn đối với một đội tuyển. Trong trường hợp Bỉ và Đức, kết quả ở Qatar cho thấy đội hình của họ không được chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu diễn ra vào năm 2022.

Từ những bất ngờ đến thu hẹp dần cách biệt

Do tính chất của World Cup (các đội tập hợp lại với nhau từ khắp nơi trên thế giới) người hâm mộ được chứng kiến ​​những cuộc đụng độ mà họ không quen như xem các trận đấu trong nước hay khu vực. Và những cầu thủ cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Những cầu thủ lâu nay thi đấu chính cho các đội nước ngoài nay phải trở về thi đấu chung với các cầu thủ trong nước mà họ ít có cơ hội cọ sát về cả chiến thuật lẫn hiểu ý nhau.

Nhật cũng gây chấn động với chiến thắng 2-1 trước Tây Ban Nha ngày 1 Tháng Mười Hai (ảnh: ANP via Getty Images)

World Cup mang các quốc gia, khu vực và nền văn hóa hòa vào nhau trong một sân chơi khổng lồ đầy màu sắc, náo nhiệt và được chiêm ngưỡng nhiều pha bóng đẹp mắt. Nhưng cũng chính sự hòa quyện này mà trong hơn 90 năm diễn ra World Cup đã thường xuyên xuất hiện những kết quả gây sốc. Một đội rất mạnh có thể thua một đội rất yếu, dù thường là ở vòng bảng.

Đó chính là sự hấp dẫn của bóng đá thế giới khi khán giả được chứng kiến ​​​​các quốc gia bóng đá lớn nhất bị khuất phục bởi các đội tưởng dễ bị đánh bại. Từ việc tuyển Mỹ đánh bại tuyển Anh năm 1950, Bắc Hàn đánh bại Ý năm 1966, Senegal đánh bại đương kim vô địch Pháp năm 2002; và Algeria, trong lần xuất quân đầu tiên trong một kỳ World Cup, đã đánh bại Tây Đức năm 1982…, lịch sử World Cup tràn ngập những điều bất ngờ.

Kể từ những ngày xa xưa khi công tác tuyển trạch còn sơ khai và khi kiến ​​thức về bóng đá của một quốc gia chỉ giới hạn bên trong biên giới mình thì trình độ cách biệt là lẽ đương nhiên. Nhưng nhiều thập niên qua, khi giao lưu quốc tế được mở rộng hơn, các cầu thủ đã có nhiều cơ hội thể hiện bản thân, đặc biệt là trong các câu lạc bộ bóng đá truyền thống ở châu Âu và Nam Mỹ. Được cọ sát thường xuyên, trình độ và thể lực cũng được san bằng dần – nhà bình luận Ben Morse viết trên CNN.

Kết quả là ngày càng có nhiều cầu thủ tài năng được sản sinh trên khắp thế giới. Giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của FIFA, Arsène Wenger, nhận định: “Vòng bảng phản ánh tính cạnh tranh ngày càng cao của bóng đá. Kết quả vòng bảng năm nay cho thấy nhiều quốc gia đã có đầy đủ công cụ cần thiết để cạnh tranh ở cấp độ cao nhất. Đó là nhờ có sự chuẩn bị và phân tích đối thủ tốt hơn và tiếp cận công nghệ bình đẳng hơn. Đây cũng nằm trong nỗ lực của FIFA nhằm tăng tính cạnh tranh của bóng đá trên phạm vi toàn cầu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: