Ông Tuấn “TQ” Nguyễn, người Mỹ gốc Việt tranh cử Thượng nghị sĩ liên bang

Năm 2024, trong khi Hoa Kỳ đang chuẩn bị bầu cử tổng thống và có thể sẽ diễn ra cuộc tái đấu giữa ông Trump và ông Biden, một số người Mỹ gốc Việt cũng đang vận động tranh cử ở các cấp khác nhau, trong đó có ông Tuấn “TQ” Nguyễn ở Florida, đang tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ.

SGN có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Tuấn “TQ” Nguyễn để tìm hiểu thêm về quyết định ứng cử thượng nghị sĩ liên bang của ông.

HDN: Xin Ông có thể nói vài lời, giới thiệu bản thân với cộng đồng người Việt được không?

TQN: Vâng, tôi là Tuấn Nguyễn, và đối với cử tri người Mỹ thì tôi sử dụng TQ Nguyen cho họ dễ đọc. Tôi rời khỏi Việt Nam trong những năm đầu của thập niên 1980 và sau đó đã sống chu du ở nhiều nước. Tôi đến Hoa Kỳ năm 1997 và đã định cư tại tiểu bang Florida từ năm 2003.

Về ngành nghề, tôi tốt nghiêp kỹ sư điện tử và sau 20 năm làm việc, tôi đã chọn làm việc trong lãnh vực bất vụ lợi để đóng góp vào nỗ lực giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, nạn nhân buôn người và nạn nhân bị đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.

HDN: Theo ông, đâu là những vấn đề lớn nhất trong chính trị Hoa Kỳ hiện nay?

TQN: Vấn đề lớn nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ hiện nay là tính đảng tranh (partisanship) gay gắt giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, không những làm đình trệ các chương trình tốt đẹp cho người dân và đất nước Hoa Kỳ, mà còn gây phân hóa, chia rẽ giữa người dân Mỹ với nhau. Trong khi đó thì các thế lực bên ngoài gia tăng lấn lướt và thách thức vị trí siêu cường số một của Hoa Kỳ và ngoại giao, kinh tế, tài chánh và địa chính trị (geopolitics).

HDN: Vì sao ông quyết định tham gia ứng cử thượng nghị sĩ ở Florida, đặc biệt với tư cách ứng cử viên độc lập?

TQN: Như đã trình bày ở trên, sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng hiện nay làm trì trệ tiến trình phát triển của Hoa Kỳ. Thậm chí một số chính sách hay có thể bị gạt bỏ vì bên này không muốn bắt tay với bên kia.

Tiểu bang Florida thường là nơi có xu hướng tương đối trung dung, trong khi tiểu bang California thì ngả về phe Dân Chủ và Texas thì ngả về phe Cộng Hòa. Những năm gần đây thì Florida cũng trở thành hồng hơn, tức là ngả theo đảng Cộng Hòa nhiều hơn trước, nhưng vẫn còn có cơ hội cho một ứng cử viên độc lập hơn là hai tiểu bang cực tả và cực hữu nói trên.

Cử tri độc lập tại Florida chiếm đến 26% (2024).

Thượng nghị sĩ đương nhiệm tham gia tái tranh cử năm nay là ông Rick Scott (CH) 71 tuổi. Tôi cảm thấy mức sáng suốt và thông minh của ông ta sa sút đáng kể. Đặc biệt là năm 2023, ông ta tuyên bố sẽ đề nghị làm lại tất cả các bộ luật sau 5 năm. Người nào theo dõi tiến trình lập pháp tại Hoa Kỳ trong nhiều năm qua có thể nhận ra được là thông qua được một đạo luật trong bối cảnh đảng tranh là việc cực kỳ gian truân, hoàn toàn không dễ, nên việc đề nghị làm lại tất cả các bộ luật trong 5 năm là một suy nghĩ khá hoang tưởng và không thực dụng chút nào.

Lý do sau cùng nhưng không kém quan trọng là theo luật bầu cử tại Florida, ứng cử viên nào đạt được số phiếu cao nhất thì sẽ thắng cử mà không nhất thiết phải đạt được hơn 50% số phiếu bầu. Một viễn cảnh giả định là nếu tôi may mắn được 34% và mỗi ứng cử viên của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ được 33% phiếu thì tôi sẽ là người thắng cử.

HDN: Theo ông, vì sao một người chuyên bầu cho Đảng Cộng Hòa hoặc Đảng Dân Chủ ở Mỹ nên bầu cho ông trở thành thượng nghị sĩ lần này?

TQN: Khi nói đến ứng cử viên độc lập thì hầu như phản ứng đầu tiên của nhiều người sẽ là bác bỏ và cho rằng đây là thành phần phá bĩnh, lấy mất một vài phần trăm phiếu làm cho phe “địch” được thắng cử. Quan điểm mang tính đảng tranh hẹp hòi này rất phổ biến.

Tôi ra tranh cử độc lập trên một góc độ khác; mong muốn giúp cho các chương trình của cả hai đảng được tăng cơ hội được thực hiện.

Tôi biết khi nói đến đây thì nhiều người sẽ cho rằng “Làm gì có chuyện có thể giúp cả hai bên? Chỉ có thể giúp bên này và không giúp bên kia thôi.” Để giải tóa vướng mắc này, tôi xin phép đưa ra một thí dụ như sau.

Giả định một thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa có một chính sách vừa hay vừa đúng đắn và đưa vào Thượng Viện. Điều gì sẽ xảy ra? Đa số các thượng nghị sĩ Dân Chủ sẽ không muốn với tay qua làn ranh để ủng hộ. Tình huống tương tự dĩ nhiên cũng xảy ra khi một thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ đề nghị chính sách từ phe của họ.

Điều này đưa đến một hệ lụy nghiêm trọng: những chính sách tốt vẫn không được khai thác hay ít ra sẽ bị đình trệ – vì tính đảng tranh.

Tuy nhiên, nếu cũng một dự luật đó được đưa vào bởi một thượng nghị sĩ độc lập thì đa số các thượng nghị sĩ đều có lý do ủng hộ mà không sợ bị chê trách là “phản bội đảng” hay là “ủng hộ phe đối nghịch.”  Điều này có thể hiểu được và thông cảm phần nào vì họ sẽ phải đối diện với cử tri của họ trong đợt bầu cử kế tiếp.

Một thượng nghị sĩ độc lập sẽ là chất xúc tác để thông qua các dự án tốt đẹp thông thường bị đình trệ vì tính đảng tranh, và giúp thông qua các dự án với tỉ số cao để tổng thống cũng không thể phủ quyết.

HDN: Ông có những ưu tiên và chính sách nào người Mỹ gốc Việt có thể quan tâm?

TQN: Những chính sách của tôi đều nhằm phục vụ cho người dân Mỹ nói chung (bao gồm người Mỹ gốc Việt). Dĩ nhiên là có nhiều vấn đề tồn đọng cần phải giải quyết, nhưng trước mắt, tôi chỉ xin đề nghị 4 chương trình quan trọng và cấp bách. Đó là xây tường biên giới để ngăn chặn làn sóng di dân lậu, hoàn thiện chính sách đối ngoại phù hợp với nguy cơ từ ngoại bang, đầu tư vào giáo dục và cải tổ (bảo hiểm) y tế.

Ở tầm nhìn rộng hơn, tôi nhìn thấy sự giao thoa giữa quyền lợi của Hoa Kỳ và của người Mỹ gốc Việt và cả người dân Việt Nam nữa. Trung Quốc đã trở mình trỗi dậy để trở thành một siêu cường quốc kinh tế và quân sự – so với Liên Xô thì đáng kể hơn nhiều vì Liên Xô chỉ là một siêu cường quân sự. Một thế giới dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ thì tốt hơn cho Hoa Kỳ và cho Việt Nam, tốt hơn cho người dân Mỹ (bao gồm người Mỹ gốc Việt). Ngược lại, một thế giới khống chế bởi siêu cường Trung Quốc thì vô cùng tai hại cho Hoa Kỳ, sẽ đảo lộn mọi trật tự kinh tế tài chánh do Hoa Kỳ thiết lập ra từ thế chiến thứ hai. Và dĩ nhiên là sẽ nguy hiểm cho việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Vì vây, tôi đề nghị một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và nhất quán, trong đó bao gồm  Việt Nam trở thành một đối tác chiến lược thực thụ của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên điều đó yêu cầu Việt Nam phải chuyển hóa để chấp nhận những giá trị căn bản và tự do và dân chủ của Hoa Kỳ, và đó là lý tưởng mà tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta vẫn theo đuối từ nhiều năm qua.

Quý đồng hương có thể vào trang mạng letsbe-american.com để tìm hiểu thêm. Xin cám ơn cô Hải Di đã dành thì giờ cho buổi phỏng vấn. Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của đồng hương trên toàn nước Mỹ. Xin đa tạ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: